Di tích chiến thắng Đak Pơ: Kết nối du lịch liên vùng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hội tụ các giá trị về lịch sử và kiến trúc, Di tích chiến thắng Đak Pơ có thế mạnh trong kết nối các tuyến, điểm du lịch phía Đông và phát triển du lịch liên vùng.

“Chiến trường xưa”

Qua thị trấn Đak Pơ theo quốc lộ 19 về hướng TP. Pleiku, có thể quan sát trọn vẹn Di tích chiến thắng Đak Pơ trên đỉnh đồi cao. Đỉnh ngôi đền thiêng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong trận đánh lừng lẫy 70 năm trước như chạm vào trời xanh Trường Sơn-Tây Nguyên.

Gần 10 năm làm thuyết minh viên tại Di tích chiến thắng Đak Pơ, chị Phạm Thị Mỹ Dung (Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Pơ) chia sẻ: “Mỗi cuộc gặp gỡ với các nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh, tôi lại có thêm những câu chuyện tích lũy dần để làm dày dặn thông tin giới thiệu đến người dân, du khách. Công việc cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên, nhất là mỗi khi gặp thân nhân các liệt sĩ. Họ đau đáu nguyện vọng tìm lại hài cốt người thân. Có người kể lại kỷ niệm với người cha, người anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi này.

Tôi cố gắng tìm thêm thông tin để thuyết minh, lan tỏa giá trị của chiến thắng Đak Pơ đến với đông đảo người dân và du khách, đồng thời hy vọng giúp ích cho việc tìm kiếm 147 hài cốt liệt sĩ nằm lại đâu đó đến giờ vẫn chưa tìm thấy”.

Di tích chiến thắng Đak Pơ có thế mạnh trong kết nối và phát triển du lịch liên vùng nhờ hội tụ các giá trị về lịch sử và kiến trúc. Ảnh: H.N

Di tích chiến thắng Đak Pơ có thế mạnh trong kết nối và phát triển du lịch liên vùng nhờ hội tụ các giá trị về lịch sử và kiến trúc. Ảnh: H.N

Theo chị Dung, ngoài khu vực Đền tưởng niệm, Tượng đài chiến thắng, du khách có thể tìm hiểu về trận đánh lừng lẫy được ví như một bản anh hùng ca của thế kỷ XX tại nhà trưng bày. Tại đây có trên 100 hiện vật, hình ảnh tư liệu, trang phục của bộ đội ta (được phục chế tại Bảo tàng Quân khu 5), sách ảnh, sa bàn giới thiệu chiến thắng Đak Pơ, sách ảnh giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của cố Thượng tướng Nguyễn Minh Châu-nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96, người trực tiếp chỉ huy trận đánh Đak Pơ.

Ngoài ra, còn có nhiều hình ảnh quân Pháp thất thần trong sự thất bại, tan rã; niềm vui của người dân khi quê hương được giải phóng; hay chân dung của vị chỉ huy trận đánh thời trẻ với ánh mắt cương nghị đầy quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Tuy số lượng hiện vật không nhiều nhưng cũng đủ làm nên thước phim quay chậm về lịch sử.

Bên trong Nhà trưng bày. Ảnh: H.N

Bên trong Nhà trưng bày. Ảnh: H.N

Chị Dung thông tin thêm: “Có những hiện vật đặc biệt của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Minh Châu do con gái ông cùng con cháu trong gia đình mang từ TP. Hồ Chí Minh về gửi tặng. Hay cuốn sách “Chiến thắng đường 19 An Khê-Đak Pơ Liên khu V trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954” của Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 96 (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân) đều rất quý; hiện chỉ còn 2 cuốn, trong đó 1 cuốn lưu trữ tại Thư viện huyện và 1 cuốn trưng bày tại đây”.

Điểm kết nối du lịch

Nằm trên quốc lộ 19 nối với cửa ngõ phía Đông là thị xã An Khê, Di tích chiến thắng Đak Pơ có thế mạnh trong kết nối các tuyến, điểm du lịch phía Đông và phát triển du lịch liên vùng. Ông Nguyễn Lê Hoàng Anh-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch sinh thái Gia Lai (Gialai Eco-Tourist) cho biết: “Khách quốc tế nói chung, khi đưa họ đến các tuyến, điểm du lịch phía Đông, giới thiệu trận đánh của Quân đội Việt Nam thắng Pháp trên đường 19 này thì họ bị thu hút và rất tò mò. Do vậy, Di tích chiến thắng Đak Pơ được đưa vào chương trình tour của chúng tôi từ hàng chục năm nay.

