Cồn bãi giữa dòng Gianh: Bấp bênh con chữ và giấc mơ cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một đời quăng quật giữa mênh mông nước sông Gianh để kiếm miếng cơm, người dân cồn bãi nhận ra có 2 thứ có thể làm đổi thay nơi chốn này: sự học và những cây cầu. Nhưng quả thực họ đang "đánh vật" với chính giấc mơ của mình…

Chưa bao giờ việc học ở xứ cồn bãi trên sông Gianh lại dễ dàng. Cách sông trở đò, học trò đi học "bữa đực bữa cái", tùy nắng mưa. Cứ nghe mưa to là chúng ngủ vùi vì chẳng có chuyến đò nào xuất bến.

Cầu Cồn Nâm (xã Quảng Minh, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) dự kiến cuối năm 2023 sẽ nối đôi bờ vui. Ảnh: Nguyễn Phúc

Cầu Cồn Nâm (xã Quảng Minh, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) dự kiến cuối năm 2023 sẽ nối đôi bờ vui. Ảnh: Nguyễn Phúc

Nơi những cồn bãi mà chúng tôi vừa đi qua, Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc) và Cồn Nâm (xã Quảng Minh, cùng thuộc TX.Ba Đồn, Quảng Bình) may mắn hơn khi chính quyền đã xây dựng trên đó những ngôi trường mẫu giáo và trường tiểu học khang trang.

Trường tiểu học Cồn Sẻ xây dựng từ năm 1991, nay đang dạy dỗ cho 495 học sinh. Thầy hiệu trưởng Đoàn Đình Thượng cho hay tập thể 30 giáo viên của trường luôn nỗ lực trong việc giảng dạy, nhưng vì nhiều lý do khách quan mà tỷ lệ học sinh khá giỏi của trường họa hoằn lắm cũng chỉ bằng phân nửa trường bạn.

Trường tiểu học trên Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc, TX.Ba Đồn, Quảng Bình). Ảnh: Nguyễn Phúc

Trường tiểu học trên Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc, TX.Ba Đồn, Quảng Bình). Ảnh: Nguyễn Phúc

Trong khi đó, ông Nguyễn Cường, Trưởng thôn Cồn Sẻ, bấm đốt ngón tay tính ra người đầu tiên ở Cồn Sẻ có bằng đại học là ông Nguyễn Xuân Hoàn, năm nay 45 tuổi, đang giữ chức Bí thư chi bộ thôn Cồn Sẻ. Kể từ ông Hoàn, đến nay cũng chỉ có thêm gần 20 người khác tốt nghiệp đại học.

"Khoảng 90% con em Cồn Sẻ hoàn thành bậc phổ thông. Nhưng sau đó chúng đi xuất khẩu lao động, hay làm việc này việc kia, chứ không học lên cao", ông Cường nói.

Ở Cồn Nâm, quá khứ "nghe mưa là nghỉ học" chỉ chấm dứt với cấp tiểu học, còn cấp THCS và THPT thì chưa. Bởi chỉ có bên kia sông Gianh mới có trường. Những ngày lụt to, chúng chỉ biết ở nhà nghịch nước bạc, vì đò dừng chạy. Dù vậy, Cồn Nâm vẫn đang là vùng cồn bãi hiếm hoi coi trọng chuyện học với nhiều thế hệ đỗ đạt.

Học trò THCS và THPT ở Cồn Nâm (xã Quảng Minh, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) vẫn ngày 2 vòng đi đò đến trường

Học trò THCS và THPT ở Cồn Nâm (xã Quảng Minh, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) vẫn ngày 2 vòng đi đò đến trường

Tình hình bi đát dần tại Cồn Cưỡi (xã Quảng Tiên, TX.Ba Đồn). Ở đây chỉ có 1 điểm trường lẻ của Trường tiểu học xã Quảng Tiên, phục vụ học sinh lớp 1 và lớp 2. Từ lớp 3, các cháu phải sang bên kia sông học ở điểm trường chính. Cồn Cưỡi cũng chưa có điểm trường mầm non nên các cháu đành "học ké" ở điểm trường lẻ của tiểu học.

"Ngặt nỗi, đến năm 2024, các cháu mầm non phải rời khỏi điểm trường tiểu học này để đảm bảo chuẩn của trường tiểu học theo quy định… Các cháu thì ngoan, nhưng trang thiết bị dạy học thiếu thốn, giờ cái phòng học nguy cơ cũng không có luôn", cô giáo mầm non Nguyễn Thị Tuyết, người đã 7 năm liền bám trụ nơi đây, thở dài.

Tệ nhất là Cồn Két (P.Quảng Thuận, TX.Ba Đồn), không có lấy một điểm trường nào trên rẻo đất này. Trưởng thôn Hoàng Ngọc Dương thống kê toàn thôn có 23 cháu mầm non, 45 học sinh tiểu học, 20 học sinh THCS và 3 học sinh THPT. Tất cả đều ngày ngày phải "lụy" 2 vòng đò vào bờ để tới lớp. "Điều kiện học tập khó khăn, cha mẹ ngày ngày chài lưới kiếm cơm, không có thời gian và trình độ để bày vẽ cho các cháu. Nên có đốt đuốc cũng không tìm được học sinh thật sự xuất sắc ở xứ này. Lịch sử toàn cồn có được 3 cháu tốt nghiệp đại học, trong đó 1 cháu là con tôi", ông Dương chia sẻ trong tâm trạng không mấy vui.

"Chúng tôi biết, thời đại bây giờ, cách để làm đổi thay bản thân và quê hương thì đòi hỏi trong hành trang luôn cần có tri thức. Nhưng chao ôi, cuộc ngủ vùi của đám trẻ trong những ngày mưa to vẫn chưa thể dừng lại", ông Dương nói.

Nếu được lựa chọn một giấc mơ, hẳn người dân ở vùng cồn bãi giữa sông Gianh sẽ mơ có cây cầu bắc qua sông. Trên dòng sông này, vẫn còn đó những nỗi ám ảnh về các vụ chìm thuyền, chết người… Nhưng hơn hết, ai cũng biết chỉ có những cây cầu mới bắc nhịp người dân nơi này ra với thế giới bên ngoài.

Những học sinh tiểu học ở Cồn Sẻ may mắn có được ngôi trường khang trang. Ảnh: Nguyễn Phúc

Những học sinh tiểu học ở Cồn Sẻ may mắn có được ngôi trường khang trang. Ảnh: Nguyễn Phúc

Hiện nay, chỉ Cồn Sẻ có cầu bắc qua sông, dù cầu dài chưa đến 100 m. Cây cầu bắc sang Cồn Nâm vẫn đang xây. Còn Cồn Cưỡi và Cồn Két thì chưa thấy bóng dáng cây cầu nào, kể cả cầu vẽ… trên giấy.

Ông Nguyễn Văn Hường, Trưởng thôn Cồn Cưỡi, nói ốc đảo này mãi không có cầu nên cứ cách trở về giao thông, chuyện học hành của trẻ nhỏ hay chăm sóc y tế của người dân cũng không thể đảm bảo. "Làm sao dân phát triển kinh tế được khi làm ra loại sản vật gì, muốn bán cũng phải lụy đò hoặc đi đường vòng rất xa, bị tiểu thương bắt chẹt, cắt xén? Làm sao bộ mặt nông thôn thay đổi khi muốn xây một ngôi nhà thì tiền vận chuyển qua sông đội giá vật liệu lên gấp đôi, gấp rưỡi?", ông Hường thở dài.

Nỗi lòng của ông Hường cũng là trăn trở chung của hàng ngàn hộ dân ở Cồn Nâm, Cồn Két… Ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND TX.Ba Đồn, cho biết chính quyền rất hiểu những "giấc mơ cầu" của người dân Cồn Bãi. Ông nói đó cũng là ước mơ của chính quyền địa phương, nhưng nguồn lực có hạn, đành phải làm từ từ.

Những học sinh tiểu học ở Cồn Sẻ may mắn có được ngôi trường khang trang. Ảnh: Nguyễn Phúc

Những học sinh tiểu học ở Cồn Sẻ may mắn có được ngôi trường khang trang. Ảnh: Nguyễn Phúc

"Cầu Cồn Sẻ thì được tặng. Còn nhiều năm qua chúng tôi cũng đã xây dựng được cầu Công Hòa bắc qua Cồn Quan ở xã Quảng Trung. Với cầu Cồn Nâm trị giá 65 tỉ đồng nay đã xây gần xong, chỉ còn đường dẫn lên 2 đầu cầu (trị giá 20 tỉ đồng) đang hoàn thiện. Chúng tôi đang đề nghị nhà thầu đẩy nhanh tốc độ thi công để cuối năm 2023 này sẽ nối đôi bờ vui", ông Thọ hồ hởi.

Những đứa trẻ ở Cồn Quan (xã Quảng Trung, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) đi học dễ dàng qua cầu Công Hòa. Ảnh: Nguyễn Phúc

Những đứa trẻ ở Cồn Quan (xã Quảng Trung, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) đi học dễ dàng qua cầu Công Hòa. Ảnh: Nguyễn Phúc

Cũng theo ông Thọ, so với ngày xưa, xứ cồn bãi trên sông Gianh giờ đã đổi thay một trời một vực. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, nếu vẫn chưa có cầu. Người dân ở nhiều cồn bãi cũng vậy, tiếp tục giấc mơ cầu và mơ đến ngày tiếng gọi "đò ơi" trở thành xa vắng.

Giữa bốn bề nước sông Gianh, từ bên trong những ốc đảo, họ gửi đi một lời nguyện ước rất tha thiết.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.