Đấu giá lô sạp chợ Biển Hồ: Lắng nghe ý kiến của tiểu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để đáp ứng nhu cầu buôn bán của người dân, chợ xã Biển Hồ (TP. Pleiku) được xây dựng mới khang trang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, khi UBND xã Biển Hồ thông báo phương án đấu giá lô sạp chợ mới thì chưa nhận được sự đồng thuận của đa số tiểu thương.
Năm 2019, chợ xã Biển Hồ đã được tháo dỡ để xây mới. Khoảng 120 tiểu thương trong chợ đồng thuận chuyển qua chợ tạm trong khoảng thời gian thi công với hy vọng được buôn bán tại chợ mới khi công trình hoàn thành. Công trình chợ mới có vốn đầu tư 8,1 tỷ đồng, trong đó, 6,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và 1,2 tỷ đồng từ nguồn đấu giá cho thuê mặt bằng. 
Giữa năm 2021, công trình đã hoàn thành. Ngày 9-8, UBND xã Biển Hồ ra thông báo về việc đấu giá cho thuê mặt bằng lô, sạp, ki ốt và bãi giữ xe. Theo đó, chợ được phân làm 63 lô, sạp và 25 ki ốt để đấu giá cho thuê trong vòng 10 năm. Sau 10 năm sẽ tiếp tục đấu giá cho thuê trong thời hạn 15 năm. Người dân mua hồ sơ đăng ký từ ngày 9 đến 25-8; từ ngày 25 đến 27-8 sẽ đóng tiền đặt cọc và từ 30 đến 31-8 sẽ tổ chức đấu giá. Sau khi có kết quả đấu giá, từ ngày 1-9, những người trúng đấu giá có thể buôn bán tại chợ mới. 
Chợ xã Biển Hồ (TP. Pleiku) được xây dựng khang trang với số vốn 8,1 tỷ đồng. Ảnh: Văn Ngọc
Chợ xã Biển Hồ (TP. Pleiku) được xây dựng khang trang với số vốn 8,1 tỷ đồng. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Tuy nhiên, khi UBND xã ra thông báo cho thuê mặt bằng với hình thức đấu giá, hơn 100 tiểu thương tại chợ Biển Hồ cũ không đồng tình. Đa phần đều cho rằng khi đấu giá, nhiều người chưa từng buôn bán tại chợ nhưng có vốn đầu tư lớn sẽ trúng đấu giá. Thậm chí lo ngại việc một số cá nhân “đầu cơ” bằng cách bỏ giá cao sau đó bán hoặc cho thuê. Bên cạnh đó, một số tiểu thương cho rằng mức giá khởi điểm đưa ra cho các lô, sạp, ki ốt là tương đối cao và còn bị đẩy lên trong quá trình đấu giá. Do đó, các tiểu thương gửi ý kiến phản ánh tới UBND xã Biển Hồ. 
Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku: “Ủy ban nhân dân TP. Pleiku ghi nhận nguyện vọng chính đáng của người dân và giao UBND xã Biển Hồ bàn bạc cùng đơn vị đấu giá có phương án đảm bảo an sinh cho bà con trên địa bàn dựa trên các quy định của pháp luật”. 
Ông Mai Văn Chức-tiểu thương tại chợ cũ-chia sẻ: “Khi xây dựng chợ, đại diện chính quyền địa phương nói sẽ đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi. Nếu đấu giá như vậy thì nhiều người chưa từng buôn bán tại chợ cũng có thể trúng đấu giá nếu họ trả giá cao, tiểu thương chúng tôi đa phần có hoàn cảnh khó khăn, buôn bán nhỏ lẻ, vốn đầu tư ít, rất khó đua với họ. Nếu không trúng đấu giá thì chúng tôi không biết phải làm gì để mưu sinh”. 
Lãnh đạo UBND xã Biển Hồ tổ chức đối thoại với đại diện các tiểu thương chợ Biển Hồ
Lãnh đạo UBND xã Biển Hồ tổ chức đối thoại với đại diện các tiểu thương. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Trong khi đó, bà Đoàn Thị Ngọc Thùy cho hay: “Chúng tôi thấy giá khởi điểm cao. Nếu đấu giá chắc chắn sẽ cao hơn vì có vài lô cho một mặt hàng mà có đến hàng chục người đăng ký. Chưa kể chợ cũ có khoảng 120 lô, sạp, ki ốt thì nay xây chợ mới lại chỉ còn có 88 lô, trong khi khoảng trống trong chợ còn rất nhiều. Nhu cầu buôn bán của bà con cao nên số lô như vậy là không đủ”.
Vừa qua, UBND xã Biển Hồ đã tổ chức đối thoại với đại diện các tiểu thương tại chợ Biển Hồ. Chủ tịch UBND xã Đặng Khánh Toàn cho biết: Công trình chợ là tài sản của Nhà nước nên bắt buộc phải đấu giá theo Luật Đấu giá tài sản và Luật Quản lý tài sản công. Về mức giá khởi điểm, ông Toàn cho hay đây là giá do công ty thẩm định giá quyết định dựa trên nhiều cơ sở, cũng đã tham khảo các chợ ở địa bàn xung quanh.
“Việc đấu giá phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân xã cũng sẽ làm việc với công ty đấu giá để đề xuất UBND TP. Pleiku cho phép đấu giá làm 2 lần, lần 1 sẽ ưu tiên theo danh sách những hộ đã kinh doanh tại chợ cũ, nếu vẫn còn mặt bằng trống sẽ tiếp tục đấu giá lần 2 cho các hộ khác. Đồng thời, tính toán, bố trí bổ sung thêm các lô ngoài trời để đấu giá luôn trong đợt này ngoài 88 lô trong khu vực nhà lồng để tạo điều kiện cho bà con có nhu cầu. Ngoài ra, chợ cũng có khu vực cho bà con dân tộc thiểu số bán hàng tự sản tự tiêu để tránh tình trạng họp chợ ven đường”-Chủ tịch UBND xã Biển Hồ khẳng định. 
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Thư Tòa soạn

Thư Tòa soạn

(GLO)- Cùng với việc sáp nhập tỉnh, từ ngày 1-7, Báo Gia Lai hợp nhất với Báo Bình Định thành Báo Gia Lai mới.

Gia Lai bố trí lại hơn 179,5 tỷ đồng từ nguồn sử dụng đất cho dự án hồ sơ địa chính

Gia Lai bố trí lại hơn 179,5 tỷ đồng từ nguồn sử dụng đất cho dự án hồ sơ địa chính

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 27, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 505/NQ-HĐND về việc sử dụng nguồn tiền sử dụng đất của dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và dữ liệu địa chính tỉnh Gia Lai chưa phân bổ để cấp cho các dự án đầu tư từ nguồn tiền sử dụng đất chưa được cấp.

Các cây gỗ lớn bị cưa hạ nằm chỏng chơ tại khuôn viên trụ sở UBND phường Cheo Reo. Ảnh: NLĐO

Việc chặt cây gỗ lớn tại trụ sở phường Cheo Reo: Nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định

(GLO)- Theo một số thông tin báo chí đăng tải, trước ngày sáp nhập xã, phường, hàng loạt cây gỗ lớn trong khuôn viên trụ sở UBND phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa) bị cưa hạ rồi đem bán, khiến nhiều người dân bức xúc. Để làm rõ thông tin này, P.V Báo Gia Lai đã vào cuộc tìm hiểu.

Lời cảm ơn

Lời cảm ơn

(GLO)- Báo Gia Lai trân trọng cảm ơn những tình cảm quý báu của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, quý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

null