(GLO)- Nằm cách thành phố Huế khoảng 10 km, nhưng xóm Đập Góc (hay còn gọi là xóm Mồ Côi, xã Phú Mỹ, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) gần như tách biệt hẳn với nhịp sống sôi động bên ngoài. Nằm bên phá Tam Giang, con đường duy nhất vào xóm Mồ Côi phải băng qua nhiều hói nước và rất nhiều lăng mộ. Hơn 20 năm qua, nhờ lòng nhiệt thành cùng ý chí của một “thầy giáo không biên chế”, tự nguyện biến ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng thành nơi dạy chữ cho rất nhiều thế hệ học sinh. Việc học ở xóm Mồ Côi vì thế cũng đã bớt chồng chềnh, đầy vơi theo con nước nơi vùng đầm phá, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.
Thầy giáo Trần Văn Hòa trong một giờ dạy ở lớp ghép. Ảnh: Hà An |
Xóm Mồ Côi chỉ có khoảng 50 nóc nhà với chừng 200 nhân khẩu. Cư dân của xóm cũng được góp từ 3 xã Phú Mỹ, Phú An và Phú Xuân nên không có trưởng thôn hay trưởng xóm như những nơi khác. Mỗi khi có chuyện họp hành hay giấy tờ gì, bà con thuộc xã nào lại tập trung về xã đó. Vốn xưa kia, khi sản vật của đầm phá Tam Giang còn phong phú, ngư dân ở các nơi tìm đến, dựng lều ở tạm rồi lâu dần góp lên thành xóm. Bây giờ, đời sống của ngư dân trong xóm cũng không khá giả hơn ngày xưa ông cha họ lập xóm là bao nhiêu. Ngoài con đường bê tông chỉ rộng khoảng 2,5 mét, điện đã được kéo đến thắp sáng trong từng ngôi nhà, thì cuộc sống của người dân vùng đầm Sam này cũng phụ thuộc vào con tôm, con cá đang ngày càng cạn kiệt dần. Đi quanh xóm một vòng, thấy hầu hết là những ngôi nhà mái tôn thấp tè, nóng nực; đàn ông không đánh bài thì bày chiếu nhậu, phụ nữ hết buổi chợ cá cũng tụm năm tụm ba, không thì tổ chức… hát karaoke. Nhịp sống chỉ thực sự bận rộn khi hoàng hôn buông xuống, nhà nhà lại dong thuyền cho những mẻ lưới mới.
Mấy chục năm về trước, cuộc sống ở xóm Mồ Côi còn đơn sơ hơn bây giờ nhiều. Thầy Trần Văn Hòa kể: “Hồi đó, cho con đi học chữ là một cái gì đó xa với lắm. Một phần vì đời sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề, phần nữa vì bậc làm cha làm mẹ nào cũng quen nếp nghĩ rằng “đời mình không biết chữ cũng có sao đâu, miễn là con cái giỏi bủa lưới, giăng câu để đủ cơm áo là được rồi”. Thời bấy giờ, vào mùa mưa, Đập Góc gần như bị cô lập, tách biệt hẳn với bên ngoài, phương tiện di chuyển duy nhất là đò bởi vùng này nằm giữa một cánh đồng bị ngập mặn quanh năm. Từ Đập Góc đến trường chỉ mất khoảng 3 km nhưng đó là một chặng đường không ít thử thách với trẻ nhỏ bởi phải băng qua rất nhiều hói nước, bùn lầy.
Anh thanh niên Trần Văn Hòa, lúc bấy giờ được xem là một trong số ít ỏi những người “học cao, biết nhiều” của xóm bởi đã kiên trì theo đuổi con đường học hành và tốt nghiệp lớp 12. Không thể học lên như mơ ước, anh Hòa giã từ đèn sách, trở về quê nối nghiệp cha mẹ, ngày ngày dong thuyền ra đầm phá mưu sinh. Mọi chuyện bắt đầu từ khi đứa con trai đầu lòng của anh Hòa đến tuổi đến trường. “Tui chỉ nghĩ đơn giản là khó khăn mấy, tui cũng học hết được chương trình phổ thông, không lý lại để cho con mù chữ. Thế là hàng ngày, cha đưa con đến trường, cõng con qua những con hói nước xiết. Lúc con học, tui cũng quanh quẩn ngồi chờ cháu tan học để đưa con về”. Cứ như thế một thời gian, anh Hòa bàn với vợ: “Mình có tí chữ nghĩa, cũng muốn tương lai của con sáng sủa hơn mà còn thấy cực như ri, huống chi bà con còn bao nhiêu thứ lo toan, không cho trẻ con đến lớp cũng phải”. Rồi anh đề nghị vợ để mình mở lớp tại nhà dạy chữ cho trẻ con quanh xóm. “Vợ tui cũng băn khoăn lắm chớ cô, bả cứ hỏi đi hỏi lại: “Ông ham dạy chữ thì lấy ai làm ăn mà nuôi con?”. Tui phải thuyết phục vợ, chỉ phải dạy chữ vào ban ngày thôi, ban đêm tui vẫn có thể ra đầm giăng lưới được”. Rồi như chợt nhớ ra, ông cười giòn tan: “Thực ra, tui biết “điểm huyệt” bả để bả bằng lòng cho tui mở lớp. Tui cứ nửa đùa nửa thật, nói với bả là tui mà không mở lớp dạy học rồi thì cũng như mấy ông đàn ông trong xóm, hết tụ tập nhậu nhẹt rồi đánh bài, “mất hết hình ảnh”. Rứa là tui cưa mấy tấm ván đóng bàn, kê tấm phản làm ghế rồi đi xin sách vở, bút mực về mở lớp dạy chữ. 22 năm trước, lớp học miễn phí của thầy Hòa ở xóm Mồ Côi ra đời như thế.
