Để trường nghề bứt phá - Bài 3: Những cái bắt tay tiền tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Vượt qua vòng xét tuyển gắt gao, tôi được về Trung tâm Đào tạo công nghệ kỹ thuật của Công ty TNHH KHKT Goertek Vina học tiếp 2 năm về kỹ năng mềm - cứng, đặc biệt được thực tập trực tiếp trên hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại. Chính việc được 'nhào nặn' thực tế trong môi trường chuyên nghiệp nên kiến thức, kỹ năng của chúng tôi được nâng cao rõ rệt'. Đó là chia sẻ của sinh viên Nguyễn Văn Phước, năm 3 ngành Điện tử, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang sau giờ học tại trung tâm.
Xưởng thực hành ngành Công nghệ ô tô cơ sở 3 rộng trên 1.000m2 của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: QUANG HUY

Xưởng thực hành ngành Công nghệ ô tô cơ sở 3 rộng trên 1.000m2 của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: QUANG HUY

Giảng đường trong doanh nghiệp

Có mặt ở Trung tâm Đào tạo công nghệ kỹ thuật của Công ty TNHH KHKT Goertek Vina - doanh nghiệp chuyên nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm linh kiện kết cấu điện tử, thiết bị thông minh… - nơi đang có trên 30.000 lao động làm việc, chúng tôi không khỏi bất ngờ với quy mô giảng đường gồm 15 phòng học được xây dựng trên diện tích 2.100m2, được đầu tư bài bản, hiện đại. Ông Kim Davis, Giám đốc Trung tâm Đào tạo công nghệ kỹ thuật, cho biết, Goertek Vina muốn hưởng ứng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của GDNN, đáp ứng thị trường lao động chất lượng cao kết hợp nhu cầu phát triển kinh doanh bền vững của tập đoàn tại Việt Nam.

Vì vậy tháng 4-2022, Công ty TNHH KHKT Goertek Vina đã thành lập Trung tâm Đào tạo công nghệ kỹ thuật nhằm liên kết đào tạo với 5 trường cao đẳng (3 trường ở Bắc Ninh, 1 ở Bắc Giang và 1 ở Thái Nguyên) theo mô hình đào tạo 1+1+1 (năm một học lý thuyết tại trường cao đẳng, năm hai được đào tạo tại trung tâm đào tạo công nghệ kỹ thuật, năm ba được thực tập tại doanh nghiệp có hưởng lương). Quy mô đào tạo cho 500 sinh viên trong cùng thời điểm và 1.200 lượt sinh viên/năm với 2 chương trình: Thực tập sinh và đào tạo định hướng theo địa chỉ đặt hàng.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh (BCEC) Trương Văn Tâm, BCEC hiện có 150 sinh viên các nghề điện tử công nghiệp tham gia mô hình 1+1+1. Năm nhất các em học tại trường, qua năm hai thì ngoài được học tập rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp, mỗi năm sinh viên còn được Goertek Vina hỗ trợ học bổng 12 triệu đồng và nhận lương khi thực tập năm ba. “Đây là mô hình mới, lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam nhưng thực sự mang lại hiệu ứng tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, mô hình này giúp các trường nghề giải được bài toán ngân sách trong mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cho dạy - học. Sự hợp tác hai bên cùng có lợi này không thể tính được bằng vật chất”, ThS Trương Văn Tâm bày tỏ.

ThS Tô Thị Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang thông tin thêm, năm học 2023-2024, trường sẽ tuyển sinh 50 em nghề Điện tử công nghiệp để đào tạo theo mô hình 1+1+1. Điều kiện là các em tốt nghiệp THPT và vượt qua vòng sơ tuyển của Công ty TNHH KHKT Goertek Vina. Trong tương lai, nhà trường sẽ tiếp tục hợp tác đào tạo các nghề Công nghệ thông tin và Điện công nghiệp với 150 chỉ tiêu.

“Chủ động” của trường nghề

Là một trong số ít cơ sở GDNN thuộc tốp đầu miền Bắc, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (HCEM) đã xác định hướng tới cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường theo triết lý đào tạo “Chất lượng - Hiệu quả - Nâng tầm - Hội nhập”. HCEM đã đầu tư mạnh mẽ, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng 3 cơ sở vật chất, máy móc thiết bị hiện đại tại Hà Nội và Vĩnh Phúc nhằm đáp ứng tiêu chuẩn như các trung tâm gia công phay CNC, gia công tiện CNC, in 3D, robot công nghiệp, các hệ thống cơ điện tử 4.0 của FESTO… Đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong quản lý, đào tạo, các giải pháp CNTT để thực hiện quá trình đào tạo đột phá trong nhà trường. Nhờ vậy sinh viên của HCEM khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã được doanh nghiệp đặt hàng với mức lương hấp dẫn.

