Cồn bãi giữa dòng Gianh: Những 'cái nhất' ở Cồn Sẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những doi đất ở vùng hạ lưu sông Gianh (Quảng Bình), tức Linh Giang, chỉ giới tự nhiên phân chia Đàng Trong - Đàng Ngoài trong quá khứ, giờ đang ôm ấp hàng vạn mảnh đời. Trên sông Gianh có nhiều cồn, dài nhất khoảng 3,8 km, rộng nhất khoảng 0,8 km. Giữa bốn bề sóng nước, cư dân vẫn kiên cường bám trụ hết đời này sang đời khác và không thôi ấp ủ những giấc mơ.

So với những cồn bãi khác ở giữa dòng Linh Giang, Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) sở hữu nhiều cái nhất, có cái đáng tự hào nhưng cũng có cái không. Đây là nơi có nhà cao tầng nhiều nhất, sinh con đẻ cái nhiều nhất và… vay ngân hàng nhiều nhất.

Cồn Sẻ giàu có, nhìn từ trên cao. Ảnh: PHẠM VĂN THỨC

Cồn Sẻ giàu có, nhìn từ trên cao. Ảnh: PHẠM VĂN THỨC

Phố trên cồn

Đứng bên ni nhìn qua bên kia sông, Cồn Sẻ gây choáng cho người viết ngay từ những hình ảnh đầu tiên. Đó là những ngôi nhà cao tầng nằm san sát nhau với kiểu dáng, kiến trúc hiện đại và đắt đỏ, không thua gì thành phố. Điều này hoàn toàn khác với tưởng tượng ban đầu về những xóm cồn bãi của dân vạn chài nghèo xác xơ… Nối với cồn có cây cầu nhỏ, rộng chỉ 3 m, dài chưa đầy 100 m, là món quà của Đoàn thanh niên Tập đoàn Dầu khí VN tặng năm 2014. Tưởng như chỉ cần bước qua cây cầu này thì khách lạc vào một thế giới khác, đầy hào nhoáng.

Ông Nguyễn Cương, 63 tuổi, Trưởng thôn Cồn Sẻ, khiêm tốn ước đoán rằng thôn chỉ có khoảng 50% nhà cao tầng, nhưng chúng tôi đếm kỹ có lẽ tỷ lệ tăng lên ít nhất phải 70%. Cũng dễ hiểu, vì dù mang tiếng là vùng cồn bãi nhưng cả thôn chỉ có vỏn vẹn 17 hộ nghèo.

Những ngôi nhà hiện đại ở Cồn Sẻ xây san sát nhau. Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Những ngôi nhà hiện đại ở Cồn Sẻ xây san sát nhau. Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Cầu Cồn Sẻ, một chiếc cầu bé nhỏ nhưng đổi thay cuộc sống mọi mặt của người dân cồn bãi. Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Cầu Cồn Sẻ, một chiếc cầu bé nhỏ nhưng đổi thay cuộc sống mọi mặt của người dân cồn bãi. Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Ông Nguyễn Anh Thêm, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc giai đoạn 2004 - 2011, nhìn nhận Cồn Sẻ bây giờ và thời ông đương nhiệm khác nhau một trời một vực. "Ngày xưa Cồn Sẻ là "10 không", nôm na là cái gì cũng không có. Nay thì như anh thấy đấy, nhà cửa của bà con khang trang, có khi còn đẹp hơn nhà tôi", ông Thêm nói.

Ông Thêm không quá lời. Dù hệ thống hạ tầng đường sá chưa phát triển nhưng nhà cao tầng trị giá tiền tỉ cứ thế mọc lên ở xứ cồn bãi này, cái sau đẹp và to hơn cái trước. Kể cả lúc này, khi tình kinh tế nói chung đang trầm lắng thì nhiều gia đình ở Cồn Sẻ vẫn mải miết làm nhà lớn. Có vẻ như suốt nhiều đời khổ cực, phải sống trong những túp lều lụp xụp đã thôi thúc họ phải xây được nhà lớn khi có chút tiền trong tay.

Ở Cồn Sẻ, bên những ngôi nhà “khủng” là những chiếc ghe… Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Ở Cồn Sẻ, bên những ngôi nhà “khủng” là những chiếc ghe… Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Tuy nhiên, sự hào nhoáng đó ở Cồn Sẻ cũng có lý do, mà theo ông trưởng thôn tặc lưỡi so sánh nếu tính tỷ lệ hộ dân thì người dân Cồn Sẻ có số nợ ngân hàng… nhiều nhất TX.Ba Đồn. "Bà con vay nợ rất nhiều. Có người vay để đóng tàu, mua ngư lưới cụ, cho con đi xuất khẩu lao động. Nhưng cũng có người vay để xây nhà to hay làm những điều mà họ cho là cần thiết. Nên nhìn bề ngoài là vậy, nhưng không biết bên trong ruột có ổn không?", ông Cương thoáng lo lắng.

