Cô giáo 'đặc biệt', 30 năm miệt mài vì trẻ khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làm sao để phụ huynh nhận thức được vai trò của mình trong nuôi dạy trẻ khuyết tật; làm sao để giáo dục hòa nhập được đề cao, đi vào thực tiễn..., là những điều cô Nguyễn Thị Phương Dung bền bỉ phấn đấu 30 năm qua.
 
Cô Dung và các học sinh bị hội chứng Down của mình trong một buổi sinh hoạt tại H.Củ Chi. ẢNH: NVCC
Cô Dung và các học sinh bị hội chứng Down của mình trong một buổi sinh hoạt tại H.Củ Chi. ẢNH: NVCC
Trong ngõ hẻm vắng lặng ở Q.8 (TP.HCM), cô Nguyễn Thị Phương Dung (55 tuổi) tận dụng căn nhà nhỏ của mình để "gieo chữ" cho một số trẻ tự kỷ có gia cảnh nghèo khó. Ít ai biết cô giáo này là một trong những người tiên phong vì giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, ngót nghét đã 3 thập kỷ qua.
“Dặm trường” duyên nợ
Sự gắn bó của cô Dung với trẻ khuyết tật là một “dặm trường đầy duyên nợ”. Cô Dung kể, lúc trước, khi đang dạy mầm non, cô trở thành người giám hộ tạm thời, "bất đắc dĩ” cho một người cháu bị khiếm thính của bạn mình. Thời gian đưa bé học ở trường dạy trẻ khuyết tật thính giác Hy vọng 1 (cũ), cô Dung bị lời “chiêu mộ” của cô hiệu trưởng trường này mê hoặc nên mới chuyển hẳn sang dạy cho trẻ khiếm thính. 
 
Cô Dung (bên phải) là một trong số học viên chuyên ngành dạy trẻ khiếm thính, giáo dục đặc biệt mở đầu tiên tại Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. ẢNH: NVCC
Cô Dung (bên phải) là một trong số học viên chuyên ngành dạy trẻ khiếm thính, giáo dục đặc biệt mở đầu tiên tại Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. ẢNH: NVCC
Dạy được hai năm, cô Dung được tuyển chọn vào khóa chuyên ngành dạy trẻ khiếm thính, giáo dục đặc biệt (mở đầu tiên tại trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội), rồi sau đó sang Hà Lan học tập mô hình giáo dục - tâm lý trẻ khuyết tật.
Khi về nước, cô Dung có dạy ở nhiều cơ sở xã hội, trung tâm khiếm thính... nhưng trong đầu “cứ nghĩ đến mô hình giáo dục hòa nhập”, thành thử năm 1996, cô Dung mở luôn một trường mẫu giáo tại Q.Bình Thạnh, triển khai ngay chương trình giáo dục hòa nhập (giáo dục đảm bảo quyền học tập bình đẳng; chất lượng giáo dục, phù hợp với nhu cầu, khả năng của người học; tôn trọng sự đa dạng, không phân biệt đối xử... - PV) cho trẻ khiếm thính, trẻ bị hội chứng Down.
 
Trường mẫu giáo dạy giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thính, bị hội chứng Down của cô Dung tại Q.Bình Thạnh. ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Trường mẫu giáo dạy giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thính, bị hội chứng Down của cô Dung tại Q.Bình Thạnh. ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
"Cái khó trong 30 năm qua của nghề này vẫn là đấu tranh để cha mẹ, cộng đồng xóa bỏ sự kỳ thị đối với trẻ khuyết tật. Mô hình giáo dục hòa nhập của trường mẫu giáo này rất mới tại thời điểm đó, phụ huynh có con không khuyết tật phản đối rất dữ và không muốn con họ học chung với những đứa trẻ khuyết tật", cô Dung nói và cho biết thêm: "Nhưng con đường của mình là bình đẳng nuôi dạy. Tôi giải thích rất nhiều, cam kết với phụ huynh để họ chấp nhận. Cuối cùng, mô hình hòa nhập này thành công, nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo”.
"Cái khó trong 30 năm qua của nghề này vẫn là đấu tranh để cha mẹ, cộng đồng xóa bỏ sự kỳ thị đối với trẻ khuyết tật"
 Cô Nguyễn Thị Phương Dung
Vừa quản lý trường, thời gian này cô Dung còn “cân” thêm đào tạo giáo viên ngành giáo dục trẻ khuyết tật tại Hà Nội rồi điều phối dự án Pearl S.Buck để tập huấn khiến thức cho phụ huynh, giáo viên để hỗ trợ trẻ khiếm thính học tập tại các tỉnh Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp. 
Chục năm ròng như "xẻ mình" đi lại các tỉnh thành làm việc nhưng cô giáo này vẫn không nguội lạnh đam mê. Năm 2000, khi dự án Pearl S.Buck kết thúc, cô tiếp tục làm cầu nối cho dự án Liliane Fonds, Hà Lan về mô hình phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật ở TP.HCM. Thậm chí năm 2007 cô Dung còn quyết đóng cửa lớp mẫu giáo luôn để chính thức dành toàn thời gian làm chương trình trên, lúc này đã triển khai riêng tại H.Củ Chi.
Thêm chục năm nữa, hằng tuần, cô Dung đều chạy từ nhà mình ở Q.8 đến H.Củ Chi, “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để dạy chữ, hỗ trợ trẻ khuyết tật trang thiết bị y tế như máy trợ thính, xe tập ngồi...; hỗ trợ các chi phí tập vật lý trị liệu...
Phụ huynh phải tin con mình
Giờ đây, dẫu hay tự ví mình "đã gác kiếm", nhưng cô Dung vẫn âm thầm miệt mài dạy học cho một số trẻ tự kỷ có gia cảnh khó khăn. Cô giáo này nói: “Phụ huynh có thể góp bao nhiêu tùy điều kiện nhưng quan trọng là sự đóng góp đó thể hiện được trách nhiệm chung tay hỗ trợ các em”.
3 thập kỷ trôi qua, hỏi lý do nào khiến cô 'trụ vững' với trẻ khuyết tật như vậy? Cô Dung nói, chỉ đơn giản là yêu và tin trẻ. Cô tin rằng trẻ khuyết tật cũng như bao đứa trẻ khác, luôn chứa đựng khả năng tiềm ẩn mà người lớn thường ít tin hoặc không chịu hiểu trẻ. 
Cô Dung nhấn mạnh, không phải là giáo viên hay bác sĩ, chính phụ huynh là người nuôi dạy tốt nhất và mang đến cho trẻ điều kỳ diệu... Và để xã hội tin vào năng lực của trẻ khuyết tật, đầu tiên phụ huynh phải tin vào năng lực chính đứa con khuyết tật của mình.
 
