Chuyện với núi đồi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tôi chạm vào những đóa hoa đang độ mãn khai, khi mùa xuân, như một khách mời trong bữa tiệc lộng lẫy nhất đang bước những bước khoan thai để bắt đầu hành trình mới. Mùa xuân như đang hát khúc du dương trên khắp núi đồi.

Tôi khẽ reo lên khi có cảm giác lọt thỏm giữa dốc đèo lên xuống trập trùng theo những đám cây hai bên đường. Tây Nguyên mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng. Đang là giữa mùa khô, cỏ cây héo úa dần, những loài cây lớn hơn cũng tự thích nghi với đất trời bằng cách trút đi lớp lá già. Đồi núi hiện ra trước tầm mắt bằng đủ những gam màu vui mắt của cây cối. Mảng này thì vàng suộm, mảng khác lại đỏ sẫm, có những mảng li ti trắng sữa tựa như khói sương phủ khắp tán cây-ấy là một loài cây nào đó sau khi trút hết lớp lá thì lặng lẽ nở hoa giữa núi đồi mùa xuân thơ thới như thế.

Chuyện với núi đồi ảnh 1

Minh họa: Huyền Trang

Mới vài tháng trước, ngang qua một đoạn đường quen thuộc, những cây cao su còn lòa xòa lá cành buông ngang lối đi. Giờ trở lại, chúng đã trút sạch lớp lá trên mình. Những chiếc cành như những ngón mùa mềm mại vươn giữa mây trời trong xanh. Mường tượng về một khu rừng taiga mãi tận trời Âu vào tiết chớm đông, những thân cây chỉ còn trơ cành khẳng khiu níu vào mây trời khi lướt ngang những rừng cao su vào mùa này. Tôi như lạc đi, đầy mê đắm trước thứ cảm xúc như vừa thử một thức uống tựa như một loại rượu mạnh.

Tết bây giờ có lẽ đã được mở ra với những không gian rộng lớn hơn. Người ta không chỉ quẩn quanh gian bếp để chăm chăm với những món ăn thết đãi nhau. Có một loại “thức ăn” không kém phần quan trọng khác, đó là tinh thần. Mọi người dường như đã tiết chế được phần nào những lễ nghi không cần thiết để hướng đến việc nghỉ ngơi. Giữa bộn bề cơm áo của một năm đằng đẵng, Tết như một quãng nghỉ cần thiết để tái tạo cả sức khỏe và cảm xúc để tiếp tục hành trình phía trước, là tôi chủ quan nghĩ vậy. Và quan sát thì thấy, những ngày Tết, quán sá và những khu vui chơi, du lịch rất nhộn nhịp. Ngồi bên một phụ nữ trung niên giọng miền Tây ngọt đậm tựa phù sa châu thổ trong một sớm nắng xuân vừa nhen lên, nhìn đôi tay chị thoăn thoắt với các loại gia vị để làm một món ăn vặt bên lề đường, tôi bất giác muốn gợi chuyện. Chị vẫn thoăn thoắt đôi tay lật chiếc bánh trên bếp than đượm lửa, vừa trò chuyện với tôi, giọng chậm rãi, bình thản và chân thật. Trên đất Tây Nguyên, tôi có thể gặp người miền Bắc, người miền Trung, người miền Tây… Mỗi người chọn đất này để dừng chân với mỗi lý do riêng, nhưng điểm chung đều là vì mưu sinh cơm áo. Miền đất thảo thơm và rộng lòng với tất cả mọi người, miễn là chịu thương chịu khó. Như chị bán đồ ăn vặt bên đường mà tôi gặp trong buổi sớm xuân ấy, lời lãi không nhiều, nhưng ổn định, tằn tiện cũng đủ cơm rau. Tôi bất giác nghĩ đến những người thân trong gia đình, có một sự giống nhau nào đó giữa những con người quanh năm lam làm, chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Nhu cầu được lao động khiến họ cảm nhận được những niềm vui thực sự đối với mình.

Ngày xuân, người ta thường đi cùng gia đình. Nhìn những gia đình gồm nhiều thế hệ, cả ông bà và con cháu ríu ran bước bên nhau, thấy lòng thốt nhiên ấm áp. Cuộc đời như một sự chuyển giao ngầm giữa các thế hệ. Người lớn rồi già đi, con trẻ lớn lên. Các giá trị vừa truyền thống, vừa hiện đại cũng theo đó vừa được duy trì, vừa đổi mới. Bọn trẻ nhà tôi thành tâm lễ bái tổ tiên và theo mẹ lên chùa thắp hương lễ phật cầu an trong ngày đầu năm mới. Chúng lớn dần theo mỗi mùa xuân đến cùng những câu hỏi về mọi chuyện mà con muốn biết về thế giới xung quanh. Vậy nên, mỗi một ngày trôi qua, thế giới lại rộng mở hơn một chút khi chúng ta biết thêm những câu chuyện mới. Như câu chuyện mùa xuân mà tôi thủ thỉ với các con về thiên nhiên, về trách nhiệm của mỗi con người trong cuộc đời, về cả thế giới tâm linh mà chúng ta chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim thật ấm áp với một niềm tin về những điều rất đẹp luôn tồn tại quanh mình.

