Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh “cò” mứt Đà Lạt (Lâm Đồng) có hành vi, lời lẽ thóa mạ, xúc phạm hướng dẫn viên du lịch khi bị ngăn lên xe giới thiệu sản phẩm cho một lò mứt.
Sự việc này một lần nữa cho thấy vẫn tồn tại thực tế mà khách đoàn đến Đà Lạt đều có thể từng nếm trải: mất thời gian cho những “điểm tham quan cực chẳng đã” theo sự thỏa hiệp ngầm giữa nhà tour với các “cò” địa phương (theo luật chơi của “cò”).
Phải khẳng định rằng điều này không hề mới mẻ tại Đà Lạt. Và không chỉ dừng lại ở cò mứt, mà còn các loại “cò” khác: “cò” vườn dâu, “cò” điểm check-in, “cò” dịch vụ thuê xe kiểu chụp giựt, bỏ rơi khách hàng... Đây là sự việc cho thấy khoảng cách rất lớn giữa những điều tốt đẹp trên văn bản, slogan du lịch với thực tế đời sống dịch vụ hằng ngày ở thành phố du lịch này.
Nhìn lại Đà Lạt đã có lịch sử phát triển dịch vụ du lịch gần 100 năm nếu tính từ khi người Pháp đặt mục tiêu xây dựng một trạm an dưỡng (sanitorium/health station) cho quan chức, binh lính, sĩ quan Pháp ở Đông Dương, và sau đó phát triển thành một thành phố nghỉ dưỡng có tính đại chúng. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, Đà Lạt là thành phố du lịch đem lại sự thư nhàn, niềm hưng phấn và phục hồi sinh lực cho du khách. Mỗi thời kỳ mỗi khác, nhưng nhìn chung không gian văn hóa du lịch mà thành phố này định hình rất tốt trong tâm trí khách thập phương.
Nguồn vốn tài nguyên thiên nhiên từ khí trời, đồi núi, sương khói và cỏ cây cùng với nguồn tài nguyên nhân văn phong phú từ một lịch sử đô thị có số phận đặc biệt đã làm nên tính hấp dẫn, khiến du khách yêu thành phố này gần như vô điều kiện. Minh chứng vào các kỳ nghỉ lễ, dù biết đường giao thông còn chưa thuận tiện, dịch vụ còn thiếu tính chuyên nghiệp so với các thành phố khác như Nha Trang, Hội An..., nhưng khách phương xa vẫn kéo về Đà Lạt đông đúc, đơn giản chỉ để được tranh thủ... “sống với Đà Lạt”, “tận hưởng Đà Lạt” trong khoảng thời gian eo hẹp của mình.
Thế nhưng, đáp lại là gì? Một đời sống dịch vụ thực tế còn sự thiếu chuyên nghiệp, những dịch vụ cóp nhặt, chắp vá và đâu đó còn cả sự thiếu coi trọng du khách... Để xảy ra những hiện tượng như vậy phát sinh trong một truyền thống làm du lịch gần trăm năm của thành phố, đã đành là lỗi những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng cũng phải thẳng thắn mà nói rằng có căn nguyên chính ở một hệ thống quản trị dịch vụ đô thị du lịch chưa xứng tầm, còn nặng hình thức và thiếu sự sáng tạo, chuyên nghiệp.
Sự việc như “cò” mứt lại vẫn có thể diễn ra giữa thanh niên bạch nhật, khi thành phố này vừa ban hành bộ Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt, giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa, Thanh lịch, Mến khách” vào hồi tháng 4.2022 và đang rục rịch chuẩn bị chương trình cho ba tháng Festival vào cuối năm nay. Đó là điều không thể chấp nhận.
Cần đặt lại câu hỏi: nếu chỉ dựa vào những mỹ từ và nguồn vốn có sẵn, liệu Đà Lạt có còn đủ hấp dẫn để khách quay trở lại trong tương lai?
Theo Nguyễn An Nam (TNO)