"Đặc nhiệm" blouse trắng: Trắng đêm trong phòng xét nghiệm tuyến đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Từ khi có ca Covid ở Hải Dương, các nhân viên xét nghiệm tại chỗ thay ca nhau làm việc liên tục, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Họ tự nhắc nhở bản thân phải thật nhanh, phải "thần tốc" mới có thể nhanh chóng khoanh vùng, dập tan dịch bệnh.

Suốt 3 tuần qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương liên tục sáng đèn. Hàng ngàn mẫu bệnh phẩm được gửi về đây mỗi ngày, được phân loại và xét nghiệm để truy vết.

Không kể ngày đêm

Từ ngày 27-1, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hải Dương, trên địa bàn tỉnh này đã có 10/12 TP, huyện có bệnh nhân Covid-19. Toàn tỉnh ghi nhận gần 450 ca bệnh và hàng chục ngàn trường hợp F1, F2 phải cách ly.

Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Hải Dương đã tăng số lượng ca xét nghiệm lên 8.000 mẫu/ngày, tập trung vào các ca F1, vùng nguy cơ cao, tâm dịch trước, làm từ bên trong ra, không làm ồ ạt trên diện rộng, từ đó xác định ngay các ca F0 để truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị kịp thời.


 

 
Các chuyên gia làm việc trong phòng xét nghiệm tại tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Hải Dương Ảnh: TRUNG SƠN - ANH VĂN
Các chuyên gia làm việc trong phòng xét nghiệm tại tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Hải Dương Ảnh: TRUNG SƠN - ANH VĂN


Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Hải Dương, cán bộ, nhân viên y tế ở CDC của tỉnh đã nhiều đêm không ngủ để chạy đua với thời gian, hoàn thành công tác truy vết một cách nhanh nhất có thể. Nhiệm vụ của họ ngay khi tiếp nhận mẫu từ các chuyến xe chở đến là bê những thùng xốp đựng mẫu bệnh phẩm tới phòng tách mẫu. Tại đây, nhân viên sẽ tiến hành phân loại các mẫu xét nghiệm và đánh mã cho từng mẫu từ F1-F4. Việc phân loại nhằm xác định ai là F1, F2 bị nhiễm bệnh và liệu có lây sang cho F3 hay không. Đồng thời, tìm ra mối liên quan giữa các ca nghi nhiễm.

Trong không gian tĩnh lặng của đêm, những đôi mắt của cán bộ, nhân viên y tế đỏ ngầu vì thiếu ngủ nhưng họ phối hợp rất nhịp nhàng khi được phân công nhiệm vụ.

Nỗ lực cho tuyến đầu

Chịu trách nhiệm toàn bộ ê-kíp xét nghiệm, chuyên gia sinh học phân tử Nguyễn Nhân Duy cho biết khi nhận được tin, ông và các đồng nghiệp đã bay từ TP HCM ra với quyết tâm cố gắng hỗ trợ Hải Dương sớm kiểm soát được dịch bệnh. Hầu hết các thành viên trong nhóm đã từng "chinh chiến" ở Đà Nẵng và giờ tiếp tục "chia lửa" cùng Hải Dương. Với đôi mắt đỏ hằn vì thiếu ngủ, Đặng Hoàng Anh, nhân viên chi viện cho CDC tỉnh Hải Dương, tâm sự: "Đội xét nghiệm làm việc từ sáng đến 17 giờ mỗi ngày để chạy máy thử mẫu. Đến 20 giờ, các mẫu xét nghiệm ở các nơi đổ về, cả ê-kíp lại vào guồng quay và làm đến khi trời sáng. Bốn ngày nay, chắc tôi ngủ tổng cộng được khoảng 8 giờ".

Sau khi phân loại, các mẫu xét nghiệm được chuyển sang phòng tra mẫu để thử với hóa chất, dựa vào các phản ứng sẽ giúp nhận biết các mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Công tác kiểm tra mẫu rất khẩn trương nhưng lại phải cẩn thận tới từng chi tiết.

Chị Trần Thị Quỳnh Lan (Bến Tre) tâm sự mấy ngày nay, chị chỉ tranh thủ chợp mắt một chút trong lúc chờ mẫu xét nghiệm mới đưa về, khi nào mệt quá không cố được nữa mới dám nằm nghỉ. Không chỉ riêng Hoàng Anh hay Quỳnh Lan, tất cả nhân viên trong ê-kíp xét nghiệm ở CDC Hải Dương đã xem việc thức trắng đêm là chuyện thường ngày.

