Có hẹn với mùa xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày cuối năm có thể chậm rãi với người này nhưng lại vội vã với người kia. Bởi có người muốn nấn ná với kỷ niệm Tết xưa, có người lại mong đợi điều gì đó tươi sáng hơn ở phía trước. Tôi biết “người già cần ký ức như người trẻ cần tương lai”. Dẫu thế, ai trong chúng ta cũng cần mùa xuân để nhớ nhung và hy vọng, để tha thiết sống.
Tháng Chạp, bao nhiêu mùi hương trong nhà ngoài ngõ bắt đầu dậy lên từ những ban mai thoang thoảng gió. Trước hiên nhà, bông hồng đầu tiên đã nở trong cái se ngọt của sương sớm sau những ngày được chăm chút, tưới tắm. Trong niềm hứng khởi ấy, từng thềm rêu, khóm cỏ cũng ủ đầy hương ấm để làm đẹp cho cuộc đời.
Hẳn không phải tự nhiên mà câu chuyện hoa cỏ luôn được nhắc đến mỗi khi mùa xuân về. Mười hai tháng nhiều lắm những mệt nhoài, bận rộn, lo toan. Cũng đã đến lúc mỗi người được tạm lắng mình, được tận hưởng cái cảm giác thư thái, an lành bên cây lá, cỏ hoa và cũng là để sắp xếp lại cho ổn thỏa cuộc sống của mình. Vì mùa xuân là khởi đầu của bao điều mới mẻ. Mà nơi nào có cỏ cây thì tâm hồn con người sẽ rộng mở và tự khắc an vui.
Có phải mùa xuân đến từ phía những ánh mắt chờ nhau? Cha mẹ chờ con cái về, ông bà chờ cháu chắt về để rổn rảng tiếng cười trong tổ ấm. Mùa xuân vì thế mà được gọi là Tết đoàn viên. Len dạ hầu như đã được gấp lại, cất vào rương tủ để tạm biệt mùa đông. Có buổi chiều nào trong ngõ vắng, thấy nhà ai đó chộn rộn đem rèm màn ra phơi giữa trời loang nắng, cạnh bên thì quét tước, sơn sửa cho cổng tường rạng màu. Mùi vôi vữa dậy lên. Cả mùi khói bếp cũng dậy lên quyện với vị hăng nồng của củ kiệu, củ hành. Nếp nhà ở đó…
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi. Càng sống, con người ta lại thường hỏi nhau rằng: Liệu có gì trên đời này là vĩnh cửu? Có chứ! Mất đi đâu được một sớm ngồi xo ro bên cha uống ngụm trà xanh chưa rót đã nguội dần. Mất đi đâu được nụ cười của mẹ trong chiều xao xác gió.
Và chỉ có mùa xuân mới thôi thúc chúng ta khắc ghi những điều quý giá ấy vào tâm khảm. Bởi, mùa xuân còn trở lại nhưng tuổi của mẹ cha không trẻ lại bao giờ. Tôi chợt nhận ra tình yêu thương ngay đến với bậc song thân của mình cũng cần có thời gian để học, để thấm thía. Ngẫm đến những bạn trẻ ở đâu đó buộc phải chọn một cái Tết xa nhà để gói ghém cho những dự định sang năm tự nhiên lại chạnh lòng thương cảm.
Mùa xuân thân thương quá, không biết phải kể sao cho hết những nỗi niềm. Khi phố ấm dần lên cũng là lúc hương xuân sánh ngọt trong lòng người. Năm dài hay tháng rộng, chúng ta cũng chỉ có một lần được sống. Vậy sao không dành cho những thời khắc tươi mới này một tâm thái ôn hòa nhất, tự tại nhất? Sẽ chẳng ai nỡ lòng lấy đi sự bình yên của mùa xuân đâu. Tôi nghĩ thế.
Chúng ta đang hào hứng chờ vị ngọt của Tết đoàn viên: đầm ấm bên tình thân, hồn nhiên bên hoa cỏ. Rồi mỗi mùa xuân qua sẽ vun đầy kỷ niệm. Để mai này, khi chúng ta không còn trẻ nữa vẫn thấy ấm áp tình xuân trong ký ức. Năm mới với nhiều ấp ủ mới, nhen nhóm mới, con người có hẹn với mùa xuân để tin vào những điều ngỡ chỉ còn trong cổ tích.
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).