Chuyện giải mã bia Chăm ở Tư Lương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bây giờ thì nội dung văn bia Chăm (thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã được nhiều người biết đến. Hình ảnh, thông tin của nó đã được xử lý, lưu trữ ở một cơ quan nổi tiếng thế giới về nghiên cứu văn hóa Champa. Không có vàng bạc chôn kèm và niên đại bia là thế kỷ XV (năm 1438, tức 1360 lịch Chăm). Nhưng để giải mã được những thông tin có trên văn bia này là cả câu chuyện ly kỳ.
Cách đây 10 năm, một ngày đầu tháng 6, tôi nhận được cuộc gọi từ huyện Đak Pơ. Đồng nghiệp Nguyễn Tiến Nhật báo tin: Người dân địa phương phát hiện ở thôn Tư Lương có một tảng đá mang nhiều chữ cổ, không biết là của dân tộc nào.
Vài ngày sau đó, tôi cùng anh Nhật và một số bà con trong thôn ra hiện trường. Đó là một bụi cây gai rậm rạp nằm giữa cánh đồng mía. Để tiếp cận được tảng đá có ký tự, chúng tôi đã phải phát khá nhiều cây dại, đôi khi bị gai đâm vào tay đau buốt. Cuối cùng, bia đá cũng lộ ra với những dòng chữ ngoằn ngoèo nhưng đều đặn.
Chúng tôi lấy lá cỏ Lào non (cũng gọi là cây cộng sản hay bớp bớp) chà lên mặt tảng đá, những dòng chữ càng nổi lên sắc nét. Đêm đó, tôi gửi ảnh chụp bia đá cho một số người bạn có chuyên môn về lĩnh vực này, bao gồm cả một trí thức người Chăm. Tất cả đều hào hứng nhưng sau đó họ đều giống nhau ở một điểm: Thừa nhận đây là ký tự Champa nhưng niên đại và nội dung của văn bia thì chưa thể biết.
Ban đầu, tôi nghĩ đơn giản: Người Chăm phải biết chữ Chăm, nhất là các nhà nghiên cứu gốc Champa. Nhưng sau thì tôi hiểu, việc giải mã những ký tự này không dễ dàng như vậy. Có nhiều loại chữ Chăm, quan trọng hơn, nhiều loại trong số ấy nay đã trở nên vô cùng kén chọn người đọc. Có loại chữ Chăm, số người đọc được không nhiều hơn một bàn tay!
Trong khoảng gần 10 năm kể từ ngày phát hiện, tôi đã dẫn đến chân bia Tư Lương này rất nhiều nhà nghiên cứu. Họ là những người Kinh, người Chăm có học vấn cao, nhiều người là chuyên gia nước ngoài có hạng về Chăm trên thế giới. Họ đã quay phim, chụp ảnh, rập chữ... Nhưng rồi tất cả đều thất vọng vì không thể hiểu được hết những gì mà tiền nhân để lại, ẩn chứa đằng sau hơn 10 dòng chữ ấy. Một trong những người Chăm buồn và bất lực nhiều nhất trước bia Tư Lương là PGS-TS. Thành Phần ở Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Ông tiếc đã không thể đọc được những dòng chữ này của chính tổ tiên mình.
Giáo sư Arlo Griffiths đọc bia tại hiện trường. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Giáo sư Arlo Griffiths đọc bia tại hiện trường. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Giáo sư-Tiến sĩ Andrew Hardy-Trưởng Văn phòng đại diện của Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội: Không gian dọc sông Ba ngày nay có thể từng là lãnh thổ của một tiểu quốc Champa thượng trên Tây Nguyên. Bằng chứng là ở phía Đông tỉnh Gia Lai có khá nhiều dấu tích Chăm như: giếng, bia ký, đầu rắn… đã được tìm thấy. Cùng với đó, khu vực thuộc thị xã Auyn Pa cũng từng có các tháp Chăm. Thực tế cho thấy, bia Tư Lương có niên đại giống với văn bia đã được biết ở Ayun Pa và chúng đều đề cập đến việc xây đập thủy lợi, dựng tháp… Điều này có thể cho phép dự đoán: Ayun Pa là trung tâm của tiểu quốc nói trên.

Sau này, khi các ký tự đã được giải mã, mọi chuyện dần trở nên đơn giản. Còn lúc ấy, sự đồn thổi, thông tin không kiểm chứng trên mạng xã hội và sự tham gia của một số tờ báo muốn giành giật người đọc đã khiến cho bia Chăm ở Tư Lương trở nên nổi tiếng theo nhiều cách.

Có người viết kể: Hòn đá có chữ ấy chính là nút chặn xuống một cái hang chứa nhiều báu vậy. Để linh thiêng hóa một điều không ai dám chắc, người viết dẫn lời nhân chứng nào đó cho rằng: Người xưa đã hiến sinh một linh hồn bé bỏng tại đây làm thành thần giữ của. Cho nên, dù đã có rất nhiều kẻ đào bới thì vĩnh viễn họ cũng không bao giờ tìm thấy vàng ở khu vực này. Lại có người viết kể: Theo dân làng, hòn đá đang có dấu hiệu lớn dần, có nghĩa đây không phải là đá “chết”, mà là đá “sống”, tức đá thiêng, có ma quỷ thánh thần ở bên trong…

Quả đúng là khi khoa học chưa thể lên tiếng, những biểu hiện của mê tín, dị đoan xuất hiện cũng là điều dễ hiểu. Sau này, khi ngồi đọc lại các bài báo, tôi không khỏi bật cười khi có người được cho là dẫn lời một cán bộ khoa học, viết: “Đây là một cái bia đá của người Chăm, khắc bằng tiếng Hán gọi là bia Ma Nhai”. Sao bia Champa lại khắc bằng tiếng Hán? Thế mà vẫn tưởng tượng ra được!

Còn nhớ, ngày tôi dẫn GS-TS. Andrew Hardy-Trưởng Văn phòng đại diện của Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội cùng một vài người khác đến thăm bia đá Tư Lương, trời mưa nặng hạt, đường lầy lội. Kể lại bước đường gần 10 năm không ai dịch được bia và tôi gần như khẩn khoản: “Tôi đã dẫn hàng trăm người tới đây và tất cả họ đều đầu hàng. Hy vọng, ông sẽ có giải pháp tốt hơn cho Gia Lai”. Ông đáp lời: “Tôi không hứa cụ thể, vì chúng ta còn phụ thuộc vào nhiều thứ, nhưng tôi chắc chắn sẽ có một người Mỹ gốc Hà Lan, trẻ và giỏi nhất thế giới về lĩnh vực này đến Đak Pơ trong thời gian sớm nhất có thể”. 
Sau buổi ấy, tôi kết nối qua email với GS-TS. Arlo Griffiths, người lúc này đang khá bận rộn tại Mỹ. Những bức ảnh và thông tin về bia Tư Lương dường như đã khiến ông sốt sắng lên đường sớm hơn. Trước đó, Arlo Griffiths không quên đề nghị rằng, để công việc được thuận lợi, bài bản cần có thêm một người vệ sinh và rập bia chuyên nghiệp, do chính ông lựa chọn.
Tôi và các đồng nghiệp ở Đak Pơ đón GS-TS. Arlo Griffiths cùng cô Khom Sreymom-chuyên gia về kỹ thuật bia của Bảo tàng Hoàng gia Campuchia ở Sân bay Pleiku. Chúng tôi cùng nhau ăn phở khô 2 tô rồi xuống địa phương ngay trong đêm. Đêm ấy thật dài, vì không chỉ có chúng tôi mà chắc chắn GS. Arlo Griffiths cũng chỉ mong trời nhanh sáng để đi đọc bia.
Vốn đã gặp nhiều người bất lực trước tấm bia này nên ngoài việc phải dịch những câu đơn giản để 2 người nước ngoài nắm tình hình chung hoặc trả lời bà con nông dân, tôi lặng lẽ quan sát họ làm việc. Tôi không dám kỳ vọng vào bất cứ điều gì quá tốt đẹp, vì sợ rằng kết quả sẽ không được như mong đợi.
Tuy nhiên, chỉ đến đầu giờ chiều ngày hôm đó, GS. Arlo Griffiths đã cho tôi biết những thông tin đầu tiên về bia ký này. Tôi thật sự ngạc nhiên về khả năng đọc bia của vị giáo sư trẻ tuổi này, nhưng tôi còn ngạc nhiên hơn nữa, khi cả tháng sau đó, khi trao đổi qua thư điện tử, Arlo Griffiths vẫn dặn, đại ý: Ông còn phải đối chiếu rất nhiều tài liệu khác nữa thì mới có bản đọc bia chính thức. Ông căn dặn tôi đừng đưa thông tin cho ai khác.
Phát hiện và dịch bia Chăm Tư Lương là một câu chuyện dài nhưng kết thúc có hậu. Ngày 4-10-2019, UBND huyện Đak Pơ tổ chức buổi họp báo công bố nội dung bản dịch bia ký này. Trước đó, Quyết định số 312/QĐ-UBND của UBND tỉnh đã đưa hiện vật đặc biệt này vào Danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích giai đoạn 2018-2023. Nhiều năm qua, nhiều du khách từ khắp nơi đã tìm đến nơi này để thưởng ngoạn vẻ trầm mặc của một tấm bia được tạc cách nay gần 600 năm.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.