Đảo tuần lộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Người Sami không nuôi tuần lộc mà chỉ chăn chúng. Chăn tuần lộc vừa là kế sinh nhai vừa là một phần văn hóa của chúng tôi”, trong túp lều ám mùi khói bên bờ biển, người đàn ông tên Niilas Sara bắt đầu kể về cuộc sống du mục cùng đàn tuần lộc của người Sami.
Ngôi nhà của những người chăn tuần lộc ở làng Breivik ẢNH: HOÀNG LÊ GIANG
Ngôi nhà của những người chăn tuần lộc ở làng Breivik ẢNH: HOÀNG LÊ GIANG
Sau chuyến bay dài từ VN tới Oslo bằng máy bay của Hãng Turkish Airlines khá thoải mái và hành trình miệt mài nhiều ngày lái xe từ miền nam Na Uy lên tới vùng cực bắc của đất nước này, chúng tôi vượt biển để ra đảo Soroya. Nơi đây nằm rất sâu trong vành đai bắc cực và đã chạm vào Bắc Băng Dương quanh năm lạnh giá. Đảo lô nhô núi đá, chỉ toàn rêu và cỏ. Xe chạy trên con đường ôm mép biển quanh co uốn lượn, nhìn tới tận chân trời không thấy bóng một cây cao. Gió rít quanh năm và băng tuyết phủ kín suốt mùa đông dài thăm thẳm, trong đó có hai tháng chỉ toàn bóng đêm, khiến cho cây thân gỗ, dù là những loài kiên cường nhất như bạch dương và thông, không thể sinh tồn ở nơi này. Lần cuối cùng chúng tôi bắt gặp bạch dương và thông trong mùa thu vàng lá là ở làng Oksfjord trên đất liền, trước khi xuống chuyến phà kéo dài 90 phút để ra đảo.
Điểm đến của chúng tôi là làng Breivik nhỏ bé chưa có tên trên bản đồ du lịch. Làng chỉ gồm hơn 10 nóc nhà với chừng 20 cư dân trong tổng số chỉ khoảng 1.000 cư dân của hòn đảo rộng trên 800 km2, diện tích lớn hơn rất nhiều so với đảo Phú Quốc. Làng nằm ở một nơi khuất gió phía tây đảo Soroya. Nơi đây chủ yếu là những cư dân người Sami chăn tuần lộc sống vào mùa hè, khoảng từ tháng 6 tới tháng 9. Bắt đầu từ tháng 10, họ xua tuần lộc vào đất liền cách đấy gần 200 km, để lại một ngôi làng chơ vơ không người giữa mênh mông tuyết trắng.
Hai gã đàn ông và bầy tuần lộc
Niilas Sara cùng anh bạn Harri Hakala sống trong ngôi nhà bằng gỗ sơn trắng ở làng Breivik. Niilas là một gã người Sami béo tròn, đã có vợ và 5 đứa con; anh chàng rất vui tính và hiếu khách. Harri người gốc Phần Lan nhưng đã lên sống cùng người Sami ở miền bắc Na Uy hơn 20 năm, thành ra trong cơ thể của gã đàn ông phốp pháp nhưng uyên thâm này có lẽ trầm tích một phần máu du mục. “Kiếp trước tôi là người Sami”, Harri bảo thế.
Niilas và Harri có một bầy tuần lộc gần 1.000 con trong tổng số vài chục ngàn con tuần lộc trên đảo. “Chúng tôi không nuôi theo nghĩa thông thường, nói chính xác thì chúng tôi chăn tuần lộc”, Niilas lưu ý. Tôi từng trải qua thời tuổi thơ chăn bò trên những đồi trọc miền Trung, nhưng khái niệm chăn tuần lộc mà Niilas nói mang một nội hàm khác hẳn.
Tuần lộc vốn dĩ là loài động vật hoang dã; còn người Sami vốn là dân săn bắt hái lượm. Họ ở trong lavvu (lều của người du mục), sống nhờ vào những tặng vật thiên nhiên từ biển và từ miền đài nguyên mênh mông cận Bắc cực. Đói thì câu cá, săn tuần lộc, nai sừng tấm. Rét thì lột da tuần lộc để làm áo, làm lều, làm thảm ngủ. Họ mua bán, trao đổi cũng dùng tuần lộc hoang và các sản phẩm của chúng như một dạng tiền tệ. Nhu cầu ban sơ chỉ có vậy và cho tới tận thế kỷ 17 thì người Sami và tuần lộc vẫn là hai thực thể chung sống bình đẳng giữa miền đồng rêu. Nhưng đến khi có những cuộc xung đột và xâm lăng của các tộc người miền nam, các chính quyền địa phương được dựng lên, các sắc thuế được lập ra và thế là người Sami không thể sống như họ đã từng. Họ bắt đầu tổ chức chăn tuần lộc theo từng đàn bán hoang dã. Nghĩa là tuần lộc vẫn sống tự do ngoài đồng rêu, trên đồi núi, nhưng được tổ chức thành từng đàn, và tổ chức di cư cho chúng theo mùa. Mùa hè ra miền duyên hải hoặc các đảo, mùa đông di cư vào sâu trong đất liền.
