Đà Nẵng dự kiến có 12 phường, xã và 1 đặc khu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng việc sáp nhập 2 địa phương là cơ hội lịch sử để vùng đất Quảng Đà vươn ra biển lớn

Chiều 29-3, tại TP Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cho hay thành phố đã báo cáo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính phường, xã, không tổ chức chính quyền cấp huyện. Dự kiến có 12 phường, xã và 1 đặc khu (Hoàng Sa), giảm 75% đầu mối.

Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam

Bí thư TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị cho phép TP Đà Nẵng (sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam thành đơn vị hành chính mới) được tiếp tục kế thừa toàn bộ định hướng phát triển theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 136/2024 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Các quy hoạch được phê duyệt giữa hai địa phương tiếp tục được thực hiện và vừa làm, vừa điều chỉnh phù hợp với định hướng, quy mô mới.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề xuất một số cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam; cho phép thành phố lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng để hình thành một đô thị mới…

Về phía tỉnh Quảng Nam, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh uỷ, đề xuất Trung ương thống nhất chủ trương cho phép đầu tư một khu đô thị mới thông minh, hiện đại với tổng diện khoảng 15.000 ha, thuộc vùng Đông huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, là đô thị trọng điểm của khu vực. Đô thị này nằm giữa TP Đà Nẵng và TP Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam hiện nay.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết cũng đề nghị thống nhất chủ trương đầu tư tuyến đường sắt đô thị từ TP Đà Nẵng vào TP Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ, Chu Lai để tạo điều kiện kết nối phát triển khu vực phía Nam của tỉnh Quảng Nam...

Sau khi nghe báo cáo, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu một số tồn tại, hạn chế của hai địa phương. Trong đó, Tổng Bí thư cho rằng, ưu thế của địa phương này sẽ hỗ trợ cho địa phương kia. Vì thế, việc nghiên cứu, triển khai các mô hình mới, kể cả việc điều chỉnh đơn vị hành chính đã trở thành yêu cầu cấp thiết để mở rộng dư địa tăng trưởng, tái cấu trúc không gian phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VGP
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VGP

Tổng Bí thư định hướng xây dựng Đà Nẵng-Quảng Nam mới bảo đảm trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam và là một trong những thành phố có năng lực cạnh tranh cao của quốc gia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong đó, cần định vị không chỉ là trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung mà còn thể hiện vai trò tiên phong trong quá trình phát triển hiện đại. Đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, Khu thương mại tự do, khu đô thị hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Không gian phát triển mới phải xác định vai trò, lợi thế chiến lược riêng như cực phát triển công nghiệp, logistics Chu Lai, Trung tâm du lịch văn hóa Hội An, Mỹ Sơn, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… "Phải quy hoạch tổng thể, phát triển cân bằng, không thể xảy ra tình trạng tập trung quá mức vào Đà Nẵng, mà lãng quên tiềm năng quý báu của Quảng Nam" - Tổng Bí thư nêu rõ.

"Việc sáp nhập 2 địa phương là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực, mang trong mình sức mạnh quốc gia trong thời đại mới. Chúng ta cần phát huy thế mạnh 2 bên, cùng quy hoạch, phát triển với tầm nhìn mới, để vùng đất Quảng Đà thực sự vươn ra biển lớn" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư khẳng định sau khi sáp nhập, thành phố mới sẽ tiếp tục kế thừa các định hướng phát triển, các cơ chế, chính sách đặc thù của Đà Nẵng và đề nghị các cơ quan Trung ương, Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ nhằm tạo động lực phát triển không chỉ cho Đà Nẵng-Quảng Nam mới, mà còn cho cả khu vực miền Trung và đất nước.

Theo B.Vân (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tặng con cái 600 công đất trong ngày cưới, Phó Chủ tịch huyện ở Kiên Giang bị cảnh cáo về kê khai tài sản

Tặng con cái 600 công đất trong ngày cưới, Phó Chủ tịch huyện ở Kiên Giang bị cảnh cáo về kê khai tài sản

Ông Bùi Văn Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Giang Thành (Kiên Giang) bị kỷ luật Cảnh cáo do kê khai tài sản không trung thực. Trước đó, dư luận xôn xao khi trên mạng xã hội xuất hiện video vợ ông Mến tuyên bố tặng con gái và con rể 600 công đất, ước tính trị giá khoảng 90 tỷ đồng.