Cộng đồng doanh nghiệp san sẻ yêu thương với người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai còn nhiều người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhưng nguồn lực để chăm lo các đối tượng này có hạn. May mắn thay giữa bộn bề thiếu thốn đó, nhiều doanh nhân với tấm lòng nồng ấm yêu thương đã tích cực sẻ chia với người nghèo. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, biết bao nghĩa tình đã được các doanh nghiệp trao gửi cho những phận đời khốn khó.



Những mảnh đời cơ cực

Cơn mưa chiều rả rích khiến khuôn mặt bà Mai Thị Tòng (thôn 4, xã Trà Đa, TP. Pleiku) vốn đã buồn lại càng rười rượi. Ngồi trong căn nhà chỉ chừng 6 m2, bà dõi mắt ra ngoài như mong ngóng điều gì. Đôi chân đau nhức suốt mấy chục năm khiến bà không muốn đứng lên bật điện dù trời dần chuyển tối. Thì ra cứ vào khoảng thời gian này, bà thường được nhóm thiện nguyện Từ Tâm (TP. Pleiku) đến phát quà. Có lẽ vì sự chờ đợi đó mà khi nhóm thiện nguyện đến, nụ cười sáng rỡ đã nở trên khuôn mặt khắc khổ của bà.

Sinh năm 1948 ở Bình Định, bà Tòng sớm mồ côi cha mẹ nên phải nay đây mai đó kiếm kế sinh nhai. Ở với nhau được vài năm, chồng bà cũng khuất núi khi chưa kịp có với nhau mụn con. Bà ở một mình từ bấy cho tới nay, đi khắp nơi làm thuê làm mướn. Hơn 20 năm trước, bà lên Gia Lai phụ việc cho một quán cơm. Một hôm, do trượt chân ngã, đầu gối đập mạnh xuống đất vỡ xương bánh chè. Bao nhiêu tiền dành dụm được, bà đổ hết vào chữa trị nhưng có lẽ do không được chăm sóc chu đáo, chân vẫn đau âm ỉ.

 

 Bà Nguyễn Thị Sen (thứ 2 từ phải sang)-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh và phát triển Miền núi Gia Lai trao tặng 1.200 suất quà cho người dân TP. Pleiku gặp khó khăn. Ảnh: C.T.V
Bà Nguyễn Thị Sen (thứ 2 từ phải sang)-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh và phát triển Miền núi Gia Lai trao tặng 1.200 suất quà cho người dân TP. Pleiku gặp khó khăn. Ảnh: C.T.V


“Đã 20 năm rồi, cả 2 chân đều đau, nhưng tui cứ chịu đựng vậy chứ đâu có tiền chạy chữa. Giờ chẳng làm gì được, chờ người ta cho quà rồi sống lay lắt vậy thôi”-bà Tòng buồn bã chia sẻ. Rồi bà nén đau lần mò đi nấu nồi cơm để ăn cả ngày. “Chỉ sợ đến một ngày tui không lần mò đi nấu nổi nữa, vì ngoài đau chân, tôi còn bị viêm phổi, đau dạ dày”-bà Tòng tâm sự.

Còn gia đình anh Huỳnh Văn Thiện (thôn 2, xã Trà Đa, TP. Pleiku), cái nghèo đột ngột ập đến. Khi dẫn tôi đến gia đình anh, chị Lan Tươi-đại diện nhóm thiện nguyện Từ Tâm nói: “Em đừng thấy căn nhà của họ mà nghĩ họ không khó khăn. Họ làm việc chăm chỉ, tiết kiệm hết sức để xây được căn nhà nho nhỏ trước lúc 2 vợ chồng bị tai nạn. Giờ cuộc sống của họ khó khăn ghê lắm”.

