Công ty Điện lực Gia Lai: 40 năm xây dựng và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 40 năm qua, Công ty Điện lực Gia Lai đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong việc cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.

Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, Công ty Điện lực Gia Lai đã nhiều lần thay đổi mô hình và tên gọi, từ Sở Quản lý và Phân phối điện Gia Lai-Kon Tum đến Sở Điện lực Gia Lai-Kon Tum, Sở Điện lực Gia Lai, Điện lực Gia Lai và hiện nay là Công ty Điện lực Gia Lai. Cùng với những thay đổi đó là rất nhiều dấu mốc quan trọng và đáng tự hào.

 

 

Từ nền móng đầu tiên

Sau ngày giải phóng tỉnh (17-3-1975), ngành Điện tỉnh Gia Lai đã tiếp quản 3 cụm máy phát diesel gồm 5 tổ máy 2.200 kW tại Pleiku, 3 tổ máy 800 kW tại Kon Tum, 4 tổ máy 700 kW tại Ayun Pa do chế độ cũ để lại. Thời điểm này, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật của ngành vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật lẫn kinh nghiệm quản lý vận hành hệ thống điện. Tuy nhiên, họ đã khắc phục mọi trở ngại để khôi phục toàn bộ số máy móc sau tiếp quản, nhanh chóng cấp điện trở lại cho thị xã Pleiku, Kon Tum và thị trấn Ayun Pa với sản lượng điện năm 1976 là 3,78 triệu kWh.

Năm 1980, Sở Quản lý và Phân phối điện Gia Lai-Kon Tum tiếp nhận Nhà máy Điện Cù Hanh của quân đội gồm 5 tổ máy diesel 2.200 kW. Giai đoạn 1984-1992, đơn vị tiếp tục chuyển 16 tổ máy diesel của Liên Xô và Tiệp Khắc có tổng công suất 8,1 MW từ miền Bắc vào lắp tại Nhà máy Điện Biển Hồ để cấp điện cho thị xã Pleiku. Lúc này, lưới điện cả tỉnh chỉ có vẻn vẹn 70,5 km đường dây trung áp 15 kV, 95 trạm biến áp (TBA) phân phối và 74 km đường dây hạ áp. Cung  không đáp ứng được cầu buộc đơn vị phải thực hiện việc cắt điện luân phiên, gây không ít khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Sản lượng điện năm 1984 đạt 13 triệu kWh. Đến năm 1991, khi tách tỉnh Gia Lai và Kon Tum, lưới điện tỉnh Gia Lai cũng chỉ có 97,6 km đường dây trung áp 15 kV, 128 TBA phân phối, 104 km đường dây hạ áp, sản lượng điện là 28 triệu kWh.

Một trong những thời khắc không thể nào quên là ngày 12-11-1994, TP. Pleiku và một số vùng lân cận được nhận điện lưới quốc gia từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình qua đường dây 500 kV Bắc-Nam. Tháng 1-1995 lưới điện quốc gia được đóng đến Chư Sê; tháng 3-1995 đến An Khê, Kbang, Kông Chro; tháng 3-1996 đến Chư Pah; tháng 5-1996 đến Đak Đoa; tháng 10-1996 đến Đức Cơ; Tết Nguyên đán 1996 đến Ayun Pa; tháng 2-1999, Krông Pa là huyện cuối cùng của tỉnh được kết nối lưới quốc gia.

 

Nỗ lực hoàn thiện lưới điện. Ảnh: Đức Thụy
Nỗ lực hoàn thiện lưới điện. Ảnh: Đức Thụy

Đến nỗ lực hoàn thiện lưới điện

Những năm qua, nhiều dự án đầu tư được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như: Dự án năng lượng nông thôn 1 hoàn thành và đóng điện năm 2005, tổng vốn đầu tư 212,5 tỷ đồng; Dự án cải tạo nâng cấp lưới điện TP. Pleiku, điện khí hóa xã Ya Ma và Biển Hồ (ADB) hoàn thành và đóng điện năm 2005, tổng vốn đầu tư 223,7 tỷ đồng; Dự án cấp điện cho các thôn, buôn tại Gia Lai (thôn buôn 1) hoàn thành và đóng điện năm 2010, tổng vốn đầu tư 310 tỷ đồng; Dự án vốn vay JIBIC đóng điện năm 2010, tổng vốn đầu tư 24 tỷ đồng; Dự án ADB tỉnh Gia Lai hoàn thành và đóng điện năm 2014, tổng vốn đầu tư 357 tỷ đồng; Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Gia Lai (vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức-KFW1) hoàn thành và đóng điện năm 2014, tổng vốn đầu tư 118 tỷ đồng; Dự án nâng cao độ tin cậy cung cấp điện tỉnh Gia Lai hoàn thành và đóng điện năm 2015, tổng vốn đầu tư 37 tỷ đồng; Dự án KFW2 hoàn thành và đóng điện năm 2016, tổng vốn đầu tư 179 tỷ đồng…

 

CUNG CẤP ĐIỆN CHO TỈNH RATANAKIRI (CAMPUCHIA)

Căn cứ hiệp định giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Campuchia về hợp tác trong lĩnh vực điện năng, tháng 10-2010, Bộ Công thương có quyết định bán điện cho Điện lực Ratanakiri. Theo đó, Công ty Điện lực Gia Lai đã khẩn trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng lưới điện cấp điện cho Điện lực Ratanakiri gồm 2 giai đoạn với tổng giá trị đầu tư 45 tỷ đồng. Ngày 10-5-2011, công trình hoàn thành và Công ty Điện lực Gia Lai chính thức cấp điện cho Ratanakiri từ lưới điện Quốc gia Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ).
Sản lượng điện cấp cho tỉnh Ratanakiri tăng trưởng liên tục qua các năm. Cụ thể, 7 tháng của năm 2011: 5,029 triệu kWh; năm 2012: 13,562 triệu kWh; năm 2013: 19,260 triệu kWh; năm 2014: 27,31 triệu kWh; năm 2015: 31,00 triệu kWh.

Cùng với hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn hàng năm của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, lưới điện do Công ty Điện lực Gia Lai quản lý đã được cải tạo, nâng cấp và phát triển. Đến nay, tỉnh Gia Lai được nhận điện từ Hệ thống điện quốc gia qua 9 TBA 110 kV. Cuối năm 2015, lưới điện phân phối của Công ty có 4.500 km đường dây trung áp, 4.242 km đường hạ áp, 3.932 TBA phân phối, tổng tài sản ước khoảng 2.100 tỷ đồng, cấp điện cho 369.745 khách hàng, sản lượng điện thương phẩm 848,2 triệu kWh, doanh thu 1.407 tỷ đồng.

Công ty Điện lực Gia Lai là một trong những đơn vị đầu tiên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đồng loạt việc tiếp nhận lưới điện trung áp, lưới điện nông-lâm trường, lưới điện nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 222/222 phường, xã, thị trấn có điện-đạt 100%; 2.508/2.508 tổ dân phố, thôn, làng có điện-đạt 100%; 312.910/ 319.992 hộ dân có điện-đạt 97,8%.

Công ty Điện lực Gia Lai hôm nay là một tập thể với hơn 820 cán bộ, công nhân viên năng động, nhiệt tình và trách nhiệm đang làm việc ở 28 đơn vị gồm 12 phòng nghiệp vụ, 15 Điện lực tại các huyện, thị xã, thành phố và Xí nghiệp Điện cơ. Dù ở cương vị hay công việc nào, mỗi cán bộ, kỹ sư hay công nhân của Công ty Điện lực Gia Lai cũng đã và đang nỗ lực hết mình để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, cũng như tiếp tục mang ánh điện đến những vùng sâu, vùng xa cuối cùng của tỉnh.

Công tác dịch vụ khách hàng đã có nhiều cải tiến đáng kể về chất lượng. Mới đây nhất, vào đầu năm 2016, Công ty đã triển khai chương trình ghi điện tự động tức thời qua hệ thống RF-Mesh tại TP. Pleiku giúp khách hàng theo dõi và kiểm soát trực tuyến thông số sử dụng điện của mình trên website của ngành Điện để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ

Trong thời gian tới, Công ty Điện lực Gia Lai sẽ nỗ lực nhiều hơn trong việc đảm  bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, chất lượng và độ tin cậy cao, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn. Tiếp tục hoàn thiện và mở rộng lưới điện nông thôn đến những vùng sâu, vùng xa cuối cùng của tỉnh qua các dự án điện như: Dự án thôn buôn giai đoạn 2 (2016-2020) giá trị 966 tỷ đồng; Dự án KFW3 dự kiến đóng điện năm 2018, vốn đầu tư  283,5 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng lưới điện thông minh như: Dự án mini SCADA dự kiến hoàn thành vào năm 2017, vốn đầu tư 3,9 triệu USD cùng với lắp đặt hệ thống công tơ điện tử đo từ xa.

 

Công ty Điện lực Gia Lai thường xuyên quan tâm công tác xã hội từ thiện, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” với các hoạt động xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, xây dựng phòng học cho các điểm trường, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ trẻ em mồ côi; ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Cán bộ, công nhân viên Công ty tích cực tham gia các đợt vận động quyên góp, ủng hộ thường xuyên và đột xuất như: ủng hộ Trường Sa, đóng góp Quỹ tương trợ xã hội, ủng hộ công nhân viên chức, người lao động trong Công ty gặp khó khăn, ốm đau, hoạn nạn.

