Để trường nghề bứt phá - Bài 2: Xóa sổ trường nghề yếu kém

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đối diện bức tranh 'sáng - tối' của trường nghề, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế và khẳng định, ngành đang quyết liệt tái cấu trúc hệ thống, tránh trùng lặp để mang lại hiệu quả. Bộ LĐTB-XH và 63 tỉnh thành đang rà soát, sắp xếp để quy hoạch lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng đồng bộ, hiện đại; hợp lý về ngành, nghề đào tạo, vùng miền...

Hai năm chưa trả lương!

Đến các trường nghề khu vực miền Trung và miền Bắc những ngày cuối tháng 5, theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh những trường nghề được đầu tư bài bản, hiện đại, vẫn còn nhiều trường nghề “thoi thóp”. Đơn cử, Trường Cao đẳng Công nghiệp Dệt may Nam Định (số 6, đường Hoàng Diệu, phường Năng Tĩnh, TP Nam Định) là cơ sở công lập trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhưng 8 năm qua không có cơ quan chủ quản nên phải tự lo lương và chi phí hoạt động. Trường có 6 khoa thì 5 khoa gần như “xóa sổ” vì không tuyển sinh được, chỉ còn khoa May thời trang hoạt động nhờ chính thầy cô trong khoa đi tuyển sinh từng em. Mùa tuyển sinh năm 2022, trường chỉ tuyển được duy nhất 1 lớp cao đẳng ngành may với 13 sinh viên, nâng tổng số sinh viên học chính thức tại trường là 140 người và tại các đơn vị liên kết là 2.077 sinh viên, trong khi bộ máy của nhà trường gồm 106 cán bộ, giáo viên, nhân viên (thời kỳ hoàng kim trường có khoảng 400 cán bộ, giáo viên, nhân viên - PV). 2 năm qua trường chưa trả lương và 40 tháng qua chưa đóng BHXH cho người lao động.

Thầy Nguyễn Khắc Tuất, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Dệt may Nam Định, chua xót nói: “Trường từng tuyển sinh đạt 3.000 sinh viên/năm, có thời điểm đào tạo 7.000 học viên cho ngành dệt may, cơ sở vật chất tốt, đào tạo chất lượng, được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba, hạng nhì…, giờ rơi vào cảnh bết bát, không lối thoát. Đơn vị chủ quản là Vinatex do đã được cổ phần hóa nên không thể quản lý một trường công lập. Trường lâm vào cảnh lửng lơ “công không ra công, tư không ra tư”. Tỉnh Nam Định cũng từ chối tiếp nhận”.

Ở Hà Nội, một số trường cao đẳng, trung cấp cũng gặp cảnh éo le, do cơ sở vật chất sử dụng 30-50 năm nên hiện nhiều hạng mục đã xuống cấp trầm trọng, nhưng không được xây mới. Năm 2018, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 3034/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng mới Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội (HNIVC) tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh theo hình thức BT (xây dựng và chuyển giao), trên diện tích gần 9ha, gồm 5 khối nhà có quy mô 1 trệt 5 lầu, tổng mức đầu tư 894 tỷ đồng. Nhà đầu tư bỏ tiền xây mới Trường HNIVC tại Đông Anh sẽ được UBND TP Hà Nội bán chỉ định khu đất 131 Thái Thịnh, quận Đống Đa (cơ sở hiện hữu của HNIVC có diện tích 24.000m2 với tuổi đời 49 năm). Sau đó Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, các văn bản này đã bị tạm dừng. Dự án xây mới HNIVC cũng “treo” từ đó đến nay.

ThS Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng HNIVC, cho biết: “Dự án xây mới HNIVC giờ đang “lơ lửng” ở đâu chúng tôi cũng không biết”. Sinh viên Nguyễn Minh Đức (20 tuổi, quê Nam Định), lớp Cao đẳng Tự động hóa - K.45 nói, em tìm đến trường HNIVC bởi biết đây vốn là cơ sở đào tạo cơ khí chế tạo có uy tín, nhưng bất ngờ bởi cơ sở vật chất, trường lớp không tương xứng với “thương hiệu”. “Không riêng gì em mà các bạn trong lớp đều mong muốn HNIVC được quan tâm đầu tư xây mới”, Đức bày tỏ.

