Cơ hội cho hàng Việt phân phối ra nước ngoài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sẽ có nhiều loại nông sản Việt Nam được đưa đến người tiêu dùng Singapore nhờ hệ thống phân phối MM Mega Market, từ đó, đa dạng thêm thị trường và kim ngạch cho hàng nông sản Việt Nam. Cùng với MM Mega Market, hàng Việt cũng đang tràn trề cơ hội xuất khẩu đến nhiều thị trường thông qua hệ thống phân phối tại nước ngoài.
 
Hàng Việt Nam tại siêu thị của Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore).
Cơ hội mới cho hàng Việt
Theo bản ký kết hợp tác giữa Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (MMVN) với Công ty CMM Marketing Management PTE LTD Singapore (CMM Singapore) diễn ra mới đây, MMVN sẽ xuất khẩu các mặt hàng rau, củ, quả, nấm tươi sạch sang Singapore thông qua Công ty CMM Singapore. Trong tháng 9 vừa qua, đơn hàng đầu tiên đã được MMVN xuất khẩu sang Singapore, gồm ớt chuông Đà Lạt, khoai lang và chanh không hạt với tổng sản lượng khoảng 20 tấn. Dự kiến trong năm 2019, MMVN sẽ xuất khẩu khoảng 100 tấn nông sản Việt sang thị trường Singapore.
Singapore là thị trường thứ hai MMVN xuất khẩu hàng nông sản Việt, sau khi được cấp giấy phép xuất khẩu từ cuối năm 2017. Trước đó, vào đầu năm 2018, MMVN đã tiến hành xuất khẩu thanh long, khoai lang… Việt Nam sang Thái Lan và nhận được những tín hiệu tích cực từ thị trường. Năm 2019, MMVN đã dự định tăng sản lượng xuất khẩu lên gấp đôi, khoảng 200 tấn/tháng.
Cùng với MMVN, hiện nay, hàng Việt Nam đang xuất khẩu ra nước ngoài ngày càng nhiều thông qua các kênh phân phối như AEON, Lotte, Big C, Saigon Coop… Đơn cử, sau cái “bắt tay” với đối tác NTUC Fair Price Singapore, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, trung bình một năm, đơn vị thu về gần hai triệu USD cho mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Singapore như bưởi năm roi, khoai lang, thanh long... Sau thương vụ mua lại chuỗi 18 siêu thị Auchan vào cuối tháng 6 vừa qua, Saigon Coop cũng đang tràn trề hy vọng đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối của Auchan tại nước ngoài.
Hoặc với siêu thị AEON, năm 2018, Bộ Công thương và Tập đoàn AEON đã ký biên bản ghi nhớ với mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Nhật Bản thông qua Tập đoàn AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và một tỷ USD vào năm 2025. Chỉ tính riêng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt vào Nhật Bản thông qua hệ thống AEON đã đạt 250 triệu USD. Ngoài mặt hàng thực phẩm tươi sống, một số loại trái cây Việt đã vào hệ thống AEON. Cụ thể, trái xoài Việt Nam tham gia thị trường Nhật Bản và cạnh tranh với xoài Thái Lan, Philippines, Pakistan.
Giữ chất lượng, giữ thị trường
Cơ hội cho hàng Việt thâm nhập thị trường nước ngoài thông qua hệ thống phân phối là không hề nhỏ. Tuy nhiên, quan trọng nhất là hàng hóa phải giữ chất lượng tốt.
Ông Phidsanu Pongwatana, Tổng Giám đốc Công ty MMVN chia sẻ, các sản phẩm khi phân phối đi nước ngoài đòi hỏi rất cao về chất lượng và độ an toàn. Do đó, MMVN đã phối hợp rất chặt chẽ với nông dân Việt Nam để họ cung cấp sản phẩm đạt chất lượng cho các trạm trung chuyển nông sản ở Đà Lạt, Đồng Nai, Bến Tre, Cần Thơ, từ đó tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài nhiều hơn nữa.
Khẳng định tiềm năng của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Nhật Bản là khá lớn, ông Shibata Eiji, Phó Chủ tịch Tập đoàn AEON nêu thí dụ, nếu năm 2013, lần đầu tiên Nhật Bản nhập khẩu cá tra Việt Nam với con số vô cùng khiêm tốn là 5 tấn thì năm 2018, con số đã tăng lên đến 100 tấn, gấp 20 lần. Cùng với cá tra, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu vào Nhật Bản thông qua hệ thống AEON tăng mạnh trong thời gian vừa qua như vali khóa kéo, hàng thời trang, thực phẩm… “Nhật Bản nói chung và Tập đoàn AEON có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm, hàng hóa, nhưng doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo đáp ứng các tiêu chí. Đơn cử, với thực phẩm, tiêu chí quan trọng nhất là phải đảm bảo phục vụ sức khỏe người tiêu dùng, kinh doanh bền vững”, ông Shibata Eiji khẳng định.
Mặc dù có những điều kiện khắt khe trong việc lựa chọn hàng hóa đưa vào kênh phân phối, song nếu đã là bạn hàng của AEON, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đưa hàng hóa của mình đến nhiều thị trường khác trên thế giới. Là một trong những doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm cà phê vào thị trường quốc tế trong đó có Nhật Bản, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (chuyên sản xuất và xuất khẩu cà phê) cho biết, ngay từ khi thành lập, Vĩnh Hiệp đã tuân thủ nghiêm các quy định, quy chuẩn theo thông lệ quốc tế và được hệ thống siêu thị AEON nhập khẩu. Tới đây, sản phẩm cà phê của Vĩnh Hiệp sẽ xuất khẩu sang thị trường Đức và dòng sản phẩm cà phê organic được xuất khẩu sang Mỹ. Việc hợp tác với Tập đoàn AEON trong việc tiêu thụ sản phẩm không chỉ giúp doanh nghiệp tăng thêm thị phần mà còn tăng cường xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới.
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều kiến thức để thâm nhập thị trường nước ngoài thông qua hệ thống phân phối, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, sắp tới, Bộ Công thương sẽ tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn cho doanh nghiệp về tiêu chí mua hàng của doanh nghiệp bán lẻ FDI như MM Mega Market, AEON, Big C, Lotte… Qua đó, cung cấp thông tin về tiêu chuẩn, tiêu chí, cách cung cấp hàng hóa ra nước ngoài thông qua các hệ thống phân phối đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Hà Anh (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm