Đám cưới trẻ con ở miền Tây xứ Nghệ: Cưới nhau ở tuổi 14

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những đứa trẻ mới 14 tuổi, đang học lớp 8, thích nhau rồi nghỉ học, về nhà cưới nhau. Những đám cưới trẻ con cứ nối nhau suốt bao năm nay như một sự hiển nhiên ở vùng đất này.

Học sinh Trường THCS Na Ngoi giờ tan trường. Ảnh: K.HOAN
Học sinh Trường THCS Na Ngoi giờ tan trường. Ảnh: K.HOAN
Đám cưới học trò
Thầy hiệu phó Trường THCS Na Ngoi (xã Na Ngoi, H.Kỳ Sơn, Nghệ An) Nguyễn Viết Thắng thở dài khi nhắc đến đám cưới của học trò mình. Ông nói với tôi, đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa rồi, có 12 học sinh lớp 8 và lớp 9 của trường đã nghỉ học để lấy chồng, lấy vợ. Các em vẫn hồn nhiên đến trường mời thầy, cô giáo đến dự đám cưới. “Đám cưới học trò mình, nhưng thầy cô không thể đi dự vì chúng đang là trẻ em”, thầy Thắng buồn bã.
Tôi tìm đến bản Na Cáng (xã Na Ngoi). Hơn 12 giờ trưa, sương mù vẫn đang phủ khắp bản làng. Già làng Xồng Nhìa Chù bấm đốt ngón tay tính một lúc rồi bảo: “Nhiều lắm. Học trò nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng thì nhiều lắm. Không nhớ hết đâu”.
Già Chù dẫn tôi đến nhà Xồng Bá Mềnh, đang học lớp 8, chuẩn bị cưới vợ. Căn nhà bằng gỗ nằm bên con đường nhựa chỉ cách nhà già Chù vài trăm bước chân. Già Chù gọi cửa. Sau mấy lần gọi, cánh cửa mới mở. Mềnh và vợ sắp cưới là Lầu Mái Xê từ trong phòng ngủ bước ra, bẽn lẽn khi thấy khách lạ bất ngờ đến nhà. “Bố mẹ thằng Mềnh đi rẫy rồi. Con Xê ở xã Nậm Càn, cách đây 10 cây số. Nó đã về nhà này 3 ngày rồi. Theo tục lệ, ngày mai là nhà gái tổ chức đám cưới, 3 ngày sau nữa là nhà trai tổ chức lễ cưới, đưa dâu về”, già Chù nói.
Mềnh người nhỏ thó, ngồi bên vợ sắp cưới, lấm lét nhìn khách. Thi thoảng, cậu lại cúi xuống vuốt vuốt chiếc điện thoại. Cả hai vợ chồng năm nay đều 14 tuổi, đang học lớp 8. Mềnh học ở Trường THCS Na Ngoi, còn Xê ở Trường THCS Nậm Càn. Hai đứa quen nhau, rồi hẹn nhau và cách đây 3 ngày, Mềnh quyết định đi “bắt vợ”. Cậu đến nhà Xê rồi “bắt cóc” Xê đưa về nhà mình. Xê không phản đối và theo tục lệ người Mông, Mềnh và Xê từ đó sống chung với nhau để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân. Bố mẹ Mềnh bố trí cho 2 đứa phòng ngủ riêng.
“Em có bị Mềnh ép buộc bắt về đây không?”, tôi hỏi Xê. “Không, hai đứa thích nhau, em cũng muốn về đây”, Xê hào hứng. “Ngày mai cưới, tâm trạng hai đứa thế nào?”. Mềnh và Xê cười bẽn lẽn, không trả lời. “Về đây sống với nhau 3 ngày rồi, em thấy có tốt không?”. “Em nhớ nhà, nhớ mẹ”, Xê cúi xuống, mặt thoáng buồn. “Thế em có muốn cưới Mềnh không?”. “Có”, giọng của Xê hào hứng trở lại. “Cưới nhau rồi hai đứa làm gì để kiếm tiền sinh sống?”. Cả Mềnh và Xê đều lặng thinh.
