Đánh thức giá trị các phế tích Pháp ở Ba Vì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với mong muốn tôn tạo lại những phế tích thời Pháp thuộc ở núi Ba Vì để chúng không chỉ là dấu tích cổ mà sẽ trở thành nơi thu hút du lịch, trải nghiệm, học tập lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, nếu chúng ta can thiệp khoa học, bài bản trên nền tảng pháp luật sẽ làm tăng thêm giá trị của khu rừng và đồng thời bảo tồn một cách bền vững. Trong khi đó, ông Đỗ Hữu Thế - Giám đốc vườn Quốc gia Ba Vì - bày tỏ sự kỳ vọng tôn tạo lại những phế tích thời Pháp thuộc một cách có chọn lọc.

Nhà thờ được xây dựng từ lâu, theo thời gian đã đổ nát nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ điển. Ảnh: Hải Nguyễn
Nhà thờ được xây dựng từ lâu, theo thời gian đã đổ nát nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ điển. Ảnh: Hải Nguyễn



Vẻ đẹp huyền bí

Cách trung tâm Hà Nội gần 70km, khí hậu quanh năm mát mẻ, ôn hòa nên cùng với Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì đã được người Pháp chọn để xây dựng thành khu nghỉ dưỡng vào đầu thập niên 1940. 80 năm đã trôi qua với bao thăng trầm của thời cuộc, bị chiến tranh và thiên nhiên tàn phá nên các công trình của Pháp ở Vườn quốc gia Ba Vì còn tồn tại đến ngày nay đều đã ở trong tình trạng đổ nát, hoang sơ.

Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình từ cốt số 0 thuộc trạm soát vé của Ban quản lý Vườn quốc gia Ba Vì với sự chỉ dẫn nhiệt tình của anh Tân - một cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Vì. Vượt qua những cung đường cua tay áo, đèo dốc trong khu rừng đầy bóng cây chỉ có những tiếng chim thánh thót bên tai. Đến cốt 400 (độ cao 400m), cảnh vật hiện ra trước mắt thật ấn tượng với thảm cỏ xanh mơn mởn, rừng cây bạt ngàn. Lên đến cốt 600, một con đường rẽ ngang đưa mọi người đến vùng sườn núi rất thơ mộng, hùng vĩ. Trên con đường nhựa vắng lặng, chỉ có lá rơi kín lối, đã thấy những bức tường cổ rêu phong trơ trọi hiện ra. Những ngôi nhà đồ sộ tuyệt đẹp giờ chỉ còn là các bức tường cổ dở dang, cỏ cây mọc um tùm. Dấu ấn khắc nghiệt của thời gian đã không làm mờ đi những đường nét kiến trúc tinh xảo trên những bức tường đó.

Đường đi lên khám phá những công trình phế tích trên núi Ba Vì rất ngoằn nghèo nhưng lãng mạn. Có những đoạn khúc cua tay áo làm cho anh lái xe của chúng tôi phải “oằn người” để bẻ lái. “Vào giữa tháng 9 và đầu tháng 10 tới đây, khi hoa dã quỳ nở thì còn đẹp nữa” - anh Tân nói.

Ở độ cao 600-800m còn rất nhiều phế tích của những công trình kỳ vĩ. Khu nhà của một viên đại tá người Pháp nhìn xa như một cái lô cốt khổng lồ nhô lên khỏi mặt đất, nhưng bên trong là cả một quần thể kiến trúc độc đáo với nền móng của rất nhiều căn phòng, lối đi, cửa thoát hiểm... được bài trí khoa học. Dinh thự có vị trí đắc địa nằm tại cốt 700 lưng tựa đỉnh Ngọc Hoa, phía trước có tầm nhìn thẳng xuống sông Đà và một phần thị xã Sơn Tây. Biệt thự có một lối đi chính dành cho gia đình đại tá, lối đi phụ cho đoàn tùy tùng và người giúp việc. Hầm phía bên dưới dinh thự là khu vực bếp và nhà kho, thức ăn được đưa từ bếp lên phòng ăn lớn phía trên qua một đường hầm.

