Để nông nghiệp là "trụ đỡ" của nền kinh tế - Kỳ 1: Đẩy mạnh chuyển dịch theo chiều sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 5 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai có sự chuyển biến mạnh mẽ với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận, những “điểm nghẽn” phát sinh trong quá trình thực hiện cần được tập trung tháo gỡ để ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển bền vững, thật sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế.

Không những giúp tăng thu nhập cho người dân trên cùng một đơn vị diện tích, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hình thành chuỗi liên kết đã từng bước thay đổi tập quán, tư duy sản xuất, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả kinh tế.

“Vượt khó” nhờ chuyển đổi mô hình

Mía từng là cây trồng đem lại nguồn thu chính cho gia đình ông Phạm Xuân Luynh (thôn 3, xã Đak Hlơ, huyện Kbang). Tuy nhiên, hễ năm nào mưa ít thì mía mất mùa, cộng với giá cả bấp bênh nên lợi nhuận không cao, thậm chí có năm còn lỗ vốn. Ông Luynh nhớ lại: “Năm 2018, nhìn đám mía èo uột, lá cháy vàng vì thiếu nước, lòng tôi không khỏi xót xa. Ròng rã cả năm đánh vật với cây mía nhưng thu nhập mang lại chỉ 15-20 triệu đồng/ha”.

 

Ông Đặng Văn Đức (thôn 1, xã Sơ Pai, huyện Kbang) chuyển sang trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Đặng Văn Đức (thôn 1, xã Sơ Pai, huyện Kbang) chuyển sang trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Toàn tỉnh có 232.000 ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các doanh nghiệp đầu tư 30 dự án trên lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp; 151 dự án chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các sản phẩm khác gặp khó về đầu ra nhưng sản phẩm liên kết không bị ách tắc trong tiêu thụ.

Sau một quá trình tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, ông Luynh quyết định đầu tư hơn 40 triệu đồng đào giếng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước để chuyển đổi 2 ha mía sang trồng cây ăn quả. “Trên phần diện tích này, tôi trồng ổi, mít Thái, na Thái, nhãn, vải, chanh không hạt; dưới tán cây thì trồng dặm thêm sả để lấy ngắn nuôi dài. “Mùa nào thức ấy”, nguồn thu xoay vòng thường xuyên, bình quân trên 200 triệu đồng/năm, gấp 10 lần so với cây mía. Đồng thời, tôi không còn nỗi lo được mùa mất giá. Cây ăn quả đầu tư trồng một lần nhưng thu nhập đến hàng chục năm”-ông Luynh phấn chấn cho hay.

Sau nhiều năm loay hoay tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế phù hợp, năm 2015, ông Phạm Tố Hữu (thôn 1, xã Sơn Lang, huyện Kbang) mạnh dạn phá bỏ gần 1 ha cà phê để chuyển sang trồng 250 cây quýt đường, 50 cây bưởi da xanh và 200 cây cam sành. Tới mùa thu hoạch, vườn cây chín vàng, trĩu cành. Với giá dao động trong khoảng 35-50 ngàn đồng/kg, mỗi năm, gia đình ông thu nhập 250-300 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng cà phê. “Trồng cam nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh hơn so với các loại cây khác, lại cho quả quanh năm. Tôi dự tính mở rộng vườn cam hơn 1 ha và quyết tâm trồng theo hướng cam sạch”-ông Hữu cho hay.

 

Thu hoạch mía ở Kbang.jpg
Người dân huyện Kbang thu hoạch mía. Ảnh: Lê Nam


Khẳng định đây là hướng đi hiệu quả để địa phương tiếp tục thực hiện trong thời gian đến, ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Toàn huyện có đến 3.000 ha đất mía kém hiệu quả có thể chuyển đổi sang cây trồng khác. Hơn nữa, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển diện tích cây ăn quả lên hơn 1.500 ha. “Từ nguồn vốn Chương trình nông thôn mới, huyện đã thực hiện dự án liên kết sản xuất cây ăn quả. Phần lớn khu vực chuyển đổi từ trồng mía sang cây ăn quả trên địa bàn khó khăn về nước tưới. Do đó, các hộ dân chỉ trồng trên những diện tích chủ động nguồn nước tưới, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh trái cây để ổn định đầu ra cho sản phẩm”-ông Sơn cho hay.

Những năm gần đây, trên cánh đồng lúa bạt ngàn ở xã An Phú (TP. Pleiku) xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trồng rau, hoa trong nhà lồng theo hướng công nghệ cao. Trên diện tích 3,2 ha lúa nước 1 vụ kém hiệu quả, 22 thành viên của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ An Phú Thịnh đã hợp sức xây dựng mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lồng theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 2,4 ha, đồng thời hướng đến việc mở rộng diện tích lên 7 ha trong giai đoạn tới. Ông Nguyễn Đình Lâm-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX-cho hay: “Chúng tôi đang tích cực tìm kiếm đối tác, liên kết với siêu thị, cửa hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bình quân mỗi vụ rau (khoảng 3 tháng) sẽ mang lại thu nhập 18-20 triệu đồng/sào, cao gấp chục lần so với trồng lúa”.

Bà Nguyễn Thị Hiệp-Chủ tịch UBND xã An Phú-thông tin: Đến nay, xã đã chuyển đổi được 170/440 ha đất trồng lúa kém hiệu quả và hướng đến năm 2030 sẽ hoàn thành chuyển đổi phần diện tích còn lại. “Đây là tín hiệu cho thấy người dân đã thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa hứa hẹn tạo bước đột phá cho phát triển nông nghiệp của xã theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; qua đó, từng bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn”-bà Hiệp khẳng định.

Hình thành các chuỗi liên kết

Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, nhiều doanh nghiệp đã tham gia đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện toàn tỉnh có 12 chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông-lâm sản với khoảng 133.039 ha cây trồng các loại; có 81 HTX, 72 tổ hợp tác với trên 11.860 hộ nông dân và 42 doanh nghiệp tham gia liên kết.

Nhiều giống lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất trên những cánh đồng lớn tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Lê Nam
Nhiều giống lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất trên những cánh đồng lớn tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Lê Nam
Qua 5 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay, các địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi 37.714 ha cây trồng kém hiệu quả (trong đó có 13.657 ha cao su, 8.425 ha mía, 4.751 ha hồ tiêu, 6.299 ha cà phê, 4.582 ha lúa thường xuyên bị hạn) sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như: cây ăn quả, cây dược liệu, rau xanh...

Tại huyện Chư Pưh, một số hộ dân sau khi tham gia mô hình liên kết sản xuất đã có nguồn thu để bù đắp những thiệt hại do cây hồ tiêu chết hàng loạt trước đó. Điển hình là hộ ông Huỳnh Sơn (làng Tông Két, xã Ia Hla). Đầu năm 2021, trên diện tích 7 sào hồ tiêu chết, ông tận dụng trụ để trồng chanh dây. Kết thúc vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí, ông “bỏ túi” hơn 200 triệu đồng. “So với cây trồng khác, thời gian trồng chanh dây ngắn, chi phí đầu tư vừa phải. Bên cạnh đó, được doanh nghiệp, Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đầu tư ban đầu nên người dân mạnh dạn tham gia mô hình”-ông Sơn cho biết.

Nhờ được Công ty cổ phần chanh leo Nafoods cho nợ 50% tiền giống và huyện hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ, xã Ia Hla giờ đã có 140 hộ đăng ký trồng chanh dây với tổng diện tích trên 45 ha. Đây là năm thứ 3 Công ty thực hiện chuỗi liên kết thông qua HTX, tổ hợp tác phát triển mô hình sản xuất chanh dây trên địa bàn các huyện: Mang Yang, Chư Pưh, Đak Đoa, Ia Grai với diện tích khoảng 100 ha. Qua khảo sát, các vườn đều đạt sản lượng, giá thu mua cao nên người dân rất phấn khởi, thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/ha.


 

4 Chế biến chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai.jpg
Chế biến chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Ngoài việc ưu tiên nguồn kinh phí 1 tỷ đồng hỗ trợ người dân xã Ia Hla thực hiện chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ chanh dây, huyện Chư Pưh còn xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất đối với các loại cây trồng khác như dâu tằm, nhãn Hương Chi, lúa giống J02, sầu riêng… Đồng thời, huyện quy hoạch tổng thể diện tích đất nông nghiệp để xác định những cây trồng chủ lực ở từng vùng nhằm khắc phục tình trạng sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến việc nâng cao giá trị sản xuất một cách bền vững.

Cũng hướng đến mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất ổn định, bền vững, từ năm 2016 đến nay, HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) liên kết với Công ty TNHH một thành viên Sơn Huyền Phát Gia Lai tiêu thụ mỗi năm bình quân 700-800 tấn cà phê nhân xô của các thành viên. Từ 100 hộ ban đầu, đến nay, HTX đã thu hút trên 160 thành viên tham gia với 332 ha cà phê đưa vào sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, sản lượng hơn 11.000 tấn nhân xô/năm. Giám đốc HTX Phan Văn Hoàng phấn khởi cho hay: Đơn vị vừa ký hợp đồng với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu 350 ha cà phê chất lượng cao. Theo đó, năm đầu tiên, HTX cung cấp 100 tấn cà phê tươi hoặc có thể lên đến 200-300 tấn. Đây chính là động lực để thu hút các thành viên HTX chủ động tạo ra sản phẩm chất lượng, đem lại thu nhập cao.

Cùng chúng tôi theo chân các nhân viên của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp hái cà phê để lấy mẫu kiểm tra chất lượng tại vườn, anh Vũ Văn Hanh (làng Út 1, xã Ia Hrung) cho hay: Trong 4 năm tham gia mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, ngoài việc bán được giá cao, anh còn được Công ty cộng thưởng 1.000 đồng/kg. “Không chỉ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn cây đạt năng suất, hiệu quả cao, HTX còn hỗ trợ chúng tôi về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, vườn cây phát triển ổn định, năng suất theo đó cũng tăng lên. Đặc biệt, tham gia chuỗi liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao, thu nhập chắc chắn còn cao hơn nữa”-anh Hanh phấn khởi nói.

 

 LÊ NAM - MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.