Già làng Chù trả lời thay cho hai đứa trẻ: “Cưới rồi thì chúng cũng phải tự đi rẫy mà kiếm sống thôi”. Rồi ông nói, tục lệ ở đây là thế, chúng nó ưng nhau là lấy nhau, bất kể tuổi tác, không cản được.
Cách đó mấy ngày, một đám cưới của đôi học trò cũng vừa diễn ra ở bản Na Cáng này. Cô dâu và chú rể đều mới 14 tuổi. Cậu học trò lớp 8 Trường THCS Na Ngoi Xồng Bá Thành quen rồi thích một cô bạn cùng tuổi ở xã Nậm Càn và quyết định đến nhà “bắt vợ”. Hai gia đình sau đó đồng ý tổ chức đám cưới cho hai đứa. Cưới xong, Thành quay lại trường học tiếp, còn vợ đã bỏ lớp, về ở với nhà chồng. Tôi tìm đến nhà Thành, nhưng không gặp ai. Một người hàng xóm bảo, bố mẹ Thành đi làm rẫy, Thành bị đau, sáng nay hai vợ chồng đang ra bệnh viện huyện để khám, chưa thấy về.

Cô giáo Vi Thị Châu trò chuyện với Lầu Y Pó, một học sinh giỏi vừa đi lấy chồng và đang quay lại để học cho hết lớp 9
Cô giáo Vi Thị Châu trò chuyện với Lầu Y Pó, một học sinh giỏi vừa đi lấy chồng và đang quay lại để học cho hết lớp 9
Già Chù nhìn ra ngọn núi trước nhà đang phủ đầy sương, thở hắt, bảo trẻ con cưới nhau cũng là do chúng tự nguyện, không bị ép. Nếu bị bắt về làm vợ, con gái không ưng, vẫn có quyền hủy cưới mà không bị phạt. Con trai “bắt vợ” về nhà mình, 3 ngày sau mà không cưới nữa thì theo tục lệ, bị phạt 24 triệu đồng. Tự nguyện đấy, nhưng trẻ con cưới nhau, rồi sinh ra trẻ con, khổ lắm. Bám rừng bây giờ cũng khó sống, cho nên lớp trẻ ở đây khi thành niên, phần lớn phải ra bắc, vô nam làm thuê kiếm sống. Làm thuê cũng chỉ đủ ăn, nên cứ khổ mãi.
Giữa đường đứt gánh
7 học sinh lớp 9 và 3 học sinh lớp 8 của Trường THCS Na Ngoi đã “sang ngang” sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Sau ngày cưới của học trò, các thầy cô giáo phải đến nhà vận động bố mẹ cho các em tiếp tục trở lại trường. Nhưng chỉ có 3 nữ sinh lớp 9A quay trở lại để theo đuổi chứng chỉ tốt nghiệp THCS vì chỉ 3 tháng nữa sẽ kết thúc năm học.

Một góc xã Na Ngoi
Một góc xã Na Ngoi
Trước mặt tôi và thầy hiệu phó Nguyễn Viết Thắng, Lầu Y Pó tỏ ra buồn bã khi kể về cuộc hôn nhân mà cô gái 15 tuổi này vừa trải qua. Pó là học sinh giỏi, ham học và đã 2 lần đoạt giải học sinh giỏi huyện năm lớp 7 và lớp 9 (năm lớp 8 vì dịch Covid-19 nên không tổ chức thi).
