Chuyện "những cột mốc sống" vươn khơi xuyên tết thu "lộc biển"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày Tết Canh Tý 2020, trong khi mọi người, mọi nhà sum họp, đoàn viên bên gia đình thì rất nhiều ngư dân miền Trung vẫn bám biển vươn khơi. Họ chấp nhận xa gia đình những ngày này không chỉ bởi giá hải sản những ngày đầu năm tăng cao mà vì họ không muốn vùng biên của Tổ quốc bị “lơi lỏng” dù chỉ một ngày.
Ăn tết trên biển
Những ngày cận Tết Canh Tý tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) hàng trăm tàu thuyền của các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Huế, Phú Yên... về neo đậu. Trong khi đó vẫn có rất nhiều tàu thuyền đang hối hả nhập nhu yếu phẩm để thực hiện chuyến ra khơi đánh bắt xuyên tết.
 
Ngư dân Võ Thế Dư bên con tàu sơn mới, hối hả chuẩn bị cho chuyển biển xuyên Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
“Hơn mười năm nay rồi, trong khi các tàu thuyền đã neo đậu để cho thuyền viên về ăn tết thì 2 tàu của gia đình tôi lại chuẩn bị cho chuyến biển mới xuất hành sát tết. Đi chuyến đánh bắt xuyên tết này, năm nào gia đình tôi và anh em thuyền viên đều có thu nhập tăng lên gấp 2 - 3 lần so với ngày thường bởi giá hải sản sau tết tăng rất cao” - thuyền trưởng Nguyễn Văn Khôi (trú huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho hay.
Đang neo đậu tàu tại âu thuyền Thọ Quang, ngư dân Phạm Hừng (trú huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết, tàu của ông vừa cập cảng Thọ Quang để bán hải sản sau chuyến đi hơn 15 ngày trên biển Hoàng Sa. Chuyến biển này vào bờ, tàu của ông Hừng không có lãi bao nhiêu, bởi lý do có rất nhiều tàu của miền Trung cập cảng bán hàng để nghỉ tết.
“Mấy chuyến biển gần đây, thu nhập của tôi và thuyền viên không được tốt. Bởi vậy tất cả đồng  lòng đi chuyến biển Hoàng Sa xuyên tết này” - ông Hừng cho hay.
Chuyến biển sát tết mang nhiều hy vọng này, ngư dân Hừng đã chuẩn bị 600 cây đá cùng hàng chục tấn nguyên liệu khác với chi phí lên đến cả trăm triệu đồng. “Năm nay, sát tết tổn phí thấp hơn mọi năm nên tôi sẵn sàng chi tiền bồi dưỡng cho thuyền viên cao gấp 2-3 lần ngày thường. Phần lớn tàu thuyền cũng đã nghỉ nhưng thuyền viên vẫn đi với mình nên phải động viên để họ làm việc” - ông Hừng nói.
Tại âu thuyền Thọ Quang, những ngày sát tết có rất nhiều phụ nữ ở Quảng Ngãi, Quảng Nam có mặt, làm cho không khí nơi này đầm ấm vui vẻ lạ thường. Hỏi ra mới biết, đây là những người vợ của các chủ tàu, họ tỉ mẩn với  từng nhu yếu phẩm dành chồng và thuyền viên đi trên tàu như bánh chưng xanh, hạt dưa, mứt tết, bia... để đón tết đủ đầy trên biển cả.
Chị Nguyễn Thị Hoa - vợ chủ tàu Nguyễn Văn Khôi nói: “Chỉ cầu cho chuyến biển này mưa thuận gió hòa cho đáng cái công xa vợ con ngày tết của chồng em và các chú đi trên tàu”.
 
 
Những con tàu đánh bắt trên biển của ngư dân miền Trung ngày Tết Canh Tý sẽ quây quần bên nhau cùng chúc mừng năm mới.  Ảnh: Đình Thiên
Nhiếu tàu sẵn sàng tiếp tế lương thực
Không chỉ có các tàu đánh bắt ra biển đợt sát Tết Canh Tý mà chuyến biển này còn có sự tham gia của rất nhiều tàu dịch vụ hậu cần.  Trong đó, có những con tàu công suất lớn của gia đình ông Lê Mến (phường Thuận Phước, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Ngư dân Mến cho hay:  “Ra biển dịp tết rất khác so với ngày thường, tình người trên biển gắn bó lắm. Khi mua hải sản của các tàu, chúng tôi sẵn sàng trả giá cao, không phải kỳ kèo bớt một thêm hai. Tàu vào đất liền, thương lái cũng thuận theo mà cho xe bốc hàng không tính toán chi li. Một phần là nhờ giá cả tăng, hải sản khan hiếm. Cái nữa là dịp tết đến xuân về, không khí rộn ràng, lòng người thoải mái”.
Ngư dân Mến chia sẻ thêm, tết này nếu các chủ tàu cần tiếp nguyên nhiên liệu hay cung ứng hàng hóa, ngay cả mùng 2, mùng 3 tết ông vẫn sẵn sàng cho tàu ra khơi.
“Những năm gần đây, thường năm nào tui cũng cho tàu xuất bến từ ngày mùng 2, mùng 3 tết. Những chuyến biển này không chỉ thuần túy vì kinh tế mà đó là niềm tin dành cho nhau những ngày đầu năm mới. Bạn hàng làm ăn với mình quanh năm, họ cần tiếp nhu yếu phẩm, mình phải lo cho được. Ra đó thu mua hải sản cho họ rồi tặng nhau thực phẩm hay thùng bia từ đất liền đưa ra, quý vô cùng. Gặp tàu từ đất liền ra, chủ tàu cùng thuyền viên tay bắt mặt mừng hò hét reo vui giữa bốn bề biển khơi, ấm áp lắm. Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh này, tui thấy rất thú vị và ấm lòng” - ngư dân Mến tâm sự.
Ngư dân Trần Văn Sơn (trú  thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) đi trên tàu của ông Phạm Hừng, hứng khởi cho hay: “Bây giờ không như ngày xưa. Hải sản có tàu ra biển mua tận nơi, hàng hóa họ cũng cung cấp đầy đủ. Giữa biển, nhưng cũng không kém đất liền là bao”.
“Nhiều ngư dân luôn nghĩ, tết mà ở trên biển thì không có nỗi buồn nào bằng khi bốn bề là trùng khơi sóng gió vắng bóng người thân. Tuy nhiên, đối với mình thì không hẳn đã buồn đâu khi đêm giao thừa các tàu cùng đi trên biển sẽ tập trung về 1 tọa độ và neo vào nhau như 1 tàu “sân bay”, cùng nhau hú còi vang tận trời xanh rồi bật bia chúc mừng năm mới. Lúc này thường cá đã gần đầy khoang và thuyền viên bật bộ đàm gọi về chúc tết vợ con gia đình mà không quên nhắn nhủ năm mới này kinh tế gia đình mình sẽ khá hơn” - ngư dân Sơn nói.
Tự hào là “cột mốc sống trên biển”
Ngư dân trẻ Lê Văn Kháng (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) nói rằng, lý do anh cho tàu ra biển ngày tết không đơn thuần vì kinh tế. “Chuyến biển cuối năm cũ, đầu năm mới còn có ý nghĩa quan trọng hơn là chúng tôi thực sự thấy mình được đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trên biển những ngày này rất ít tàu thuyền của ngư dân Việt Nam. Vì vậy, ra biển mà thấy được lá cờ Tổ quốc, rất xúc động. Có tàu, có cờ đỏ bay lộng gió, rõ ràng chủ quyền của đất nước luôn được khẳng định dù ở hoàn cảnh, thời gian nào” - ngư dân Kháng tâm sự.
Ông Nguyễn Kim Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP.Đà Nẵng cho biết, riêng địa bàn Đà Nẵng, tết năm nào cũng có hàng chục tàu thuyền tham gia đánh bắt trên biển. Theo ông Dũng, những gia đình có tàu thuyền tham gia đánh bắt trên biển xuyên Tết Nguyên đán là những gia đình tiêu biểu. Ngoài việc đánh bắt thuần túy họ còn là “tai mắt” của các lực lượng chấp pháp như kiểm ngư, cảnh sát biển... trong việc bảo vệ chủ quyền vùng biển.
“Hội Nông dân TP.Đà Nẵng cũng như các cấp chính quyền Đà Nẵng thường xuyên động viên, hỗ trợ các ngư dân đánh bắt trên biển, nhất là những con tàu đánh bắt ngày tết. Họ chấp nhận xa gia đình để cung cấp nguồn hải sản cần thiết cho người tiêu dùng đầu tiên vì giá cả thị trường thời điểm này cao hơn ngày thường. Bên cạnh đó, vì họ yêu nghề, yêu vùng biển, yêu ngư trường của mình, không muốn bỏ trống vùng biển ngày nào” - ông Dũng nhấn mạnh.

Đình Thiên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.