Anh Nguyễn Xuân Hoàn, Bí thư chi bộ thôn Cồn Sẻ, với niềm đam mê nuôi cá lồng bè. Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Anh Nguyễn Xuân Hoàn, Bí thư chi bộ thôn Cồn Sẻ, với niềm đam mê nuôi cá lồng bè. Ảnh: NGUYỄN PHÚC

"Làng siêu đẻ"

Cồn Sẻ có 868 hộ dân nhưng có đến 4.068 nhân khẩu. Đây là số liệu có vẻ "sai sai" về quy mô dân số nếu tính bình quân từng gia đình. Đi quanh cồn, đâu cũng thấy con nít. Nhiều đến mức chính quyền phải xây riêng một trường tiểu học lớn trên cái cồn bé nhỏ này.

Ông Lê Văn Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN xã Quảng Lộc, cười ý nhị nói rằng đã có thời Cồn Sẻ được gọi là "làng siêu đẻ". Bà con đẻ "thả phanh", đẻ cho "hết trứng". "Trước đây mỗi nhà 6 - 7 đứa con là thường. Bây giờ chính quyền vận động khản cổ, cũng kéo về được tỷ lệ mỗi nhà đẻ 3 - 4 đứa", ông Cảnh nói.

Trẻ con ở Cồn Sẻ khá đông, địa phương lập hẳn một trường tiểu học trên cồn. Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Trẻ con ở Cồn Sẻ khá đông, địa phương lập hẳn một trường tiểu học trên cồn. Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Lý do dân Cồn Sẻ sinh đẻ giỏi là từ xa xưa, khi những người đến đây khai khẩn tầm 300 năm trước, họ hành nghề biển giả. Họ cần con trai để có người đi biển, càng nhiều càng tốt. "Trước đây, bà con cũng không sống trên bờ, mà ở dưới đò. Vợ chồng đi vào đi ra cũng vấp nhau, thế là… sinh chuyện. Cũng nào ai biết "kế hoạch" là cái chi chi", ông Cương trưởng thôn vui miệng.

Giờ đây, ở Cồn Sẻ, những gia tộc hùng mạnh như họ Nguyễn, Mai, Phạm, Cao… với rất nhiều trai đinh. Hễ có việc gì, chỉ cần hô một tiếng thì con cháu lũ lượt kéo về. Nhưng cũng vì đẻ nhiều nên Cồn Sẻ bỗng trở nên chật chội. Cồn chưa đầy 1 cây số vuông mà chứa ngần ấy con người, báo hiệu một tương lai sẽ phải thay đổi rất nhiều trong quy hoạch dân cư, hoặc người Cồn Sẻ phải rời xa nơi này để có đủ đất sống.

Mưu sinh giữa tứ bề sóng nước

Từ những chiếc thuyền nan chỉ đủ để chài cá ven sông, ngày nay Cồn Sẻ đã có một đội tàu đánh bắt xa bờ với hơn 60 chiếc. Mỗi lần vươn khơi, những chiếc tàu của Cồn Sẻ hoàn toàn có thể hỗ trợ nhau trên biển khi trúng luồng cá lớn hay khi gặp hoạn nạn. Đánh cá ở vùng biển VN chưa đủ, người Cồn Sẻ còn xuất ngoại. Khoảng 600 người Cồn Sẻ đang "kiếm cơm" ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… với nghề đi biển.

Nghề đan lưới phát triển mạnh ở Cồn Sẻ. Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Nghề đan lưới phát triển mạnh ở Cồn Sẻ. Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Dù vậy, vẫn có người không muốn rời quê. Họ chọn một nghề gần gũi với đời sông nước: nuôi cá lồng bè. Khoảng 40 hộ dân đang theo nghề này, trong đó có anh Nguyễn Xuân Hoàn (45 tuổi), người đầu tiên tốt nghiệp đại học ở Cồn Sẻ, nay là Bí thư chi bộ thôn Cồn Sẻ, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình. "Tôi vốn học về ngành xã hội nhân văn nhưng lại thích nuôi cá. Cũng chả có gì sai đâu nhỉ, vì cha ông tôi cũng nuôi lớn tôi nhờ con cá, con tôm. Tôi thì nuôi cá hồng và cá chẽm, nhiều hộ khác còn nuôi thêm cá mú. Nói chung nghề ni sống được, không phải lưu lạc xứ người", anh Hoàn nói.

Có một nghề nữa cũng phát triển rực rỡ ở Cồn Sẻ. Ông Cương trưởng thôn nói đầy tự hào rằng, dân Cồn Sẻ đan và sửa lưới cho rất nhiều thuyền bè từ nam chí bắc. "Hôm nay mưa, bà con không giăng, chứ ngày thường anh vào sẽ thấy lưới giăng treo khắp ngõ xóm. Ở đây có những nhà thầu như ông Mai Xuân Hiệp, Phạm Sơn, Phạm Đào… rất có tiếng với nghề này", ông Cương khoe.

Cho đến tận bây giờ, với sự hào nhoáng ở Cồn Sẻ, nhiều người vẫn bảo rằng sự giàu có dường như chưa thực sự bền vững. Nhưng cũng cần nhìn thấy ở đó một sự trỗi dậy mạnh mẽ. Bởi từ một làng chài nghèo khổ mọc lên giữa cồn bãi, với những con người chân chất, Cồn Sẻ như đang rũ bùn, mang khát vọng làm giàu bước ra với thế giới hiện đại. (còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.