(GLO)- Xác định nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế, thời gian tới, tỉnh Gia Lai chú trọng đầu tư cho lĩnh vực chế biến nông sản hiện đại và sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại.
Chế biến-giải pháp then chốt
Ông Trần Ngọc Châu-Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất chanh dây thôn 1 (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) hào hứng cho hay: “Tổ có gần 60 hộ liên kết trồng khoảng 60 ha chanh dây với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) Gia Lai. Năm 2021, Tổ ký hợp đồng cung cấp khoảng 625 tấn chanh dây. Bà con không chỉ được cung cấp giống mà còn an tâm về đầu ra vì đã có hợp đồng thu mua với giá thấp nhất là 6.500 đồng/kg. Với năng suất chanh dây khoảng 25-30 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, người dân đạt lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm”.
Sau hơn 2 năm hoạt động tại Gia Lai, nhà máy chế biến rau quả có quy mô lớn, hiện đại bậc nhất Việt Nam của DOVECO đã khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu phong phú ở địa phương và vùng lân cận. Mỗi ngày, dây chuyền của nhà máy có thể chế biến 300 tấn chanh dây, 500 tấn dứa và 200 tấn xoài. Ngoài ra, cơ sở này còn thu mua, chế biến hàng trăm ngàn tấn chuối, dứa, thanh long, chanh dây, bơ, xoài, sầu riêng, rau chân vịt, đậu tương rau, bắp ngọt, khoai lang Nhật, bí Nhật của người dân trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Chế biến nông sản tại Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy |
Ngoài tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, doanh nghiệp còn liên kết với hơn 500 hộ dân trồng 1.500 ha chanh dây và bao tiêu sản phẩm trên diện tích 4.000 ha, tập trung tại các huyện: Ia Grai, Đak Đoa, Mang Yang; phát triển vùng nguyên liệu dứa ở huyện Phú Thiện, Kông Chro, Ia Pa với diện tích 2.000 ha… Đến nay, vùng nguyên liệu của DOVECO trên địa bàn tỉnh đạt gần 25.000 ha. Theo ông Trần Công Quang-Phó Giám đốc phụ trách nông nghiệp của DOVECO Gia Lai: “Việc hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân sản xuất nguyên liệu bước đầu đã có sự kết nối bền vững theo phương châm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Đây chính là tiền đề cho việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao tại tỉnh”.
Tiếp sức cho việc xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã thành lập mạng lưới sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ, 4C đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, kể cả những thị trường khó tính nhất như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trung bình mỗi năm, Vĩnh Hiệp xuất khẩu khoảng 70.000 tấn cà phê, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh khoảng 150 triệu USD. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên trong nước xuất khẩu 296 tấn cà phê sang thị trường Đức và Bỉ theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Đặc biệt, “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước giai đoạn 2021-2025” của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ đắc lực cho tỉnh trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tại Gia Lai, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp làm chủ đầu mối liên kết với các hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao. Nhận định về triển vọng của đề án, ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty-cho rằng: Ngành nông nghiệp tỉnh đang trên đà phát triển, hội nhập với các nước, nhất là từ sau Hiệp định EVFTA. Theo đó, chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm phải phù hợp và được chấp nhận của các nhà nhập khẩu để có giá trị gia tăng và lợi thế ở vùng nguyên liệu. Giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác nông dân phải gắn chặt với nhau tạo ra chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu tốt nhất chứ không đơn thuần là thương mại.
Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp nêu quan điểm: “Diện tích cà phê Gia Lai ở khoảng 90 ngàn ha, tương đương sản lượng 240 ngàn tấn/năm. So với Tây Nguyên, sản lượng này không cao nhưng chất lượng lại được khẳng định trong thực tế. Nói đến cà phê Đak Lak, chúng ta nghĩ ngay đến số lượng, còn đối với Gia Lai thì đó là chất lượng. Đây là điểm mạnh mà chúng tôi muốn khai thác để cùng liên kết lại xây dựng sản phẩm cà phê chất lượng, khẳng định thương hiệu cà phê hữu cơ, cà phê rang xay. Để triển khai thực hiện tốt đề án này, chúng tôi cần tỉnh và các sở, ngành liên quan hỗ trợ, từ đó mang lại sinh kế cho người nông dân, giúp doanh nghiệp hội nhập và phát triển bền vững”.