Điểm đặc biệt của nhà đại tá là kiến trúc bờ tường dày, sàn nhà cao tới 4 mét thể hiện sự bề thế và kiên cố của căn biệt thự. Hay ở cùng cốt 700, có những căn nhà khác được xây dựng vào những năm 1935 -1939. Trước cửa là một sân cỏ rộng lớn phục vụ cho sở thích cưỡi ngựa cũng như tổ chức các hoạt động thể thao.

 

Khu cô nhi viện với cây cổ thụ mọc giữa lòng kiến trúc. Ảnh: Hải Nguyễn
Khu cô nhi viện với cây cổ thụ mọc giữa lòng kiến trúc. Ảnh: Hải Nguyễn



Ở độ cao khoảng 800m so với mực nước biển, vượt lên một đoạn dốc cao và khúc cua tay áo là khu phế tích gồm nhà thờ, những biệt thự nghỉ mát hoang sơ tuyệt đẹp. Bây giờ khu nhà thờ chỉ còn lại cái khung với bức tường được phủ màu xanh của rêu và các loại cỏ cây, đan xen nhau như một bức tranh siêu thực. Hình ảnh giáo đường âm u giữa cỏ cây khiến cảnh vật như được phủ lên một màu hoài cổ xa xăm. Nhà thờ tuy đã đổ nát nhưng vẫn giữ được dáng vóc cổ điển. Anh Tân dẫn đường cho chúng tôi nói rằng, vẫn có nhiều đoàn, nhiều khách đến tham quan, chụp ảnh. Thậm chí, nhiều cặp vợ chồng lên đây chụp ảnh cưới.

Ở khu trại hè, ẩn hiện trong màu xanh của cây lá là khu nhà bếp nay chỉ còn bức tường và ống khói. Đã hơn 80 năm từ khi xây dựng nhưng bức tường vẫn còn chắc chắc, mấy ống khói vẫn còn nguyên vẹn hình hài, chỉ có điều giờ chúng là nơi sinh sống của các loài cây, cây nào cũng xanh mơn mởn.

Bên cạnh đó là một ngôi nhà rộng chỉ còn nền xi măng, vốn là nhà tập trung của trại hè, với những bức tường dù nằm lẫn trong cây cỏ vẫn toát lên vẻ đẹp kỳ lạ. Một công trình khác cũng khá tiêu biểu của người Pháp xây ở cốt 800 là khu cô nhi viện với những ô cửa, mái vòm. Và không chỉ có nhà thờ, khách sạn, biệt thự, nhiều tư liệu để lại cho biết, người Pháp còn cho xây dựng cả một sân bay lên thẳng và nhà điều hành ở cốt 1.100m. Dù thời gian đã làm mọi thứ cũ kỹ nhưng theo lời anh Tân, kiến trúc Pháp luôn mang đậm tinh thần văn hóa Châu Âu, vừa năng động, sáng tạo vừa kiêu sa diễm lệ theo kiến trúc cổ điển phương Tây truyền thống.

 

 Biệt thự đại tá có một lối đi chính dành cho gia đình đại tá, lối đi phụ cho tùy tùng và người giúp việc. Ảnh: Hải Nguyễn
Biệt thự đại tá có một lối đi chính dành cho gia đình đại tá, lối đi phụ cho tùy tùng và người giúp việc. Ảnh: Hải Nguyễn



Khai thác chọn lọc để vun đắp bảo tồn

Trong cuộc hành trình này, chúng tôi tình cờ gặp nhà sử học Dương Trung Quốc khi ông cũng đến đây để tìm hiểu về các khu di tích Ba Vì. Ông nói, các khu di tích Pháp được xây dựng ở đây đều theo quy hoạch bài bản, không phá vỡ cảnh quan. Người Pháp ứng xử là bảo tồn nhưng không quên khai thác một cách đúng mức. Điển hình như cốt 400 họ dành cho các nhà doanh nghiệp khai thác, trong khi đó ở cốt 700 thì họ dùng cho các công trình quân sự và chỗ ở cho các quân nhân. Trong tất cả tài liệu lưu trữ mà bản thân ông đã đọc, người Pháp luôn nhắc đến tính thiêng của Ba Vì. Họ cũng là một trong những người gìn giữ nền văn minh ở Ba Vì.

