Chuyện ở đại ngàn: Thế giới huyền bí của thầy then

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong cộng đồng Tày, thầy then là những người được xem là có khả năng tiếp cận thế giới siêu nhiên, làm cầu nối giữa người trần với các đấng thần linh.
 
Múa và hát then của những bà then người Tày tại Carnaval Hạ Long 2012. Ảnh: Trung Hà
Vì vậy, họ có vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng.
Cầu nối với thần linh
Theo người Tày, then được hiểu là thiên (trời). Then có xuất xứ từ Cao Bằng.
Về hình thức và nội dung, then giống như hầu đồng của người Việt, nhưng hầu đồng là hiện tượng “nhập hồn”, then Tày là “thoát hồn”. Đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt phép, gương, quả trứng, chim én, hát then là những phương tiện hỗ trợ then khi “thoát hồn”.
Nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học, TS Võ Quang Trọng nhận xét: “Hầu đồng của người Việt và then của người Tày là hiện tượng con người tự thôi miên để đưa mình vào trạng thái ảo giác đặc biệt”.
Anh Đại Hà, người rất am hiểu văn hóa tín ngưỡng dân tộc Tày, từng công tác tại UBND xã Ea Tam (H.Krông Năng, Đắk Lắk), cho biết thầy then cũng là thầy cúng, nhưng họ diễn xướng bài cúng qua điệu hát then. Vì thế, “bài cúng” đó được coi là loại hình âm nhạc hay diễn xướng dân gian, có sự gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng. Trong then có nhiều đường then (pang khoăn, thống đẳm, cấp sắc hay cầu hoa) và dạng then. Trong mỗi dạng then có nhiều điệu hát khác nhau, chẳng hạn: điệu khẩu tu (vào cửa trời), pây mạ (đi ngựa), đông mèng đông quảng (vào rừng ve) hoặc các điệu then gọi vía, chữa bệnh, giải hạn, tiêu hao tàn (dành cho người chết), cầu mưa thuận gió hòa...
“Then của người Tày mượn lời ca, tiếng đàn cùng chùm xóc nhạc dẫn đường đến với các đấng siêu nhiên để thỉnh cầu hay cảm tạ. Bà then giống như bà tiên với cây đàn tính trên tay gảy những khúc nhạc, cất lên những lời ca gửi theo mây theo gió, vang đến tận trời xanh. Nếu như ta xóa đi yếu tố mê tín dị đoan thì then là nghi lễ trấn an tinh thần cho dân chúng”, anh Hà chia sẻ.
Ông Y Kô Niê, Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk, cho biết hát then không chỉ là tín ngưỡng mà còn là văn hóa. Người Tày tin ông bà chết rồi vẫn theo phù hộ con cháu. Bên cạnh ông bà, họ còn tin vào thần linh. Ngoài phần lễ nghi, diễn xướng, then còn có tính chất vui chơi mang đậm yếu tố sân khấu.
 
Then Quyền cười tươi trước khi hành lễ. Ảnh: Quang Viên
Để trở thành thầy then phải có “căn” then hoặc gia đình, dòng dõi có người là then. Những người có “căn” then thường rất nhạy cảm, có khả năng về đàn hát, nhảy múa. Thầy then được cho là có khả năng liên lạc với thần linh nên được cộng đồng rất nể trọng. Hiện tại, trong cộng đồng người Tày có rất ít thầy then.
Phó chủ tịch UBND xã Ea Tam, cô La Bế Thùy Trang (người Tày) tiết lộ: “Ở đây có bà Quyền là thầy then. Ai trong làng có cưới xin, tang ma, về nhà mới, giải hạn, cầu an... thường tìm đến bà. Then Quyền cũng từng đi biểu diễn then cấp quốc gia”.
Gặp “nghệ nhân” Then
Then Quyền tên Đàm Thị Quyền, 59 tuổi. Hỏi chuyện làm then, bà Quyền xởi lởi: “Quê cô ở Trà Lĩnh, Cao Bằng, vào đây từ năm 1985. Gốc của cô là thầy pựt, cô là đời thứ 9 làm. Trước đây cô bị “âm hành” ốm yếu lắm nên thờ Phật, được 7 năm tự nhiên mình có căn làm pựt, rồi có duyên làm then thì phải làm thôi”.
 