Tại huyện nghèo Krông Pa, việc Công ty TNHH Thương mại Chế biến Nông-Lâm sản Đường Vạn Phát đưa vào vận hành nhà máy chế biến tinh bột mì với công suất 260 tấn/ngày cũng đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn, khai thác tiềm năng to lớn về phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp còn đầu tư xây dựng khu liên hợp gồm 4 nhà máy: sản xuất sirô cô đặc; sản xuất, chế biến đường và tinh bột mì; chế biến thức ăn gia súc; sản xuất phân vi sinh tổng hợp... đã góp phần giúp địa phương định hướng, quy hoạch vùng nguyên liệu với 6.000 ha mía và 12.000 ha mì.
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-khẳng định: “Thời gian tới, huyện sẽ tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi liền với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm thế mạnh của địa phương như: mì, mía, thuốc lá, điều, thịt bò một nắng; kêu gọi và tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công nghệ sơ chế, chế biến, đóng gói sau thu hoạch để thúc đẩy sản xuất phát triển”.
Chính quyền địa phương vào cuộc
Để triển khai kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, bên cạnh chế biến sâu và xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, nhiều địa phương đã vào cuộc hỗ trợ để quảng bá, nâng tầm sản phẩm. Cùng với việc chuyển đổi hơn 76 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp và các loại rau màu, huyện Đak Pơ còn tiếp tục khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP gắn với nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đak Pơ”; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ vào bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Nêu giải pháp trọng tâm thực hiện mục tiêu trên, ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: “Trước mắt, huyện sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là tại các thị trường tiềm năng như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Huế, Quy Nhơn; tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng, tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp với các trang trại, hợp tác xã trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm”.
Mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh hoàn lưu trong nhà lồng theo hướng công nghệ cao tại huyện Chư Păh. Ảnh: Minh Nguyễn |
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động, thông minh; phấn đấu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 20% trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, ưu tiên nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, sản phẩm từ chăn nuôi. |
Còn tại huyện Ia Grai, theo ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và tăng giá trị. Đến nay, huyện đã có 5 sản phẩm OCOP cấp tỉnh thuộc nhóm thực phẩm và đồ uống gồm: cà phê bột, trái cây, mật ong và các sản phẩm từ mật ong. Bước đầu, các sản phẩm này nhận được sự quan tâm và ký kết hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, nhà phân phối lớn trong và ngoài tỉnh.
Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng đang được nhiều địa phương quan tâm chuyển dịch từ hình thức nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô công nghiệp, tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi liên kết. Đến nay, tỉnh có 145 dự án chăn nuôi được nhà đầu tư quan tâm với tổng diện tích dự kiến hơn 4.400 ha, tổng vốn đầu tư trên 21.000 tỷ đồng. Trong đó, 30 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích gần 1.400 ha, tổng vốn đăng ký trên 4.460 tỷ đồng.
Xác định chăn nuôi là ngành sản xuất quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-thông tin: “Hiện toàn huyện có 12 trang trại chăn nuôi heo thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi gia công với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, quy mô từ 500 đến 1.000 con. Công ty sản xuất theo công nghệ chuồng kín; môi trường chăn nuôi sạch, chế độ dinh dưỡng đảm bảo và thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn, quản lý tốt dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, trọng lượng heo trung bình khoảng 100-110 kg/con”.
Còn tại huyện Chư Pưh, hiện đã có doanh nghiệp đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi heo hiện đại, quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao với chi phí khoảng 40 tỷ đồng. Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện-thông tin: “Đầu tháng 12 tới, Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ khởi công dự án đầu tư trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao tại xã Ia Le với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là cơ hội lớn thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện phát triển, góp phần cung cấp con giống đảm bảo chất lượng cho người chăn nuôi, đồng thời giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động tại địa phương”.
Một dự án chăn nuôi heo công nghệ cao khác cũng đã được Tập đoàn Mavin triển khai tại làng Tơ Kơr, xã Sơ Pai, huyện Kbang. Theo đó, Tập đoàn dự kiến xây dựng trung tâm sản xuất heo giống và gà giống với mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Quy mô tối ưu là chăn nuôi khoảng 4.000 con heo sinh sản, hàng năm xuất ra thị trường 100.000 con heo giống cung cấp cho địa phương và các trang trại thuộc Tập đoàn. Hiện nay, huyện Kbang đang đề nghị Tập đoàn Mavin triển khai xây dựng thêm nhà máy chế biến thức ăn gia súc để thu mua, tiêu thụ nông sản của địa phương; xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến giúp người dân nâng cao thu nhập.
LÊ NAM - MINH NGUYỄN