Ôm nỗi oan sai 40 năm, người lính Nguyễn Văn Dũng đã vượt qua một hành trình dài đi đòi công lý với sự ủng hộ của người vợ hiền, tần tảo luôn vững tin chồng mình vô tội.
Hơn 35 năm qua, bà Tiến luôn tin tưởng, đồng hành với chồng trên đường đi đòi công lý lắm gian nan. ẢNH: ĐỘC LẬP
Ngày 8.5, ông Nguyễn Văn Dũng, một trong 8 nạn nhân oan sai trong vụ án “cướp 5 chỉ vàng” xảy ra ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh) cách đây 40 năm đã được Viện KSND tỉnh Tây Ninh trực tiếp xin lỗi, phục hồi danh dự.
Để có được những phút giây hạnh phúc, danh dự và nhân phẩm được phục hồi, ông Dũng phải trải qua hành trình dài đi đòi công lý với sự ủng hộ vững chắc của hậu phương, của người vợ hiền, tần tảo luôn vững tin chồng mình vô tội.
“Biết anh bị oan sai, tôi càng thương anh hơn”
Bà Hồ Thị Tiến (56 tuổi), vợ ông Dũng, vẫn nhớ lần đầu tiên gặp chồng mình, khi đó bà mới 21 tuổi và ông Dũng mới ra tù. Bà đang tưới rau thì thấy ông Dũng theo người cháu họ ghé nhà chơi. Không biết "trời xui đất khiến" thế nào, ngay lúc ông Dũng ghé nhà thì cái máy bơm nước tưới rau bị hỏng. Dù mới quen nhưng ông Dũng chẳng nề hà mà xắn tay áo vào sửa máy bơm rồi phụ giúp cô thôn nữ ở ấp Xóm Mới, xã Thanh Phước, H.Gò Dầu (Tây Ninh) tưới rau.
“Sau khi quen nhau, cứ vài bữa anh Dũng lại qua chơi. Lúc thân thiết rồi, ảnh mới kể thật mới ở tù mấy năm ra. Nghe xong tôi hỏi anh làm gì mà bị bắt nhiều năm thế, anh nói bị bắt oan. Tôi nói họ bắt thật chứ oan gì. Lúc đó anh mới lấy trong túi áo tờ quyết định đình chỉ vụ án để tôi xem, kể lại vụ việc và những tháng ngày cơ cực trong tù. Tôi nghe xong, biết anh bị bắt oan thật rồi thương anh lúc nào không biết”, bà Tiến hồi tưởng.
“Ảnh nói mẹ mất sớm, cha lấy vợ khác nên khi ra tù anh bơ vơ không nơi nương tựa. Giờ anh chỉ muốn kiếm một mái ấm yên ổn cuộc đời. Em thương anh thì muốn gì anh cũng chịu hết. Anh ở trong tù mấy năm nên đã thấu hiểu nỗi cô đơn rồi. Sau này tôi mới biết không chỉ anh bị bắt mà nhiều người trong gia đình đều bị tù oan nên càng thương anh hơn”, bà Tiến nhớ lại.
Trong buổi xin lỗi công khai về vụ án oan sai, không ít lần ông Dũng xúc động khi nhớ về những tháng ngày cơ cực trong tù và hành trình mòn mỏi đi kêu oan. ẢNH: ĐỘC LẬP
Quen nhau được chừng 3 tháng, hai người tính đến chuyện lập gia đình. Khổ nỗi lúc này ông Hồ Văn Lắm (ba bà Tiến, nay đã mất) nghe làng xóm dị nghị nên không đồng ý chàng rể mới ra tù.
Một lần nữa ông Dũng đưa tờ giấy đình chỉ vụ án cho ba vợ tương lai để chứng minh mình bị oan sai. Xem xong ông Lắm chỉ biết chửi thề kiểu dân Nam bộ rồi... đồng ý gả con gái.
Bà Tiến kể, hai người lấy nhau vào ngày 12.8.1983, không làm lễ cưới mà chỉ có mấy mâm cơm đơn sơ mời xóm giềng thân thuộc. Nhưng rồi một sự cố bất ngờ nữa lại đến khiến cô dâu bật khóc trong ngày trọng đại của mình. Trong khi nhà gái tề tựu đông đủ đón nhà trai nhưng chờ đến gần trưa không thấy bóng dáng nhà trai đâu. Suốt ruột, chú rể Dũng phải đạp xe chạy về làng tìm hiểu nguyên cớ.
Thì ra phía nhà ông Dũng, đặc biệt là cô chú, chị gái ông, không ai tin bà Tiến chịu lấy em trai mình và nghĩ là em trai bị bỏ bùa, rồi chuyện bà Tiến tuổi mèo, ông Dũng tuổi chuột thì “mèo sẽ giết chuột”… Một lần nữa, ba vợ ông Dũng lại phải xin lỗi người thân, láng giềng nhưng trong thâm tâm ông lại càng thương chàng rể nhiều hơn vì phải chịu trắc trở, thiệt thòi,.
Cưới xong, vợ chồng ông Dũng được ba vợ cho miếng đất trong làng để cất nhà. Vốn nhanh nhẹn, đảm đang nên ngày ngày bà Tiến nấu sữa, làm bánh da lợn, nấu hủ tiếu đưa ra chợ bán, còn ông Dũng ở nhà làm phụ vợ, hết việc thì chạy xe ôm, ai thuê gì làm nấy. Lần lượt bốn đứa con ra đời.
