Chuyện về vườn thú 155 tuổi: "Sống chết" cùng thú

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong lịch sử phát triển và gìn giữ Sở thú ngót 155 năm qua, đã có bao thế hệ gắn bó “sống chết” với nơi đây. Có những người nối tiếp nhau làm công việc tại đây theo kiểu “cha truyền con nối”.
Tôi hỏi: “Có chuyên môn sâu, kinh nghiệm, bạn bè các vườn thú nổi tiếng thế giới cũng ngả mũ, từng có nhiều mời mọc kèm theo mức thu nhập hấp dẫn nhưng sao vẫn gắn bó với nơi đây?”. Một nhân viên vui vẻ trả lời: “Tại kiếp trước mắc nợ mấy con thú nên giờ phải phục vụ lại nó...”.
Tâm huyết
Th.S Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật không chút giấu giếm, bộc bạch với tôi rằng, trung bình thu nhập của anh em bác sĩ thú y chưa tới 10 triệu đồng/tháng. Thực tế cũng có trường hợp công tác ở đây một thời gian, đi tìm nơi khác nhưng rồi lại quay trở lại, gắn bó cho tới ngày nghỉ hưu. Có không ít trường hợp, bản thân nghỉ hoặc sắp hưu rồi, đã xin cho con em mình được vào đây tiếp tục công việc mà mình yêu thích, gắn bó ba bốn chục năm trời.
Nghe anh Trực nói, chúng tôi mới chợt nhớ đến chàng trai được phân công nhiệm vụ cho hổ ăn - Nguyễn Hữu Khánh Tùng. Tùng cho biết bố anh chính là ông Nguyễn Hữu Thiện - người đỡ đẻ cho sư tử. Từ nhỏ, anh được theo cha vào Thảo cầm viên chơi và anh đã mê nuôi thú từ những ngày tháng đó. “Ba tôi thân với sư tử Tony rồi tôi cũng được nó xem như là bạn. Mỗi lần vào Sở thú là tôi đi chơi với Tony. Sau khi học xong cao đẳng, tôi được tiếp nhận vào đây”, Tùng kể.
 
Sở thú là điểm tham quan hấp dẫn với nhiều du khách.
12 năm gắn bó với Sở thú, anh cũng có đề xuất được lãnh đạo ghi nhận và cho thử nghiệm để 2 con hổ đực và cái được sống chung chuồng nhau. “Trước đây, vì sợ chúng cắn nhau nên hai con hổ này được bố trí sống khác chuồng nhau. Sau một lần cho chúng phối giống nhau, nhận thấy cả hai hòa thuận nên tôi đề xuất cho nó ở chung”.
Chúng tôi được nghe kể lần “dời” một con hổ trắng (đực) ra khỏi nơi ở quen thuộc của nó. Theo chị Nguyễn Phạm Minh Phương, Tổ trưởng Tổ thú dữ, việc sẽ rất đơn giản nếu như mình tiêm thuốc cho nó mê rồi dời nó tới chỗ mới. “Lần đó, chúng tôi quyết định không dùng tới thuốc mê, dù biết như thế sẽ là rất khó và nguy hiểm.
Ngày thứ nhất, từ lúc 13h, chúng tôi bắt đầu vào công việc dẫn dụ hổ. 4 nhân viên rất tập trung vào việc được giao nhưng mấy tiếng đồng hồ trôi qua, không mang lại kết quả. Đến 16h30’ cùng ngày, cả tổ ngồi lại chuyển sang cách khác”, chị Phương nhớ lại.
Khi đó, các nhân viên áp chiếc chuồng vận chuyển sát vào cửa chuồng ép mà chú hổ đang ở, sau đó kéo cửa lên, 2 chuồng thông với nhau. Trước đó, một sợi dây dù được cột vào cửa của chuồng vận chuyển. Đầu dây còn lại được một nhân viên ngồi tại góc khuất mà chú hổ sắp được dời không nhìn thấy, giữ chặt chờ giờ G. Theo kế hoạch, khi hổ bước từ chuồng ép sang chuồng vận chuyển, nhân viên này chỉ cần thả sợi dây để cửa chuồng vận chuyển sập xuống, nhốt chú hổ lại.
“Tối đó, chúng tôi quyết định tiếp tục trực đến 10 giờ đêm. Đây là giờ yên tĩnh và chú hổ cảm thấy an toàn để ra ngoài vận động và tìm thức ăn. Tuy nhiên, chú hổ trắng này rất thông minh. Có thể nó đang nghi ngờ có điều gì đó sắp xảy ra với mình nên khi di chuyển đến vị trí chiếc chuồng lạ được áp sát cửa chồng ép, nó dừng lại cách đó một hai bước, bên trong chiếc chuồng này là những phần mồi tươi ngon. “Đêm đó, chú hổ chấp nhận bụng đói và không bước ngang chuồng vận chuyển để đi ra ngoài”, một nhân viên nhớ lại.
Dẫu vậy, các nhân viên vẫn hy vọng, bám sát các vị trí và công việc đã được phân công. Đến 14h30’ ngày thứ hai, điều cả tổ chờ đợi đã đến... Chú hổ đã bước sang chuồng vận chuyển và 2 cách cửa sập xuống trong sự vui mừng của cả tổ. Công đoạn còn lại là cẩu chuồng vận chuyển ra ngoài để đưa về vị trí mới.
 
