(GLO)- Những năm qua, Gia Lai đã tập trung triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư theo tinh thần Quyết định 33/2013/QĐ-TTg ngày 4-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình bước đầu mang lại hiệu quả, nhưng vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục.
Hạ tầng được củng cố
Cụ thể hóa Quyết định 33/2013/ QĐ-TTg ngày 4-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện 10 dự án định canh, định cư tập trung và 100 dự án định canh, định cư xen ghép với nguồn kinh phí hơn 123,6 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển là 48,6 tỷ đồng và nguồn vốn sự nghiệp hơn 75 tỷ đồng.
Khu định canh, định cư buôn H’Lan, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa. Ảnh: N.D |
Đối với 10 dự án định canh, định cư tập trung, vốn hỗ trợ cho 664 hộ dân đến nơi định cư mới là 17 triệu đồng/hộ, trong đó 15 triệu đồng hỗ trợ làm nhà ở, phát triển sản xuất, mua lương thực 6 tháng đầu tính từ khi đến điểm định canh, định cư; 2 triệu đồng/hộ di chuyển từ nơi ở cũ sang nơi ở mới. Ngoài ra, nguồn vốn còn hỗ trợ nhân viên y tế và nhân viên khuyến nông. Cũng từ nguồn vốn của chương trình, các địa phương tập trung đầu tư hoàn thiện mạng lưới hạ tầng cơ sở giúp người dân yên tâm sinh sống, làm ăn trên vùng đất mới.
Theo đó, các dự án đã san gạt 24 ha đất ở tạo nền nhà cho các hộ định canh, định cư; khai hoang 29 ha đất tạo quỹ đất sản xuất, làm trên 13 km đường giao thông, đầu tư 10 công trình điện sinh hoạt, 21 công trình nước sinh hoạt, 6 nhà sinh hoạt cộng đồng, 7 lớp học, nhà mẫu giáo… Tổng kinh phí đầu tư thực hiện các phần việc trên là hơn 52,6 tỷ đồng. Đến nay, một số địa phương đã đưa dân vào sinh sống tại khu vực định canh, định cư tập trung. Bà Nay H’Tranh (buôn H’Lan, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) cho biết: “Gia đình đến sống tại nơi định canh, định cư mới vào năm 2016. Nơi ở mới có điện, đường, trường học”.
Việc triển khai dự án định canh, định cư xen ghép đã làm cho bộ mặt các làng đồng bào dân tộc thiểu số khởi sắc. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã hoàn thành 94/100 dự án định canh, định cư xen ghép. Ông Hoàng Văn Triều-Chủ tịch UBND xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) cho biết: “Dự án định canh, định cư xen ghép của xã tập trung các hạng làm đường giao thông để thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Nhiều hộ dân tự nguyện lùi hàng rào để mở rộng đường bê tông đúng quy chuẩn, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa…”.
Khảo sát thực tế cho thấy, việc thực hiện của dự án định canh, định cư xen ghép rất đa dạng. Các địa phương tập trung làm đường giao thông, công trình nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ sản xuất… Theo tổng hợp của HĐND tỉnh, giai đoạn 2013-2016, các dự án định canh, định cư xen ghép đã làm mới 37,43 km đường giao thông, 1 công trình điện sinh hoạt, nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng, lớp học… Đặc biệt, đã hỗ trợ trực tiếp cho 839 hộ dân với tổng kinh phí trên 15,1 tỷ đồng, bình quân 1 hộ được hỗ trợ 18 triệu đồng.
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, việc đầu tư các dự án định canh, định cư đã làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về tập quán sinh hoạt, sản xuất từ du canh du cư đến định canh, định cư. Nhiều hộ trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giao lưu văn hóa, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo… là tiền đề quan trọng góp phần tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong vùng. Ông Võ Văn Dũng-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh đánh giá: Mặc dù Trung ương bố trí vốn chậm nhưng việc thực hiện các dự án cơ bản đạt mục tiêu đề ra, tạo điều kiện cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn du canh du cư có nơi ở ổn định, có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Còn nhiều bất cập
Khu tái định canh, định cư tập trung buôn Chư Wâu (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) có một bể nước lớn nhưng bên trong lại không có nước. Trưởng thôn Nay Ưu cho hay: Bể nước này được xây dựng từ năm 2015. Hiện tại đang là mùa khô nên bể không có nước. Hiện nay, việc thu tiền điện các hộ gia đình dùng nước gặp khó khăn do số lượng nhân khẩu khác nhau. Ngoài ra, tại làng còn có một trường mầm non được xây dựng khang trang nhưng có rất ít học sinh. Còn tại làng Mít Com 1 (xã Ia O, huyện Ia Grai), công trình nước bị nhiễm phèn khiến cuộc sống người dân gặp không ít khó khăn. Theo nhìn nhận của lãnh đạo các địa phương, nhiều hạng mục các công trình thuộc dự án định canh, định cư chưa phát huy hết hiệu quả như mong đợi.
