Công an huyện Đức Cơ ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo trên không gian mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, nhiều người dân ở huyện Đức Cơ  (tỉnh Gia Lai) bị tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước tình hình đó, Công an huyện đã nỗ lực triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Đức Cơ xảy ra 21 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền bị chiếm đoạt khoảng 6 tỷ đồng.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều hình thức khác nhau, như giả danh Công an, tòa án, viện kiểm sát gọi điện đe dọa; mạo danh cơ quan nhà nước gọi điện cài đặt app dịch vụ công giả mạo; sử dụng mạng xã hội kết bạn, làm quen hứa hẹn gửi quà để yêu cầu chuyển tiền cước phí; giả danh nhân viên công ty gọi điện thông báo trúng thưởng, nhận quà tặng tri ân khách hàng; cài đặt app kết bạn, hẹn hò để đánh cắp thông tin cá nhân…

Cán bộ Công an thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) tuyên truyền cho người dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: R.P

Cán bộ Công an thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) tuyên truyền cho người dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: R.P

Điển hình như vào ngày 2-5 vừa qua, chị T. (trú tại xã Ia Krêl) nhận được lời mời kết bạn trên Facebook từ 1 đối tượng không rõ nhân thân lai lịch. Sau đó, đối tượng này nhắn tin làm quen với chị T. và tự giới thiệu tên là Williams Andrew, quốc tịch Kazakhstan, hiện đang làm việc tại Ba Lan.

Sau thời gian trò chuyện làm quen, đối tượng bày tỏ tình cảm với chị T. và muốn qua Việt Nam để sinh sống, làm việc. Sau đó, đối tượng đề nghị được gửi quà là các tài sản có giá trị, trong đó có nhẫn đính hôn cho chị T. Đối tượng còn hứa hẹn khi sắp xếp xong công việc sẽ qua Việt Nam gặp mặt và yêu cầu chị phải cam kết nhận hàng thì mới gửi quà. Tin tưởng nên chị đã đồng ý theo yêu cầu của đối tượng.

Vài ngày sau, chị T. nhận được cuộc gọi điện thoại của một người phụ nữ thông báo chị đang có 1 đơn hàng gửi từ nước ngoài về và đang được giữ tại Đà Nẵng. Người phụ nữ này yêu cầu chị T. làm thủ tục thanh toán và nộp tiền thuế 18 triệu đồng thì mới được nhận hàng. Trong trường hợp chị không nhận thì phải nộp 25 triệu đồng tiền phí hoàn trả đơn hàng về lại cho người gửi. Nghi ngờ bị lừa đảo, ngày 10-5, chị T. đã trình báo sự việc đến cơ quan Công an và được hướng dẫn để không bị các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo.

Tương tự, vào ngày 12-9, bà C. (trú tại huyện Đức Cơ) nhận được cuộc gọi của 1 người tự xưng là cán bộ Công an huyện Đức Cơ. Đối tượng này thông báo bà C. có liên quan đến một vụ án rửa tiền và yêu cầu bà phải chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của mình vào số tài khoản do đối tượng cung cấp. Mục đích của việc chuyển tiền là để cơ quan chức năng xác minh, điều tra và sẽ trả lại nếu bà C. không có liên quan đến hoạt động rửa tiền. Đối tượng này còn liên tục đe dọa bà C. nếu không chuyển tiền thì sẽ bị Công an bắt giữ.

Do lo sợ, bà C. đã rút toàn bộ số tiền gần 800 triệu đồng trong sổ tiết kiệm với ý định sẽ gửi vào số tài khoản do đối tượng cung cấp. Tuy nhiên, do nghi ngờ bị lừa đảo nên bà C. đã đến Công an huyện Đức Cơ trình báo sự việc. Sau đó, bà được cán bộ Công an huyện tuyên truyền, hướng dẫn để không bị các đối tượng lừa đảo.

Công an huyện Đức Cơ tuyên truyền pháp luật cho người dân trên địa bàn. Ảnh: R.H

Công an huyện Đức Cơ tuyên truyền pháp luật cho người dân trên địa bàn. Ảnh: R.H

Trung tá Nguyễn Anh Thái-Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự (Công an huyện Đức Cơ) cho biết: Phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng rất tinh vi và đặt máy chủ ở nước ngoài nên công tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng thường lợi dụng sự thiếu cảnh giác, lòng tham của một số người dân để thực hiện hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, nhờ được Công an huyện tuyên truyền nên nhiều người đã kịp thời phát hiện hành vi lừa đảo và tố giác. Từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã kịp thời ngăn chặn hơn 20 trường hợp định chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.

“Để phòng-chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, cùng với sự vào cuộc đấu tranh của lực lượng chức năng thì mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, theo dõi các thông tin cảnh báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên các kênh thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Khi có người tự xưng là cán bộ của các cơ quan chức năng gọi điện thoại thông báo vụ việc liên quan đến bản thân và đề nghị cung cấp thông tin hoặc chuyển tiền thì người dân cần trình báo ngay với cơ quan Công an địa phương để được hướng dẫn phòng ngừa, ngăn chặn”-Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

(GLO)- Ngày 20-11, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thông tin, hiện trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNSPC, có địa chỉ evnspccskh.com. EVNSPC khẳng định trang web evnspccskh.com là giả mạo để lừa đảo.

Người dân cần liên hệ các kênh thông tin chính thống của BHXH Việt Nam để phòng tránh lừa đảo. Ảnh nguồn baohiemxahoi.gov.vn

Cảnh báo yêu cầu cung cấp thông tin bảo hiểm y tế để lừa đảo

(GLO)- Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP. Hà Nội, thời gian gần đây, đơn vị nhận được phản ánh của một số cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc một số đối tượng mạo danh gửi giấy mời đến phụ huynh yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân để thay đổi, bổ sung thông tin thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID.

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện việc đối tượng lấy cắp tài khoản (hack) Facebook cá nhân để nhắn tin messenger cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền.