Chuyện ít biết về cây đa làng Ghè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tồn tại hàng trăm năm và bền bỉ tỏa bóng mát nơi giọt nước đầu làng, cây đa di sản ở làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã trở thành vốn quý của người dân nơi đây.
Gốc tích cây đa trăm tuổi
Người làng Ghè không thể nhớ chính xác thời điểm cây đa được trồng nên họ chỉ lấy cái mốc đời người để tính tuổi cho cây đa. “Theo người làng ghi nhớ và truyền lại thì cây đa có tuổi bằng 4 đời người rồi!”-già làng Kpuih Ố nói.
Theo các bậc cao niên, cây đa do một người đàn ông tên Chơng trồng. Cụ Chơng trồng cây đa với mục đích để lấy bóng mát và làm điểm tựa cho những thân mây leo. Dần dần, cây đa cứ thế lớn lên và trở thành tài sản chung của làng lúc nào không hay. Con cháu của cụ Chơng cũng đã sinh sôi đến thế hệ thứ 5 và chứng kiến cây đa cụ trồng trở thành cây di sản.
Bao quanh cây đa di sản làng Ghè là khu vườn rẫy sản xuất của 2 người cháu đời thứ 4 của cụ Chơng, chính là phần đất cũ cụ Chơng chia lại cho con cháu và được họ gìn giữ cho đến hôm nay. Đó là khu vườn cà phê rộng 1,2 ha của gia đình chị Kpuih San và một khu vườn cà phê của gia đình chị Kpuih HNok. Cả 2 hiện lập gia đình và sinh sống ở làng Ghè. “Cây đa do cụ cố mình để lại nay đã thành cây di sản, trở thành tài sản chung của người dân làng Ghè. Dòng họ, gia đình mình tự hào lắm!”-chị Kpuih San nói.
 Già làng Kpuih Ố và Trưởng thôn Ghè-Kpuih Vinh bên gốc cây đa di sản làng Ghè. Ảnh: L.H
Già làng Kpuih Ố và Trưởng thôn Ghè-Kpuih Vinh bên gốc cây đa di sản làng Ghè. Ảnh: L.H
Từ khi được công nhận là “Cây di sản Việt Nam” vào năm 2016, cây đa làng Ghè được nhiều người biết đến hơn. Quả thực, tại Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, hiếm còn nơi nào gìn giữ được cây đa lớn như cây đa làng Ghè. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn thì cây đa có chiều cao khoảng 45 m, tán rộng che phủ gần 300 m2, chu vi gốc thân chính là 12,5 m và có 8 thân phụ. Cây đa di sản làng Ghè hiện đã được các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đưa vào bản đồ du lịch của huyện biên giới Đức Cơ.
Cây di sản-cây thiêng
Không phải tự nhiên mà cây đa làng Ghè lại “yên bình” tồn tại qua hàng trăm năm. Bởi được trồng trong khu vườn sản xuất, với việc chiếm lĩnh mất một phần không gian không hề nhỏ trong diện tích vườn rẫy thì theo lẽ thông thường, cây đa sẽ khó lòng được thỏa sức tồn tại và vươn bóng lớn đến như vậy.
Theo già làng Kpuih Ố, đó là bởi cây đa làng Ghè rất linh thiêng. “Trước đây, có người do không biết đã xâm phạm đến cây đa và đêm về nằm ngủ gặp ác mộng. Nhiều trường hợp tương tự nối tiếp xảy ra khiến dân làng tin là cây đa linh thiêng, là nơi trú ngụ của thần linh và các linh hồn; từ đó không ai dám làm tổn hại đến cây”-già Ố nói. Cũng từ niềm tin này mà các lễ hội của người làng Ghè thay vì làm ở nhà rông đặt ở giữa làng, bà con quyết định đưa ra gốc đa-nơi gần giọt nước của làng để tổ chức. Nhờ bóng mát của cây, nước ở giọt nước làng Ghè rất ngọt mát, trong lành và không khi nào khô cạn.
Làng Ghè xưa kia chỉ là một ngôi làng nhỏ với mươi nóc nhà bao quanh giọt nước, gần cây đa. Tuy nhiên, hiện nay, nơi này hầu như không có nhà ở, người làng đã dời lên cao, cách xa giọt nước chừng 300 m về phía đỉnh đồi. Từ cây đa và giọt nước phải đi qua một khu vườn rẫy sản xuất và khu nhà mồ khá lớn mới tới nơi ở của dân làng. Lý giải cho sự thay đổi này, già Ố cho rằng, trước đây khu vực làng Ghè và một số làng khác thuộc xã Ia Dơk là chiến địa ác liệt. Từ năm 1965 trở đi, người làng Ghè đã phải sơ tán, lập làng tạm tại khu vực Bàu Cạn thuộc huyện Chư Prông ngày nay để tránh bom đạn của kẻ thù. Hầu như làng chỉ còn lại rất ít người và phần lớn là những gia đình theo cách mạng. Năm 1975, khi chiến tranh chấm dứt, người làng Ghè quay lại quê cũ, làm lại nhà rông và trồng cây gạo mới ngay chính giữa đỉnh đồi và lấy đây là trung tâm, tạo lập nên làng Ghè ở vị trí hiện tại ngày nay.
“Khi làng sơ tán, tôi vẫn ở lại và được vận động tham gia làm giao liên, đưa cán bộ và bộ đội của ta mỗi khi tiếp cận hoặc lui quân từ hướng Chư Pah đánh về Chư Ty. Dưới bóng đa làng Ghè, cũng có lúc từng tốp địch trên đường ngăn chặn hướng tiến quân của quân ta đã dừng lại nghỉ ngơi, lập lán trại. Những khi ấy, tôi lại báo về cho cán bộ để biết đường đổi hướng, tránh vấp phải quân địch”-ông Kpuih HLinh (SN 1930, nhà ở cách cây đa tầm 300 m) kể lại.
…Kể từ khi cây đa trở thành di sản, thanh niên, phụ nữ trong làng thi thoảng phát động dọn dẹp, giữ cho không gian quanh gốc đa luôn sạch đẹp để người lạ ghé thăm thấy ưng lòng. “Làng Ghè hôm nay đã có tới 196 hộ với 852 nhân khẩu. Tuy chưa giàu có nhưng cuộc sống bình yên, no ấm, mọi người đùm bọc và bảo ban nhau làm ăn để cuộc sống tương lai khấm khá hơn. Làng sẽ bảo vệ, gìn giữ cây đa tới cùng, đúng như giá trị của nó: cây đa di sản”-Trưởng thôn Kpuih Vinh tự hào.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Lan tỏa tình yêu thổ cẩm