“Em định học xong lớp 9 sẽ thi vào trường nội trú của tỉnh rồi học lên đại học, nhưng…”, Pó nói rồi dừng lại, cúi mặt xuống. Pó kể, người chồng mới cưới của Pó là con cô họ, nên đã quen biết nhau khá lâu dù nhà ở cách nhau khoảng 30 km. Cách đó 15 ngày, khoảng 11 giờ đêm, khi bố mẹ Pó đã ngủ, Súa cùng một người bạn chạy xe máy đến nhà Pó rồi “bắt cóc” Pó chở về nhà Súa. 3 ngày sau, đám cưới được tổ chức dù Pó chưa muốn. Cưới xong, Pó xin chồng và bố mẹ chồng cho đi học tiếp để lấy bằng tốt nghiệp THCS và được đồng ý. “Chồng em chỉ cho học hết lớp 9 là phải nghỉ”, Pó nói và tỏ ra tiếc nuối khi giấc mơ đại học đã bất ngờ đứt gánh.
Tục lệ ở đây là thế, chúng nó ưng nhau là lấy nhau, bất kể tuổi tác, không cản được
Già làng Xồng Nhìa Chù (bản Na Cáng, xã Na Ngoi, H.Kỳ Sơn, Nghệ An)
Cô giáo Vi Thị Châu (chủ nhiệm lớp 9A) khóc khi kể về học trò của mình. Cô nói, trước khi nghỉ tết, cô đã nhiều lần trải lòng với học sinh, vì tương lai của mình, các em hãy khoan lấy chồng, hãy vượt qua hủ tục để đến trường. “Nhưng các em đã không vượt qua được, khi nghe tin các em lấy chồng, tôi đã khóc”, cô Châu gạt nước mắt.
Cô Châu đã chủ nhiệm lớp 9A từ 3 năm nay, từ khi các em đang ở lớp 7. Lúc đó, lớp có 36 em. Dở lớp 7, có 1 em “bỏ cuộc” đi lấy chồng. Lớp 8, có thêm 2 em “đứt gánh” và năm nay, 4 em tiếp tục “sang sông”. Cô bé nhỏ nhắn Lầu Y Pó trở thành cô học trò cưng và là niềm hy vọng của cô Châu vì em ham học, có chí hướng và học tốt. Thế nhưng, cô bé đã không vượt qua được hủ tục.
Đứa trẻ 15 tuổi Lầu Y Mỹ (học lớp 9A) cũng đã trở thành thiếu phụ sau dịp tết vừa qua. Mỹ kể, năm ngoái Mỹ quen Hờ Bá Rùa (ở xã Huồi Tụ, H.Kỳ Sơn, cách xã Na Ngoi khoảng 70 km) qua mạng xã hội. Rùa đang học đại học năm thứ 2 ở Hà Nội. Hai đứa trò chuyện rồi quyết định cưới nhau. Rùa về nghỉ tết, chạy xe máy đến nhà Mỹ rồi rủ Mỹ về nhà mình ở Huồi Tụ. Mỹ đồng ý và sau đó báo cho hai gia đình tổ chức đám cưới. Cưới xong, ở với nhau 3 ngày, Mỹ xin nhà chồng cho đi học hết lớp 9.
Cách Trường THCS Na Ngoi một quãng là Trường tiểu học Na Ngoi 1. Thầy giáo Nguyễn Trọng Cường, chủ nhiệm lớp 5B, thở dài thườn thượt vì một học sinh của mình đã bất ngờ “đứt gánh giữa đường”. 4 năm trước, Xồng Y Xì đang học lớp 4 thì nghỉ học để theo gia đình di cư sang Lào. Hai năm sau, gia đình Xì quay trở về, Xì lại đến trường học tiếp lớp 4. Nhưng chỉ mới giữa lớp 5, dịp nghỉ tết vừa qua, Xì bất ngờ bỏ học đi lấy chồng ở tuổi 13. Chồng của Xì ở xã Tây Sơn (H.Kỳ Sơn), cách đó khoảng 15 km. Thầy Cường nói, không biết hai đứa quen nhau bằng cách nào và hẹn hò nhau ra sao, nhưng ăn tết xong, các thầy cô giáo của trường sững sờ khi biết tin Xì đã bỏ học đi lấy chồng.
(còn tiếp)
Theo Khánh Hoan (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.