Bên cạnh đó, Công ty sẽ đề xuất Tổng Công ty Điện lực miền Trung quan tâm đầu tư xây dựng để đảm bảo mỗi huyện có ít nhất 1 trạm biến áp 110 kV. Trước mắt trong năm 2016 là nâng công suất TBA 110 kV Chư Sê và TBA 110 kV An Khê; năm 2017 triển khai lộ trình xây dựng mới các TBA 110 kV Chư Pưh, TBA 110 kV Krông Pa; rồi đến TBA 110 kV Ia Grai (năm 2018); TBA 110 kV Tây Pleiku (năm 2019); TBA 110 kV Khu Công nghiệp Trà Đa (năm 2020).

Công ty Điện lực Gia Lai sẽ phấn đấu phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua với mức công suất tiêu thụ cực đại hơn 200 MW, điện thương phẩm năm 2016 đạt 935 triệu kWh (gấp hơn 247 lần so với những ngày đầu thành lập), tốc độ tăng trưởng bình quân trên 13%/năm, tổn thất điện năng giảm còn 6,15%, thời gian mất điện còn 1.365 phút/năm...

Nhìn lại chặng đường 40 năm đã đi qua, bản thân mỗi cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Gia Lai không khỏi tự hào. Càng vinh dự hơn khi những thành tựu mà đơn vị gặt hái đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu cao quý, đặc biệt là Huân chương Lao động hạng nhì, nhiều bằng khen của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đảng bộ liên tục nhiều năm được công nhận trong sạch vững mạnh; Đoàn Thanh niên, Công đoàn cơ sở và Nữ công đều đạt được các danh hiệu thi đua cấp cao. Những thành tích ấy là niềm động viên, khích lệ to lớn để mỗi cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Gia Lai tiếp tục nỗ lực hơn nữa, tạo nên những mốc son tự hào trên hành trình phát triển cùng đất nước.

Măng Đoàn
Bí thư Đảng ủy-Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai

Có thể bạn quan tâm

Chỉ hơn 1,7 tỷ đồng, bạn có thể sở hữu mẫu xe thuần điện đầu tiên của Volvo tại Việt Nam

Chỉ hơn 1,7 tỷ đồng, bạn có thể sở hữu mẫu xe thuần điện đầu tiên của Volvo tại Việt Nam

(GLO)- Hãng xe an toàn nhất thế giới vừa cho ra mắt chiếc xe thuần điện Volvo EC40, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của hãng. Với thiết kế hiện đại, công nghệ tiên tiến, và hiệu suất vượt trội, EC40 là đối thủ đáng gờm trong phân khúc xe điện hạng sang.

Aprilia RS 660: “Tinh hoa” trong làng sportbike tầm trung, giá khởi điểm từ 485 triệu đồng

Aprilia RS 660: “Tinh hoa” trong làng sportbike tầm trung, giá khởi điểm từ 485 triệu đồng

(GLO)- Sở hữu khối động cơ 659cc mạnh mẽ cùng những công nghệ tiên tiến, Aprilia RS 660 không chỉ mang đến trải nghiệm lái phấn khích mà còn thể hiện sự vượt trội về hiệu suất trong tầm giá. Hiện chiếc xe này đang được bán với giá khởi điểm từ 485 triệu đồng.

CBR1000RR-R Fireblade: Siêu phẩm thể thao với sức mạnh vô song có giá bán trên 950,5 triệu đồng

CBR1000RR-R Fireblade: Siêu phẩm thể thao với sức mạnh vô song có giá bán trên 950,5 triệu đồng

(GLO)- Chiếc xe mơ ước của các tín đồ đam mê tốc độ với những cải tiến đột phá, nâng tầm hiệu suất vượt trội của hãng Honda. Từ thiết kế mạnh mẽ, Fireblade không chỉ là một chiếc xe, mà còn là biểu tượng của sự tinh tế trong ngành công nghiệp mô tô thể thao.

Kawasaki Ninja ZX-10R: Siêu phẩm tốc độ chinh phục mọi đường đua có giá niêm yết 729 triệu đồng

Kawasaki Ninja ZX-10R: Siêu phẩm tốc độ chinh phục mọi đường đua có giá niêm yết 729 triệu đồng

(GLO)- Kawasaki Ninja ZX-10R là mẫu sportbike đỉnh cao, được trang bị công nghệ hiện đại và sức mạnh vượt trội từ đường đua MotoGP. Với thiết kế khí động học cùng hiệu suất đáng kinh ngạc, đây là lựa chọn hàng đầu dành cho những tín đồ đam mê tốc độ và trải nghiệm đua xe chuyên nghiệp.