"Cơn lốc" ly hương ở miền Tây: Làng toàn người già và trẻ nhỏ (Bài 1)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Cơn lốc di dân đỉnh điểm là vào năm 2016, bình quân hàng năm có hơn 300 người đến xã xin chứng nhận vào hồ sơ xin việc, con số này nếu cộng dồn với số người đi từ các năm trước thì có gần 2.000 rời quê mỗi năm" - Phó Chủ tịch UBND xã Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết.
Theo báo cáo kinh tế thường niên, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020, giai đoạn 2009 - 2019, vùng ĐBSCL có gần 1,1 triệu người di cư về TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Con số này lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên cả vùng giai đoạn trên. PV Báo NTNN/Dân Việt đã đến từng vùng quê để tìm hiểu thực trạng trên.
Kiếm cơm xa xứ
Ông Hên dẫn đứa cháu ngoại Lý Thị Trâm (7 tuổi) đến góc nhà cho nó lột tờ lịch của ngày cũ vào một chiều cuối tháng 12/2020. Cô cháu gái mới học lớp 1 đưa tay xé tờ lịch, miệng hỏi: "Vậy là còn vài bữa nữa má con về quê ăn tết hả ngoại, vui quá, con sắp được gặp má rồi".
Ông Hên nhìn nó với ánh mắt yêu thương rồi khẽ gật đầu ngụ ý như trả lời thay cho câu hỏi của cháu, nhưng ông không giấu được nỗi buồn đang dần lộ ra trên khuôn mặt đen sạm của mình.
"Con nít mà, đứa nào không muốn được ở bên má, rồi có đứa nào không muốn được má sắm sửa quần áo mới khi tết đến xuân về…"- ông nói như để an ủi cô cháu gái tội nghiệp, vì hoàn cảnh nghèo khó mà nó phải chịu xa má.

Ấp Nam Chánh có gần 400 hộ dân, nhưng hiện tại phần lớn chỉ còn phụ nữ, trẻ em và người già ở lại quê. Ảnh: P.V
Ấp Nam Chánh có gần 400 hộ dân, nhưng hiện tại phần lớn chỉ còn phụ nữ, trẻ em và người già ở lại quê. Ảnh: P.V
Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 nhận định, tình trạng dân ở ĐBSCL di cư về TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đáng báo động và là câu chuyện nhức nhối. Từ đó, làn sóng hồi hương của người dân đang lao động ở Đông Nam Bộ có thể trở thành gánh nặng của vùng trong thời gian tới.
Ông Hên, tên đầy đủ là Lý Hên, năm nay đã 66 tuổi - là một nông dân chính gốc ở ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Hơn 40 năm trước, ông kết duyên với bà Thạch Thị Tuốt, rồi đẻ liên tiếp 6 người con. Sáu đứa con của ông cũng lần lượt khôn lớn, mà cái sinh kế duy nhất để ông nuôi chúng thời ấy là hơn 5.000m2 đất của ông bà khai phá khi đến xứ này lập nghiệp để lại. Cuộc sống tuy không mấy dư giả, nhưng chí ít, vợ chồng ông không phải bỏ lại con cái đi kiếm miếng cơm nơi xứ người như các con của ông hiện tại.
Bà Tuốt tiếp lời chồng khi ông bỏ lửng câu nói trong tiếng thở dài. Bà nói, hai vợ chồng già rồi mà ngày ngày còn phải thay nhau làm lụng kiếm tiền nuôi cháu, rồi thay nhau chăm sóc chúng, đôi khi cũng mệt lắm, nhưng làm sao bỏ con cháu mình cho đặng.
"Vì cuộc sống nên chúng nó mới dãn lòng gửi lại con cái cho nội ngoại hai bên nuôi dưỡng, chứ có cha mẹ nào muốn bỏ lại đứa con do mình đứt ruột đẻ ra mà đi đâu"- bà Tuốt nói.