Tại phòng PCR - nơi chạy thông tin phản ứng của các mẫu xét nghiệm nhằm kiểm tra trình tự gien của mẫu bệnh phẩm và virus SARS-CoV-2 có trùng nhau không, chị Vũ Thị Huyên đã có 9 đêm thức trắng kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở Hải Dương.

Chị Huyên tâm sự ngay sau khi nhận được thông báo về ca bệnh đầu tiên, CDC tỉnh Hải Dương đã nhanh chóng khởi động đội phản ứng nhanh tiến hành lấy mẫu ngay lập tức ở Chí Linh để khoanh vùng những ca F1. "Đúng 0 giờ đêm, sau khi các mẫu dịch được chuyển về, đội chúng tôi đã khởi động phòng xét nghiệm tiến hành sàng lọc 14 ca F1 của bệnh nhân, qua đó đã phát hiện 1 ca dương tính. Dù vậy, để xác định chính xác 100%, chúng tôi vẫn phải tiến hành các bước xét nhiệm khác. Đến 7 giờ hôm sau, chính thức công bố ca bệnh dương tính với Covid-19" - chị kể lại.

Chị Huyên cho biết trong những ngày chống dịch, chị phải gửi con về quê với ông bà ở Kim Thành (Hải Dương). Dù rất nhớ con nhưng vì trách nhiệm với công việc và cộng đồng, chị chỉ có thể trò chuyện với bé qua điện thoại để vơi bớt. Không chỉ vậy, chồng chị Huyên hiện là chiến sĩ công an cũng đang tham gia chống dịch 3 tháng nay chưa thể về nhà.

Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh

Từ khi có ca nhiễm ở Hải Dương, mỗi ngày đội xét nghiệm làm việc 3 ca trong phòng lab, mỗi ca kéo dài từ 6-7 giờ, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Chỉ những hôm không phát hiện ca nhiễm mới, cả đội mới tranh thủ ăn uống, ngủ nghỉ. Chị Nguyễn Phạm Kim Ngân (Khánh Hòa) tiết lộ: "Tôi đã từng tham gia điểm nóng Đà Nẵng nên quen với cường độ làm việc cao. Lần này có hơi chút khác biệt vì là năm đầu tiên đón Tết xa nhà nhưng với tôi, đó chỉ là điều nhỏ, điều lớn hơn là phải quyết tâm chống dịch thành công".

Hai người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn ngồi trong phòng tra mẫu, đôi bàn tay thoăn thoắt lấy mẫu, tra chất thử rồi lại ghi chép. Ít ai biết được rằng ngay sau khi bay từ TP HCM ra Hà Nội, họ đã đi thẳng xuống CDC tỉnh Hải Dương và bắt tay vào làm việc xuyên đêm.

Nhiều ngày qua, đội ngũ y tế tại đây thức trắng để tìm ra nguồn lây qua các mẫu xét nghiệm. Với họ, vừa rồi được đón cái Tết thật đặc biệt vì phải xa gia đình, làm việc 24/24 giờ để truy vết ca bệnh. Họ tự nhắc nhở bản thân phải thật nhanh, phải "thần tốc" mới có thể nhanh chóng khoanh vùng, dập tan dịch bệnh. Sự hy sinh thầm lặng của ê-kíp làm xét nghiệm nói riêng và đội ngũ y - bác sĩ nói chung là ngọn lửa tiếp sức cho niềm tin Hải Dương sẽ sớm không còn dịch bệnh Covid-19.

 

Để bảo đảm truy vết "thần tốc", Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19 (còn gọi là Tổ truy vết) được thành lập và hoạt động liên tục từ đầu năm 2020 với khoảng 200 thành viên, gồm nhiều sinh viên chuyên ngành dịch tễ học, y khoa và một số chuyên ngành khác cùng các nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ. Nhiệm vụ chính của tổ là thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin dịch tễ, qua đó bổ sung vào danh sách F1, F2; đưa ra góc nhìn toàn cảnh về sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Tổ có một nhóm chuyên thu thập và phân tích các thông tin ban đầu, qua đó đưa ra những trường hợp cụ thể và điểm cần chú ý.

Nhóm khác với chuyên môn về dịch tễ có nhiệm vụ điều tra thông tin, gọi điện phỏng vấn tất cả trường hợp liên quan ca bệnh để bổ sung các "mảnh ghép". Nhóm chuyên gia cấp cao của tổ nhận thông tin, đưa ra kết luận và chỉ đạo dựa trên chuyên môn về dịch tễ học, qua đó đề xuất phương án phù hợp.


(Còn tiếp)
Theo Kim Trung - Ngọc Dung (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.