Những ngày đầu mở lớp, khó nhất, đối với thầy giáo Hòa, là vận động làm sao để phụ huynh cho con đến lớp; học sinh đến lớp rồi thì phải làm sao để các em không nản mà bỏ học. “Hồi nớ cực lắm cô ơi, vừa dạy vừa dỗ. Tui dạy không theo một chương trình mô hết á. Làm răng mà dạy cho cả lớp chung một chương trình cho được khi mà có em học được một buổi thì nghỉ hai, ba buổi, thậm chí có em theo cha mẹ đánh bắt cá cả tuần mới về. Có em đến lớp vẫn phải dắt theo em nhỏ ngồi bên cạnh để trông. Có nhiều em, làm phép tính 2+5 thì làm mãi không ra, nhưng chỉ cần hỏi hai ngàn cá cộng năm ngàn cá được mấy tiền thì đọc ngay ra kết quả”. Thành ra, lớp học của thầy Hoà đã dạy theo hướng “cá thể hóa” từ mấy chục năm về trước bởi gần như mỗi học sinh có một thời khoá biểu riêng. Có khi nhóm này đã học qua ghép vần rồi thì vẫn còn dăm ba em đang phải học các chữ trong bảng chữ cái. Không có nghiệp vụ sư phạm, vừa dạy vừa phải học hỏi, nhưng bằng lòng kiên trì, sự nhẫn nại, lớp học của thầy Hòa ngày càng đông lên.
Ba năm sau ngày thầy Hòa mở lớp, ngành Giáo dục tỉnh mới biết. Họ nhắn thầy lên Phòng Giáo dục huyện gặp mặt, động viên và trao cho thầy một ít phụ phí đứng lớp. Thầy cũng được tạo điều kiện đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời gian 3 tháng. Năm 2000, một tổ chức từ thiện hỗ trợ xây trên chính nền đất của nhà thầy một phòng học. Lớp học xóm Mồ Côi từ đó thành điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Phú Mỹ 2. Thế nhưng, những vất vả của thầy không nhờ đó mà vơi đi. “Có hôm đang giữa giờ các em xin về rồi về luôn không quay lại lớp. Kể ra cũng khổ lắm, các em phải theo ba mẹ ra đầm phá giăng lưới bủa câu. Dù tuổi còn nhỏ, nhưng các em cũng là nguồn lao động của gia đình. Có ép các em học cũng không được. Nhiều hôm, lớp chỉ còn tui và vài ba cháu lớp 1 hoặc mầm non”. Hầu như trước đầu mỗi năm học, thầy Hòa lại đi khắp nơi xin sách vở, đồ dùng học tập về để phát cho học sinh. “Chắc nhờ rứa một phần mà số học sinh bỏ học cũng không nhiều”-thầy Hòa cười hồn hậu.
Không chỉ dạy chữ cho trẻ con trong xóm, thầy Hòa còn “chiêu dụ” được cả người lớn tham gia học xóa mù chữ. Thấy bà con làm gì liên quan đến giấy tờ cũng đến nhờ thầy viết hộ, nghĩ mãi, thầy mới mở lời: “Bà con cũng không cần học chi nhiều mô, biết chữ để hát được karaoke là được rồi”. Chẳng là hồi đó, nhà thầy Hòa có dàn karaoke, bà con trong xóm rất hay đến để nghe hát, nghe thôi chớ không hát được dù rất mê, chỉ bởi vì không biết chữ. Nghe có vẻ xuôi tai, bà con rủ nhau đến lớp thầy Hòa học chữ. Giờ thì hầu như nhà nào trong xóm cũng đã sắm được dàn karaoke. “Dạy lớp ni còn cực hơn dạy mấy cháu nhỏ nhiều. Lớp phải mở vào buổi trưa, thời gian đa số bà con thường là rỗi rãi. Thế nhưng, có không ít hôm, đang ngồi trong lớp học, nghe ghe thuyền về bến là bà con bỏ sách vở chạy ra mua, bán cá. Được cái ai cũng chăm chỉ nên chừ đa số đều đọc thông, viết thạo”.
Mấy năm trở lại đây, điểm trường chính đã cử một giáo viên ra xóm Đập Góc đứng lớp với thầy giáo Hòa. Lớp cũng vẫn là lớp ghép, học sinh ngoài giờ học cũng vẫn phải tất bật cùng gia đình mưu sinh trên mặt đầm. Thế nhưng, từ lớp ghép này, rất nhiều thế hệ của xóm Đập Góc đã học được những con chữ đầu tiên nhờ chính sự thầm lặng và kiên trì của người thầy giáo hồn hậu Trần Văn Hòa.
Hà An