Nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng, nông - lâm kết hợp, trồng rừng bảo vệ rừng tại Tây Nguyên, sau khi giao cho chủ đầu tư thay vì “đẹp đẽ” thì… rừng bị biến mất!
|
Khu vực vốn là rừng thông thuộc dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt bị cạo sạch |
Giao rừng là mất
Có mặt tại siêu dự án Khu đô thị thương mại, dịch vụ nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh do Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn - Đại Ninh) làm chủ đầu tư, chúng tôi không thể hình dung ra dự án được kỳ vọng Khu đô thị Nam Đà Lạt khi những tấm pano đã cũ, bạc màu cùng những khu đất lởm chởm “da báo” bị lấn chiếm, phá rừng. Tại khoảnh 10, tiểu khu 364 (xã Tà Hine, huyện Đức Trọng), nơi vốn là rừng thông 2 lá (thông đen) đã bị người dân lấn chiếm, canh tác cà phê, mắc ca với diện tích lớn. Dù được giải tỏa nhưng khu đất này khó có thể khôi phục lại thành rừng, do cứ trồng cây lâm nghiệp xuống lại bị người dân nhổ lên, tái chiếm. Tình trạng này lặp đi lặp lại tại nhiều khu khác nhau thuộc dự án, hàng trăm hécta rừng của dự án cũng vì thế lần lượt bị phá, lấn chiếm.
Dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2010 với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 25.000 tỷ đồng, nằm trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan (huyện Đức Trọng), tổng diện tích đất quy hoạch lên đến 3.595ha, trong đó diện tích thuê rừng trên 1.050,5ha. Thế nhưng, chỉ tính thời điểm 10 năm đầu nhận dự án, chủ đầu tư đã để mất 368ha rừng, trong đó bị phá 257ha, lấn chiếm 111ha. Bị phá, bị lấn chiếm trái phép là nguyên nhân chính dẫn đến rừng thuộc dự án “bay màu”, biến nơi đây thành khu vực để người dân thi nhau “xâu xé”. Năm 2020, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã nỗ lực giải tỏa được vỏn vẹn 30ha, năm 2021 giải tỏa được 25ha và năm 2022 lên kế hoạch trồng 20ha rừng đã giải tỏa. Hiện dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt tiếp tục được gia hạn triển khai, nhưng những hạng mục của dự án… vẫn chỉ nằm trên ý tưởng.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định thu hồi toàn bộ 320ha đất cho Công ty CP Đầu tư Vĩnh Tuyên Lâm (huyện Đức Trọng) thuê từ năm 2010. Một phần nguyên do là sau khi nhận đất, công ty này không đưa vào sử dụng; trong số diện tích được giao đã để bị phá 105,7ha rừng. Dù hơn cả trăm hécta rừng bị phá nhưng đơn vị liên quan cho rằng “không làm mất rừng, không có rừng bị mất mà chỉ là sai sót trong kiểm kê và thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng”.
Trong khi đó, năm 2003, UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ) đã giao cho Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung bộ - Tây Nguyên 3.280ha rừng thuộc địa giới hành chính xã Đắk P’lao, huyện Đắk Nông (nay là xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) để thực hiện việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, tư vấn và tham gia đào tạo về lĩnh vực lâm nghiệp. Sau 19 năm, đến nay khi chúng tôi vào khu vực này thì phát hiện đa phần diện tích rừng ở đây đã bị người dân lấn chiếm. Những cánh rừng tự nhiên đã bị thay thế bằng những rẫy cà phê, mía...
Ông Nguyễn Phước Vĩnh, Chánh Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Vừa qua, khi thanh tra thì phát hiện Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung bộ - Tây Nguyên chỉ còn khoảng hơn 200ha có rừng, đa phần diện tích còn lại đã bị người dân lấn chiếm và sản xuất nông nghiệp”. Theo ông Vĩnh, sau khi nhận bàn giao thực địa, phía Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung bộ - Tây Nguyên đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng để mất rừng với tổng diện tích hơn 2.000ha...
Còn tại Kon Tum, quá trình triển khai thực hiện, nhiều nhà đầu tư không quản lý, bảo vệ rừng chặt chẽ dẫn đến làm thiệt hại một phần diện tích rừng, điển hình tại 4 dự án: Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; Khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Măng Đen; Nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông; Kinh doanh vườn hoa cây cảnh và du lịch sinh thái.