Với mô hình 1+1+1, Công ty TNHH KHKT Goertek Vina tin rằng sẽ khắc phục được hạn chế của mô hình đào tạo truyền thống, tận dụng được nguồn lực của cả trường nghề và doanh nghiệp, rút ngắn thời gian đào tạo, giúp sinh viên tiếp cận ngay từ đầu với nghề nghiệp, ra trường làm được việc

Ông Trần DAVIS, Giám đốc Trung tâm Đào tạo công nghệ kỹ thuật, Công ty TNHH KHKT Goertek Vina

“Kết nối doanh nghiệp với trường nghề là câu chuyện không mới. Hơn lúc nào hết, ở thời kỳ hội nhập, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nó là yêu cầu bức thiết. Nếu trường nghề không thực sự đổi mới sẽ tự đào thải mình”, NGƯT-TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng HCEM, chia sẻ và khẳng định việc gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp được HCEM triển khai trong hơn 10 năm qua, đem lại kết quả tích cực nên hầu hết các ngành nghề kỹ thuật do HCEM đào tạo đều đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực cho chuyển đổi số tại Việt Nam.

Với Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, khi được chấp thuận đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng thành Trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành chất lượng cao tại khu vực miền Trung đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo

TP Đà Nẵng với GDNN. Theo ThS Hồ Viết Hà, Hiệu trưởng nhà trường, nhà trường không ỷ lại lợi thế đó mà quyết liệt đổi mới sáng tạo trong mọi khâu, nhất là chuyển đổi số vào dạy và học. Hiện 24 ngành mà trường đang đào tạo đều gắn chặt với thực tiễn nhu cầu doanh nghiệp hiện nay. Tất cả chương trình đào tạo đều chú ý đến việc đưa công nghệ mới vào để học viên có thể dần tiếp cận, làm quen, như: phân tích dữ liệu (kinh tế, dịch vụ), điều khiển tự động, vận hành robot, công nghệ lập trình mới (kỹ thuật - công nghệ cao); xử lý, chuyển đổi dữ liệu (CNTT)… Trong đó, lĩnh vực công nghệ cao, kỹ thuật, kinh tế - du lịch, thời trang, logistics phù hợp với chiến lược phát triển của Đà Nẵng và các tỉnh lân cận miền Trung.

TS Hà Vũ Tuyến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc (đường Nguyễn Tất Thành, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cũng khẳng định, nhà trường phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong 12 trường thực hiện chức năng đào tạo thực hành nghề chất lượng cao và đào tạo 10 ngành nghề trọng điểm với một số nghề tiệm cận quốc tế của cả nước. Do đó, xác định việc hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ sống còn để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực qua đào tạo.

Để đạt được mục tiêu này, nhà trường và các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh Vĩnh Phúc. Từ năm 2006 đến nay, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chương trình, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho các trường nghề nhằm thu hút người học. Trong các quyết sách của tỉnh, có Quyết định số 19 năm 2021 của HĐND tỉnh nhằm động viên người học theo đuổi toàn bộ thời gian quy định cho từng trình độ nghề. “Điểm khác biệt của Quyết định số 19 mà ít tỉnh, thành trên cả nước làm được là ngoài chính sách chung của nhà nước, học viên, sinh viên của tỉnh sẽ được cấp kinh phí học tập lần lượt là 800.000 đồng/tháng cho bậc cao đẳng chất lượng cao, 500.000 đồng/tháng cho cao đẳng đại trà và 300.000 đồng/tháng cho học viên hệ trung cấp”, TS Hà Vũ Tuyến cho biết.

TS PHẠM VŨ QUỐC BÌNH, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN:

Một điều rất dễ nhận thấy khi đánh giá tổng kết hoạt động của các cơ sở GDNN là trường nào có mối quan hệ khăng khít với nhiều doanh nghiệp, trường đó sẽ mạnh và thu hút được nhiều học viên. Vì thế, sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp được các trường ví như “môi với răng”. Do đó, chỉ khi nhà trường dựa trên nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; doanh nghiệp hợp tác nhà trường theo hướng đặt hàng, đến hỗ trợ đào tạo chuyên sâu một phần trong chuyên ngành kỹ thuật như mô hình 1+1+1, mô hình đào tạo kép của Tổ chức quốc tế GIZ - Cộng hòa Liên bang Đức… thì không chỉ sinh viên mà cả nhà trường, doanh nghiệp cùng được hưởng lợi.

Hệ thống cơ sở GDNN cần “những cái bắt tay bạc tỷ” này để đáp ứng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng có một thực tế cần phải sớm tháo gỡ để doanh nghiệp đồng hành cùng trường nghề, đó là mặc dù chúng ta đã có hành lang pháp lý và một số chính sách khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề, nhưng trên thực tế doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với hoạt động này. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu các ưu đãi và cam kết quyền lợi, nghĩa vụ giữa các bên liên quan. Vấn đề này đã và đang được Bộ LĐTB-XH trình Trung ương tháo gỡ.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.