Đi tìm Kỳ lân châu Á: Vào 'thủ phủ' sao la

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lần cuối cùng sao la (tên khoa học Pseudoryx nghetinhensis) được nhìn thấy trong tự nhiên cách đây đã hơn 20 năm.
 
Tượng mô phỏng sao la trên dãy Trường Sơn đặt tại H.A Lưới (Thừa Thiên -Huế). ẢNH: HOÀNG SƠN
Từ đó đến nay, bất chấp các nỗ lực tìm kiếm, sao la vẫn chưa một lần xuất hiện trước mắt các nhà bảo tồn. Bởi sự bí ẩn đó mà loài động vật này được giới nghiên cứu gọi tên khá ly kỳ - “kỳ lân châu Á”.
Tìm hiểu cuộc sống sao la được người ta ví như một cuộc cút bắt mà ở đó sao la “lang thang” đâu đó trên các cánh rừng già của dãy Trường Sơn, còn con người cứ mãi lần theo, rồi mừng vui dù chỉ gặp... dấu chân của nó.
 
Nhân viên Khu bảo tồn sao la Quảng Nam cắt rừng, vượt suối thực hiện công tác bảo tồn loài sao la quý hiếm. ẢNH: HOÀNG SƠN
Theo dấu “kỳ lân”
Con mưa giông ập xuống giữa trưa khiến mặt đường Hồ Chí Minh (nối H.Tây Giang, Quảng Nam qua H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) đầy rêu trở nên trơn trượt. Chúng tôi cho xe chạy chậm qua những cánh rừng nguyên sinh, thi thoảng bắt gặp những đàn khỉ chuyền cành tìm nơi trú ẩn. Đường Hồ Chí Minh, đoạn từ A Tép về đến xã A Roàng (H.A Lưới) dài khoảng 60 km cùng những cánh rừng lân cận được “sử sách chép lại” là nơi cư trú của loài sao la. Ở đây, sao la xuất hiện và “cho” con người nhìn thấy dày hơn các nơi khác.
Đi tìm lá sonr
Già A Lăng Lấp “cắt nghĩa” đồng bào Cơ Tu gọi sao la là song sonr vì loài vật này rất thích ăn loại lá tên sonr; trước đây khi cắt rừng sâu bẫy thú, ông đã nhiều lần gặp loại lá này. Tuy nhiên, người bản địa như anh Lê Ka Thắng lại chưa từng thấy. “Trong công tác bảo tồn sao la, việc nhận biết chuỗi thức ăn của nó rất quan trọng. Tôi có nghe nhiều người già nói về loại lá này, dù nhiều lần cắt rừng đi tìm nhưng cũng khó tìm như… sao la vậy”, anh Thắng nói.
Người Tà Ôi bản địa gọi sao la là a ngao. Từ xa xưa, dân A Roàng đã đặt bẫy và bắt được nó. Họ chỉ biết rằng thịt sao la cũng có mùi thơm như con nai, con hoẵng... nhưng không biết rằng sinh vật này là loài thú mới. Năm 1992, sao la được phát hiện lần đầu tiên tại vùng núi Vũ Quang (Hà Tĩnh), nhưng các phát hiện tại Vũ Quang không giá trị bằng tại A Lưới khi người dân bắt được trong lúc đi rừng và khi chúng vào rẫy ăn sắn.
Chúng tôi tìm gặp ông Viên Xuân Liên (người Tà Ôi, trú tại xã A Roàng, hiện là nhân viên Khu bảo tồn (KBT) sao la Thừa Thiên-Huế) và biết chuyện khá nhiều người dân địa phương vô tình bắt được sao la. “Sao la to ngang con sơn dương. Ở má của nó có “hoa văn” rất đẹp. Ngày xưa nhiều người vẫn ăn thịt sao la mắc bẫy”, ông Liên kể. Năm 1997 - 1998, khi làm rẫy tại khu vực ngày nay là ngã ba đường Hồ Chí Minh và đường 74, người dân đã bắt được 2 - 3 con sao la vào ăn sắn... Câu chuyện ông Liên kể cũng trùng khớp với các tài liệu do chúng tôi thu thập được. Cụ thể, vào tháng 5.1998, đàn chó săn của người dân A Roàng đã vây ráp một con sao la cái đang mang thai, trọng lượng khoảng 80 kg.
Ông Liên nhớ lại, hồi năm 1998, một người dân xã A Roàng khi vào khu vực rừng nguyên sinh thuộc thôn Bụt (xã Hương Nguyên cũ, giáp ranh xã A Roàng) đã phát hiện một con sao la. Sau đó, người này thông báo cho Hạt Kiểm lâm H.A Lưới thả về tự nhiên. “Thời điểm mở đường Hồ Chí Minh vào năm 2002, tại tiểu khu 345 và 348, sát khu vực khe Chà Lệnh ngày nay cũng có một con sao la cái mang thai bị mắc bẫy. Gần đây nhất vào năm 2004, tại Khe Ốc, trên đường 74, một con sao la mắc bẫy rồi chết và bị người dân ăn thịt”, ông Liên xót xa. Thời điểm đó, công tác bảo tồn loài động vật này vẫn chưa được quan tâm.
Sẽ rất thiếu sót nếu không vào những bản làng của xã Bha Lêê (H.Tây Giang) để gặp và nghe những già làng kể chuyện về con song sonr (tiếng Cơ Tu gọi sao la). Bởi đây là địa phương giáp ranh xã A Roàng, nơi đóng chân của KBT sao la Quảng Nam. Hai KBT sao la Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế liền kề nhau và cùng ghi nhận sự xuất hiện của loài này. Hiện ở nhiều bản làng, người dân vẫn còn cất giữ những cặp sừng sao la hiếm hoi.
 