"Sau khi được giao đất, Công ty TNHH Minh Hằng buông lỏng quản lý, để rừng bị mất với diện tích lớn. UBND huyện đang tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị thu hồi toàn bộ dự án. Tại khu vực dự án của Công ty Thái Bình Phát, người dân đã lấn chiếm sử dụng trái phép với hơn 515ha đất rừng để trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái và cây nông nghiệp ngắn ngày; xây dựng trái phép 59 công trình (chòi rẫy, lán trại, nhà ở…). Hiện UBND huyện Ea Súp đang thực hiện các phương án để thực hiện cưỡng chế, thu hồi lại toàn bộ diện tích đất bị lấn chiếm" - Ông NGÔ VĂN THẮNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp (Đắk Lắk). |
Chuyển đổi rừng không hiệu quả
Thời gian qua, một số tỉnh ở Tây Nguyên đã cho chuyển đổi nhiều diện tích rừng để thực hiện dự án kinh doanh, nhưng phần lớn bị phá sản hoặc thất bại một phần. Tại Gia Lai, dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su là dự án thất bại hoàn toàn. Cụ thể, từ năm 2008, tỉnh Gia Lai cấp phép cho 16 doanh nghiệp thực hiện 44 dự án trồng cao su trên đất rừng tự nhiên nghèo với diện tích hơn 32.000ha, trong đó diện tích đã trồng cao su hơn 25.500ha. Ghi nhận cho thấy, nhiều vị trí trồng cao su trên đất rừng nghèo ở các xã Ia Mơ, Ia Ga, Ia Me, Ia Puch (huyện Chư Prông), Ia Pnôn (huyện Đức Cơ), cây cao su chết đứng trải dài. Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, tính đến tháng 6-2022, trong tổng số khoảng 25.000ha cao su đã trồng đã có 12.039ha bị chết, kém phát triển; diện tích còn lại (khoảng 13.000ha), mặc dù các doanh nghiệp đã đầu tư chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nhưng số bị chết, kém phát triển vẫn gia tăng.
Tại Kon Tum, dự án chuyển đổi rừng gây bức xúc trong dư luận là dự án phá rừng thông trồng mắc ca triển khai tại tiểu khu 481, xã Đắk Long, huyện Kon Plông. Ngay từ đầu, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại khi dự án sẽ khiến hơn 100ha rừng thông bị khai tử, trong khi thời điểm triển khai, mắc ca là cây trồng mới, chưa rõ tính hiệu quả. Đến nay, sau 5 năm, những lo ngại này đã có cơ sở khi rừng bị tàn phá, mắc ca thì phát triển èo uột. Theo Sở KH-ĐT Kon Tum, qua kiểm tra dự án, phát hiện trong số 150ha mắc ca đã trồng có 20ha trồng vào năm 2018 đến nay sinh trưởng chậm; đặc biệt, có 3,56ha đất dự án đã bị lấn chiếm.
Tỉnh Đắk Lắk cũng cho nhiều doanh nghiệp thuê hàng chục ngàn hécta rừng để đầu tư trồng rừng, trồng cao su, quản lý bảo vệ rừng và thực hiện dự án nông - lâm kết hợp trên đất lâm nghiệp, nhưng không ít doanh nghiệp triển khai không hiệu quả, buông lỏng quản lý, dẫn đến rừng bị mất với diện tích lớn. Điển hình như tại xã Ea Bung (huyện Ea Súp), năm 2012, UBND tỉnh Đắk Lắk cho Công ty CP Địa ốc Thái Bình Phát thuê 714ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 267, 268 để triển khai dự án đầu tư cải tạo, khoanh nuôi quản lý, bảo vệ rừng. Nhưng hiện nay, khi chúng tôi đến 2 tiểu khu này đã không còn khoảnh rừng nào, phần lớn đất rừng bị người dân lấn chiếm, hàng chục công trình, nhà ở đã mọc lên...
Cách đó không xa, Công ty TNHH Minh Hằng cũng được UBND tỉnh Đắk Lắk giao 983ha rừng và đất rừng tại các tiểu khu 213, 218, 226, 231 (xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) để thực hiện dự án đầu tư trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, công ty này được phép trồng thí điểm 100ha cao su trên những vùng đất trống, rừng nghèo, cây thưa thớt. Sau hơn 10 năm, dự án trồng cao su dường như “phá sản”, hầu hết diện tích cao su còi cọc rồi chết dần. Không những thế, có mặt tại tiểu khu 213, thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH Minh Hằng, chúng tôi ghi nhận hàng chục hécta rừng, đất rừng đã bị san ủi, chia lô, thửa để trồng hoa màu.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi đất của 9 dự án với tổng diện tích 5.571ha do hoạt động không hiệu quả, vi phạm pháp luật đất đai. Tại Lâm Đồng, giai đoạn 2005-2021, địa phương thu hút 488 dự án có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, sau đó tỉnh quyết định thu hồi hơn 200 dự án với khoảng 31.000ha do không triển khai thực hiện hoặc triển khai chậm tiến độ, không tổ chức, bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên diện tích được thuê để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn. |
Theo ĐOÀN KIÊN - HỮU PHÚC - MAI CƯỜNG (SGGPO)