“Khi chúng tôi nghiên cứu về mặt lưu trú thì họ quy hoạch rất chặt để đảm bảo việc đáp ứng thỏa mãn nhu cầu nghỉ dưỡng mà không phá hoại cảnh quan. Chúng ta cần rút ra nhiều bài học trong vấn đề này” - nhà sử học Dương Trung Quốc nói. Nếu người Pháp không khai phá, chắc chắn đây vẫn chỉ là một khu rừng rậm và thậm chí nếu không quản lý tốt sẽ mất đi như một vài chỗ khác. Chúng ta cần phải biết cách sử dụng hài hòa các khu nghỉ dưỡng này. Phải có nhà khoa học hoạch định giữa cái lợi và hại, giữa tốt và xấu. Phải có nhà đầu tư, dám đầu tư vào đây. Đầu tư ở đây với tinh thần không phải khai thác thuần túy mà phải biết bảo vệ cảnh quan môi trường và bảo vệ chính quyền lợi của họ.

Đối với quản lý nhà nước, cần phải chặt chẽ, có luật pháp, có sự tính toán cụ thể. Đừng để như Tam Đảo, chúng ta quản lý chưa tốt nên bây giờ chỉ là một đô thị chứ không phải nơi nghỉ dưỡng như trước đây, ngoài mặt về lợi thế khí hậu. Hay Sapa cũng đang dần bị như vậy. Bài toán hài hòa lợi ích, chúng ta không nên tuyệt đối hóa bảo tồn là đóng kín lại. Mở, khai thác để có nguồn lực cho bảo tồn, làm như vậy mới vun đắp được cho bảo tồn. Nếu biết cách bảo tồn thì được hưởng thụ với chất lượng cao hơn rất nhiều.

“Nếu đóng cửa kín như một khu rừng cấm không ai ra vào, không ai động chạm vào, thiên nhiên sẽ phát triển tự nhiên, nhưng không phải tự nhiên nào cũng tích cực. Nếu con người can thiệp khoa học, bài bản, có luật pháp sẽ làm tăng thêm giá trị của khu rừng và đồng thời bảo tồn một cách bền vững” - ông Dương Trung Quốc nói và cho biết thêm, nếu khu rừng cấm thì chính là yếu tố dễ tàn phá nhất. Nhưng con người có ý thức bảo vệ chăm sóc, thậm chí tôn tạo nó thì sẽ có sự bảo tồn bền vững.

 

Nhiều công trình thời Pháp thuộc ở Ba Vì đã bị cây cối vây quanh. Màu xanh của rêu, màu xám của nấm mốc, màu bạc của sương mù tạo nên một không gian huyền ảo. Ảnh: Hải Nguyễn
Nhiều công trình thời Pháp thuộc ở Ba Vì đã bị cây cối vây quanh. Màu xanh của rêu, màu xám của nấm mốc, màu bạc của sương mù tạo nên một không gian huyền ảo. Ảnh: Hải Nguyễn


Trong khi đó, ông Đỗ Hữu Thế - Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì - mong muốn là phải đánh thức được tiềm năng của các phế tích Pháp ở Ba Vì. Phải trên cơ sở khôi phục lại những gì đã tàn phế. Những cái gì còn hình hài của lịch sử, chứng tích lịch sử thì phải giữ lại để giáo dục truyền thống. Phế tích hẳn thì phải xây dựng lại. Tuy nhiên, việc xây dựng này phải trên cơ sở tôn trọng quá khứ, hài hòa với thiên nhiên, đảm bảo bảo vệ môi trường sinh thái của Vườn quốc gia Ba Vì và có định hướng của các nhà sử học, các nhà khoa học

“Chúng ta cần chọn lọc cái gì khoanh được để bảo vệ, để đối chứng cho lịch sử. Ví dụ, ở cốt 600 là nhà đại tá, nhà trung tá, di tích lịch sử cách mạng cứ điểm 600 là phải giữ, hay như trên cốt 800 thì nhà thờ cổ cũng phải giữ” - vị giám đốc vườn trăn trở.

Theo Cao Nguyên - Hải Nguyễn - Thế Vinh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.