"Củi hứa hôn" của người Giẻ Triêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các dân tộc bản địa Tây Nguyên vốn gắn bó với núi rừng. Nếu con gái Giẻ Triêng lo củi để lấy chồng thì các chàng trai lo đốt than để rèn dụng cụ sản xuất.
Người Giẻ Triêng lấy củi làm thước đo đánh giá sự đảm đang, chăm chỉ của các cô gái. Gia đình có con gái chưa gả chồng thì nơi để củi có thể giúp người mẹ chồng nhận diện con dâu tương lai. Khi đến tuổi biết yêu đương, các cô gái Giẻ Triêng thường lên rừng đốn củi mang về nhà xếp thành bó để sau này “hồi môn” chàng trai mà mình sẽ lấy làm chồng. Củi xấu hay đẹp, cong hay thẳng, nhiều hay ít thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo, sự trưởng thành và khả năng làm chủ gia đình của người phụ nữ. Đây là củi bắt chồng hay củi cho chồng.
Trong ngày ăn hỏi, cô gái xin ý kiến già làng và gia đình rồi chuyển đống củi sang nhà trai. Chuyển củi, xếp củi là nghi lễ quan trọng nhất, bởi theo luật tục, củi là vật hứa hôn của cô gái với chàng trai mà họ yêu thương. Người cõng củi ngoài cô dâu còn có một số phụ nữ có chồng trong làng cùng giúp. Việc chuyển củi sang nhà trai, dù ít hay nhiều cũng phải chuyển xong trong 1 ngày. Khi lượng củi chuyển sang nhà trai được khoảng hai phần ba thì một số đàn ông nhà gái tới chặt cây, đào lỗ chôn cột, chuẩn bị xếp củi vào ngày hôm sau. Khi bó củi cưới đã tháo ra, cô dâu phải lấy thanh củi đầu tiên đưa cho chồng, rồi người chồng mới chuyển cho bố mẹ của mình để họ tự tay xếp củi lên giàn đã chuẩn bị sẵn. Sau nghi lễ này, những người phụ giúp mới tiếp tục xếp củi thành khối vuông vức. Cuối ngày xếp củi, hai bên gia đình phải trồng cây nêu trước nhà làng để thông báo với mọi người trong làng và khách mời gần xa biết việc tổ chức tiệc chiêu đãi và các hoạt động vui chơi, múa hát dân gian trong dịp cưới.
Thanh niên Giẻ Triêng gùi than về làng chuẩn bị cho lễ hội. Ảnh: Tấn Vịnh
Thanh niên Giẻ Triêng gùi than về làng chuẩn bị cho lễ hội. Ảnh: Tấn Vịnh
Trong khi các cô gái Giẻ Triêng lo củi hứa hôn thì các chàng trai lo đốt than để rèn nông cụ. Theo dân gian, chỉ có than làm từ loại cây kchiah mới ăn no lửa, trở thành công cụ sản xuất tốt nhất. Hàng năm, đồng bào Giẻ Triêng thường tổ chức ngày hội lấy than trong rừng, gọi là Cha kchiah. Đầu tiên, già làng họp xét chọn khoảng 7 thành viên trong làng để lên rừng đốt than. Người được chọn đi “ăn than” phải là người trong một vài năm vừa qua gia đình luôn gặp nhiều may mắn, lao động sản xuất luôn đạt kết quả tốt, không có thành viên nào của gia đình bị ốm đau. Thanh niên được chọn là những người khỏe mạnh, không vi phạm luật tục. Trong lúc thanh niên lên rừng đốt than thì người ở làng làm cây nêu, dựng ngôi nhà rèn trước nhà rông.
Vào sáng sớm, những thành viên được dân làng cử đi lên rừng đốt than. Đến rừng là lúc trưa, họ bắt đầu tiến hành nghi thức hạ cây kchiah dùng để đốt than. Khi những cây kchiah đã đốt thành than, đủ số lượng cần dùng, mọi người tiếp tục chặt cây lồ ô, chẻ thành nan dùng để đan gùi đựng than mang về nhà. Mỗi thành viên tham gia đốt than cùng nhau cõng gùi than về nhà. Ở sân nhà làng, cây nêu, ngôi nhà rèn đã dựng sẵn, dân làng đã tập trung đông đủ chào đón các thành viên đi đốt than trở về. Lúc này, già làng cất tiếng thông báo: “Hỡi dân làng, các thành viên đi lấy than đã về tới làng, hãy đánh trống, đánh cồng chiêng lên”. Khi tiếng trống, tiếng cồng chiêng nổi lên, những người lấy than đang chờ ở rìa làng tiếp tục cõng trên lưng những gùi than linh thiêng đi vào làng đến vị trí phía sau ngôi nhà rèn.
Trong âm vang tiếng trống, tiếng cồng chiêng, những người lấy than tiếp tục đi xung quanh ngôi nhà rèn 4 vòng và sau đó đặt những gùi đựng than vào trong nhà. Sau khi nghi thức đưa than vào trong nhà rèn kết thúc, hội đồng già làng tiếp tục thực hiện nghi thức rèn các công cụ lao động sản xuất.
Củi và than là những yếu tố làm nên di sản văn hóa đặc sắc của người Giẻ Triêng mà tiêu biểu là lễ cưới với tục “bó củi hứa hôn” và lễ hội ăn than. Qua các nghi lễ khẳng định vai trò của các chàng trai, cô gái trong cuộc sống cộng đồng và xây đắp hạnh phúc gia đình.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.