Lớp học cho trẻ tự kỷ có hoàn cảnh khó khăn tại nhà của cô Dung. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Lớp học cho trẻ tự kỷ có hoàn cảnh khó khăn tại nhà của cô Dung. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
“Tôi đã tiếp xúc rất nhiều trường hợp trẻ khuyết tật. Hồi thập niên 1990, phụ huynh có con khiếm thính chỉ biết đau khổ thôi, rồi sau đó họ đưa con vào các trung tâm, dần dà, các em như một cộng đồng bị cô lập. Sau này, nhờ nhiều hoạt động mở, hội nhóm sinh hoạt, các em mới hòa nhập bình thường; sau này với các trẻ tự kỷ cũng phải vậy", cô Dung nói và trăn trở: "Chúng ta phải mở rộng vòng tay và có trách nhiệm hiểu trẻ chứ không phải bắt trẻ hiểu mình bởi các con đến với chúng ta bằng con đường tự nhiên, không chọn lựa. Nếu để trẻ sống trong thế giới riêng của trẻ, phải chăng người lớn đã không chấp nhận điều khác lạ của con mình?".
Chị Loan (ngụ Q.8, TP.HCM) gửi con trai L.T.N (11 tuổi, bị tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ) theo học cô Dung. Chị Loan không ngần ngại gọi cô Dung là “cô tiên” khi thấy N. mỗi ngày tiến bộ rõ rệt, viết được, nói không còn "loạn xà ngầu" nữa... Chị nhẩm tới nhẩm lui, bảo “chắc chỉ có cô Dung mới hiểu N., mới dạy được N...
 
Cô Dung sinh hoạt cùng các học trò bị rối loạn tự kỷ của mình tại lớp học. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Cô Dung sinh hoạt cùng các học trò bị rối loạn tự kỷ của mình tại lớp học. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Nhưng cô Dung “khó tính”: “Cô Dung cũng muốn nhiều người hiểu!”. Cô quả quyết trẻ khuyết tật sau khi được hỗ trợ bằng giáo dục chuyên biệt, dần khắc phục được khó khăn của mình thì nhà trường, xã hội cần chung tay chào đón để các em có được môi trường bình đẳng học tập, phấn đấu đàng hoàng, tự lực và tự trọng như các bạn khác.
“Chúng ta cần đưa giáo dục hòa nhập vào phần cơ bản nhất của các chương trình đào tạo sư phạm. Giáo viên nào cũng nên được trang bị kiến thức về hỗ trợ trẻ đặc biệt, có như vậy mới có thể phát triển trường học hòa nhập”, cô Dung chia sẻ. 
Trên “dặm trường” hoạt động của mình, cô Dung có một thành tích đáng nể. Trong những hộc tủ, từng tờ giấy khen, chứng nhận… được cất cẩn thận vì ghi dấu từng câu chuyện của riêng cô và rất nhiều trẻ em khuyết tật. Đại diện khu phố 1, P.12, Q.8 cho hay việc cô Dung hỗ trợ một số trẻ tự kỷ nghèo tại nhà rất đáng hoan nghênh, trân trọng. “Cô Dung có tấm lòng hảo tâm. Tại khu phố, cô Dung thường xuyên tham gia công tác thiện nguyện. Khoảng tháng 4 năm ngoái, cô Dung có tham gia hoạt động hỗ trợ cho người dân bị mất việc làm, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nữa”, đại diện khu phố nói.
Theo Phạm Thu Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.