Chuyển đổi số: Xu thế tất yếu trong giáo dục nghề nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tỉnh Gia Lai đã chủ động chuyển đổi số nhằm thích ứng với bối cảnh mới, góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 17 cơ sở GDNN với gần 1.000 giáo viên đã được chuẩn hóa về chuyên môn. Hàng năm, các cơ sở GDNN đào tạo hàng chục ngàn học sinh, sinh viên. Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho hay: Việc chuyển đổi số trong giáo dục-đào tạo (đào tạo trực tuyến) không chỉ bó gọn ở bậc học phổ thông, đại học mà cả GDNN vốn chú trọng vào đào tạo kỹ năng thực hành nghề nghiệp. “Ngay từ đầu năm 2022, Sở đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GDNN, chú trọng đào tạo trực tuyến, đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả trong GDNN. Công tác đào tạo hướng đến mục tiêu làm cho người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường việc làm hiện nay”-ông Hải thông tin. 
Trường Cao đẳng Gia Lai là đơn vị đào tạo nghề quy mô lớn nhất tỉnh. Ngay từ đầu năm học 2021-2022, nhà trường đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án chuyển đổi số; trang bị hệ thống máy tính phục vụ công tác giảng dạy và làm việc của cán bộ, giáo viên. Ông Huỳnh Ngọc Thuận-Trưởng khoa Điện-Điện tử-cho biết: Để đáp ứng việc giảng dạy trong tình hình dịch Covid-19, nhà trường đã trang bị phần mềm quản lý dạy học trực tuyến E-learning, xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến, sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến (Zoom, GoogleMeet...); các khoa chuyên môn đều ứng dụng phần mềm, thiết bị mô phỏng theo chuyên ngành giảng dạy; thay đổi chương trình đào tạo, số hóa chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo... xét điểm qua hệ thống, quản lý tốt nghiệp, văn bản đi-đến. 
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Trường Cao đẳng nghề số 21 cũng đã linh hoạt ứng dụng chuyển đổi số trong tổ chức dạy và học. Đây là cơ hội để nhà trường triển khai đào tạo trực tuyến, phát triển mô hình đào tạo “trường học thông minh”. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận, hướng nghiệp cho học sinh, tuyển sinh và tuyển sinh qua các kênh trực tuyến, website. Không chỉ trong công tác tuyển sinh, các khâu đào tạo cũng được nhà trường chú trọng ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng, trình độ cho người học.
Một tiết thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng nghề số 21. Ảnh: Đinh Yến
Một tiết thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng nghề số 21. Ảnh: Đinh Yến
Trung tá Đinh Văn Phê-Trưởng phòng Đào tạo (Trường Cao đẳng nghề số 21) cho biết: Nhà trường đang đẩy mạnh số hóa, xây dựng bài giảng, tài liệu điện tử để đào tạo trực tuyến thông qua các nền tảng công nghệ như: Zoom, Google Meet... Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn do một số thầy-cô giáo chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức dạy trực tuyến. Bên cạnh đó, 75% chương trình học nghề của nhà trường là thực hành nên việc học trực tuyến ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của học sinh, sinh viên… “Thời gian tới, nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, đưa lên website các bài giảng, thư viện điện tử… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học”-Trung tá Phê cho biết thêm.
Ngày 30-12-2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2222/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số; 100% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số; 100% các trường chất lượng cao là trường học số...
Để đạt mục tiêu đó, theo ông Trần Thanh Hải, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển chương trình, nội dung đào tạo GDNN phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế; phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; đổi mới phương pháp dạy và học.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.

Việc áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của CQHCNN trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nhật Hào

Gia Lai áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015

(GLO)-Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2555/KH-UBND về triển khai hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2025.