Anh Trần Ngọc Luận và chú linh cẩu do anh thuần phục.
Anh Đỗ Thanh Hải, Tổ trưởng Tổ voi, người có 35 năm gắn bó với Sở thú. Trong số 6 cá thể voi châu Á đang được nuôi giữ trong Sở thú, có một chú voi năm nay bước vào tuổi 60. Nó già rồi nên ăn uống kém, tính tình cũng không ổn định như trước. Một lần, nó tỏ ra hung hăng và rất khó chịu. Khi tìm nguyên nhân, anh Hải mới biết nó bị táo bón nên cho nó uống nhiều nước.
Chờ đợi và không thấy dấu hiệu gì tốt hơn, anh cho bơm thuốc vào hậu môn. Vẫn không có tiến triển gì nên dùng tới cách vừa kết hợp cho ăn đồ ăn dễ tiêu, vừa phải dùng tay móc phân cho nó. Thực hiện việc này thật không phải dễ, nhiều nhân viên từng bị nó cho do “đo ván” hoặc bị nó dùng vòi đánh văng ra mấy mét. Voi chọn người nuôi chứ không phải người nuôi chọn nó.
Nếu nhân viên nào muốn tiếp tục công việc chăm sóc thay thế người nuôi cũ vì lý do nào đó, phải có thời gian đi theo người nuôi cũ để voi làm quen. Nếu voi chấp nhận người mới, sẽ cho đến gần chăm sóc, còn nếu không, nó sẽ đẩy ra, thậm chí ra đòn bằng vòi.
Anh Hải kể: “Tôi vuốt ve và tỏ ra thân thiện. Tiếp đó, tôi đụng tới hậu môn cho nó quen. Thấy nó không phản kháng nên tôi từ từ móc phân ra. Do nó không để yên cho mình làm liên tục nên công việc đó kéo dài đến 3 ngày. Thú thật nhìn đống phân to tướng và đặc biệt nhìn thấy nó có những biểu hiện đã khỏe mạnh bình thường (toàn thân cứ lắc lư, vẫy tai, vòi đưa lên đưa xuống, chân bước tới bước lui), chúng tôi mừng không tả được”.
“Mình chinh phục được những con thú dữ để nó cảm nhận được mình là bạn của nó, có thể chơi đùa với nó là cần có quá trình và không đơn giản chút nào. Và chắc chắn mình sẽ nếm mùi thất bại, thậm chí phải trả giá nếu không thật sự đam mê công việc và yêu thương thú”, anh Trần Ngọc Luận, Tổ phó Tổ thú dữ bộc bạch. Anh Luận cho biết anh từng có 15 năm công tác trong ngành Công an. Do hoàn cảnh gia đình nên anh đã xuất ngũ rồi chuyển từ quê Gia Lai về TP Hồ Chí Minh.
“Ban đầu tôi được một gia đình ở quận 12 thuê nuôi bầy chim quý trên 20 cá thể gồm vẹt Nam Mỹ, vẹt Úc và vẹt Nam Phi. Một thời gian sau, gia đình này quyết định tặng bầy vẹt quý này cho Sở thú. Biết tôi từng trực tiếp chăm sóc bầy vẹt này, lãnh đạo Sở thú khi đó (năm 2007) đã đề nghị tôi hỗ trợ để tiếp tục nuôi bầy vẹt. Thế là kể từ đó, tôi trở thành người của Sở thú, có điều kiện gắn bó với nhiều loài thú hoang dã mà từ nhỏ tôi từng rất thích”, anh Luận kể.
Trọn vẹn một tình yêu
Sở thú đang sở hữu hàng trăm loài thực vật và thú hoang dã quý hiếm. Mấy chục cán bộ, nhân viên hàng ngày gắn bó và “sống chết” với công việc của mình. Tất cả đều rất chuyên nghiệp, chuyên sâu. Khi tiếp xúc với họ, tôi cảm giác họ như một kho tư liệu sống. Hỏi về loài thú mà họ từng hoặc đang gắn bó, họ nói rõ về đặc tính cũng như mức độ nguy cấp của loài thú đó trên thế giới.
Tôi hỏi về sự nguy cấp của chú hổ trắng Bengal mà Sở thú đã thành công khi cho tiến hành giao phối và kết quả là 3 chú hổ đực kháu khỉnh ra đời, một nhân viên nói ro ro rằng hơn 100 năm trước, tức khoảng năm 1900, số lượng loài hổ trắng Bengal trên toàn thế giới khoảng 100.000 con. Thế nhưng đến năm 2013, cả thế giới chỉ còn 3.200 con.
Loài hổ trắng Bengal này phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Myanmar; ít được nhìn thấy trong tự nhiên, đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. 10 năm trước, cặp hổ bố và hổ mẹ khoảng 2 tuổi có nguồn gốc từ vườn thú Elmvale (Canada) được Sở thú đưa về thuần dưỡng và được đặt tên thân thiện là Lem (cọp đực) và Luốc (cọp cái).
Để có được kỳ tích nhân giống thành công hổ trắng trong môi trường nuôi nhốt, những cán bộ kỹ thuật đã trải qua quá trình kéo dài nhiều năm chăm sóc, nuôi dưỡng, phối giống rất kỳ công. Trước đó, các anh cũng đã nhân giống thành công cùng lúc 5 hổ Đông Dương, có lông màu vàng, vằn đen.
 
Các nhân viên Tổ thú dữ dời thành công một cá thể hổ từ chuồng ép tới vị trí mới, không cần thuốc gây mê.
Hàng chục ngày lân la trong Sở thú để tìm hiểu những việc hết sức tỉ mỉ, kỳ công của nhiều nhân viên, chúng tôi được đọc những trang nhật ký chan chứa tình cảm sâu lắng của họ với thú. Một nhân viên đã viết như thế này: “Khoai tây tròn lủm và màu sắc thì đúng chất “khoai tây” luôn. Đôi chân ngắn cũn và tướng chạy theo mẹ thì lạch bạch nhưng rất nhanh nhẹn. Khoai tây ở với mẹ. Chuồng kế bên là của bố Khoai tây, một ông bố lớn tuổi, hơi hung hăng nhưng tình cảm lắm”.
“Khoai tây” là tên mà chị Nguyễn Đình Yến Yến - cán bộ Trung tâm Giáo dục vườn thú đã đặt cho chú hà mã con khi nó vừa chào đời đúng ngày đầu tiên của năm 2018. Rất yêu thương “Khoai tây” nên chị Yến đã dành đến 1.232 chữ để viết về nó và gia đình nó. “Rất nhiều loài thú trong Sở thú có tên do chính những người trực tiếp chăm sóc nó đặt cho. Khi nó có tên rồi, mình gọi tên nó, nó cũng ngoan hơn, nghe mình hơn”, chị Yến bộc bạch.
Hôm ngồi với lãnh đạo và nhân viên của Xí nghiệp động vật, chúng tôi được nghe kể về những công phu khi cách đây gần 23 năm, các anh chăm sóc và cho ra đời thành công những chú chim trĩ sao rất quý hiếm. “Bầy chim trĩ sao hiện nay trong Sở thú có 19 cá thể. Nhìn bầy trĩ sao đông đúc như thế nhưng ít ai biết rằng, tỷ lệ trứng có phôi của chúng rất thấp. Trong khi đó, mỗi khi tới tháng đẻ, nó chỉ đẻ 2 trứng. Khả năng ấp trứng của chim mẹ lại rất hạn chế...”, một lãnh đạo Sở thủ cho biết và giải thích thêm thắc mắc của chúng tôi về logo của Sở thú, rằng chính từ nguồn cảm hứng sau khi ấp nở thành công loài chim trĩ sao quý hiếm trong môi trường nuôi nhốt, hình ảnh cách điệu của loài chim quý này được chọn làm logo cho Thảo cầm viên.
“Đây vốn là một trong những loài chím quý hiếm đặc hữu của Việt Nam và đang bị đe dọa trong tự nhiên. Chọn chim trĩ sao làm biểu tượng chính là cách để Thảo cầm viên Sài Gòn khẳng định sứ mệnh và hoài bão của mình: trở thành đơn vị đi đầu trong việc gìn giữ môi trường và hệ động thực vật quý hiếm bản địa, góp sức vào các công trình nghiên cứu và bảo tồn mang tầm vóc quốc tế tại Việt Nam”, vị lãnh đạo này cho biết.
Nhiều người từng lo ngại đến một ngày nào đó, người ta sẽ cho “bứng” Sở thú để dời ra ngoài thành, nhường quỹ đất gần 20ha này cho sự phát triển đô thị. Một lãnh đạo của Sở thú cho biết, nhiều anh em trong đơn vị cũng từng băn khoăn trước nguy cơ đó. Tuy nhiên, vào lúc sau khi 3 chú hổ trắng Bengal vừa chào đời, lãnh đạo UBND thành phố đã đến, khen thưởng đột xuất và có giải tỏa suy tư rằng đấy là thông tin không chính xác.
Ông nói ngay cả khi xây dựng xong Thảo cầm viên Safari ở Củ Chi thì Thảo cầm viên Sài Gòn vẫn hoạt động bình thường. Và đây cũng là điều khiến tất cả cán bộ, nhân viên đang công tác trong vườn thú này cảm thấy như điều an ủi lớn lao để họ ngày đêm tiếp tục “sống chết” cùng Sở thú.
Thái Bình-Nguyễn Cảnh (An ninh thế giới Online)

Có thể bạn quan tâm

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.