Trong tiết trời đã dần ấm áp, câu chuyện mùa xuân thủ thỉ cùng nhau cũng như nối dài ra. Và khi kết thúc một câu chuyện, người ta không quên dành cho nhau lời chúc tốt đẹp nhất. Cây cối còn biết trút lá để nở hoa, dâng cho đất trời những khoảnh khắc xuân rực rỡ nhất, sau khoảnh khắc rực rỡ ấy, chồi non lộc biếc lại vươn ra để bắt đầu một vòng thời gian mới, đó là lúc cây lá đã được lớn hơn thêm. Con người cũng vậy, chúng ta sẽ lớn hơn thêm khi biết hướng đến những điều đẹp đẽ trong hành trình sống của mình.

Có thể bạn quan tâm

Gặp lại tháng ba

Gặp lại tháng ba

(GLO)- Hồi nhỏ, tôi có thói quen nhìn trời, nghe hướng gió tháng ba để bắt đầu một chuyến đi trên con đường núi. Vì thế giúp tôi nhận ra một tháng ba chưa nắng gay gắt, chưa mưa xối xả, đã thưa rét và nhiều người đã rời xa cố hương… Tháng ba tĩnh lặng và đằm sâu.

Mẹ tôi

Mẹ tôi

(GLO)- Mặc dù đã 86 tuổi nhưng mẹ tôi vẫn còn rất tinh tường, minh mẫn. Những ký ức tuổi thơ của mẹ, năm tháng thời thanh niên của ba tôi hay chuyện của chị em chúng tôi, mẹ nhớ như in, thỉnh thoảng lại rủ rỉ kể cho con cháu nghe.
Bắt đầu từ hoàng hôn

Bắt đầu từ hoàng hôn

(GLO)- Ngắm hoàng hôn là một trong những điều lãng mạn nhất mà tôi dành cho mình khi tuổi đời không còn quá trẻ. Đâu đó, người ta vẫn tin rằng trong những buổi chiều, dù có nhìn về phương nào đi nữa cũng không sao tránh được nỗi buồn, vì bóng hoàng hôn thường gợi một điều gì đã vãn. Nhưng tôi có cảm giác hoàng hôn mới chính là sự bắt đầu…

Mái hiên cổ tích

Mái hiên cổ tích

(GLO)- Tuổi thơ tôi gắn với hiên nhà. Ngôi nhà tranh 3 gian 2 chái có mái hiên rất rộng đằng trước. Nhà Việt xưa kết cấu rất khác với các kiểu nhà đương đại: các gian trong dành làm nơi thờ cúng, ngủ nghỉ; chái làm kho hoặc bếp. Và, đương nhiên “không gian sống” cho mọi sinh hoạt còn lại, từ ăn uống, chuyện trò, nhiều khi cả việc tiếp khách nữa… đều dồn hết nơi hiên nhà.

Khu vườn của ngoại

Khu vườn của ngoại

(GLO)- Tôi vừa về quê thăm ngoại, thăm ngôi nhà và mảnh vườn thời thơ ấu. Gió khẽ đưa hương thiên lý sau vườn phả vào không gian ắp đầy kỷ niệm. Hàng cau trước ngõ ngày nào như gầy đi nhiều hơn.
Quán nhớ

Quán nhớ

(GLO)- Tôi tự đặt tên quán như vậy vì có bao nhiêu nuối tiếc ở nơi này. Quán nhỏ, nhìn ra mặt hồ, đường thoáng, vậy mà bao lần tôi đã lỡ hẹn với người mình ngóng đợi. Người tôi hẹn đã không đến được vì lỡ chuyến xe, vì phải gấp gáp quay về đưa người thân tới bệnh viện. Hoặc có khi tôi nhắn tin không hồi âm, gọi điện thoại thì mới biết chiếc sim ấy đã thuộc về người khác.
Pleiku mùa thay lá

Pleiku mùa thay lá

(GLO)- Những ngày này, dạo trên các tuyến phố ở Pleiku (tỉnh Gia Lai) như: Lê Hồng Phong, Tăng Bạt Hổ, Lê Duẩn... tôi lại nhớ đến câu thơ của Olga Berggoltz do Bằng Việt dịch: “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”, như một thông điệp giàu ý nghĩa: “Hãy biết quý trọng tất cả những gì chúng ta đang có. Hạnh phúc cũng mong manh như lá, hãy nâng niu khi nó còn ở trên cành”.

Nhành mai nở muộn

Nhành mai nở muộn

Hoài chạy ào vào nhà như một cơn gió. Con bé có vẻ khựng lại tí tẹo khi nhìn mẹ ngồi bên cửa sổ, mắt hướng ra khoảng sân đầy ánh trăng. Mùi tinh dầu quế nhè nhẹ len trong không gian và tiếng hát Thái Thanh đầy xót xa. Khi mẹ nghe Thái Thanh, đốt tinh dầu, là lúc bà đang có những nỗi niềm giấu kín.
Sẽ lại bắt đầu

Sẽ lại bắt đầu

(GLO)- Tết đã trôi qua mà tôi thấy mình dường như vẫn đang chờ đợi một điều gì đó. Chắc vì hoa cỏ mùa xuân vẫn còn điểm tô cho tháng 2 màu lễ lạt. Cứ như lúc nào cũng văng vẳng bên tai tiếng pháo hoa đì đùng đêm trừ tịch và sóng sánh bên môi vị rượu vang chát nhẹ, nồng thơm. Mà chẳng phải mình tôi, ngay cái lạnh của những ngày cuối năm đến tận bây giờ hãy còn vấn vương đâu đó trong mỗi sớm.

Nhịp thời gian

Nhịp thời gian

(GLO)- Qua ngày lập xuân, tiết trời ấm áp hẳn. Sớm mai đã không còn cảm giác buôn buốt của mùa đông len trong không gian nữa. Trời vẫn se se dìu dịu, nhưng cái lạnh vừa đủ khiến con người khẽ nhen lên cảm giác dễ chịu, thư thái.
Đường đen ngày ấy

Đường đen ngày ấy

(GLO)- Nhà tôi trồng đám mía bên sông. Vào vụ thu hoạch, ba tôi chở mía cây tới lò để ép và nấu được 2 thùng đường đen. Số đường ấy, mẹ bán 1 thùng, còn 1 thùng để dành nhà ăn.

Bến sông hoa vàng

Bến sông hoa vàng

Sáng chớm lạnh. Mùi lom khom dưới bến sông múc từng gàu nước tưới khóm hoa vàng. Tháng này nước sông lờ lợ, không mặn cũng chẳng ngọt. Công việc ấy cứ lặp đi lặp lại sớm chiều, ngày này qua ngày khác. Đáp lại những chăm chút, nâng niu của Mùi, lúc nào khóm hoa cũng nở vàng rực rỡ. Hoa sao nhái, cúc vạn thọ, mào gà vàng… cứ thay nhau nở rộ. Bến sông vì thế mà đẹp hơn rất nhiều. Có đoạn Mùi đi xa, không ai tưới hoa, đến khi trở về thì hoa đã tàn. Mùi buồn man mác.
Hoa mùa xuân

Hoa mùa xuân

(GLO)- 1. Trong nhà, cành tuyết mai bé xinh đã đơm hoa trắng tinh khiết từ những chiếc nụ be bé màu xanh. Những bông hoa năm cánh nhụy vàng bật lên từ cành lá khẳng khiu.

Gần lại với thiên nhiên

Gần lại với thiên nhiên

(GLO)- Tôi bắt đầu giờ học bằng một yêu cầu đặt ra tưởng chừng rất dễ chia sẻ với học trò: “Hãy kể lại một trải nghiệm của bản thân em với thiên nhiên”. Thế nhưng, lớp học lặng phắc, không một cánh tay nào giơ lên. Sau một hồi gợi mở thì vài em rụt rè kể lại buổi khám phá công viên hoặc về quê, nhưng ấn tượng cũng không thật sự sâu đậm.
“Tháng Giêng rét đài”

“Tháng Giêng rét đài”

(GLO)- Những năm trước, sau Tết Nguyên đán, tiết trời dần ấm lên. Năm nay, tháng Giêng đã sang nửa chừng nhưng cái lạnh cứ dùng dằng. Chừng như luyến lưu, tiếc nhớ cuộc dạo chơi với xuân thì nên cái lạnh vẫn ung dung tản bộ chiều nay. Lẽ nào tiết trời bất thường, không tuân theo 24 tiểu tiết, trên cơ sở lịch âm điển hình.
Hàng cây thương nhớ

Hàng cây thương nhớ

(GLO)- Chẳng biết vì lẽ gì, những ngày tháng Giêng, người ta hay tìm về cội rễ. Từ bó mùi già để thêm hương lành thanh tịnh đón năm mới đến những gốc mai, gốc đào và những chuyến hồi hương để tìm về cội nguồn. Còn tôi, mỗi lần trở về quê nhà-nơi phố núi trong tháng Giêng lại nhớ hàng cây hai bên đường như dẫn lối về một trời kỷ niệm.