Đi tìm 'Đa tình con mắt Phú Yên'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bâng khuâng lẫn băn khoăn khi ngó trong di cảo của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cái câu “ Đa tình con mắt Phú Yên”…

Thi nhân Tản Đà đã có một cuộc đi, một cuộc chơi hơi bị hoàng tráng (một chuyến chơi xanh cỏ/ Giải yếm lòng trai mải phất cờ - ý thơ Hoàng Cầm). Cuộc chơi ấy khởi đầu từ làng quê Khê Thượng từ ngày 25 tháng 3 năm Nhâm Tuất (1922) và ngày hồi cố quê cũ là 4 tháng 9 năm Giáp Tuất (1934).

Cuối cuộc, thi sĩ đã "tổng kết" lộ trình ăn chơi của mình bằng bài thơ Thú ăn chơi đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy (ra ngày 27/12/1934)

"Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có, cửa nhà thời không/ Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông/ Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly/ Túi thơ đeo khắp ba kỳ/ Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng... Hà tươi của biển Tu-ran/ Long Xuyên chén mắm, Nghệ An đĩa cà/ Sài Gòn nhớ vị cá tra/ Cái xe song mã, chén trà Nhất Thiên/ Đa tình con mắt Phú Yên/ Hữu tình rau bí ông quyền Thuận An/ Cơn ngâm Chợ Lớn chưa tàn/ Tiệc xòe lại có Văn Bàn, Vũ Lao/ Chấn Phòng đất khách cơm Tàu/ Con ca xứ Huế, cô đầu tỉnh Thanh/ Mán Sừng cái bánh chưng xanh/ Huê Kỳ tiệc bánh Tin lành nhớ ai/ Sơn Dương, sò huyết Hòn Gai/ Đồng Sành cá đối, Giáp Lai lợn rừng/ Vân quan, Hoành lĩnh xe từng/ Con tàu "ca-nốt" trông chừng Mê Kông/ Tuồng Bình Định, rạp Phú Phong/ Ô Nam nước mắm, tỉnh Đông chè tàu...".

Đầm Ô Loan

Đầm Ô Loan

Đại loại thế! Tinh những địa danh nơi chốn ăn chơi giăng khắp Bắc Trung Nam…

Còn có một câu mà lẩn mẩn ngó tới ngó lui trong số hơn 300 bài thơ của Di cảo thơ Tản Đà nhưng không thấy (hoặc chưa thấy?) mà trước nay nhiều người, nhiều sách dẫn, trích coi đó là thơ Tản Đà viết về Phú Yên về đầm Ô Loan. Ấy là câu:

Lấy chi vui với thu tàn/ Phú Câu cước cá Ô Loan miếng hàu.

Có người coi đó là ca dao. Đã đành thơ Tản Đà nhiều bài gần gụi và nhuốm phong vị ca dao. Nhưng cái câu trên nó hơi bị lỉnh kỉnh, đậm cốt cách của thi sĩ Tản Đà!

Thi sĩ Tản Đà

Thi sĩ Tản Đà

Như vậy có hai thứ “đặc sản” của đất Phú trời Yên đã “ ám” vào Tản Đà. Thứ hàu Đầm Ô Loan và “con mắt đa tình” nào đó!

Tôi đương nghĩ đến cái lần hiếm hoi ghé xứ Nẫu Phú Yên (hiện vẫn chưa xác định được thời gian lẫn địa điểm) trong một cuộc rượu với mấy thi nhơn cùng món hàu trứ danh Đầm Ô Loan, thi sĩ Tản Đà những là đắc ý cùng cao đàm khoát luận. Tôi đồ rằng thi hứng thì ít mà cao khoát cái thú ẩm thực hơi bị nhiều! Nhiều nhỉnh bởi trữ lượng thú ẩm thực của Tản Đà tiên sinh hơi bị tày tặn. Có vận cái câu hơi bị thô dĩ thực dĩ ẩm vi tiên (lấy cái ăn uống làm đầu) vào tiên sinh cũng chả mấy chuế? Tiên sinh từng có cái thú (nếu điều kiện dư dả cho phép) bắc hẳn cái hỏa lò bên bàn viết vừa nhậu vừa đùa chơi vừa nhẩn nha với con chữ đó sao? Đến tá túc lâu lâu ở nhà bạn nạy cả nền gạch nhà người ta lên để giâm mấy dảnh húng cho đỡ tẻ những cuộc rượu!

