Di dời dân để tư nhân trục lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Người dân ở đây bảo, “muốn biết dự án Khu dân cư, tái định cư xã Phước Tân (KDC-TĐC) thuộc TP.Biên Hòa thuộc thể loại nào của luật, làm lợi cho dân hay tư nhân, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chỉ cần “tạt ngang” dự án sẽ nhận được ngay tờ bướm với những lời có cánh “Rủng rỉnh túi tiền, mua liền đất đẹp” của nhân viên Công ty bất động sản đã được chủ dự án giao cho bán nền.

“Cò đất” sẽ tư vấn hết sức nhiệt tình nên mua “lướt” ra sao, mua lại của ai lúc nào bán thì khả năng lời cao…”.

Qua tìm hiểu, điều tra của PV Báo Lao Động: Những văn bản với những con chữ lạnh lùng liên quan đến quy hoạch dự án tại xã Phước Tân do lãnh đạo tỉnh Đồng Nai ban hành là hoàn toàn không đứng về lợi ích người dân...

 

Mua bán đất tại dự án Khu dân cư, tái định cư xã Phước Tân (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Mua bán đất tại dự án Khu dân cư, tái định cư xã Phước Tân (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Nước mắt nuốt ngược

Trong vai “đại gia” Sài Gòn đi “săn” đất, chúng tôi tấp ngay vào đầu đường lớn dự án Khu dân cư, tái định cư xã Phước Tân (KDC-TĐC) thuộc TP.Biên Hòa - Đồng Nai của Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát (Công ty An Hưng Phát). Lâm (không nêu tên thật), môi giới đất thuộc 1 sàn giao dịch bất động sản được công ty này giao bán một phần dự án, cầm vội xấp tờ rơi bán đất, phát như bươm bướm cho đoàn, miệng liến thoắng: “Các anh lướt hay ở”. “Sài Gòn về đây thì để “lướt” chứ!” - tôi khệnh khạng.

Chở chúng tôi ngoằn ngoèo trên con đường đất đá lổn nhổn nham nhở, Lâm bảo, hầu như tất cả nền của dự án, hàng nghìn nền, diện tích từ 84m2 đến hơn 100m2 đã có chủ. Chỉ lô ký hiệu là LT6 là còn để bán nhưng là nền tái định cư, giá cũng 10 triệu/m2, chưa kể phải đóng cỡ 200 triệu tiền hạ tầng và tiền sổ đỏ. Tóm lại, mua đất này cũng phải trên 1,2 tỉ/100m2, lại mang tiếng là… tái định cư và sàn giao dịch đất không nhận bán lại.

“Thậm chí, ngay cả mấy lô biệt thự sát sông, chỉ mới hình thành trên giấy này, nhiều anh ở trên cũng đã lấy hết rồi”. Lâm kể, cả khu dự án hơn 49 ha này, giá mở bán ban đầu chỉ từ 8-9 triệu/m2 và cháy hàng ngay tức khắc bởi các nhà đầu tư từ khắp nơi ùn ùn về vét. Giờ muốn thì chỉ có thể mua lại nền từ khách, với giá với giá từ 16-19 triệu/m2 tùy vị trí.

Lấy cớ tìm đất dân liền kề gạ mua để “ăn theo” dự án, chúng tôi chào Lâm và tiếp cận những người dân khắc khổ đang thẫn thờ tựa vào bức tường đầu con hẻm nhỏ xíu gần đó nhìn cảnh mua bát đất như bán rau.

Đó là những người dân còn ở lại quyết đòi công bằng. Họ dẫn chúng tôi qua con đường nhỏ xíu bì bõm nước, ngoằn ngoèo qua những ngôi nhà gạch bị đập toang hoác, qua những mảnh vườn xác xơ héo úa, là khu vực vừa bị cưỡng chế hoặc sắp bị. Có khoảng 150 hộ dân khu vực tổ 1A và 1B, ấp Đồng, xã Phước Tân phải di rời giải tỏa cho dự án này. Hơn 100 hộ đã phải “cuốn gói”, nhưng vẫn còn hàng chục hộ ở lại khiếu nại.

