Chuỗi cườm xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần thứ ba, người đàn bà đứng tuổi, ăn mặc sang trọng trở lại phòng tranh của chị. Ngày trước bà ta chọn rồi hỏi giá đúng bức tranh mà chị không bao giờ nghĩ đến chuyện bán.

 

Bà lên giọng ngạc nhiên lẫn mỉa mai: "Không muốn bán sao lại chưng bày ở đây?". Chị lạnh lùng nhún vai: "Thì không bán thế thôi, thưa bà!".

Thực ra bà ta có lý. Bất cứ tranh nào ở gallery mở cửa thường xuyên của chị đều chờ đợi người mua. Mua bức nào cũng được. Mua nhiều bức càng tốt. Nhưng bức tranh mà người đàn bà này bỏ hàng giờ xem chăm chú hai ngày qua lại là ngoại lệ.

Ái ngại đã làm phật ý khách hàng lần trước, chị rót ly trà nóng lịch sự trao tận tay người đàn bà, vồn vã:

- Thật hân hạnh, hiếm khi gặp được người am hiểu và quyến luyến hội họa như bà!

Thái độ chủ nhân phòng tranh niềm nở ân cần hơn chiều qua khiến người khách yên lòng ngồi xuống ghế đối diện, bà nói:


 

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG



- Tôi ở xa về. Biết đôi chút về hội họa, cũng biết đôi chút về tác giả bức tranh này. Thật buồn không hiểu vì sao chị không muốn bán!

Giọng người đàn bà chùng xuống, hụt hẫng, tiếc nuối, chỉ chực khóc òa như đứa trẻ vừa đánh rơi viên bi ngũ sắc xuống đáy sông. Đôi mắt sắc sảo của bà dịu đi sau ngấn nước mỏng, bà van nài:

- Chị nhất định từ chối nhượng bức tranh tôi đành chịu nhưng trước khi ra về, tôi xin chị cho tôi biết ít nhiều về người vẽ.

- Về tác giả ư?

- Đúng vậy. Tôi nghĩ rằng chị biết rõ đời sống nhiều hoạ sĩ, không riêng gì tác giả bức tranh đó. Xin chị giúp, mang ơn chị thật tình.

Nét kiêu kỳ vốn có trong đôi mắt người đàn bà trước mắt chị bỗng chốc vỡ tan, biến mất sau tiếng nấc nghẹn sâu kín. Hai tay bà ôm lấy mặt, đầu tóc đen tuyền đánh rối thời trang của bà đổ xuống hai bờ vai rung rung. Chị thảng thốt nhìn người khách thật lâu rồi hỏi:

- Bà có sao không?

Người đàn bà không nhìn lên, im lặng. Sự im lặng thành khẩn của kẻ đang xưng tội chợt nhiên xối xả trút sang người chị nỗi xúc động vô hình. Chị với tay tắt máy hát. Nhạc im bặt. Chừng như trong không gian tĩnh lặng căn phòng chỉ còn tiếng thổn thức nhè nhẹ giữa linh hồn đồng cảm nữ tính nơi chị và nỗi niềm riêng tư của người đàn bà xa lạ.

***

Nơi chốn đầu tiên sau khi rời trường mỹ thuật tôi trở lại là quán cà phê quen thuộc của một họa sĩ ở cuối phố. Ở đó, tôi sẽ được nhâm nhi tách cà phê đen thật đậm tự tay anh pha chế. Sẽ mơ màng với anh, sung sướng nhìn khoảng thời gian dài xa cách nhau đã nhẹ nhàng qua như khói thuốc. Chiều chiều trong góc quán vắng khách, chúng tôi sẽ tiếp tục ngồi lặng lẽ bên nhau cùng ngắm bức tranh màu dầu, khổ rộng treo cạnh bàn. Trong tranh, hình ảnh một thiếu phụ với chuỗi hạt cườm xanh màu ngọc bích lấp lánh trên nền ngực áo nhung tím đậm. Đôi mắt thiếu phụ phảng phất buồn, mênh mông ngóng chờ ai trên hàng cây xám khô bên ngoài khung cửa sổ. Trái ngược nét khuê các, quý phái kín đáo của người thiếu phụ, dưới tà áo tím, anh cố tình vẽ rơi rớt một vài cọng rơm và ngơ ngác mấy chú gà với bộ lông vàng non tơ bé nhỏ.