Thực hiện Quyết định 73 về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được Chính phủ ban hành, Tổng cục GDNN tiếp tục phối hợp 63 tỉnh thành, đặc biệt là hệ thống cơ sở GDNN thuộc các bộ ngành để rà soát, sắp xếp lại, nhằm quy hoạch, phát triển mạng lưới trường nghề theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo phát triển về quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng

TS TRƯƠNG ANH DŨNG, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN

Phân bổ không đồng đều

Năm 2023, Bộ LĐTB-XH đã quy hoạch giảm được 279 cơ sở GDNN, hiện cả nước còn 1.888 cơ sở. Hầu hết các địa phương đã chỉ còn 1-2 trường. Bước đầu hình thành mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở GDNN, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo… Theo đánh giá, mặc dù mạng lưới cơ sở GDNN đã phát triển, nhưng hiện vẫn chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị. Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN chưa gắn với quy hoạch phát triển nhân lực, với quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương, cấp trình độ đào tạo.

Cụ thể vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ, số cơ sở GDNN lần lượt 570 trường (chiếm 30%) và 279 trường (15,6%) so với toàn quốc. Những năm gần đây, số lượng tuyển sinh tại 2 vùng này trung bình lần lượt 700.000 và 480.000 người, chiếm 55% tổng tuyển sinh cả nước. Trong khi đó, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là 412 trường, trung du miền núi Bắc bộ là 280 trường, ĐBSCL là 30 trường và Tây Nguyên là 98 trường có chất lượng đào tạo chưa cao, tuyển sinh không đạt kết quả, nhưng số lượng trường chiếm trên 55,4%.

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, nhận định, đó là những bất cập phải được sắp xếp, quy hoạch lại. Đơn cử, vùng đồng bằng sông Hồng trước đó từ 30% giảm xuống còn 26% cơ sở; Đông Nam bộ từ 15,6% sẽ tăng lên 17% cơ sở; vùng Tây Nguyên còn 6%... Điểm nổi bật là việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN cả nước sẽ góp phần nâng tầm một số trường trung tâm quốc gia hoặc trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Các trung tâm này có thể cung cấp dịch vụ đào tạo và thực hành các kỹ năng mới trong các chương trình GDNN, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, công nghệ mới cho đội ngũ nhà giáo của các cơ sở GDNN trong vùng.

Đề cập đến quy hoạch cơ sở GDNN trên địa bàn TP Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Đà Nẵng Lê Văn Minh cho biết, thành phố đang thực hiện sáp nhập các ngành, nghề đào tạo trùng nhau ở trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả… Hướng đến năm 2025, TP Đà Nẵng còn 69 cơ sở GDNN, trong đó có 20 cao đẳng, 5 trung cấp, 44 trung tâm dạy nghề và cơ sở khác; hình thành 7 cơ sở GDNN đạt các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDNN trong nước. Đến năm 2030, hình thành 4 cơ sở GDNN đạt trình độ khu vực và quốc tế, bao gồm các trường: Cao đẳng nghề Đà Nẵng, Cao đẳng Du lịch, Cao đẳng GTVT Trung ương V và Cao đẳng Thương mại. TP Đà Nẵng phát triển mới các cơ sở GDNN theo cung cầu lao động của một số ngành kinh tế mũi nhọn, tránh sự trùng lắp và chồng chéo ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh và giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp; ưu tiên đầu tư các cơ sở GDNN mới ở ngoài trung tâm thành phố như huyện Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu.

TP Đà Nẵng chuyển giao Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng về Bộ LĐTB-XH quản lý để tập trung đầu tư, tổ chức lại thành Trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành chất lượng cao tại khu vực miền Trung. Trước đó, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đề án Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng thành trường chất lượng cao và đề án đầu tư các nghề trọng điểm được phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 584 tỷ đồng. “Đến thời điểm hiện tại, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đã hoàn chỉnh các báo cáo dự án, trình các cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo các dự án thành phần”, ông Lê Văn Minh cho biết.

TPHCM sáp nhập khoảng 80% trường trung cấp vào cao đẳng

Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm cho biết, từ năm 2008, thành phố đã triển khai giai đoạn 1 về xây dựng đề án quy hoạch lại mạng lưới trường nghề theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đến nay, đã sắp xếp giảm còn 370 cơ sở GDNN (năm 2015 là 517 cơ sở). Thực hiện Quyết định 73, hiện Sở LĐTB-XH TPHCM đã tổ chức các đoàn công tác về từng quận huyện và TP Thủ Đức khảo sát, làm việc với địa phương… sau đó căn cứ vào quy hoạch của Chính phủ và quy hoạch chung của thành phố để xây dựng phương án triển khai. Đến năm 2025, TPHCM sẽ sáp nhập ít nhất 50% trường trung cấp vào trường cao đẳng, hoặc sáp nhập trường cao đẳng hoạt động không hiệu quả vào trường đang hoạt động hiệu quả. Đến năm 2030, sáp nhập ít nhất 80% trường trung cấp vào trường cao đẳng.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.