Đặc sắc chợ hoa Xuân "Trên bến dưới thuyền" tại Thành phố Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm nay, chợ hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” dự kiến kéo dài đến ngày 31/1 (29 tháng Chạp), quy tụ khoảng trên 500 nhà vườn từ các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Lâm Đồng... tham gia.
 
Khung cảnh chợ hoa Xuân 'Trên bến dưới thuyền' năm 2022 bên bến Bình Đông (quận 8). Ảnh: Thu Hương/TTXVN
Khung cảnh chợ hoa Xuân 'Trên bến dưới thuyền' năm 2022 bên bến Bình Đông (quận 8). Ảnh: Thu Hương/TTXVN
Tối 27/1 (tức 25 tháng Chạp), Ban tổ chức Kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc chợ hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” tại khu vực bến Bình Đông (quận 8).
Phát biểu khai mạc buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 8 cho biết, qua 9 lần tổ chức, chợ hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” đã trở thành nét đặc trưng văn hóa, là một trong những điểm đến du lịch đường bộ và đường thủy đặc sắc của Quận 8 nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Hoạt động này thường được tổ chức dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, tuyến đường Bến Bình Đông (Phường 13 và Phường 14).
Năm nay, chợ hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” dự kiến kéo dài đến ngày 31/1 (29 tháng Chạp), quy tụ khoảng trên 500 nhà vườn từ các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Lâm Đồng... tham gia kinh doanh, trưng bày sản phẩm với nhiều chủng loại cây, hoa cảnh phong phú, mới lạ, đặc sắc.
Nổi bật là mô hình hoa đặc sắc của thành phố Đà Lạt, hoa giấy cẩm thạch ngũ sắc của huyện Chợ Lách (Bến Tre), góp phần tạo nên không gian hấp dẫn, vừa hiện đại, vừa truyền thống, mang đậm nét đặc trưng của miền sông nước, phục vụ nhu cầu thưởng lãm, mua sắm của người dân.
Tại khu vực chợ hoa, điểm nhấn là cầu số 7 và cầu số 6 sẽ được trang trí hoa đào, hoa mai bằng đèn led, tăng thêm ánh sáng và nét truyền thống của chợ hoa Xuân năm nay.
Không gian bờ sông đoạn từ đường Nguyễn Văn Của đi đến Cầu Kênh Ngang số 7 năm nay không bố trí các gian hàng buôn bán cả trên bờ và dưới sông để không gian trống với mục đích tập trung tạo điểm nhấn cho tổng thể trang trí của chợ hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” năm 2022.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình đặc sắc sẽ phục vụ người dân và du khách như: Biểu diễn nghệ thuật và đờn ca tài tử trên ghe bầu; trang trí tiểu cảnh xuân; trưng bày 100 hình ảnh về những thành tựu của quận 8, Hội thi ảnh “Trên bến dưới thuyền,” sản phẩm đạt giải của các doanh nghiệp.
Chợ hoa Xuân còn có hội thi ảnh lần thứ 9 với chủ đề “Trên bến dưới thuyền” cùng các hội thi: Thuyền hoa, nhà hoa, sum họp ngày Tết, gói và trưng bày bánh tét, chim hót hay, cắm hoa nghệ thuật và trưng mâm ngũ quả.
 
Biểu diễn đờn ca tài tử tại chợ hoa Xuân 'Trên bến dưới thuyền' năm 2022 bên bến Bình Đông (Quận 8). Ảnh: Thu Hương/TTXVN
Biểu diễn đờn ca tài tử tại chợ hoa Xuân 'Trên bến dưới thuyền' năm 2022 bên bến Bình Đông (Quận 8). Ảnh: Thu Hương/TTXVN
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân quận 8 cũng sẽ tổ chức chợ hoa Tết trên đường Tạ Quang Bửu với 3 cổng chào tại nút giao với đường Dương Quang Đông, Quốc lộ 50 và Phạm Hùng. Tuyến đường tổ chức chợ hoa dự kiến dài khoảng 2km (dọc theo kênh Tàu Hũ) sẽ được lắp đặt đèn led hiệu ứng màu, kết hợp chiếu sáng nghệ thuật.
Anh Hồ Tiến Thảo, chủ vườn mai vàng ở Bến Tre cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên anh cũng giảm lượng cung hoa Tết khoảng 20%. Anh mang khoảng 400 cây mai vàng lên bến Bình Đông bày bán (giảm 100 chậu hoa mai so với năm ngoái) cùng với 150 chậu hoa mào gà, cúc vạn thọ, ớt kiểng, tắc kiểng...
“Giá mai vàng dao động từ 200.000 đồng đến 10 triệu đồng/cây, giá hoa mào gà khoảng 25.000-35.000 đồng/chậu, các loại ớt kiểng có giá từ 20.000-30.000 đồng/chậu tùy loại, tắc kiểng có giá từ 200.000 đồng đến 12 triệu đồng/cây... Giá các loại hoa này đã tăng khoảng 5-10% so với năm ngoái vì chi phí phân bón, chăm sóc, vận chuyển... đều tăng,” anh Hồ Tiến Thảo nói.
Cùng ngày, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 12 cũng khai mạc Hội xuân “Chợ Hoa Tết năm Nhâm Dần 2022” với chủ đề "Quận 12 vững bước đi lên."
Hội xuân-Chợ hoa Tết là nét văn hóa đặc sắc của quận 12 mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ngoài ra, đây còn là dịp để các nhà vườn, nghệ nhân và nhân dân trong và ngoài quận giao lưu học hỏi kinh nghiệm, quảng bá các sản phẩm, hiện vật ngành nghề cây xanh, hoa kiểng... Đồng thời là nơi trưng bày và kinh doanh các sản phẩm do người dân làm ra, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của quận 12 nói riêng và của thành phố nói chung.
Theo đại diện lãnh đạo Quận 12, về quy mô, số lượng đường hoa, hội hoa tại Chợ Hoa Tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm so với các năm. Theo đó, quận chỉ duy trì đường hoa tại đường Lê Thị Riêng, còn lại không tổ chức hội hoa Xuân tập trung.
Quận 12 giao về các phường tùy vào vị trí đất trống của phường sẽ tổ chức các điểm hội hoa, tiểu cảnh nhỏ để phục vụ người dân vui chơi, chụp ảnh, việc chia nhỏ này sẽ giúp hạn chế tụ tập đông người.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, người dân thành phố, du khách được khuyến cáo tuân thủ nghiêm “Thông điệp 5K” (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế) của Bộ Y tế trong thời gian tham quan tại các khu vực chợ hoa Xuân năm 2021.
Thu Hương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Mô hình “Cà phê cảnh quan” ở xã Đak Krong, huyện Đak Đoa. Ảnh: H.T

“Cà phê cảnh quan”: Đa lợi ích

(GLO)- Cà phê cảnh quan là mô hình trồng cà phê xen canh với các cây trồng khác để tạo cảnh quan sinh thái, giúp mang lại giá trị cao cho cây cà phê, có thể phát triển du lịch.