Vợ chồng anh Thiện cùng làm nghề phụ hồ. Tuy không dư dả song cũng đủ để chăm lo mẹ già và 2 đứa con. Năm 2017, trong lúc đào hầm rút cho một công trình, chị Hiền không may rơi xuống ở độ cao 7 m và bị xẹp cột sống, gãy chân. Bao nhiêu tiền dành dụm cứ đội nón ra đi theo những lần phẫu thuật. Đáng buồn là dù đã phẫu thuật và bắt vít ở cột sống nhưng sức khỏe chị Hiền từ đó giảm hẳn, chỉ làm được vài việc lặt vặt.

Đến một ngày cuối năm 2019, anh Thiện đứng trên tầng thượng của công trình kéo một thanh sắt từ dưới đưa lên. Chẳng may thanh sắt vướng vào đường điện cao thế, anh bị giật cháy cả 2 cánh tay, cháy lan vào người, xuống chân. Để cứu sống anh, bác sĩ buộc phải cắt cả 2 tay. Từ một người khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình, anh bỗng dưng trở thành tàn phế. Nước mắt lưng tròng, anh Thiện nhỏ giọng: “Tôi giờ chỉ ở nhà không làm được gì hết. Giờ cuộc sống gia đình đều dựa vào vợ, mà sức khỏe của vợ tôi thì... May là hàng tháng, các Mạnh Thường Quân hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm để gia đình tôi đỡ được phần nào”.

Không riêng bà Tòng, vợ chồng anh Thiện mà còn rất nhiều cảnh đời khi nhắc đến sẽ khiến người ta rơi nước mắt. Chị Nguyễn Thị Hải-đại diện nhóm thiện nguyện Từ Tâm-cho biết: “Hàng tháng, chúng tôi đều tổ chức tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn. Số kinh phí này là nhờ lòng hảo tâm của các Mạnh Thường Quân. Có doanh nghiệp đóng góp một cách thầm lặng suốt nhiều năm liền. Nhờ đó mà nhiều hoàn cảnh được hỗ trợ đúng lúc”.

“Chúng tôi chỉ muốn có cơ hội để làm”

“Cho đi và đừng nghĩ rằng mình sẽ nhận lại, đó mới là cái tâm thiện nguyện trong sáng. Chỉ cần có cơ hội được đóng góp cho xã hội, chúng tôi luôn sẵn sàng. Vì vậy, trong kế hoạch hoạt động hàng năm của doanh nghiệp, chúng tôi luôn có kế hoạch riêng cho công tác này”-ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-chia sẻ. Là một trong những doanh nghiệp tận tâm với công tác an sinh xã hội mà không cần “khua chiêng gõ mõ”, Công ty Vĩnh Hiệp đã hỗ trợ tiền và nhu yếu phẩm cho rất nhiều trường hợp, từ người già neo đơn đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Công ty còn nhận phụng dưỡng 4 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Kinh phí dành riêng cho hoạt động này của Công ty lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Tương tự, ông Phan Thanh Thiên-Tổng Giám đốc Tập đoàn khoa học quốc tế Trường Sinh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai cũng là người luôn đề cao ý thức vì cộng đồng: “Xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi doanh nhân thể hiện trách nhiệm với cộng đồng”. Đó là lý do khiến ông luôn trích gần 3 tỷ đồng/năm để làm từ thiện.

Hội Nữ doanh nhân tỉnh tặng quà cho lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 khu vực cầu 110 (huyện Chư Pưh). Ảnh: Hà Duy
Hội Nữ doanh nhân tỉnh tặng quà cho lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 khu vực cầu 110 (huyện Chư Pưh). Ảnh: Hà Duy


Hội Nữ doanh nhân tỉnh cũng vậy, hễ nghe tin nơi đâu cần giúp đỡ là có mặt. Cơn bão số 9 hồi cuối năm 2020 đã khiến nhiều gia đình bỗng dưng rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, vườn tược tan hoang. “Thấy họ đã nghèo giờ lại càng khốn khó, thương không chịu nổi”-bà Đặng Thị Mỹ Dung-Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân-chia sẻ. Ngay sau đó, không quản đường sá xa xôi, lầy lội, những nữ doanh nhân đã đến thăm và hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập hoàn toàn do cơn bão số 9 tại huyện Kbang, Kông Chro với kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Tham gia đóng góp an sinh xã hội cũng là hoạt động thường xuyên của các thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Hàng năm, bình quân các hội viên của Hiệp hội đóng góp cho công tác an sinh xã hội 50-70 tỷ đồng. Trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp vẫn nhiệt tình đóng góp trên 100 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội-cho biết: “Đã có rất nhiều hoạt động được Hiệp hội triển khai như xuất quỹ trên 1,2 tỷ đồng tặng xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi nhân ngày khai giảng; xây nhà tình thương, tặng quà cho người nghèo... Cùng với đó, Hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ Bảo trợ trẻ em 600 triệu đồng”.

Tình người trong đại dịch

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã vận động các doanh nghiệp đóng góp 105.000 chiếc khẩu trang và trên 6,8 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc xin cũng như công tác phòng-chống dịch. Còn Hội Nữ doanh nhân tỉnh cũng dành 365 triệu đồng tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch và san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn; tổ chức 2 đợt thăm hỏi, trao quà cho các thai phụ và trẻ em từ khu vực phía Nam trở về với trị giá quà tặng gần 80 triệu đồng. Trước đó, tri ân đội ngũ y-bác sĩ, điều dưỡng viên xung phong vào TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương chống dịch, cộng đồng nữ doanh nhân đã trao tặng quà với tổng trị giá trên 200 triệu đồng.

Đặc biệt, khi TP. Pleiku thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều gia đình lâm vào khó khăn do thất nghiệp. Với tinh thần tương thân tương ái, các doanh nghiệp đã kịp thời trao tặng nhiều phần quà để gúp các hộ này đảm bảo cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh và phát triển Miền núi Gia Lai-bày tỏ: “Việc giãn cách xã hội đã tác động một phần đến đời sống của người dân, đặc biệt là những lao động nghèo. Với trách nhiệm của một doanh nhân, tôi góp 1.200 suất quà để cùng chung tay với chính quyền TP. Pleiku hỗ trợ người dân trên địa bàn”.

Công ty TNHH Vĩnh Hiệp phối hợp với UBND phường Thắng Lợi (TP. Pleiku) tặng quà cho người nghèo và học sinh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Ảnh: Phan Lài
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp phối hợp với UBND phường Thắng Lợi (TP. Pleiku) tặng quà cho người nghèo và học sinh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Phan Lài


Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cũng đã đóng góp rất nhiều cho công tác phòng-chống dịch Covid-19 với việc tặng máy thở cho Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện Đa khoa tỉnh; tặng hàng trăm bộ đồ bảo hộ, hàng ngàn khẩu trang cho lực lượng tuyến đầu, bệnh viện dã chiến và nhiều nơi khác. “Tính tới thời điểm này, chúng tôi đã  ủng hộ bằng cả hiện vật lẫn tiền mặt vào khoảng gần 5 tỷ đồng”-ông Thái Như Hiệp cho hay.

...Mầm thiện ở mỗi con người dù nhỏ nhưng nếu được ươm gieo đúng cách sẽ trở thành cây đời xanh tươi. Nghe bài hát “Để gió cuốn đi” của Trịnh Công Sơn nhiều lần mới có thể hiểu được đầy đủ ý tứ mà ông gửi gắm: “Sống trong đời sống/Cần có một tấm lòng/Để làm gì em biết không?/Để gió cuốn đi”... Đúng vậy, mỗi chúng ta cần có một tấm lòng chia sẻ yêu thương, cùng hỗ trợ nhau để cuộc sống của mỗi người ngày càng tốt đẹp hơn, đầy đủ, ấm no hơn, để xã hội ngày càng phát triển, phồn vinh hơn. “Để gió cuốn đi”, không ghi nhớ, không kể ơn!

 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.