Không bức xúc sao được, khi theo bảng tổng hợp số liệu bồi thường, hỗ trợ về đất của cơ quan chức năng Đồng Nai thì hầu hết diện tích đất dự án KDC-TĐC được tính đền bù ở đây từ 110.000 đồng đến 260.000 đồng/m2 (đất nông nghiệp), hơn 643.000 đồng - 1,8 triệu đồng/m2 (đất thổ cư). Trong khi đó, gần như toàn bộ nền trên… giấy đã bị vét sạch, dù hạ tầng còn dang dở. Và hiện nay, ngay trước mắt người dân, hàng ngày người ta “lướt sóng”, kiếm tiền như “chảo chớp”.

“Con cháu tôi, dòng tộc tôi đóng góp cùng với tích cóp hơn 40 năm đi làm, tôi mới mua được mảnh đất này, đặng làm vườn trái, làm cái nhà cho con cháu quây quần. Giờ tan hoang cả. Tôi là Đảng viên, hơn 40 năm làm công chức, tôi hiểu chứ, tôi luôn nói bà con ở đây ủng hộ chính sách nhà nước. Nhưng phải làm đúng chứ!” - ông Cù Huy Đạm (một trong những hộ dân có đất bị giải tỏa ở đây) nghẹn ngào.

Còn ông Trần Công Thu (ấp Đồng), người lính chiến trường biên giới phía Bắc năm xưa, nghẹn lời cho biết, trên mảnh đất hơn 1000m2 này, nhờ trồng rau, nuôi ếch giống, gia đình ông mỗi năm thu hơn 150 triệu đồng, cũng thoải mái nuôi con cái ăn học (1 cháu học đại học, 1 cháu tật nguyền). Giờ, ông cố giữ đất, nhưng xung quanh đã san lấp hết nên ngập úng, không sản xuất được nữa. “Cần câu cơm gia đình tôi nguy cơ thất bát rồi!” - ông Thu rưng rưng!

Tôi không thể kể hết nhưng bức xúc của hàng chục hộ dân nơi đây, bởi trang giấy có hạn. Nhưng có một sự thật phũ phàng, chủ trương chính sách nhà nước, khi di dời, giải tỏa thì phải đảm bảo cuộc sống người dân tốt hơn hoặc chí ít bằng nơi cũ. Thực tế ngược lại!

 

Dự án KDC-TĐC tai xã Phước Tân đã bán hết nền trên giấy, trong khi cơ sở hạ tầng vẫn... sình lầy.
Dự án KDC-TĐC tai xã Phước Tân đã bán hết nền trên giấy, trong khi cơ sở hạ tầng vẫn... sình lầy.

Thủ tướng chưa phê duyệt, tỉnh đã triển khai

Điều bất ngờ với chúng tôi là hầu như người dân đang khiếu nại ở dự án này đều từ chối nói đến tiền bồi thường nhiều hay ít. Câu hỏi đầu tiên họ mong được trả lời ngay tại cuộc đối thoại mới diễn ra, nhưng vẫn chưa ai trả lời: “Tại sao Thủ tướng chưa chấp thuận mà tỉnh đã triển khai dự án?”.

Điều tra của chúng tôi, tháng 9.2013, Công ty An Hưng Phát gửi văn bản số 81 đề nghị được đầu tư giai đoạn 1 dự án KDC-TĐC tại xã Phước Tân. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai lúc bấy giờ là bà Phan Thị Mỹ Thanh (người vừa bị Ban Bí thư Trung ương Đảng kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng), ký văn bản số 7655/UBND-ĐT ngày 18.9.2013 thống nhất chủ trương cho Công ty An Hưng Phát lập quy hoạch giai đoạn 1 dự án với diện tích hơn 49 ha.

Điều đáng nói, dự án trên ảnh hưởng đến đất lúa, phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi chuyển mục đích sử dụng. Tuy nhiên, trong chính văn bản 7655/UBND-ĐT ngày 18.9.2013,bà Phan Thị Mỹ Thanh vẫn ký duyệt lập quy hoạch dự án với lý do “nhằm tiết kiệm thời gian và để đẩy nhanh tiến độ triển khai khu tái định cư trên địa bàn TP.Biên Hòa...”.

