Chuyện ở "làng cô đơn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi sáng thức dậy, rời căn nhà bình yên ở “làng cô đơn” (làng Bluk Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), những người bị bệnh phong lại dìu nhau hướng về phía bình minh. Với họ, ngày mới mở ra đồng nghĩa với niềm tin được nhen thêm như những tia nắng đầu ngày ấm áp.
Mầm sống nảy sinh  
Lặng lẽ bước thấp bước cao ở “làng cô đơn”, giữa rộn rã tiếng cười đùa của trẻ thơ, ký ức lại sống dậy trong tâm thức bà Rơ Châm Gir. Trải qua 72 mùa xuân, bà Gir thấu hiểu những đớn đau khi gánh trên mình dấu tích tàn tật bởi bệnh phong. Cũng hơn ai hết, bà hiểu tận cùng hai chữ “hạnh phúc” khi được cứu rỗi từ vực thẳm của đớn đau. Bà Gir trải lòng: “Làng cô đơn” là cách gọi của nhiều người dành cho những bệnh nhân phong ở đây từ khi mới hình thành nhưng khi làng Bluk Blui được thành lập, chẳng còn ai nhớ đến cái tên ấy nữa.
Bà Gir không rõ làng Bluk Blui có từ khi nào, chỉ nhớ mình được cưu mang về làng vào khoảng năm 1967 bởi một người đàn ông cùng cảnh ngộ. Đồng cảm, chia sẻ nắm cơm lúc đói, xuýt xoa sau những cơn đau xé lòng vì vi rút Hansen hành hạ, bà và ông Siu Prõi đã nương tựa vào nhau để đi tiếp phần đời còn lại.
 Một góc làng Bluk Blui (xã Ia Ka, huyện Chư Păh). Ảnh: Hà Phương
Một góc làng Bluk Blui (xã Ia Ka, huyện Chư Păh). Ảnh: Hà Phương
Theo lời kể của người con gái Siu H’Jeh thì ông Prõi là bệnh nhân phong và đã qua đời cách đây hơn 20 năm. Khoảng năm 1960, Siu Prõi bỗng thấy chân tay đau tê tái, từng lớp da bong tróc, lở loét muốn rơi khỏi cơ thể. Ông bắt đầu hoang mang, lo lắng. Lúc đó, dân làng chưa nghe, chưa biết đến bệnh phong nhưng lại nghe nhiều lời đồn thổi ác ý khiến những bệnh nhân phong bị hắt hủi, kỳ thị, sống xa lánh cộng đồng, thậm chí có người còn bị đuổi ra khỏi làng sống lay lắt trong rừng hoặc các khu nhà mồ.
Thay vì ngồi một chỗ chịu đựng nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, ông Prõi quyết chí tìm hiểu về căn bệnh. Suốt nhiều đêm không ngủ, ông Prõi xuyên rừng tìm bệnh nhân phong, cầm những bàn tay đang rỉ máu, những bàn chân rụng dần từng đốt của họ để băng bó, chữa trị, ý tưởng thành lập khu trại phong tập trung cũng hình thành. Từ một ngôi nhà nhỏ giữa rừng xanh, nhiều bệnh nhân phong được ông Prõi cùng con gái H’Jeh “gom” về. Số bệnh nhân tăng dần theo năm tháng và cứ thế những căn nhà tiếp theo mọc lên, chẳng mấy chốc mang vóc dáng của làng.
Cuộc đời nọ nối tiếp cuộc đời kia ở “làng cô đơn” ghi nhớ từng câu trong ước nguyện của ông Prõi khi phải chịu nhiều áp lực, cản ngăn vì việc làm của mình. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng vào năm 2000, ông Prõi thều thào dặn người con gái: “Hãy thương những bệnh nhân phong như cha từng thương họ”. Sau khi ông mất, việc “điều hành” làng Bluk Blui được giao lại cho con gái Siu H’Jeh-cô giáo kiêm luôn y tá.