Bên cạnh các công trình nước sinh hoạt, hiện nay, đa số địa phương không còn quỹ đất dự trữ nên rất khó tìm những khu vực có đủ mặt bằng đất ở, đất sản xuất nguồn nước thuận lợi để quy hoạch xây dựng khu tái định cư tập trung.
Vốn chậm đã gây khó khăn cho việc thực hiện dự án định canh, định cư. Thực tế cho thấy, nguồn vốn bố trí có hạn, dự án kéo dài nhiều năm, cấp vốn chậm nên không theo kịp giá cả thị trường, gây khó khăn cho công tác triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, phụ cấp cho khuyến nông viên và y tế thôn làng thực hiện chưa đồng bộ. Đặc biệt, hầu hết người dân ở những khu tái định canh, định cư tập trung chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất… Ông Trần Cao Nguyên-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kông Chro nói: Vốn đầu tư chậm, suất đầu tư thấp trong khi giá cả biến động. Bên cạnh đó, khi lập dự án do không khảo sát kỹ dẫn đến có hộ thừa, hộ thiếu đất sản xuất. Nước sinh hoạt bể to nhưng không có nước, hiệu quả sử dụng phòng học còn thấp. Cũng vì nguồn vốn về chậm nên một số hộ dân đã vươn lên ổn định cuộc sống hoặc hỗ trợ từ các dự án khác nên một số địa phương dư vốn trả lại như huyện Phú Thiện trả lại gần 1 tỷ đồng, huyện Krông Pa trả lại 500 triệu đồng.
Kiểm tra khu định canh, định cư tại huyện Krông Pa. Ảnh: N.D |
Cần giải pháp đồng bộ
Thực tế triển khai chương trình đòi hỏi các cấp, các ngành cần có những giải pháp thiết thực phù hợp với điều kiện thực tiễn giúp dân ổn định nơi ở mới.
Ông Nguyễn Hữu Chí-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nhấn mạnh: Theo quy định, một khu định canh, định cư phải có tối thiểu 70% số hộ được sử dụng điện lưới, nước sinh hoạt và phải giảm được hộ nghèo 2-3%/năm. Do vậy, các địa phương phải có quy hoạch bài bản để thu hút người dân vào ở. Còn ông Trần Cao Nguyên-Bí thư Huyện ủy Kông Chro thì khẳng định: Trong những năm tới, ngành chức năng cần tham mưu cấp bìa đỏ cho dân, tiếp tục giúp bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm… Đặc biệt, tỉnh nên có tổng kết đánh giá và có văn bản hướng dẫn để các địa phương biết và linh động sử dụng nguồn kinh phí hợp lý.
Trong đợt giám sát chuyên đề về định canh, định cư do Ban Dân tộc HĐND tỉnh tiến hành mới đây, ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng: Cần tiếp tục phát huy những thành quả đạt được để giúp bà con hưởng lợi nhiều hơn nữa từ dự án định canh, định cư.
Thông qua kết quả giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng đã kiến nghị Chính phủ một số giải pháp như tiếp tục rà soát bổ sung đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số còn du canh, du cư thụ hưởng chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần giải quyết cho các địa phương tạm ứng vốn để thực hiện trước các dự án được phê duyệt. Các địa phương sớm hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Đặc biệt, tập trung khảo sát thực tế trước khi đầu tư xây dựng các công trình, tăng cường giám sát kiểm tra chất lượng các công trình. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy tập quán, ổn định sản xuất từng bước thoát nghèo.
Nguyễn Diệp