6 tháng sau, dù Thủ tướng vẫn chưa có ý kiến (tới tháng 5.2014 Thủ tướng mới có ý kiến), bà Thanh đã ký, cấp giấy phép quy hoạch số 12 ngày 19.3.2014 cho Công ty An Hưng Phát triển khai lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 KDC-TĐC xã Phước Tân.

Sự vội vàng đáng ngờ còn thể hiện tại văn bản số 8131/UBND-ĐT vẫn do bà Phan Thị Mỹ Thanh ký về việc thỏa thuận địa điểm của dự án tại ấp Miễu xã Phước Tân. Nhưng thực tế, dự án nằm tại ấp Đồng và Chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai lúc đó phải “vội” làm văn bản… đính chính.

Ông Trần Công Thu (hộ dân có đất bị giải tỏa) nói: “Giả sử Thủ tướng và các bộ, ngành tham mưu không đồng ý thì sao? Lấy lý do làm nhanh để đáp ứng tiến độ triển khai khu tái định cư cho các dự án Biên Hòa nhưng giờ này, sau 5 năm rồi, đất nền dự án người ta bán “siêu tốc” hơn, còn tái định cư vẫn… lèo tèo!”.

“Uốn” luật cho tư nhân trục lợi?

 

Ông Trần Công Thu: Ai hưởng lợi nhìn biết ngay mà.
Ông Trần Công Thu: Ai hưởng lợi nhìn biết ngay mà.

Đây mới là sự bức xúc lớn nhất của người dân. Điều tra của chúng tôi: Tại giấy phép quy hoạch số 12 ngày 19.3.2014 do chính bà Phan Thị Mỹ Thanh ký, cấp cho Công ty An Hưng Phát ghi rõ “Là khu dân cư thương mại, đồng thời đáp ứng mục tiêu tái định cư trên địa bà TP.Biên Hòa…”.

Quyết định số 458/QĐ-UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án KDC-TĐC xã Phước Tân thể hiện, phần diện tích dành cho nhà ở xã hội và TĐC chỉ hơn 4,7 ha đất, tức chưa đến 10% diện tích của dự án. Đồng nghĩa, toàn bộ diện tích khoảng 45,2 ha đất còn lại của dự án sẽ được đầu tư nhằm mục đích kinh doanh thương mại.

Theo quy định tại điều 73 Luật đất đai 2013 thì việc sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất thì người dân trong quy hoạch có thể thỏa thuận trực tiếp với chủ đầu tư về giá đất bồi thường.

Ngành chức năng Đồng Nai “chọn” ai? Tháng 2.2015, Sở TNMT Đồng Nai có văn bản 425 hướng dẫn thủ tục thu hồi đất dự án trên. Theo đó, sở này viện dẫn khoản 3, điều 62 Luật đất đai 2013 cho rằng, dự án KDC-TĐC tại xã Phước Tân thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất để… phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Tất nhiên, như vậy thì “quá sướng” cho chủ đầu tư bởi nhà nước sẽ áp giá và sẽ có “công cụ” để giải tỏa nếu như dân không đồng thuận.

Nhưng khoản 3, điều 62, Luật đất đai 2013 (Thực hiện các dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất) thì dự án do nhà nước thu hồi đất bao gồm: Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp…

Chúng tôi buộc phải liệt kê chi tiết như vậy để thấy rõ, cái tên dự án KDC- TDC tại xã Phước Tân không thuộc đối tượng nào trong số trên. Nếu cố “ghép” là dự án tái định cư thì thực tế diện tích tái định cư chỉ 1/10 diện tích thương mại nên càng không thể “cưỡng bức”.

Thế nhưng, thừa “lệnh” tỉnh, UBND TP.Biên Hòa đã áp giá đền bù, thu hồi đất dân và thực hiện cưỡng chế “quyết liệt, nghiêm túc” với những nông dân nghèo, gây nên bao bức bối, khiếu kiện.

Ngô Nguyên/laodong

Có thể bạn quan tâm

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.