Lan tỏa tình yêu thổ cẩm

(GLO)- Diễn ra trong gần 1 tháng, cuộc thi “Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh” do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức đã nhận được 33 tác phẩm dự thi. Mỗi bức ảnh là một thông điệp ý nghĩa mà những người mẫu không chuyên muốn truyền tải đến mọi người.

Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh

Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai

(GLO)- Nhiều lần đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh (thuộc Bảo tàng tỉnh Gia Lai), nhà giáo Tạ Chí Tào rất tâm đắc với những hiện vật thể hiện tấm lòng của người dân Tây Nguyên đối với Bác. Vì vậy, ông đã quyết định trao tặng một số hiện vật liên quan đến Bác Hồ mà mình đã sưu tầm cho Bảo tàng tỉnh.

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Di sản nếu không được số hóa, không được kể lại theo cách của thời đại sẽ dần bị đứt gãy trong trí nhớ cộng đồng. Một thế hệ lớn lên không thấy được những giá trị đã tạo nên cội nguồn sẽ khó tìm thấy niềm tự hào, khó kiến tạo tương lai có chiều sâu văn hóa.

Tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba

Tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba

(GLO)- Thoát khỏi không gian gò bó trên sân khấu, Ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số huyện Krông Pa lần thứ III-2025 được tổ chức dưới những bóng cây cổ thụ trong Công viên Phú Túc đã tái hiện một cách chân thực không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba.

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

(GLO)- Gần 2 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm làng Groi (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) đã trở thành mái nhà chung cho những phụ nữ yêu thích nghề dệt. Thông qua các buổi sinh hoạt, chị em có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và chung tay gìn giữ, phát huy nghề dệt truyền thống.

Lễ cúng bến nước. Ảnh: M.H

Bến nước buôn Pông

(GLO)- Bến nước, dòng sông cũng như tập tục của bà con Jrai đã trở nên quen thuộc với tôi trong thời gian dài công tác tại ngôi trường bên bờ sông Ba.

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Thần Bạch Mã (hay còn gọi là Thái giám Bạch Mã, Bạch Mã Thái giám) là vị thần có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian ở vùng Tây Sơn Thượng đạo. Hiện nay, một số đình tại thị xã An Khê còn duy trì việc thờ cúng và gìn giữ sắc phong vua ban cho vị thần này.

'Bảo hiểm' cho di sản

'Bảo hiểm' cho di sản

Tại lễ công bố các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố tại TPHCM vào cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Tư vấn Cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đã trao tặng toàn bộ sản phẩm số hóa của Nhà hát Thành phố cho Trung tâm Nghệ thuật TPHCM.