Tác giả cùng với Harri (trái) và Niilas (phải) chuẩn bị lên núi chăn tuần lộc ẢNH: KHANG NGUYỄN
Tác giả cùng với Harri (trái) và Niilas (phải) chuẩn bị lên núi chăn tuần lộc ẢNH: KHANG NGUYỄN
Trường chinh qua miền tuyết trắng
Niilas Sara và Harri cũng như các gia đình người Sami chăn tuần lộc khác. Mùa hè, họ lùa tuần lộc ra đảo Soroya, thả chúng trên những triền núi đá và hai chàng cùng chú chó Parker đi canh chúng, để đảm bảo rằng đàn không đi quá xa, không bị lũ chó lạ hoặc tiếng súng săn của những gã Na Uy đến từ miền nam dọa cho chạy tứ tán, không rơi xuống vực hoặc con nhỏ không bị đại bàng, sói hoang ăn thịt. Ban tối thì lùa chúng về khu vực có hàng rào quây sẵn. Ở đây, các gia đình cùng chăn tuần lộc chung, các đàn trộn lẫn vào nhau và ban đêm ở chung một khu vực quây nhốt. Đấy có lẽ là dấu tích của xã hội cộng sản nguyên thủy còn rơi rớt lại, nhưng đồng thời, hình thức sở hữu tư nhân cũng đã được thiết lập bằng việc các gia đình đánh dấu các cá thể tuần lộc - đánh dấu tai - để phân biệt. Các chú cừu ở Ninh Thuận thường được sơn lên lông để “xác nhận chủ quyền”, còn ở đây người ta có một hệ thống đánh dấu tai với cả ngàn kiểu và được các gia đình truyền từ đời này qua đời khác. Việc đánh dấu tai được tiến hành vào mỗi mùa hè ấm áp và ở Na Uy có những quy định rất chi tiết về hoạt động này, tương tự như việc đăng ký bản quyền, kiểu dáng cho sản phẩm công nghiệp vậy.
“Mùa hè, chúng tôi đưa tuần lộc ra đảo bởi ở đây nhiều rêu, cỏ và các loại thức ăn khác. Đây là mùa mà tuần lộc cần ăn nhiều để tích trữ năng lượng cho mùa đông, khi mà nguồn thức ăn trở nên khan hiếm hơn. Ở đất liền mùa này nhiều ruồi bọ, đưa tuần lộc ra đảo hoặc tới những miền duyên hải sẽ giúp tránh được lũ côn trùng”, Niilas giải thích. Đấy là nguyên do hai gã đàn ông này bỏ lại gia đình trên đất liền để tới hòn đảo gió buốt chăn tuần lộc.
Vào nửa đầu tháng 10 hằng năm, khi những cơn mưa tuyết bắt đầu xuất hiện, Niilas và Harri sẽ lùa đàn tuần lộc từ trên đảo xuống tàu để chở vào đất liền. Nói một từ “lùa” thì nghe đơn giản, nhưng để gom được cái lũ tuần lộc cực nhát này lại một chỗ là một công việc trần ai. Sau khi tàu cập cảng Oksfjord, cuộc di cư trên bộ sẽ khởi hành vào lúc mưa tuyết bắt đầu xuất hiện. Đó là hành trình đầy chông gai. “Quãng đường tính theo Google Maps thì khoảng 160 km, nhưng thực tế chúng tôi có thể đi gấp 3 gấp 4 lần như thế”, Harri giải thích. Đơn giản bởi tuần lộc là một lũ động vật bán hoang dã, chúng không đi một cách trật tự như lũ trâu, bò đã được thuần hóa hoàn toàn. Chúng sẽ leo lên các ngọn đồi, triền núi, chui vào rừng sâu. Có những đêm, chúng tách thành những nhóm nhỏ đi về những hướng khác nhau, thế là cuộc hành quân giậm chân tại chỗ, thậm chí thối lui.
“Mất 2 tuần hoặc có khi 1 tháng để hoàn tất cuộc di cư hằng năm. Chúng tôi khởi hành vào nửa đầu tháng 10, và đến nơi vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11”, Niilas cho biết. Điểm đến của cuộc trường chinh là vùng Kautokeino ở hạt Finnmark, giáp với Phần Lan và Nga. Tại đây, gia đình Niilas và Harri sẽ cùng lũ tuần lộc trụ qua mùa đông dài và khắc nghiệt của miền bắc cực.
Niilas bảo tôi: “Những năm gần đây, thời tiết trở nên khó lường hơn nên việc chăn tuần lộc cũng gặp nhiều thách thức hơn. Chúng tôi phải điều chỉnh lại lịch chăn thả và di cư của mình”. Những con người sống ở cận Bắc cực và khái niệm lịch cũng như các mùa trong năm của họ biến thiên theo sự biến động của khí hậu, thời tiết, cảm nhận một cách rất trực quan về hiện tượng mà người ta gọi là trái đất ấm lên.
Buổi tối đầu tiên trên đảo, Niilas và Harri đãi chúng tôi món cá hồ chiên ăn với khoai tây luộc. “Đêm nay tôi sẽ ra lavvu hun khói thịt tuần lộc, ngày mai chúng ta sẽ có món khoái khẩu”. Lời Niilas khiến tôi cứ háo hức chờ tới ngày mai. (còn tiếp)

Thức ăn ưa thích nhất của tuần lộc là rêu, loài địa y mọc rất nhiều ở các vùng bình nguyên và núi non nằm trên vành đai Bắc cực. Chính vì vậy mà loài động vật này sống phổ biến một dải dài từ miền bắc nước Nga, sang miền bắc bán đảo Scandinavia bao gồm các nước Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan, cũng như Canada và tiểu bang Alaska của Mỹ ở Bắc Mỹ. Một số khu vực sâu xuống phía nam, như Mông Cổ, nam Siberia cũng có tuần lộc nhưng số lượng ít hơn và thường được nuôi theo từng đàn nhỏ. Ngoài rêu, khi cần tuần lộc có thể xơi nhiều thứ khác, như cỏ, lá bạch dương, một vài loài động vật nhỏ mà chúng tình cờ tóm được và thậm chí chúng còn ăn cả những chiếc sừng rụng của mình.

Đỗ Hùng (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.