Đám tang của già làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Con trâu không chịu bước đi, dù đám đông đã cố sức kéo căng dây buộc mũi lẫn dùng roi quất đen đét. Bí quá, người làng hò nhau trói trâu lại, treo chân lên hai thanh gỗ lớn rồi khiêng đến nơi làm lễ. Hôm nay, cả làng đâm trâu, làm nghi thức cúng lễ tang cho già làng Alăng Vàng, vị già làng khả kính của tổ Đào (thôn Pho, xã Sông Kôn, Đông Giang).

Rất lâu rồi, người ta mới lại đâm trâu. Bởi chủ trương của địa phương, bởi điều kiện khó khăn trói buộc nên tục này vắng dần. Con trâu lớn được đưa đến khoảng sân rộng gần nhà của già làng để tiến hành nghi thức.

Trong đám đông, nhiều già làng ở khắp các bản làng Cơ Tu ở Đông Giang nghe tin, tìm đến. Những người trẻ trong gia đình ngồi chăm chú bên các vị già làng, nghe họ dặn dò kỹ lưỡng về các bước tiến hành lễ tang.

1. Con trâu, vật hiến tế trong nghi thức đâm trâu được con cháu cùng đóng góp. Người làng nói, già Alăng Vàng mất khi 101 tuổi, phải đâm trâu để tri ân. Không có quá nhiều nước mắt.

Người làng Pho đã cởi mở hơn, họ bắt tay chào hỏi những người đến dự đám tang. Chỉ duy nhất con trai cả của già làng mặc áo vải xô. Đó cũng là “quy ước” mới xuất hiện gần đây. Ngày trước, người Cơ Tu không mặc áo vải xô như người Kinh trong đám tang của người thân mình.

Cả đêm hôm trước, các già làng ngồi quây quần bên quan tài của người mất, vừa uống rượu vừa “klêng” (khóc bằng một điệu hát cổ Cơ Tu). Những câu hát hòa theo nhịp với trống, nghe rất cảm xúc.

Từng người một, họ hát để tiễn đưa linh hồn, ghi nhận công lao của người đã khuất, để họ ra đi thanh thản. “Bên kia cuộc đời, ông cứ đi, đừng lo nghĩ điều gì. Dân làng sẽ nhớ đến ông, nhớ những tháng ngày cùng lao động, cùng làm ăn, cùng đoàn kết”…

Sáng hôm sau, nghi thức đâm trâu được tiến hành. Đâm trâu là nghi thức cuối cùng để tiễn đưa vị già làng. Dân làng và con cháu trong gia đình mặc sắc phục truyền thống. Như một vật “tiếp dẫn” trong hành trình về miền mây trắng của người đã khuất, thịt trâu được xem là món quà gửi tặng cho người đã mất mang theo làm “thức ăn”.

Chỉ một nhát đâm vào bên hông trái, ngay tim. Mọi thao tác dứt khoát và chuẩn chỉ, để tránh làm sự đau đớn kéo dài. Khi con trâu gục xuống, người ta đặt một ghè rượu, ché chiêng và dùng thổ cẩm phủ đắp lên vết đâm. Các con dâu của vị già làng cầm vật chứa than lửa, đốt trầm hơ quanh thân trâu hàm ý xin phù trợ, cầu mong mọi điều an lành với con cháu.

Bên mâm cúng, những vật dụng - tài sản con cháu và người thân mang đến, được đặt cạnh quan tài của già làng. Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN

Bên mâm cúng, những vật dụng - tài sản con cháu và người thân mang đến, được đặt cạnh quan tài của già làng. Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN

Nhiều già làng khác cũng đến. Một mâm cỗ mới được dọn lên. Các già làng lại cùng nhau vít rượu cần, đại diện uống với những “hồn ma” đưa tiễn. Vừa uống họ vừa lầm rầm nói chuyện.

Một người bạn của chúng tôi đứng ở đó, nói nhỏ vào tai rằng các già làng đang động viên người đã mất yên tâm ra đi, không vướng bận gì nữa. Bên quan tài, bà con đặt một số đồ dùng quen thuộc của người mất; quà tặng từ con cháu, họ hàng, sui gia..., một thứ “hành trang” cho cuộc đi của vị già làng về với mây ngàn.

2. Hôm đám tang, già Y Kông lặn lội tìm đến. Ông già nguyên chủ tịch huyện nay đã yếu, nhưng vẫn vận bộ thổ cẩm đẹp nhất, đeo chuỗi mã não, răng nanh heo rừng, đội khăn đóng.

Ông đến để tiễn một người bạn, người mà ông từng quen biết từ những năm tháng chiến tranh. Già Y Kông ngồi đấy, chỉ bảo, hướng dẫn những người tham gia lễ cúng cho người mất thực hiện theo đúng từng nghi thức cổ.

Toàn bộ nghi thức đám tang được tái hiện theo phong tục truyền thống. Con trâu chỉ là “vật tế”. Người Cơ Tu tin sau khi mổ, thịt trâu sẽ được người mất mang theo làm thức ăn dọc hành trình về biên kia thế giới. Già Y Kông nói, với từng hoàn cảnh gia đình cụ thể, người ta hoàn toàn có thể giết trâu, mổ bò nếu xét thấy có đủ khả năng, đủ điều kiện. Ông tôn trọng quyết định của gia đình và dân làng, nhưng không khuyến khích.

