(GLO)- Cái tên “ốc đảo” Kon Pne dường như trở thành dĩ vãng! Vì giờ đây, trên những triền đồi của Kon Pne đã được phủ bởi màu xanh của bắp, mì, bời lời, còn dưới thung lũng là những cánh đồng lúa nước uốn lượn, ôm quanh con suối hiền hòa… Góp phần không nhỏ trong sự đổi thay ấy là công sức của cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kbang.
Giúp dân làm được giao thông nông thôn. Ảnh: Anh Huy |
Cách đây 5 năm, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kbang được Huyện ủy Kbang và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phân công phụ trách địa bàn xã Kon Pne để làm công tác dân vận. Thời điểm ấy, Kon Pne được biết đến là xã nghèo nhất của tỉnh, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, 6 tháng mùa mưa dường như hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài… Người dân trong xã chủ yếu là người Bahnar, họ vẫn quen với lối sống du canh du cư, canh tác lạc hậu, phát nương làm rẫy, trong khi nhiều diện tích có thể trồng lúa nước lại bị bỏ hoang…
Ngay sau khi nhận địa bàn, đơn vị đã tổ chức quán triệt sâu sắc nhiệm vụ và quyết tâm cho từng cán bộ, chiến sĩ, đồng thời phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy, Đảng ủy-UBND xã Kon Pne khảo sát tình hình thực tế của địa phương về diện tích đất trồng cây công nghiệp, nông nghiệp, điều kiện chăn thả gia súc... để xây dựng kế hoạch dân vận trong từng giai đoạn. Mục tiêu mà Ban Chỉ huy Quân sự huyện đặt ra là phấn đấu mỗi năm giúp 1-2 hộ thoát nghèo và coi tiêu chí, hiệu quả giúp dân “xóa đói, giảm nghèo” là một trong những nội dung đánh giá cán bộ phụ trách.
Sau khi khảo sát địa bàn, đơn vị xác định vào 3 nhóm công việc cụ thể: đầu tư giúp hộ nghèo mua bò giống để phát triển chăn nuôi; phối hợp với các ban ngành hướng dẫn, đầu tư giúp hộ nghèo khai hoang trồng lúa nước; giúp đỡ hộ nghèo chuyển đổi diện tích đất nương rẫy sang trồng cây bời lời đỏ. Tuy nhiên, hộ nghèo của Kon Pne thì nhiều nên bước đầu, đơn vị tập trung rà soát và chọn đưa vào danh sách giúp đỡ những hộ gia đình đặc biệt khó khăn nhưng có khả năng lao động, biết sử dụng hiệu quả đầu tư ban đầu. Riêng nguồn kinh phí để thực hiện công tác giúp dân “xóa đói, giảm nghèo” được đơn vị thống nhất sẽ trích một phần từ nguồn quỹ tăng gia sản xuất, phần còn lại là vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đóng góp thêm.
Đại tá Lê Xuân Lộc-Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kbang cho biết: Từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã giúp đỡ cho 12 hộ gia đình nghèo trong xã, thông qua việc hỗ trợ 6 con bò giống, 2 con dê, giúp khai hoang 8 sào lúa nước, hướng dẫn chuyển đổi diện tích đất nương rẫy sang trồng bời lời đỏ, hỗ trợ 9.000 cây giống bời lời đỏ. Đến nay, đàn bò đã sinh sản và tăng thêm 4 con, diện tích lúa nước được mở rộng và đặc biệt đã có 9/12 hộ gia đình thoát nghèo. Cụ thể, năm 2011, đơn vị hỗ trợ 2 con bò giống cho hộ ông Đinh A Hương, Đinh Y Háp và cử cán bộ, chiến sĩ xuống giúp gia đình khai hoang 2 sào lúa nước (diện tích này trước nay người dân bỏ hoang, không canh tác), “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn người dân cách gieo trồng, chăm sóc, bón phân. Năm 2012, đơn vị tiếp tục hỗ trợ một con bò giống cho gia đình ông Hnhró và hỗ trợ 1.000 giống cây bời lời đỏ, khai hoang ruộng lúa cho 2 hộ: Đinh Luy, Đinh Hới. Năm 2013, đơn vị hỗ trợ gia đình: Đinh Srúi và Đinh Hia hai con bò giống, 2.000 cây giống bời lời, khai hoang 2 sào ruộng nước. Năm 2014, đơn vị hỗ trợ một con bò giống cho gia đình ông Đinh Oa và giúp 2 hộ nghèo khác 4.000 cây giống bời lời. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, đơn vị đã mua 2 con dê tặng cho gia đình ông Đinh Nhiên 2 và hỗ trợ 2.000 giống cây bời lời.
Ngoài giúp bò giống, cây giống, hướng dẫn bà con cách trồng trọt, đơn vị còn tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng dân quân xã triển khai nhiều việc làm ý nghĩa khác: đào một giếng nước để người dân thôn 2 có nguồn nước sạch sử dụng; sửa chữa nhà cho gia đình ông Đinh Y Nhông-gia đình chính sách; khám-chữa bệnh cho hơn 400 lượt người dân. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, “hũ gạo tình thương” do cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đóng góp đã được trao đến tận tay 120 hộ gia đình chính sách, gia đình khó khăn với 1.200 kg gạo… Những việc làm trên của cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã góp phần cùng các ban ngành của địa phương làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, tạo bước chuyển biến tích cực về phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Anh Huy