Cột mốc chủ quyền đặc biệt: Mốc trên chiến trường xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là các mốc giới ở H.Vị Xuyên và H.Yên Minh (Hà Giang), cắm ở khu vực vốn là địa bàn trọng điểm trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (từ tháng 2.1979 - 12.1989), có tên gọi “mặt trận Vị Xuyên”.
Điểm cao 1509
Từ đường tỉnh 197C lên thôn Nặm Tà (xã Thanh Đức, H.Vị Xuyên), các biển báo giao thông liên tục hướng dẫn đến địa danh “mốc 1509”.
Điểm cao 1509 có vị trí rất quan trọng trong tác chiến phòng ngự. Từ năm 1979 - 1989, nơi đây diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa bộ đội ta và lính Trung Quốc, đặc biệt là trận 28.4.1984. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng mỏm đá, từng thước đất, từng mét chiến hào. Các trận đánh ở điểm cao 1509 mãi đi vào lịch sử.

Trung úy Phàn Thế Sơn, cán bộ Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, kiểm tra, lau mốc 252 trên điểm cao 1509. Ảnh: M.T.H - N.Đ.L
Trung úy Phàn Thế Sơn, cán bộ Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, kiểm tra, lau mốc 252 trên điểm cao 1509. Ảnh: M.T.H - N.Đ.L
Từ thôn Nặm Tà, chúng tôi đi xe máy theo đường bê tông ngược lên núi và sau đó để xe máy lại, đi bộ trên những bậc lên xuống xây dài rộng, khoảng 20 phút là tới mốc giới 252. Đứng ở mốc nhìn qua cây lá rậm rạp sang bên kia Trung Quốc, thấy hàng rào sắt sơn xanh và ngay liền đó là đường đi.
Tiếp tục sang mốc 254, dọc đường mòn có nhiều dấu tích chiến hào và 1 lô cốt cũ nằm chênh vênh trên nền đất yếu. Suốt thời gian đi, các cán bộ Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Bộ đội biên phòng Hà Giang) liên tục nhắc nhở, giám sát không cho rời khỏi đường mòn vì “có thể mìn và vật nổ còn sót lại”.

Mốc giới 254 đặt trên sống núi điểm cao 1509, tại độ cao 1.400,48 m. Ảnh: M.T.H - N.Đ.L
Mốc giới 254 đặt trên sống núi điểm cao 1509, tại độ cao 1.400,48 m. Ảnh: M.T.H - N.Đ.L
Ở mốc 254, ngay bên phần đất Trung Quốc là đường lên xuống mốc làm thành các bậc bê tông, hai bên đường kè đá, phía trên là công trình giống lô cốt, treo camera, loa phát thanh, thiết bị cảm ứng…
Mốc ở điểm cao 772
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía bắc (1979 - 1989), tại điểm cao 772 (xã Thanh Thủy, H.Vị Xuyên) diễn ra nhiều trận đánh. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356, 313 (Quân khu 2)... đã anh dũng hy sinh.
Sau khi phân giới cắm mốc, tại điểm cao 772 đã có 3 mốc giới: mốc số 258 (ở khu vực mỏm Đ3), mốc số 259 (khu vực mỏm Đ2) và mốc số 260 (gần mỏm Đ3 nằm ở phía đông nam).

Bộ đội Đồn biên phòng Bạch Đích và dân quân phát quang khu vực mốc 362 trên đỉnh núi Bạc (điểm cao 1250). Ảnh: Giàng Minh Trung
Bộ đội Đồn biên phòng Bạch Đích và dân quân phát quang khu vực mốc 362 trên đỉnh núi Bạc (điểm cao 1250). Ảnh: Giàng Minh Trung
Đại tá Hoàng Đình Xuất, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Hà Giang, kể lại: Thời điểm 1999 - 2000, công binh Quân khu 2 đã rất nhiều lần rà phá, tháo gỡ vật nổ ở điểm cao 772 để an toàn cho việc phân giới cắm mốc.
“Hồi ấy chúng tôi làm nhiệm vụ phân giới khu vực 772, cứ đi đến đâu là lính Trung Quốc đi theo giám sát. Khi cắm mốc xong, họ mới rút khỏi 772”, đại tá Xuất kể.
Mốc núi bạc
Nhắc đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc ở Hà Giang là người ta nói đến mặt trận Vị Xuyên. Ít người biết ở địa bàn H.Yên Minh cũng có những điểm cao ghi dấu lửa đạn những năm 1984 - 1985. Điển hình là điểm cao 1250 (còn gọi là Núi Bạc, phía Trung Quốc gọi là Giả Âm Sơn).

Đội tuần tra quản lý, bảo vệ biên giới bên mốc 258, đặt tại độ cao 903,25 m. Ảnh: M.T.H - N.Đ.L
Đội tuần tra quản lý, bảo vệ biên giới bên mốc 258, đặt tại độ cao 903,25 m. Ảnh: M.T.H - N.Đ.L
Trên điểm cao 1250 có cắm mốc 362. Mốc giới 362 là mốc đơn, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi Bạc, có độ cao 1.250,64 m, tọa độ địa lý 23°15’16,489” vĩ độ bắc - 105°03’33,229” kinh độ đông.
Mốc giới 362 hiện do Đồn biên phòng Bạch Đích quản lý, bảo vệ.
(còn tiếp)
Theo Mai Thanh Hải - Nguyễn Độc Lập (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.