Tám năm trước, con trai út của ông Hên là anh Lý Hùng rời quê khi mới 18 tuổi đến Đồng Nai làm ăn, lúc ấy người chị lớn của anh Hùng tên Lý Thị Hà mới mang bầu bé Trâm - đây như là mốc thời gian đánh dấu cho sự chia ly giữa ông Hên và các con của mình ở nhiều năm sau này. Ba năm sau, đầu năm 2015, khi dành dụm được một ít tiền anh trở lại quê hương cưới vợ, sinh con với ý định bám trụ lại quê sinh sống. Nhưng chỉ một năm sau đó, cơn hạn mặn lịch sử năm 2016 càn quét qua các tỉnh vùng ĐBSCL. Đứng nhìn mấy công đất nuôi tôm của gia đình khô nứt nẻ, anh Hùng lắc đầu ngao ngán rồi thưa chuyện với ông Hên, xin cho mình được rời quê thêm lần nữa đi tìm miếng ăn.
Ông Hên nhớ lại lúc nghe con nói bỏ làng đi, ông rơi nước mắt. Lần ly hương thứ hai không chỉ có anh Hùng, mà tất cả 6 người con của ông Hên đều đi.
Chỉ còn người già, trẻ nhỏ
Câu chuyện ly hương ở ấp Nam Chánh nói riêng, xã Lịch Hội Thượng nói chung theo lời ông Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch UBND xã thì không phải là hiếm. Ông Long lật cuốn sổ tay ghi lại một cách cẩn thận nhân khẩu của xã. Ông bảo, xã chỉ có 3 ấp, trên 1.900 hộ, với hơn 7.000 nhân khẩu, nhưng số người trong độ tuổi lao động chiếm xấp xỉ gần 6.000 người, số còn lại là người già và trẻ em.
"Cơn lốc di dân ở địa phương đã bắt đầu từ năm 2010, nhưng đỉnh điểm là vào năm 2016, bình quân hàng năm có hơn 300 người đến xã xin chứng nhận vào hồ sơ xin việc, con số này nếu cộng dồn với số người đi từ các năm trước thì có gần 2.000 rời quê mỗi năm"- ông Long cho biết.
Xã Lịch Hội Thượng chỉ có hơn 2.800ha đất sản xuất tự nhiên, chủ yếu là trồng lúa và nuôi trồng thủy sản. Hơn 10 năm trước, vùng này còn sản xuất nông nghiệp thô sơ nên cần một lượng lớn lao động chân tay; tuy nhiên sau năm 2010, khi địa phương bắt đầu cơ giới hóa nông nghiệp, người lao động trở nên thừa thãi. Trong khi cả xã chỉ có 26 cơ sở kinh doanh, và 7 công ty nuôi trồng thủy sản, nhưng cũng không đảm bảo được việc làm ổn định cho hơn 100 lao động; và để có cái ăn, buộc lòng họ phải rời quê.
Phó Chủ tịch xã Lịch Hội Thượng - Tạ Văn Long trải lòng rằng, cái lo lớn nhất khiến chính quyền xã đau đầu là tình trạng di dân tự do về lâu dài sẽ tạo thêm gánh nặng cho địa phương, khi mà ngày càng có nhiều người bị tai nạn trong lúc làm việc, họ mất khả năng lao động trở về quê với nhiều thương tật trên người, và họ sống chủ yếu nhờ vào nguồn tiền trợ cấp của địa phương. 
Đáng quan ngại nhất là số trẻ được cha mẹ gửi lại cho ông bà ở quê bỏ học ngày càng nhiều. Quân bình có trên dưới 40 trẻ trong xã ở hai cấp tiểu học và trung học bỏ học giữa chừng qua các năm. Đó là chưa tính đến số trẻ chưa đến độ tuổi lao động cũng theo cha mẹ rời quê làm việc trong các công ty gỗ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, hay làm ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của chúng trong tương lai.
(Còn nữa)
Theo Hoàng Hạnh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.