Ông A Lăng Lấp kể lại câu chuyện bắt được 2 con sao la vào năm 1980. ẢNH: HOÀNG SƠN
“Mục kích” sừng sao la
Chúng tôi năm lần bảy lượt tìm gặp già A Lăng Nhương (70 tuổi, trú tại thôn Đan, xã Bha Lêê) để xin “mục kích” cặp sừng sao la. Nhưng ông cứ lắc đầu từ chối. Người dân địa phương bảo già A Lăng Mô (trú thôn Tà Làng, cùng xã) cũng có đến 4 cặp sừng sao la khá dài, nhưng ông được cho là “chẳng bao giờ cho người lạ tiếp cận” nên không dám ngỏ lời. Đang định bỏ cuộc, chúng tôi mừng như bắt được vàng khi nhận được điện thoại của anh Lê Ka Thắng (nhân viên KBT sao la Quảng Nam). “Tôi có ông chú trong họ tên A Lăng Lấp. Ông giữ 2 cặp sừng sao la cách đây đã mấy chục năm, không biết nay còn không”, anh Thắng bật mí.
Loài thú lớn bí ẩn
Theo ông Lê Hoàng Sơn, Phó giám đốc KBT sao la Quảng Nam, từ năm 1992, khi phát hiện ra loài thú lớn sao la trên khu vực rộng lớn từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, kể cả Xê Sap (Lào), các nhà khoa học vẫn chưa thể thống kê được mà chỉ đánh giá qua công tác điều tra. “Số lượng vào năm 1999 được ước lượng trên dưới 200 cá thể và cũng qua quá trình điều tra thông tin chứ khó có thể đo đếm chính xác được. Điều đó cho thấy khu vực trung Trường Sơn rất khác biệt và bí hiểm. Ngay sau khi thành lập KBT vào năm 2011, chúng tôi phát hiện thêm mang lớn và mang Trường Sơn. Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, vẫn chưa ai nhìn thấy sao la trong tự nhiên. Nó vẫn là loài động vật bí hiểm với những cái tên được huyền thoại hóa”.
Chúng tôi theo chân anh Thắng lội bộ, cắt suối đến nhà ông Lấp giữa lưng chừng núi. Thấy người cháu họ đến thăm, sau một hồi trao đổi bằng tiếng Cơ Tu, ông Lấp dè dặt nói bằng tiếng Kinh như thể ướm hỏi khách lạ: “Cho xem sừng sao la rồi tôi có bị bắt không?”. Anh Thắng cười trấn an người chú, rằng đó là chuyện quá khứ… Sau 2 lớp khóa, ông mở cửa tủ lấy ra 2 cặp sừng màu đen rất đẹp. Một cặp dài khoảng 45 cm, cặp còn lại 40 cm. Ông bắt đầu câu chuyện: “Năm 1980, rẫy nhà tôi cách đây khoảng 2 km về phía nam bị thú hoang phá hoại liên tục. Tôi vào rừng đốn lồ ô rồi làm 10 bẫy thọc đặt khắp rẫy. Hồi đó, theo tập tính săn bắt của đồng bào, cứ 3 ngày tôi lại đi thăm bẫy một lần và phát hiện cả 2 con sao la chết cách bẫy khoảng 10 m”.
Ngày đó, khi đưa 2 con sao la về, cả làng tụ tập đánh chiêng, đánh trống suốt đêm. Ăn thịt xong, ông Lấp giữ lại chiếc đầu với cặp sừng còn dính trên sọ rồi treo tại gươl làng như là “vật chứng” chiến công. Riêng thôn Tà Làng có đến 5 - 7 cặp sừng. Theo mô tả của ông Lấp, con sao la đầu tiên giống đực, sừng dài và to hơn sơn dương, nặng khoảng 70 kg. Con sao la thứ 2 giống cái, nhẹ hơn với phần sừng ngắn hơn. Sao la có dấu chấm dọc má kéo dài lên tận mắt. Con cái có màu chấm trắng, con đực chấm trắng ngả vàng. “Từ năm 1980, tôi không nhìn thấy con sao la nào nữa”, ông Lấp nói.
Theo quan sát của chúng tôi, sừng sao la có dấu hiệu nhận diện rất đặc biệt. Phần gốc tròn và vuốt nhọn, hơi cong về phần ngọn. Còn ông Lấp với nhiều năm đi rừng quả quyết, trong rừng Trường Sơn, sao la là loài có cặp sừng đẹp nhất so với các loài động vật có sừng khác. Trên sừng nó có những vết xéo nghiêng từ gốc lên phần ngọn. So với sừng sơn dương, sừng sao la dài hơn. Bằng những kiến thức về công tác bảo tồn sao la, anh Lê Ka Thắng khẳng định, cặp sừng tại nhà ông Lấp là của sao la.
Ông Lấp cởi bỏ hẳn tâm lý dè dặt ban đầu, khi có cán bộ KBT dẫn chuyện. Ông bảo, đồng bào Cơ Tu quan niệm khi có cặp sừng cùng móng guốc của sao la trong nhà sẽ xua đuổi tà ma, bệnh tật, nhất là bệnh sốt rét rừng. “Khi nghe tin sao la quý hiếm, tôi cẩn thận cất lại 2 cặp sừng này để cho con cháu xem, biết về loài thú này mà bảo tồn. Từ khi có KBT, người dân không ai dám bắt động vật hoang dã nữa mà chuyển sang báo tin cho kiểm lâm để khoanh vùng theo dõi”, ông nói. (còn tiếp)
Hoàng Sơn-Huy Đạt (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.