Đây là tuyến điểm du lịch chiến trường xưa rất hay, kết nối thêm với các điểm liên quan tại thị xã An Khê thì càng hay. Ai quan tâm lịch sử đều muốn đến. Đặc biệt là khách quốc tế, họ rất muốn biết trong gian khổ, phải dựa vào rừng núi hiểm trở thì người dân làm ra lúa gạo như thế nào, tiếp tế lương thực ra sao để có thể chiến thắng những đế quốc hùng mạnh như Pháp, Mỹ. Tuy vậy, sức hấp dẫn của di tích còn phụ thuộc vào quy mô, tính chất di tích, hướng dẫn viên, những câu chuyện họ kể cho du khách”.

Di tích chiến thắng Đăk Pơ tọa lạc trên một ngọn đồi hướng về quốc lộ 19. Ảnh: H.N

Di tích chiến thắng Đăk Pơ tọa lạc trên một ngọn đồi hướng về quốc lộ 19. Ảnh: H.N

Bà Bùi Thị Thương-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ: “Thời gian qua, UBND huyện phối hợp với thị xã An Khê và các huyện Kbang, Kông Chro cùng sự hỗ trợ của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình du lịch chuyên đề về văn hóa-lịch sử. Trong đó có việc kết nối các di tích như: Nhà lao Pleiku, Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, Di tích sơ kỳ Đá cũ, Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, Di tích chiến thắng Đak Pơ. Qua đó hình thành điểm đến chung để kết nối các địa phương lân cận, góp phần thúc đẩy du lịch huyện Đak Pơ nói riêng và của tỉnh nói chung”.

Đánh giá cao giá trị Di tích chiến thắng Đak Pơ trên cung du lịch phía Đông, ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-khẳng định: “Đây là khu vực giàu tài nguyên du lịch bậc nhất tỉnh. Trong đó, Di tích chiến thắng Đak Pơ là điểm đầu, kết nối huyện Kbang và thị xã An Khê thành “tam giác” ở phía Đông.

Từ đây mở đầu để đi tiếp vào Làng kháng chiến Stơr, qua Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong và trở ra với các di sản đặc biệt ở thị xã An Khê. Kết hợp các di tích lịch sử với thắng cảnh thiên nhiên ở Trường Sơn Đông, đây là một tuyến điểm đáng trải nghiệm không đâu bằng”.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng cho rằng: “Đã nói du lịch thì phải có sản phẩm có sức hấp dẫn nhất định với khách du lịch thuần túy, chứ không chỉ là các đoàn cựu chiến binh, học sinh, đoàn viên, thanh niên hay các ban, ngành, đoàn thể đến tham quan, học tập.

Vì vậy, để phát huy được giá trị qua con đường du lịch, cần học hỏi những mô hình thành công ở các địa phương mạnh về loại hình này, chọn lọc cách làm để áp dụng phù hợp cho di tích của mình”.

Thế hệ trẻ huyện Đăk Pơ tìm hiểu về lịch sử trận đánh qua hình ảnh, tư liệu. Ảnh: H.N

Thế hệ trẻ huyện Đăk Pơ tìm hiểu về lịch sử trận đánh qua hình ảnh, tư liệu. Ảnh: H.N

Về phía địa phương, bà Bùi Thị Thương-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: “Để phát huy giá trị của Di tích chiến thắng Đak Pơ, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hoạt động du lịch. Tăng cường chất lượng và thời lượng các tin, bài, hình ảnh quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của huyện nhà. Thường xuyên cập nhật tư liệu, hình ảnh, phóng sự quảng bá du lịch gửi đến trang web du lịch của tỉnh, liên kết với trang thông tin điện tử của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để chia sẻ, giới thiệu sản phẩm văn hóa du lịch giữa các địa phương.

Tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao do tỉnh tổ chức nhằm giới thiệu văn hóa, con người huyện Đak Pơ, tham gia các hội chợ du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm du lịch của huyện cũng như tiếp cận du khách, nhà đầu tư, các hãng lữ hành lớn để tìm kiếm cơ hội liên kết phát triển”.

Có thể bạn quan tâm

Với diện tích hơn 413.511 ha, cao nguyên Kon Hà Nừng sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều thắng cảnh phù hợp cho du lịch sinh thái. (Ảnh đơn vị cung cấp).jpg

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng

(GLO)- Bên cạnh các giải pháp như xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường thì đẩy mạnh truyền thông là một trong những giải pháp hữu hiệu được đưa ra tại diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được tổ chức ngày 15-11 tại TP. Pleiku.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Vào dịp cuối năm, khu vực núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh)  khoác lên mình chiếc áo vàng óng ả của những vạt hoa dã quỳ bung tỏa. Năm nay, Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya với nhiều hoạt động thú vị đã thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm, check-in.