Thứ rượu Tản Đà tiên sinh dùng cùng bạn bầu thuở ấy ở Phú Yên chưa hay là loại gì? Nhưng dứt khoát, thứ đưa cay phải có sò huyết Đầm Ô Loan. Chẳng phải bỗng dưng lại nảy nòi ra “ Lấy chi vui với thu tàn/ Phú Câu cước cá ( vi cá mập) Ô Loan miếng hàu” Hàu Ô Loan!? Ô Loan cũng có giống hàu. Nhưng hậu thế đồ rằng thi sĩ đang nhắm đương trỏ, đang gọi tên con sò huyết đầm Ô Loan đó! Xứ nước mặn nước lợ duyên hải nước Nam cơ man nào là giống hàu, sò. Nhưng phải là giống sò đầm nước lợ Ô Loan mới là đáng nể, đáng nhậu.

Huyền thoại đầm nước này được người xưa đặt ghép theo tên loài chim Ô và chim Loan để thành tên đầm Ô Loan. Cái chất nước lợ Ô Loan rất thích hợp với giống sò. Sò Ô Loan con nào cũng mập ú tày tặn. Gần bùn, nằm trong bùn mà chẳng vướng chi mùi bùn. Vỏ cứ phau phau hoặc trầm một sắc nâu rất hội họa. Khẽ nạy ra thì cứ đày đặn một khối mềm mướt, roi rói như son… Dám cam đoan, tiên sinh Tản Đà sau một khẩu sò và hớp rượu ngang thật lực thì chỉ khà một tiếng…

Sách vở từng chép đẫy ra cái thú, cái thói nhậu của Tản Đà tiên sinh. Rằng với chỉ con dao cau (dao bổ cau mỏng như lá lúa sắc lẹm) thi sĩ cứ thế xếp bằng, rung đùi xẻo nguyên cả một cái thủ lợn trong bữa cỗ tam sinh ở nhà một người bạn. Nhớn như con cá mè, nhỏ như giống giếc sâm cầm cũng không thoát khỏi nhỡn lực ẩm thực của Tản Đà khi ông phán cho nhà bếp cho gia nhân thành những món miếng này khác! Vv…

Tản Đà "định nghĩa" về ẩm thực như này:

"Đồ ăn không ngon thời không ngon. Chỗ ăn không ngon thời không ngon. Không có người cùng ăn cho ngon thời không ngon..." hoặc: "Ăn là tất cả một nghệ thuật, mà nghệ thuật ăn nhiều khi lại khó hơn nghệ thuật viết văn".

Nói chuyện văn chương ông cũng bị “ám” cái sự ẩm thực: "Văn chương có giống như mâm gỏi. Đĩa cá lạng, đĩa dấm ngọt thời người thường dễ ăn. Còn miếng mắt, miếng xương phải đợi con nhà gỏi... Văn chương có giống như thịt chim: xào, thuôn nướng, chả thì dễ chín, hấp cách thủy lửa không đến mà nhừ”

Khác Tản Đà ồn ào bặm trợn, Nguyễn Tuân vốn khảnh khót điệu nghệ đã từng phát khiếp trước cái thú ẩm thực của tiên sinh “Có một hôm, những người đang tắm biển ở bãi tắm Sầm Sơn bỗng giật mình, vì thấy Tản Đà bơi một mình ra mũi Kẻ Cổ Rùa, nơi chỉ có những người bơi tài và mạo hiểm mới dám ra. Tưởng để làm gì, hóa ra ông cố bơi ra đấy để "nhậu" tại trận. Ngồi trên tảng đá sống trâu, ông tháo bầu rượu dắt ở thắt lưng ra, mở nút và tu ừng ực, rồi lấy mũi dao nhọn nạy những con hàu đang bám vào đá, tợp chúng với rượu một cách ngon lành giữa một vùng đỏ ối bóng tà dương... " (Tản Đà, một kiếm khách - Tao Đàn 1939)

Đường mang tên Tản Đà hôm nay

Đường mang tên Tản Đà hôm nay

Những trữ lượng thông tin đại loại ấy cho phép tôi liên tưởng đến cuộc hành quyết nhiệt tình những đĩa hàu đĩa sò huyết Ô Loan tươi rói chỉ tráng qua chút lửa than hoa được lần lượt đưa vô mâm có vị tửu đồ Tản Đà đương ngất ngưỡng!

Cái người lữ khách đương nợ nần ngập đầu ngập cổ đương ôm nỗi sầu bất đắc chí lâm vào phá sản nợ nần (sau khi làm được 10 số báo An Nam tạp chí, số đầu tiên ra ngày 1/7/1926) đã phẫn chí cùng hứng chí ghé đất Phú Yên.

Đó là một tay ghê gớm! Ghê gớm như thứ trích tiên ghé hạ giới Phú Yên và để lại ở đất Phú Yên chỉ mỗi một câu thơ. Cái câu Đa tình con mắt Phú Yên đã khiến hậu thế những lẩm bẩm những nhắc thầm cùng tấm tắc mãi không thôi.

Tôi những muốn tò mò lẫn riết róng xuội theo cái lý của không ít người Phú Yên vốn yêu Tản Đà rằng, dứt khoát trong khoảng thời gian ngắn ngủi lưu lại ở Phú Yên, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu phải có mối tâm giao cùng thâm giao? Tóm lại dứt khoát phải có một mối tình tầm cỡ sét đánh?

Nhưng chợt đâm hoảng! Chao ôi một Tản Đà ngông, Tản Đà say, Tản Đà buồn, Tản Đà mơ mộng… Bậc thi sĩ trứ danh của những “Khối tình lớn” “Khối tình con” “ Mộng lớn mộng con” ấy! Cái giống thi nhân đa tình ấy có khi cũng chỉ bâng quơ lẫn bâng khuâng một ánh mắt, một ánh nhìn ai đó? Kẻ đa tình gặp người đa tình vậy thôi!

Nói chi thì nói, trên văn đàn, từ thời Tản Đà dằng dặc tới nay, người ta mắc nợ nhau, nhất là người đất Phú trời Yên vẫn băn khoăn chủ nhân cặp mắt đa tình mà Tản Đà từng bắt, gặp được “sóng” ấy là ai vậy?

Tôi đang cố mường tượng khi ở thành phố Phú Yên có một con đường đẹp nối với Tháp Nhạn, danh thắng nổi tiếng mang tên Tản Đà!

Một thổ công Xứ Nẫu, ông bạn Phan Thanh Bình làm báo Phú Yên đã chỉ cho con đường ấy. Con đường đẹp mang tên thi sĩ Tản Đà ra đời tháng 3 năm 1946 do Ủy ban kháng chiến Phủ Tuy Hòa đặt!

Tôi không muốn nghiêng về cái lẽ trước nay, lấy tên danh nhân nơi khác xứ khác mà đặt tên đường phố âu cũng là nhẽ thường?

Đường Tản Đà.

Thêm phần kính nể các nhà chức việc có trách nhiệm coi sóc quản trị cái Phủ Tuy Hòa còn tuềnh toàng đơn sơ ấy. Thời ấy chắc chi đã có Quỹ tên đường? Vậy mà ai đó trong bận rộn tất “cái thuở ban đầu dân quốc ấy” đã bừng thức đến cái tên thi sĩ Tản Đà. Và chắc hẳn, nhà chức việc của chế độ mới ấy ít nhiều có chút mộng mơ liên tài với thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu? Rằng người ấy thể nào mà chả nghĩ đến chuyến từng ghé Xứ Nẫu với hai thứ “đặc sản” quê nhà “đa tình con mắt Phú Yên” cùng con sò huyết Đầm Ô Loan trứ danh đã “ám’’ vào thi sĩ Tản Đà?

Và đáng nể, ý tưởng ấy lại được cả một tập thể chánh quyền mới Tuy Hòa chuẩn thuận! Và cái tên đường Tản Đà ấy tồn tại đến tận ngày nay.

Cũng cần nói thêm, đúng 70 năm trước, tại khu vực đường Tản Đà, ngày 21/6/1954 Trung đội đặc công B15 thị xã Tuy Hòa phối hợp Trung đội đặc công Liên khu 5 tập kích vào nhiều mục tiêu của địch trong nội thị. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, ta loại khỏi vòng chiến đấu trên 100 tên địch, phá hủy trên 150 xe quân sự, một kho xăng dã chiến. Ta hy sinh 3 đồng chí, bị thương 1 đồng chí. Tuy trận đánh nhiều mục tiêu với lực lượng ít, nhưng đạt hiệu suất chiến đấu cao, góp phần đánh bại cuộc hành quân Át -lăng của thực dân Pháp.

Năm 2022, UBND thành phố Tuy Hòa và UBND phường 1 đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh - Di tích lịch sử địa điểm diễn ra trận đánh đường Tản Đà.

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...