Đầu xuân Quý Mão 2023, nghe "sát ngư" kể chuyện kỳ công săn "thủy quái" trên sông Sêrêpốk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhắc đến đặc sản Tây Nguyên, nhiều người sẽ nhớ đến và trầm trồ với các món ăn được chế biến từ cá lăng đuôi đỏ - loài đặc trưng của dòng sông chảy ngược duy nhất trên Tây Nguyên: Sông Sêrêpốk. Trên dòng sông này, nhiều “sát ngư” từng săn được thủy quái khủng, nặng gần 100kg...

Mưu sinh theo con nước đợi cơ hội săn thủy quái

Sêrêpốk là con sông duy nhất ở Tây Nguyên không tuân theo quy luật từ cội nguồn xuôi dòng đổ ra biển lớn như các dòng sông khác. Sêrêpốk được hợp lưu bởi hai dòng Krông Nô (sông cha) và Krông Ana (sông mẹ), bắt nguồn từ Đăk Lăk băng qua địa phận Đăk Nông, chảy ngược lên thượng nguồn, sang tận đất Campuchia, rồi mới chịu nhập vào sông Mekong đổ ra biển lớn.

Trên dòng sông lắm ghềnh thác này hội tụ vô số loài cá quý hiếm như: Sấu xiêm, mõm trâu, tra dầu, lăng đuôi đỏ, leo, thác lác khổng lồ, sọc dưa, ngựa xám... Trong đó cá lăng đuôi đỏ là loài "thủy quái" xuất hiện nhiều nhất, trở thành loài cá nổi tiếng gắn liền với dòng sông chảy ngược, với đại ngàn Tây Nguyên.

"Thủy quái" cá lăng dài, to bằng cả người trưởng thành. Ảnh: Đ.V.G
"Thủy quái" cá lăng dài, to bằng cả người trưởng thành. Ảnh: Đ.V.G

Bao năm qua, cư dân hai bên bờ sông lấy nghề đánh bắt cá làm kế sinh nhai. Ông Y Brui Ktur (buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đăk Nông) chia sẻ, ông lớn lên bên bờ sông Sêrêpốk và từ nhỏ đã theo cha làm nghề quăng chài, thả lưới bắt cá. Trong ký ức của ông, sông Sêrêpốk nhiều cá lắm, nhất là loài cá lăng đuôi đỏ. Chiều tà, ông thường theo cha ra sông giăng lưới, sáng hôm sau ra gỡ, cá dính lưới dày đặc. Ông từng bắt được cá lăng đuôi đỏ nặng cả chục ký.

Những ngày lênh đênh trên sông, ông Y Brui từng nhiều lần giáp mặt với "thủy quái" cá lăng đuôi đỏ, những con sống lâu đời và cân nặng hàng chục kg. "Loài cá này thích chỗ nước chảy xoáy, ghềnh thác nguy hiểm. Mỗi khi chúng xuất hiện là khuấy động cả vùng nước, ai không vững tay chèo, dễ bị lật thuyền" - ông kể.

Theo người dân sống bên sông Sêrêpốk, loài cá lăng đuôi đỏ "khủng" xuất hiện nhiều nhất vào mùa lũ. Khi săn được con cá to bằng gốc cây, người chủ phải làm lễ cúng Giàng (thần linh). Muốn bắt cá to, thợ săn thường phóng lao hoặc giã một loại lá rừng, bỏ vào hốc đá dưới sông. Loại lá này không có độc, chỉ như một dạng thuốc gây tê, nhằm chế ngự sức mạnh của những con cá lớn. Tuy nhiên, người dân ít khi bắt cá to vì xem chúng là cá thần, không dám ăn. Ngoài ra, người dân trong buôn làng còn tuân thủ luật tục, không bắt cá vào mùa cá đẻ trứng, không tận diệt cá nhỏ vì để chúng sinh sôi…

Một con cá lăng được nhà hàng thu mua. Ảnh: V.G
Một con cá lăng được nhà hàng thu mua. Ảnh: V.G
Ảnh: V.G
Ảnh: V.G

Tuy nhiên, theo thời gian, việc săn bắt cá trên sông Sêrêpốk biến đổi, người ta săn bắt quá nhiều, chưa kể có việc đánh bắt theo kiểu tận diệt (kích điện, đánh mìn…) khiến nguồn cá trở nên khan hiếm. Để minh chứng, ông Y Brui đưa tôi ra bờ sông Sêrêpốk - nơi ông đã giăng sẵn lưới từ đêm qua. Trên chiếc thuyền làm bằng tôn nhỏ bé, ông Y Brui chèo qua hết đoạn này đến bờ kia, dỡ lưới lên nhưng không có con nào. "Giờ ít cá lắm. Nhiều hôm, tôi thả cả bao lưới nặng mà không có con cá nào" - ông Y Brui thở dài.

Ông Y BaÊban (trưởng buôn Buôr, xã Tâm Thắng) cho biết, trước đây, nhiều người trong buôn làm nghề đánh bắt cá trên sông Sêrêpốk để mưu sinh. Nhưng, những năm gần đây, nguồn cá khan hiếm, nên nhiều người chuyển nghề, đi làm thuê khắp nơi. Trong buôn chỉ còn vài người như Y Brui, Y Buê Ktuôr… còn bám nghề.

Kỳ công săn thủy quái khủng

Anh Hà Văn Cảnh (trú thôn Phú Sơn, xã Cư Pô, huyện Cư Jút) - một trong những "sát ngư" trên sông Sêrêpốk, cho hay, mùa câu cá phải từ tháng 2 trở đi . Nhiều năm theo nghề, anh Cảnh thừa nhận, nguồn cá trên sông không dồi dào như trước, nhất là loại to như cá lăng đuôi đỏ.

Anh Cảnh theo nghề câu cá lăng từ lúc 19 tuổi. Hồi ấy, anh ra sông vớt cá giúp người chú ruột, và thấy nghề câu cá lăng cho thu nhập cao lại khá nhàn hạ nên quyết định theo nghề. Anh bảo, thời điểm nhiều cá nhất là vào mùa mưa. Từ lúc vào nghề đến nay, anh Cảnh câu được con cá nặng nhất là hơn 40kg, vào năm 2014. Theo anh Cảnh, trong thôn Phú Sơn, ngoài anh còn có hàng chục "sát ngư" khác hành nghề bắt cá trên dòng sông chảy ngược. Để câu được cá lăng "khủng", việc chuẩn bị mồi câu rất quan trọng. Cá lăng thường ăn mồi cá mè và sâu đất. Khi khai mồi vào lưỡi câu, cá mè phải còn sống mới dụ được cá lăng ăn…

Một quản lý nhà hàng chuyên cung cấp, chế biến các món ăn từ cá lăng nổi tiếng ở xã Hoà Phú (TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) cho biết, cá lăng tự nhiên trên sông có thịt chắc, dai, giòn, vị ngọt, thơm rất đặc trưng. Nhờ đó, loài cá này rất được lòng thực khách tứ phương. Nhà hàng này từng mua được con cá lăng đuôi đỏ nặng 85kg vào năm 2019, do một ngư dân thả câu bắt được. Với cá to, nhà hàng bán giá từ 400.000-550.000 đồng/kg, cá bé hơn dao động từ 300.000-350.000 đồng/kg. Món đặc sản từ cá lăng là lòng cá xào, cá lăng nướng nghệ, cá lăng nướng muối ớt…

Ngọc Giàu (DVO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.