Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Qua 2 năm đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã có những tác động tích cực và đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh ở hầu hết các lĩnh vực.

 Mô hình chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học.
Mô hình chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học.

Những năm qua, tỉnh ta triển khai nhiều biện pháp nhằm đổi mới công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN). Hệ thống pháp luật về lĩnh vực này cũng được chú trọng hoàn thiện. Thị trường KH&CN hình thành và bước đầu phát huy tác dụng. Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh và chủ động hơn trong một số lĩnh vực, góp phần nâng cao năng lực, trình độ KH&CN trong tỉnh.

Dù vậy, hoạt động KH&CN nhìn chung còn trầm lắng. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH&CN chưa được chú trọng; đầu tư cho KH&CN còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Chưa kể việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH&CN còn nhiều bất cập. Thị trường KH&CN phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý.

Qua 2 năm triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tỉnh ta cũng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh chú trọng nghiên cứu chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng nông sản. Các quy trình kỹ thuật canh tác nhằm giảm chi phí sản xuất và đáp ứng mục tiêu về phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững ngày càng hoàn thiện. Nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao và thực tế đã được đưa vào sản xuất như “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP”, “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật góp phần làm cho quả cà phê vối (Robusta) chín tập trung”, “Nghiên cứu một số cặp lai giữa heo rừng Thái Lan và heo nái bản địa Gia Lai”…

Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, các doanh nghiệp đã tiếp thu, làm chủ và sử dụng có hiệu quả một số công nghệ khai thác, chế biến có lợi thế cạnh tranh của địa phương như: sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện, chế biến sản phẩm từ gỗ, chế biến lâm sản… Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực này phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như: “Cải tiến kỹ thuật để tiết kiệm điện trong các cơ sở sản xuất Khu Công nghiệp Trà Đa”, “Chuyển giao công nghệ xây dựng hầm biogas bằng nhựa composite tại các huyện, tiết kiệm chi phí nguyên liệu đốt, giải quyết ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi”, “Xây dựng bản đồ phân cấp cảnh báo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất tại tỉnh nhằm giúp chỉ đạo và giảm nhẹ thiên tai”.

Sự nghiệp KH&CN cũng được quan tâm hơn, được cấp kinh phí đầu tư  ở mức tăng dần qua các năm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học có nhiều thành tựu mới. 2 năm qua, tỉnh đã phê duyệt triển khai nghiên cứu khoảng 20 đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Ngoài kinh phí từ ngân sách tỉnh, các ngành, địa phương, đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức, cá nhân thông qua các chương trình, dự án cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng. Sau nghiệm thu, một số đề tài được chuyển giao cho các đơn vị khai thác, sử dụng trong thực tiễn. Nhiều đề tài được phổ biến rộng rãi và được đánh giá cao về chất lượng.

Tuy vậy, hoạt động KH&CN chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Các chương trình KH&CN chưa được lồng ghép với các chương trình kinh tế-xã hội khác. Việc ứng dụng tiến bộ KH&CN, cải tiến, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, như: thiếu thông tin về thị trường, công nghệ, vốn; thiếu các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ để tư vấn về công nghệ, giám định và đánh giá công nghệ. Thị trường KH&CN bước đầu hình thành, nhưng chưa phát triển mạnh. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, cán bộ quản lý khoa học và công nghệ thiếu về số lượng, chất lượng còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa kịp thời tham mưu ban hành các quy định để triển khai chế độ chính sách của Nhà nước vào thực tiễn.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Tọa đàm, ký kết tiêu thụ sản phẩm chanh dây

Tọa đàm, ký kết tiêu thụ sản phẩm chanh dây

(GLO)- Ngày 30-10, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh và UBND xã Nghĩa Hòa tổ chức tọa đàm liên kết tiêu thụ sản phẩm chanh dây trên địa bàn xã với sự tham gia của các hợp tác xã và 25 hộ trồng chanh dây trên địa bàn.

Kông Chro quảng bá nông sản thông qua hội chợ

Kông Chro quảng bá nông sản thông qua hội chợ

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công 4 hội chợ, phiên chợ và hội thi giới thiệu nông sản an toàn. Đây là dịp để các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và người dân kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương.