Địa chỉ đỏ của người dân khi đau ốm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trạm Y tế xã Ia Băng (huyện Đak Đoa, Gia Lai) là địa chỉ đỏ của người dân trong xã và lân cận mỗi khi ốm đau. Những năm gần đây, Trạm Y tế xã Ia Băng luôn có số lượt bệnh nhân khám-chữa bệnh (KCB) và xin thuốc cao nhất nhì huyện Đak Đoa.

Hơn 5.000 lượt trường hợp thăm khám/năm

Trạm Y tế xã Ia Băng đảm nhiệm công tác KCB ban đầu và làm công tác dự phòng cho nhân dân 12 thôn, làng trong xã. Trạm Y tế xã Ia Băng hiện có 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 2 nữ hộ sinh, 1 điều dưỡng và 1 dược sĩ. Đội ngũ y tế tại công tác tại trạm y tế được đào tạo bài bản ở các trường y dược có uy tín trong cả nước. Từ năm 2000, Trạm Y tế xã Ia Băng đã có 1 bác sĩ. Đây là trạm đầu tiên trong huyện Đak Đoa có bác sĩ. Hiện tại ở trạm đã được trang bị máy siêu âm. Những yếu tố trên đã tạo điều kiện cho công tác chăm sóc sức khoẻ của người dân gặp nhiều thuận lợi.

Theo thống kê của Trạm Y tế xã Ia Băng, những năm gần đây, trạm dẫn đầu các trạm Y tế của huyện Đak Đoa về số lượt bệnh nhân thăm khám. “Năm 2017, trạm đón tiếp hơn 6.000 trường hợp thăm khám. Năm 2018, trạm đã thăm khám cho hơn 5.000 lượt. Quý I năm 2019, tại trạm đã đón tiếp khoảng 900 trường hợp bệnh nhân. Hàng năm, bệnh nhân đến KCB ở trạm đông lắm. Ngoài người dân ở trong xã thì người dân các xã lân cận đến KCB tại trạm tương đối nhiều. ”-Bác sĩ Phan Thị Thái-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Băng chia sẻ.

 Bác sĩ Thái hám bệnh cho cháu Nuế. Ảnh: N.T
Bác sĩ Thái khám bệnh cho cháu Nuế. Ảnh: N.T



Có mặt tại Trạm Y tế  xã Ia Băng vào một buổi chiều đầu tháng 3 năm 2019, chúng tôi ghi nhận có khoảng 20 trường hợp đến thăm khám và xin thuốc uống. Đưa con trai đến trạm khám bệnh, chị Bluk (trú thôn Brông Thông, xã Ia Băng) chia sẻ: “Sáng nay, con tôi khóc nhiều, người bị nóng và uể oải nên tôi đưa đến đây khám. Bác sĩ khám bảo cháu bị viêm đường hô hấp trên và đã cho thuốc uống. Gia đình chúng tôi thuờng lên trạm khám khi đau ốm”.

Song song với công tác KCB ban đầu, hàng năm, đội ngũ y tế tại Trạm Y tế xã Ia Băng chú trọng công tác dự phòng và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. 2 năm gần đây, tại xã Ia Băng không ghi nhận các bệnh truyền nhiễm ở người như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét… Để có được điều này là sự nỗ lực hết mình của đội ngũ y tế tại trạm. Trạm thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông vận động người dân nghiêm chỉnh thực hiện các hoạt động tự phòng bệnh. Trạm cũng tổ chức phun hóa chất diệt trừ mầm bệnh. Mặt khác, Trạm y tế xã Ia Băng còn làm tốt các chương trình tiêm chủng mở rộng cho bà mẹ và trẻ em trên địa bàn. Trong năm 2018, tỷ lệ tiêm chủng đạt 96%. Trong quý I năm 2019, Trạm Y tế xã Ia Băng đã tổ chức 2 đợt tiêm vắc xin cho trẻ em toàn xã.

Một trong những thành tích đáng ghi nhận của Trạm Y tế xã Ia Băng là việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc sinh nở của chị em. “Xã có 12 thôn thì có 8 thôn người dân tộc thiểu số. Trước đây, người dân tộc thiểu số còn xem nhẹ việc sinh nở của sản phụ, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để thay đổi cách nghĩ của họ. Bằng việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông lồng ghép tuyên tuyền trực tiếp bằng miệng trong các buổi họp làng, xã. Nhờ đó, nhận thức của người dân trong xã về sinh nở của sản phụ chuyển biến tích cực. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mang thai đến khám ở trạm đông và không còn ghi nhận trường hợp tự sinh con ở nhà, họ đưa đến các cơ sở y tế hết”-bác sĩ Thái cho biết.

Còn đó những khó khăn

Để đạt được thành tích ghi nhận trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân, đội ngũ y tế ở Trạm Y tế xã Ia Băng phải hết sức nỗ lực, bởi còn đó những khó khăn. Toàn xã có khoảng 12.000 nhân khẩu thì dân tộc thiểu số chiếm 70%. Dân cư đông khiến công tác KCB và dự phòng bệnh tật gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc vận động người dân tộc thiểu số tự phòng chữa bệnh tật. “Trạm có 6 người, đều là nữ giới mà số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh hàng ngày đông nên áp lực nhiều. Ngoài ra, đường giao thông nông thôn chưa đảm bảo nên chị em đi tuyên tuyền, phòng dịch ở thôn rất vất vả, nhất là vào mùa mưa. Dân cư đông nên hoạt động dự phòng chống bệnh truyền nhiễm ở người cũng nhiều khó khăn”-bác sĩ Thái cho hay.

Trạm Y tế xã Ia Băng còn gặp nhiều khó khăn do trụ sở có dấu hiệu xuống cấp. Gần 20 năm sử dụng, trụ sở trạm đã xuống cấp, nhiều vết nứt xuất hiện trên tường.“Trạm xây theo mô hình cũ, chỉ có 3 phòng chức năng mà diện tích phòng nhỏ. Khi bệnh nhân tới khám đông thì chật chội. Chúng tôi phải kê ghế trước hiên để người bệnh ngồi chờ tới lượt. Cực nhất là mùa mưa, trụ sở trạm có nhiều chỗ bị dột và ẩm mốc. Trạm y tế đã nỗ lực hết mình để đảm bảo sức khoẻ ban đầu cho người dân và chung tay xây dựng xã Ia Băng đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2020. Nhưng cơ sở trạm xuống cấp thế này thì không biết khi chấm có đảm bảo tiêu chí không? ”-Trạm trưởng Trạm Y tế Ia Băng cho biết thêm.

Bên cạnh tình trạng thiếu nước sạch cũng là một trong những khó khăn của trạm. Dù có giếng nước nhưng đến mùa khô là thiếu nước và nhiễm bẩn. Thiếu nước sạch ảnh hưởng nhiều đến công tác vệ sinh cá nhân, rửa dụng cụ phục vụ khám chữa bệnh. Thiếu nước khiến vườn cây thuốc nam của trạm thường xuyên bị khô héo do nắng nóng. Tại Trạm Y tế xã Ia Băng vẫn chưa có hệ thống xử lý rác thải và nước thải y tế. Một số lượng  ít rác thải y tế được chở về Trung tâm y tế huyện đốt bằng lò. Phần còn lại được xử lý bằng phương pháp chôn lấp và đốt thông thường. Tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường....

NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm