(GLO)- Đang đi đường, nghe tiếng la thất thanh, mấy người dừng xe lại. Trên mặt đường, gánh hàng rong của hai cô gái đổ tung tóe. “Thủ phạm” là một lũ trẻ lêu lổng ở ven đô Pleiku đã “cao chạy, xa bay”. Bà già bán nước mía bên lề đường lên tiếng:
-Mấy thằng ranh con mất dạy đến vậy là cùng. Bán mấy thứ lặt vặt này, lời lãi bao nhiêu mà nó cũng cướp của người ta. Rõ khổ! Cô gái mặc áo thun ngả màu cháo lòng vừa mếu máo, vừa nhanh tay lượm nào thìa, dao, bàn chải, xà bông, khăn mặt, bít tất. Mấy cái lồng bàn nhựa, cái gãy, cái méo mó do giằng co. Tôi giúp cô xếp mớ hàng “tổng hợp” ấy vào quang gánh. Cô lau vội những giọt nước mắt trên đôi má sạm nắng, nói vội lời cảm ơn rồi giục bạn đi nhanh kẻo trời sắp đổ cơn mưa. Cô gái hàng đồ nhựa xanh đỏ đi cùng cằn nhằn:
Ảnh minh họa |
-Em đã nói đừng lên vùng này, đường vắng dễ bị ăn hiếp lắm. Cứ ở dưới đường Hùng Vương, Quang Trung, Lê Lợi… đông người, đố bọn nó dám giở trò.
-Ai mà lường được. Dạo này con Hoài bán ở đường này đâu có sao. Không chịu khó đi xa, cứ quanh quẩn mãi mấy góc phố chính, ngày không kiếm nổi 50 ngàn đồng lấy gì mà ăn!
Đó là hai chị em con chú con bác ở huyện Ea H’Leo (Đak Lak) sang TP. Pleiku ở nhà người quen bán hàng rong từ sau Tết đến nay. Quanh quẩn trong những phố chính bán ế quá nên các cô vươn ra ngoại ô, len lỏi vào các ngõ xóm, khu tập thể, nhà trọ. Để có được dăm, ba chục ngàn đồng tiền lãi, hai chị em phải cuốc bộ 20 cây số mỗi ngày, ấy là chưa kể số ngày rủi ro như hôm nay, coi như “công dã tràng”.
Chưa có một con số thống nhất nhưng có thể nói: Ở TP. Pleiku bây giờ, số người từ nông thôn ra bán hàng rong, làm thuê có thể lên đến hàng ngàn. Họ chủ yếu đến từ các tỉnh ven biển Nam Trung bộ vào lúc công việc nghề nông nhàn hạ.
Đi làm thuê, bán hàng rong với họ dường như là một lối thoát. Nhưng liệu đấy có phải là giải pháp tốt nhất cho họ nếu tất cả vùng quê nghèo đều đổ về thành phố kiếm sống theo kiểu ấy? Tình trạng người đi bán hàng rong trở thành phức tạp hơn nhiều, không chỉ đơn thuần là “gánh nặng” cho các đô thị. Nghề bán hàng rong đi liền với bấp bênh, nhọc nhằn và cay đắng. Chị H. bán bánh mì xíu mại cả ngày, cả đêm, sống kham khổ mấy tháng trời mới tích góp được vài triệu đồng, trên đường về bị bọn xấu chặn lại cướp sạch, biết kêu ai giữa đất lạ quê người. Tiếc của chị đau liệt giường mấy ngày liền. Còn “gặp hạn” như hai cô gái vừa nêu là chuyện thường ngày ở phố.
Người ra đi vất vả, người ở nhà cũng chẳng kém nỗi gian truân. Anh B. mới 30 tuổi đã là cha của 3 đứa con. Đứa con út mới được 6 tháng tuổi, mẹ nó đã cai sữa để lên Phố núi bán hàng rong. Con bé khát sữa khóc bù lu, bù loa khiến người chồng bơ phờ. Hàng chục em nhỏ cũng mau chóng kết thúc sự học ở mức “đọc chưa thông, viết chưa thạo” để gia nhập “đội quân” hàng rong. Tương lai thật xa mờ…
Có thể thấy, đằng sau lũy tre êm ả của các miền quê nghèo còn bao nhiêu nhức nhối khi mà đi làm thuê, bán hàng rong có cơ hội trở thành nghề “truyền thống”. Nghề bán hàng rong, bên cạnh mặt tích cực như góp phần lưu thông hàng hóa, kịp thời phục vụ tận tay người tiêu dùng, tạo nguồn thu nhập chính đáng trước mắt, còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cho việc quản lý, phát triển thành phố về mọi mặt. Hiện tượng ly quê, lang thang kiếm sống trên khắp phố phường thành phố sẽ còn gia tăng nếu không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Đó là công việc làm ăn, cuộc sống của người nông dân nơi quê hương bản quán. Mong sao chính quyền các cấp hãy quan tâm đến nguồn nhân lực dồi dào ở nông thôn, có giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện cho những nông dân nghèo phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống trên chính quê hương họ.
Lê Huyền Trang