Theo già Y Kông, người Cơ Tu có luật tục riêng, người ta tổ chức đám ma cũng dựa trên những quy định chặt chẽ về nghi thức đó. Không thể làm bậy, làm qua loa, vì như thế sẽ khiến người mất đau lòng, hờn giận. Nhưng cái nào là văn hóa, có giá trị thì nên giữ. Cái nào là tục cũ, lạc hậu, không có lợi ích thì bỏ đi. Đâm trâu cũng được, nhưng là với gia đình có điều kiện, dựa trên sự đóng góp của số đông.

“Không nên cứ chạy theo làm rình rang, hoàng tráng rồi lại chật vật để trả nợ, để lo lắng sau khi làm xong lễ tang cho người thân mình. Mình không cổ xúy những thứ lạc hậu. Một đám tang, theo tục lệ người Cơ Tu, có thể là hơi rườm rà nhưng có những nghi thức không thể bỏ đi, bởi đó là văn hóa tộc người.

Những năm gần đây, qua giao tiếp và học hỏi, nhiều vùng người Cơ Tu dần thay đổi suy nghĩ, tổ chức đám tang gọn nhẹ hơn, vừa đỡ tốn kém, lại hạn chế buồn đau cho người ở lại. Tâm lý của con cháu cũng dần thoải mái”- già Y Kông nói.

Ông Briu Danh (thôn Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn) kể, ngày trước nếu gia đình có người thân mất không sắm được chiêng, trống thì phải đi mượn từ các hộ khác trong làng, thậm chí là mượn ở làng khác.

Sau khi mượn xong, người ta dùng bả rượu cần và máu tươi con heo hoặc con gà bôi lên vật dụng đó, hàm ý “chữa lành” đau thương, cầu cho dân làng, đặc biệt là chủ hộ được mượn không ốm đau, không bệnh tật, xóa bỏ nghi ngại về chuyện chết chóc. Nếu mượn ở làng khác, người ta mang mâm rượu thịt để nói chuyện và sau khi mang đến trả cũng vậy.

3. Đã rất lâu rồi người ta không còn đâm trâu. Phải đến đám tang của già làng, một nghi thức tưởng chừng đã thuộc về ngày cũ bỗng lại xuất hiện. Con trâu, vật truyền dẫn tâm linh của người miền núi, không còn được thế giới “văn minh” chấp nhận xuất hiện trong nghi thức truyền thống. Nhưng điều gì đã thôi thúc con cháu và người làng Pho vác con trâu bị trói nghiến trên hai thân cây hình chữ X để mang đến trong lễ tang vị già làng?

Quan tài và không gian “cư ngụ” của già làng được phủ bởi lớp thổ cẩm truyền thống. Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN

Quan tài và không gian “cư ngụ” của già làng được phủ bởi lớp thổ cẩm truyền thống. Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN

Nhiều địa phương miền núi đã bỏ tục đâm trâu lâu rồi. Đó là xu thế, là sự thích nghi với nhu cầu cộng sinh và tiếp biến của văn hóa. Người làng Pho muốn đâm trâu để suy tôn vị già làng, nhưng giá trị và uy tín của người đã mất, rõ ràng chẳng thể đo đếm bằng con trâu.

Một đám tang lớn không quan trọng bằng những đóng góp truyền đời mà các vị già làng để lại. Như già làng Y Kông nói, mọi thứ sẽ phải khác đi. Già Y Kông muốn giữ những nghi thức cổ, nhưng ông cũng sẵn sàng khuyến khích việc tiếp nhận những thay đổi, nhân văn và tích cực hơn trong nhịp chảy hiện đại.

Chúng tôi ngồi với các vị già làng, cảm xúc pha trộn giữa niềm xúc động với thanh âm “klêng”, lẫn một chút ái ngại khi thấy đám đông trói con trâu, nặng nhọc khiêng đến nơi làm lễ tế.

Một con trâu đã chết, để suy tôn, nói thay tâm thức cộng đồng. Nhưng giữa dòng chảy thời cuộc, vẫn khó có thể cắt nghĩa cho lựa chọn của cộng đồng khi cứ phải tìm đến vật tế mà không thể lên tiếng bằng một điều gì khác, một cách khác.

Cây nhang thắp lên trên bàn thờ của bao nhà, là cầu nối tâm linh, nhưng nhiều người vẫn nguyện cầu bằng một cái chắp tay, không nhang khói đấy thôi. Hãy sống tốt, hãy để những giá trị mang tính “di sản” của người đã mất được tiếp nối bằng những người đang sống, đó có lẽ sẽ là sự trao truyền tâm linh tốt nhất, xác đáng nhất.

Những gì thuộc về ngày hôm qua, sẽ để lại cho hôm qua, thế giới nguyên thủy. Để đón những làn gió mới, mát lành, như lời già Y Kông rầm rì nói với chúng tôi trong đám tang, ngày hôm ấy...

Có thể bạn quan tâm

Thầy Nguyễn Quang Tưởng và cô RCom H’Ni (thứ 3 từ phải sang) tâm huyết với mô hình “Làng văn hóa dân tộc”. Ảnh: T.D

Người thầy làm “sống dậy” văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học

(GLO)- Mong muốn xây dựng môi trường giáo dục đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2023, thầy Nguyễn Quang Tưởng-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã phục dựng thành công “Làng văn hóa dân tộc” trong khuôn viên trường học.

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.