Then Quyền giới thiệu các phương tiện hành lễ
Theo then Quyền, trời, Phật, thần linh, tổ tiên cho làm thầy then để làm phúc cứu khổ, cứu nạn cho trần gian. Bà “làm phúc” cầu tài lộc, cầu an, giải hạn... chủ yếu cho các gia đình trong buôn làng. Thỉnh thoảng, nhiều người ở các tỉnh xa như Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Dương, Đắk Nông, miền Bắc cũng vời bà đi. Trong những lễ hội do chính quyền địa phương tổ chức thì bà làm lễ cầu mưa thuận gió hòa, cầu mùa màng bội thu.
Làm thầy then không phải ai cũng làm được. Có căn, có số hết đó. Mà bề trên cho mình làm thì mình phải có đạo đức mới làm được lâu dài
Then Quyền (Đàm Thị Quyền)
Rằm tháng giêng hằng năm, xã Ea Tam mở Lễ hội Nàng Hai để mời mẹ trăng và 12 nàng tiên là con gái của mẹ trăng xuống thăm hạ giới, giúp cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu. Trong lễ hội này, bà Quyền vào vai bà then chủ lễ. Tôi hỏi: “Thầy thấy lễ cầu mùa màng, cầu mưa thuận gió hòa có linh nghiệm không?”. Then Quyền cho biết: “Có chứ. Năm nay được “thần linh chứng” vì tôi làm chủ lễ. Hai năm trước thì không hiệu nghiệm vì xã mời hai thầy then, hai thầy “tị nạnh” nhau nên thần linh không chứng. Chưa kể, những đợt đó người dân giết trâu nhiều quá nên mang nặng tội sát sinh. Ngày xưa, chỉ thịt một con thôi”.
 
Một bài văn cúng trong lễ cầu mùa của then Quyền
Kể chuyện được mời đi biểu diễn ở Liên hoan Then toàn quốc ở Hà Giang năm 2018, then Quyền hào hứng: “Được mời đi thi thì phải sáng tác bài hát then. Cô nhờ người sáng tác mà không ai biết nên cô rất lo. Thế mà tự nhiên 4 giờ sáng đêm đó cô thức dậy trong trạng thái thông minh sáng suốt và viết bài then đúng ý, đúng nghĩa, ngắn gọn. Cái này là thánh viết giùm, người mình làm sao viết được cái này. Bài dự thi đạt giải ba đó”.
Rồi bà thổ lộ: “Làm thầy then không phải ai cũng làm được. Có căn, có số hết đó. Mà bề trên cho mình làm thì mình phải có đạo đức mới làm được lâu dài. Người nào làm bướng làm bậy bạ, vì tiền thì bề trên, ông cụ kỵ không cho lộc. Tiền công bà con thương cho bao nhiêu thì hay bấy nhiêu chứ không đòi hỏi”. (còn tiếp)
Được ghi vào danh sách di sản của UNESCO
Hầu hết các tỉnh miền núi phía bắc đều có hát then, mỗi vùng mỗi khác: then Cao Bằng dìu dặt tha thiết; then Lạng Sơn tươi vui, rộn ràng; then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận; then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một; then Bắc Kạn như chuyện kể thầm thì. Người Tày, Nùng di cư vào Tây nguyên cũng giữ nguyên bản sắc then ở địa phương trước đây sinh sống.
Thầy then là một nghệ sĩ dân gian thực thụ. Họ biết đàn, biết hát và múa những điệu múa, bài ca nghi lễ của dân tộc. Người Tày, Nùng duy trì hát then như ca trù, gìn giữ và truyền hát then lại cho thế hệ sau.

GS âm nhạc Trần Quang Hải cho biết: “Do then của người Tày, Nùng có từ cả ngàn năm trước, loại hình then lại vô cùng phong phú, và hát với cây đàn tính rất đặc biệt nên hồ sơ hát then đã được ghi vào danh sách di sản của UNESCO năm nay và sẽ có kết quả vào tháng 12 tới”.

Quang Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.