Trong trí nhớ của bà Ksor Mlao, Rơ Châm Tong, Rơ Châm Kơmlo và nhiều bệnh nhân cao tuổi ở làng phong Bluk Blui thì: Tình thương của bà H’Jeh bao trùm cả “làng cô đơn” này. Bà nhớ tên, hiểu bệnh từng người. Chẳng những chăm lo sức khỏe, bà H’Jeh còn xoay xở đủ đường lo dinh dưỡng, lo tổ ấm cho mấy chục cư dân bị bệnh phong. Chuyện ma chay, cưới xin, học hành của những người làng phong, bà đều lo hết. Suốt thời tuổi trẻ, bà còn băng rừng rậm, vượt suối sâu đi tìm bệnh nhân phong về chữa. Điều mà bà H’Jeh trăn trở nhất vẫn là cuộc sống của các bệnh nhân đã tốt hơn chưa.
 Một góc làng Bluk Blui (xã Ia Ka, huyện Chư Păh). Ảnh: Hà Phương
Ông Rơ Châm Kơmlo cặm cụi đan gùi. Ảnh: Hà Phương
Những năm 1975-1976, đất nước còn nhiều khó khăn, người làng cứ thấy ai mắc bệnh là đuổi đi. Họ nghĩ rằng, ngày vui, tuyệt nhiên không cho những người “ma hành” đó bén mảng đến. Bà H’Jeh lại lóc cóc mang theo cơm nắm, đạp xe tìm đến người bệnh để an ủi kịp thời. Có người nhầm tưởng bà H’Jeh đuổi theo để bắt về lại nên cuộc tìm kiếm càng thêm cực nhọc. Biết tin nhiều bệnh nhân ở xa, bà liền nhảy xe đò đến dìu dắt họ về để điều trị.
Sau mấy thập niên dốc cạn tâm lực vì người khác, ở tuổi ngoài 60, bà H’Jeh dù không phải lo từng miếng cơm manh áo, thường trực ở làng phong chăm sóc cho các bệnh nhân như trước nhưng lòng nhân ái, tình người vẫn luôn sưởi ấm và bà thường xuyên lui tới từng nhà thăm hỏi, động viên họ về cuộc sống, sản xuất.
Mạch nguồn yêu thương
Những tháng ngày cô độc, mặc cảm, lẻ loi đã dần tan biến trong tâm khảm của mỗi bệnh nhân phong khi “làng cô đơn” lại ngập tràn yêu thương, ấm áp. Làng Bluk Blui lúc cao điểm có hơn 70 bệnh nhân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số với nhiều lứa tuổi sinh sống xen kẽ. Một số người già yếu đã mất, người thì bớt bệnh về với gia đình, con cháu. Hiện tại, “làng cô đơn”chỉ còn 18 bệnh nhân nặng vẫn sinh sống nhờ sự bao bọc, chia sẻ, giúp đỡ của mọi người.
Bà Rơ Châm Bô đang ngồi dệt lụa trong căn phòng của mình. Ảnh: Hà Phương
Bà Rơ Châm Bô đang ngồi dệt vải trong căn phòng của mình. Ảnh: Hà Phương
Và rồi, những đứa trẻ trong làng sinh ra với những đôi tay lành lặn, khỏe mạnh. Chẳng ai còn kỳ thị, nỗi sợ hãi của người không mắc bệnh cũng dần tan biến nhường lại cho niềm tin, khát vọng về một ngôi làng yên bình. Ông Rơ Châm Xuah nói: “Giờ họ gọi “làng cô đơn”, “làng Bluk Blui” hay “làng nhân ái” cũng được. Chúng tôi sống như một đại gia đình, nỗi buồn nhà này cũng là của nhà khác. Không ganh ghét, đố kỵ nhau gì cả”.
Tiếng “làng” rất đặc biệt với những người từng gắn bó với nhau tại đây. Xuất thân từ đâu không còn quan trọng, quá khứ bị hắt hủi từ vùng đất nào dạt tới đây thì không ai còn muốn nhắc nữa. Với họ, làng Bluk Blui là quê hương. Người khỏe mạnh sẵn lòng sống cùng người bệnh để giúp đỡ, chia sẻ buồn vui.
Hai bên đường dẫn vào “làng cô đơn” bạt ngàn cà phê đang bung hoa trắng muốt. Bluk Blui quần tụ bao bọc, tâm tình cởi mở với nhau. Thế hệ trẻ trong làng không còn hoài nghi về bệnh phong như những lời đồn thổi quái ác trong quá khứ mà chung tay giúp đỡ người bệnh quên đi nỗi đau, mặc cảm tàn tật để hòa nhập với cộng đồng và cùng hướng về những điều tốt đẹp phía trước.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.