Chuyện chưa kể về người Anh hùng: Những giây phút cuối cùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nói đến cuộc chiến đấu bảo vệ biển đảo Trường Sa ngày 14.3.1988, ai cũng nhắc Anh hùng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ - người chỉ huy bộ đội trên tàu HQ-604 kiên cường bảo vệ Gạc Ma và hy sinh cùng 63 cán bộ chiến sĩ hải quân.
Thế nhưng ít ai biết về cuộc sống đầy nghị lực của vợ con anh suốt 34 năm qua.
“Đây là lãnh thổ Việt Nam”
Tư liệu Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ghi ngắn gọn: “Đồng chí Vũ Phi Trừ sinh năm 1957, dân tộc Kinh, quê ở xã Quảng Khê, H.Quảng Xương, Thanh Hóa. Nhập ngũ tháng 2.1975. Khi hy sinh là đại úy - thuyền trưởng tàu HQ-604 thuộc Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân. Ngày 14.3.1988, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội chuyển vật liệu xây dựng và đưa bộ đội lên đảo, lúc này 2 tàu chiến của địch đến bao vây, chĩa pháo uy hiếp và dùng loa gọi ta rút khỏi đảo Gạc Ma. Vũ Phi Trừ đã lớn tiếng trả lời: “Hãy ra khỏi khu vực này. Đây là lãnh thổ Việt Nam”. Khi địch hèn hạ dùng pháo bắn khiến tàu ta bị hỏng, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội xuống các xuồng, dùng súng bộ binh chiến đấu tự vệ, đồng thời băng bó, cấp cứu thương binh. Vũ Phi Trừ vừa chỉ huy, vừa trực tiếp chiến đấu chi viện cho anh em trên đảo. Vũ Phi Trừ bị thương nặng và đã anh dũng hy sinh. Đồng chí được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, ngày 13.12.1989”...

Tàu HQ-604 rời cảng Cam Ranh đi làm nhiệm vụ, tháng 3.1988
Tàu HQ-604 rời cảng Cam Ranh đi làm nhiệm vụ, tháng 3.1988
Cựu chiến binh Uông Xuân Thọ (năm nay 61 tuổi, hiện đang sống tại TP.HCM) kể lại thời điểm đầu năm 1988, là thượng úy, máy trưởng tàu HQ-505 (Lữ đoàn 125 Hải quân) được tăng cường sang tàu HQ-605 chỉ huy ngành máy, đi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ngoài Trường Sa: “Anh Vũ Phi Trừ lúc ấy 31 tuổi, hơn tôi 4 tuổi và đeo quân hàm đại úy. Hồi ấy kinh tế khó khăn, cuộc sống thiếu thốn đủ bề nên các tàu hải quân, ngoài nhiệm vụ quân sự thường lệ, đều được phân công làm nhiệm vụ kinh tế, chở hàng dân sự cho các cơ quan đơn vị - địa phương. Sau mỗi chuyến “hàng ngoài”, tàu cập cảng 125, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đều tổ chức một buổi liên hoan ăn tươi, mời anh em các tàu khác”.
Kỳ nghỉ phép dang dở
Ông Đoàn Hữu Thấn (57 tuổi, quê Thái Thụy, Thái Bình) hiện đang sống tại H.Đồng Phú (Bình Phước) nhớ lại: Giữa năm 1987, được tăng cường sang tàu HQ-604 và biết thuyền trưởng Vũ Phi Trừ xin mãi mới được nghỉ phép về quê thăm con trai thứ 2 mới sinh. Anh Trừ ra quê, chỉ huy đưa người khác sang, tạm làm thuyền trưởng HQ-604. Lúc này tình hình Trường Sa dần căng thẳng, các tàu ta liên tục bị tàu chiến Trung Quốc đe dọa khiêu khích. Tàu HQ-604 đi chuyến vận tải cuối 1987, cập cảng Cam Ranh thì thuyền trưởng tạm thời này nằng nặc xin nghỉ, khiến Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương phải chỉ đạo gửi điện khẩn ra Thanh Hóa, yêu cầu đại úy Vũ Phi Trừ trả phép, có mặt tại Cam Ranh chỉ huy tàu HQ-604 đi làm nhiệm vụ ngoài Trường Sa, ngay lập tức.

Một số cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-604 chụp hình lưu niệm trước khi đi làm nhiệm vụ tại Trường Sa, tháng 3.1988. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ (đứng thứ 5, từ phải sang). Ảnh: Tư liệu
Một số cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-604 chụp hình lưu niệm trước khi đi làm nhiệm vụ tại Trường Sa, tháng 3.1988. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ (đứng thứ 5, từ phải sang). Ảnh: Tư liệu
“Mấy ngày sau, anh Trừ khoác ba lô, quần áo cứng bụi đường, mặt mũi bạc phếch, liêu xiêu đi bộ xuống cầu cảng. Tôi hỏi, anh bảo: Đi nhờ xe tải quân sự, mấy ngày lăn lóc trên thùng xe mới tới nơi”, ông Thấn nhớ lại vậy và rành mạch: “Hôm trước khi đi biển, Vùng 4 chở chúng tôi ra thị trấn Ba Ngòi (Cam Ranh, Khánh Hòa) mua sắm vật dụng cá nhân. Anh Trừ bắt mọi người đi cùng nhau, không mua sắm thì cũng đi chơi. Khi về mua rất nhiều đồ ăn thức uống để làm bữa liên hoan trước khi đi biển. Thậm chí, anh Trừ còn nói mọi người chụp hình lưu niệm để có cái lưu giữ, khiến ai cũng thấy ngờ ngợ, bất thường...”.
Tối 7.3.1988, tàu HQ-604 (do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng, thượng úy Vũ Văn Thắng làm chính trị viên) xuất phát từ Cam Ranh chở 1 phân đội của Lữ đoàn 146 ra đóng giữ Gạc Ma. Cùng đi còn có 2 khung xây dựng đảo (70 người) thuộc Trung đoàn 83 công binh Hải quân và 4 cán bộ chiến sĩ của Đoàn đo đạc - biên vẽ bản đồ (thuộc Bộ Tham mưu Hải quân)... Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sóng to gió lớn nên tàu HQ-604 phải quay lại Cam Ranh.
“Nó bắn mình thì mình phải diệt”
Đêm 11.3.1988, tàu HQ-604 tiếp tục xuất phát từ Cam Ranh và sáng 13.3.1988 tới đảo Đá Lớn, bắt đầu phối thuộc với các tàu HQ-505, HQ-605 đi đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Chiều 13.3, các tàu chiến Trung Quốc chặn đường, đe dọa uy hiếp các tàu ta. Đại úy Vũ Phi Trừ chuyển hướng vào đảo Sinh Tồn, giả như đi cấp hàng tiếp tế thường lệ. Khi tàu Trung Quốc chủ quan, tàu HQ-604 bất ngờ chuyển hướng, tăng tốc tiếp cận khu vực và thả neo cạnh Gạc Ma lúc 17 giờ ngày 13.3.1988. “Tàu chiến Trung Quốc bị lừa, cả chiều và tối hôm ấy cứ lồng lộn chạy vòng quanh chúng tôi, hú còi phát loa ầm ĩ”, ông Thấn kể lại.

Di ảnh Anh hùng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ. Ảnh: Mai Thanh Hải
Di ảnh Anh hùng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ. Ảnh: Mai Thanh Hải
Đêm 13.3.1988, bộ đội tàu HQ-604 hạ xuồng đưa vật liệu xây dựng và tổ bảo vệ đảo của Lữ đoàn 146 (do thiếu úy Trần Văn Phương phụ trách) lên Gạc Ma cắm cờ Tổ quốc và triển khai 2 tổ bảo vệ bãi đá theo phương án.
6 giờ sáng 14.3.1988, phía Trung Quốc thả 3 xuồng nhôm chở 40 lính đổ bộ lên bãi Gạc Ma, giật cờ Việt Nam và tấn công bộ đội ta đang làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo. Không ép được ta rút khỏi Gạc Ma, lính Trung Quốc rút xuống xuồng về tàu. Lúc 7 giờ 50 ngày 14.3.1988, các tàu hộ vệ của Trung Quốc mang số hiệu 502, 531 đồng loạt dùng pháo bắn thẳng vào HQ-604 làm tàu ta bị bốc cháy, hỏng ca bin và máy tàu, thủng mạn trái và boong. 8 giờ 25 ngày 14.3.1988, tàu HQ-604 chìm xuống vùng biển Gạc Ma.
Ông Lê Minh Thoa (54 tuổi, hiện đang sống tại TP.Quy Nhơn, Bình Định), cựu chiến binh tàu HQ-604, kể: “Trước khi đi biển, chúng tôi được trang bị thêm rất nhiều vũ khí bộ binh. Súng AK thì treo trên đầu giường. Hỏa lực B40, B41, RPD để dưới phòng câu lạc bộ tàu. Sáng 14.3.1988, lúc ăn cơm sáng, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ dặn anh em: “Ăn xong thì đưa hỏa lực ra các vị trí chiến đấu. Sáng nay có thể đánh nhau đấy. Nó bắn mình thì mình phải diệt lại chúng nó”.
Ông Đoàn Hữu Thấn thì nhớ chi tiết: “Loạt đạn pháo đầu tiên từ tàu Trung Quốc bắn thẳng vào ca bin đã gây thương vong cho ca hàng hải. Ở trụ cẩu boong sau, ông Thấn thấy thuyền trưởng Vũ Phi Trừ mặt đầy máu, chân gãy nhưng vẫn nắm micro ra lệnh cho máy trưởng Trần Văn Minh khắc phục hệ thống, cố gắng lao tàu lên bãi Gạc Ma. Chính trị viên Vũ Văn Thắng bị thương nặng, vẫn cố băng bó cho thủy thủ trưởng Đoàn Khắc Hạnh bị mảnh đạn pháo găm vào đầu. Các thuyền phó Phạm Văn Thiều và Lê Đức Hoàng bị bỏng khắp người, nhưng người thì xuống hầm máy khắc phục hư hỏng, người ra boong chỉ huy bộ đội dùng súng bộ binh đánh trả các xuồng chở lính Trung Quốc lại gần”.
“Khi tàu chìm, các anh ấy vẫn ở trong tàu. Trận 14.3.1988 ở Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, các đơn vị hy sinh 64 người thì Lữ đoàn 125 chúng tôi mất 15 người (tàu HQ-604 hy sinh 13 người, tàu HQ-605 hy sinh 2) và đau nhất là toàn bộ các sĩ quan chỉ huy của HQ-604 hy sinh”, ông Uông Xuân Thọ kể. (còn tiếp)
Buổi sáng 14.3.1988, tàu chiến Trung Quốc đã bất ngờ tấn công các tàu vận tải quân sự HQ-604, HQ-605, HQ-505 và giết hại bộ đội công binh, phòng thủ đảo đang làm nhiệm vụ củng cố, bảo vệ trên các đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh, 9 người bị phía Trung Quốc bắt, 3 tàu vận tải của Lữ đoàn 125 bị bắn cháy, bắn chìm. Sau trận này, phía Trung Quốc chiếm giữ trái phép Gạc Ma. Các lực lượng ta giữ được các đảo Cô Lin, Len Đao.
Theo Mai Thanh Hải (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.