Nhớ về những tháng ngày vất vả, bà Tiến kể: “Anh Dũng mang tiếng đi tù nên bà con, xóm giềng dị nghị, đi xin việc cũng khó mà sức khỏe anh cũng yếu. Nhà lúc đó mái tranh vách đất không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc giường rộng 1,4 m mà tối về cả nhà 6 người nằm ngủ. Giường chật, người đông nên phải nằm ngang, chân anh Dũng dài, phải làm cái ghế đay để anh gác chân ở ngoài cho đỡ mỏi. Khổ lắm nhưng lúc nào tôi cũng thương ảnh”.
Ba vợ bán ruộng, bán bò đưa con rể đi kêu oan
Ông Dũng hồi tưởng, ngày 11.5.1983, ông cùng với 7 người thân liên quan vụ án được ra tù. Từ một thanh niên mới 25 tuổi, một quân nhân với bao ấp ủ, dự tính tươi đẹp cho cuộc đời, nhưng 3 năm 9 tháng 14 ngày tù giam đã lấy của ông tất cả: cuộc sống, tương lai, nhân phẩm, danh dự…
Những năm tháng trong quân ngũ, tham gia chiến trường khốc liệt ở nước bạn Campuchia, ông không hề sợ chết mà nay lại phải mang thân phận đào ngũ để đi ăn cướp. “Khi đó tôi chỉ nghĩ nếu không chứng minh được mình không phải đào ngũ, không phải đi ăn cướp mà bị bắt oan thì có lẽ đến chết tôi không bao giờ nhắm mắt được vì nhục nhã, ê chề”, ông Dũng kể lại.
Cho nên sau khi ra tù, việc đầu tiên là ông đề nghị cơ quan liên quan phải cung cấp giấy quyết định đình chỉ vụ án để ông lên làm việc với đơn vị là Trung đoàn 774, Sư đoàn 317.
Ông Dũng muốn chỉ ra sự sai sót khi bị bắt tạm giam là một quân nhân làm nhiệm vụ quốc tế nhưng cơ quan tố tụng Tây Ninh không liên hệ với đơn vị chủ quản của ông để xác minh, không liên hệ với cơ quan tố tụng quân đội để phối hợp điều tra.
Viện KSND tỉnh Tây Ninh từng từ chối thụ lý đơn yêu cầu bồi thường của ông Dũng. ẢNH: TRUNG HIẾU
Ngày 25.5.1983, ông Dũng trở lại đơn vị để trình báo sự việc đồng thời xin được phục hồi chế độ như nhưng quân nhân khác. Tuy nhiên, đơn vị từ chối giải quyết với lý do không biết ông bị bắt oan nên đã cắt quân số, thông báo về địa phương là ông đào ngũ. Đồng thời người ở đơn vị cấp giấy, hướng dẫn ông khiếu nại ở Viện KSND tỉnh Tây Ninh. Nhưng khi đó chưa có Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước nên cơ quan này không giải quyết.
Suốt nhiều năm ông Dũng gửi đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan nhưng không được giải quyết. Đến bây giờ ông Dũng không thể nhớ được bao nhiêu lần mình đến cơ quan nhà nước gửi đơn khiếu nại.
Đến năm 2000, khi cuộc sống dần ổn định, ông Dũng lại tiếp tục hành trình đi kêu oan. Lúc này thay vì gửi đơn, ông trực tiếp ra Hà Nội khiếu nại tới các cơ quan trung ương như Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ… Lộ phí đi kêu oan lấy từ số tiền ít ỏi từ việc chạy xe ôm, bán kem dạo hay tiền chợ tích cóp của vợ.
Nhưng rồi ông Nguyễn Văn Dũng (trái) chấp nhận lời xin lỗi từ đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh. ẢNH: ĐỘC LẬP
Ba vợ thương con rể thiệt thà, chịu thương, chịu khó nên mấy đận bán bò, bán ruộng còn đích thân đưa ông ra Hà Nội tìm đến cơ quan chức năng cầu cứu.
Ở nhà, bà Tiến thành hậu phương vững chắc một mình chăm sóc bốn con nhỏ cho chồng yên tâm trên hành trình đòi công lý. Gần đây nhất năm 2016, chồng bị bệnh nặng, sức khỏe giảm sút nên đích thân bà Tiến cùng chồng ra Hà Nội để đòi quyền lợi cho chồng.
“Sau mọi chuyện đã qua nếm trải ngọt bùi, đắng cay đủ cả nhưng tôi chưa bao giờ hối hận vì đã thương và lấy ảnh. Dù cuộc đời không suôn sẻ, vất vả và chịu nhiều đắng cay nhưng lúc nào anh cũng thương vợ con và là trụ cột của gia đình”, bà Tiến vừa nói vừa khóc khi nhớ lại những tháng năm oan sai đầy gian truân của chồng và gia đình.
Cả một đời mang tiếng xấu Tại buổi xin lỗi công khai tổ chức ở địa phương ngày 8.5, khi được mời phát biểu, ông Nguyễn Văn Dũng cho hay cách đây 40 năm có một vụ án oan “thấu tận trời xanh” đã ập đến với một quân nhân và gia đình để rồi họ phải nhận sự tang thương, mất mát. “Cơ quan tố tụng đã tước đi tương lai, sự nghiệp và tất cả các quyền được sống tự do của tôi. Gần cả một đời người tôi phải mang tiếng cực kỳ tồi tệ là thằng bộ đội ăn cướp”, ông Dũng chua xót nói về vụ oan sai. |
Trung Hiếu (Thanh Niên)