"Tuấn về nước hơn 7 tháng rồi mà chưa có chỗ làm. Việc phù hợp với nó thì không ai nhận. Việc không phù hợp thì nó chẳng chịu. Gần 20 năm học hành, 3 năm kinh nghiệm đi làm, chẳng lẽ lại ngược xuôi giao hàng cho người ta?".
Tôi có người bạn trải lòng cảnh cậu con trai đi du học tài chính ở Úc về, đang dài cổ đợi việc trong thời khó này.
Tuấn, con bạn tôi, học đại học tài chính, đã làm ngân hàng 3 năm ở TP.HCM trước khi quyết định du học ở Úc. Cậu may mắn về nước trước tết, hồi tên dịch COVID-19 còn chưa xuất hiện. Nhưng nghỉ tết xong, khi cậu nộp đơn xin việc thì dịch lan rộng cả thế giới. Thời điểm hầu hết doanh nghiệp gắng giữ được nguyên trạng đã quý, mấy ai có điều kiện mở rộng cửa đón người mới.
Gần 30 lá đơn xin việc Tuấn gửi đi, hầu hết đều rơi vào im lặng. Một vài nơi phản hồi, nhưng công việc và thu nhập lại không như cậu mong muốn. Biết Tuấn bị stress nặng, bạn mẹ cậu gửi lời: "Hay con qua phụ việc tạm ở quán cô?". Việc nấu nướng, bưng bê ở quán ăn hoàn toàn không phù hợp với Tuấn. Nếu nhận lời, cậu chỉ có việc chạy xe máy chở thùng giao đồ ăn cho khách.
Tuấn cười như mếu, không lắc cũng không gật, tiếp tục dài cổ thất nghiệp.
Và ở thời điểm hiện nay, Tuấn chỉ là một trong rất nhiều người cần việc mà việc thì không cần người. Tổng cục Thống kê vừa có những số liệu nặng nề: Trong 51,8 triệu lao động có việc làm trong quý 2 năm nay, có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Trong đó 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ gia tăng trên cả nước.
Ai cũng biết "thế giới phẳng" này chẳng có nền kinh tế nào khép kín mà vẫn phát triển được. Cả thế giới điêu đứng vì dịch bệnh, Việt Nam bị ảnh hưởng theo là điều khó tránh. Nhiều đại diện ở các trung tâm môi giới việc làm đều cho biết chính họ cũng đang thất nghiệp, vì chẳng có nhiều việc để kết nối thành công cho người đang "đói" việc.
Sau khi Việt Nam cơ bản khống chế được dịch bệnh, một số ngành nghề đang có dấu hiệu dần phục hồi nhưng vẫn còn kém xa so với năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, quý 2 này tỉ lệ thất nghiệp trong nhóm có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên giảm so với quý 1 nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhóm lao động trình độ chuyên môn thấp hoặc không chuyên môn lại tăng mạnh. Dịch và hệ lụy kinh tế khó khăn không chừa một ai.
Hôm nay Tuấn vừa chat với tôi rằng cậu đang chuẩn bị chồng đơn xin việc mới để qua tuần tiếp tục tìm "thời vận". Nhưng hình như Tuấn đã thấu hiểu tình cảnh chung, đã bớt "cái tôi" du học về mà không xin được việc. Bởi đâu riêng gì cậu, bao người khác, từ anh thạc sĩ, cô cử nhân, cao đẳng đến bà hàng chợ, cô ôsin giúp việc nhà đều đang cố gắng xoay xở mưu sinh.
Tuấn bắt đầu đồng quan điểm với tôi cũng như nhiều người khác rằng phải có "kế hoạch" để vượt qua thời khó này. Thứ nhất là hãy tiết kiệm và tiết kiệm ngay lập tức để không sa lầy túng quẫn, nợ nần. Thứ hai là chấp nhận (và vui vẻ) làm tạm những việc có thể làm được, dù không phù hợp chuyên môn để giải quyết chuyện mưu sinh trước mắt. Cuối cùng và quan trọng nhất là vẫn tập trung củng cố, học hành thêm chuyên môn để sẵn sàng đón nhận việc làm phù hợp ở ngày mai tươi sáng hơn.
Chính phủ đang nỗ lực tập trung phục hồi kinh tế, xúc tiến việc làm. Doanh nghiệp nào cũng đang cố gắng vươn lên lại. Người lao động cũng nên có kế hoạch vượt qua thời khó và sẵn sàng năng lực đáp ứng được ngày việc gọi tên mình.
Bởi quy luật kinh tế suy thoái sẽ phát triển trở lại. Đêm dài nào rồi cũng qua đi, để Mặt trời lại rọi sáng.
Theo QUỐC VIỆT (TTO)