Quán đã thay chủ. Bức tranh có hình ảnh tương phản kỳ cục với cái đề khá dài: "Chuỗi cườm xanh, thiếu phụ và con gà vàng" không còn trên tường. Có lẽ người họa sĩ bán cà phê đã mang nó theo khi rời thành phố. Anh thường nói - suốt đời anh không thể vẽ được bức tranh nào vừa ý hơn.

Hôm sau, theo địa chỉ rối rắm, mơ hồ của bà chủ nhà: "Ra ngoại ô, rẽ phải, đi riết lên phía núi chừng hơn hai mươi cây số. Lại rẽ phải, rẽ phải nữa... đến đó hỏi thăm người ta biết!". Tôi lên đường thật sớm để còn thời gian trở về phố trước khi trời tối. Tôi mong gặp lại anh. Cộng hết thời gian những lần cạnh kề anh những năm trước đây chưa đủ giải tỏa trọn vẹn băn khoăn trong lòng tôi. Cũng là người cầm cọ nên tôi biết tác giả thường sắp xếp bố cục thiếu nữ bên rèm cửa, trên lụa là, cạnh gương lược phấn son hoặc quen thuộc hơn, vẫn là bình hoa hồng, hoa xanh, vàng hay tím, trắng. Không ai như anh chàng, vẽ thêm những chú gà con.

Đến cuối chiều, tôi tìm được anh. Tìm được lại ông tướng cao lênh khênh ấy trong ngôi nhà gỗ tạm nằm trên đồi cỏ trong thôn làng nhỏ, kín khuất kề chân núi. Chúc mừng cuộc hội ngộ bất ngờ này, chú học trò cuối làng mang đến cho anh ít thức ăn, một chai rượu nhỏ. Loại rượu vodka anh hay mang theo người vào những lúc cùng tôi lang thang ở phố năm sáu năm trước. Bức tranh tôi yêu thích được tác giả treo trang trọng trên vách ván giữa căn nhà nhỏ. Bức tranh vẫn nguyên vẹn sức cuốn hút linh hồn tôi ngày nào. Dưới ánh nến lay lắt, mấy chú gà con trong tranh vẫn óng ả vàng, quấn quít trên nền áo tím. Đôi mắt vời vợi buồn của thiếu phụ vẫn u hoài trên nền cây xám ngoài khung cửa sổ trông như ảo như thực, nhập nhòa chen lẫn giữa bóng anh và bóng tôi trên vách gỗ.

Tối đó, đêm đầu tiên con gái, tôi ở lại bên bìa rừng cùng với những ngụm rượu nồng và giọng kể chuyện của anh, thong thả, trầm ấm...

"... Đầu năm ấy, trời se sắt hơn. Mùa thứ hai anh làm nông. Cuối những năm bảy mươi cái khó trên đồng chưa thấy vơi. Lúa non ruộng nhà anh ở tuổi lên đòng xơ xác vì sâu bọ. Phải bán sạch đồ đạc gia đình để có tiền mua thuốc chống rầy cứu lúa. Cứu luôn kinh nghiệm quá sơ sài, non yếu nơi anh khi bỏ phố về quê tập tành làm ruộng. Anh không mảy may tiếc nuối những đồ vật thân thiết đã mang đi đổi lấy thuốc trừ sâu. Thuốc trừ sâu với anh lúc đó quý như thuốc bổ. Chỉ mẹ mủi lòng khi biết được anh đã bán tất cả màu sơn và dụng cụ vẽ của mình.

Mẹ chuẩn bị nuôi gà. Không biết mẹ tìm đâu ra vốn liếng thuê hẳn miếng đất trong làng và mua nhiều loại gà giống, có cả Tam hoàng, Hoa báo, Thiên mao. Đều giống quý, dễ nuôi, mắn đẻ, mẹ bảo thế. Hơn năm mươi năm qua ở phố, người phụ nữ chân yếu tay mềm này đã chăm sóc, nuôi lớn anh bằng đôi tay miệt mài đan áo và trái tim thấm mượt thơ Kiều. Nay ở tuổi về chiều, lại sáng mưa dầm, chiều gió bấc, lam lũ chăm sóc đàn gà. Trách mẹ tham việc thì mẹ cười nói vui: "Về làng chồng, o dượng, chú thím lui tới, miệng tiếng xì xào, mẹ ăn không ngồi rồi sao yên".

Trứng nở, mẹ tất bật hơn với những chuyến đưa đàn gà con ra chợ. Lượt về, mẹ mua ít thứ cần dùng trong nhà và dúi vào tay anh vài gói thuốc lá. Mẹ không quên căn dặn: "Hút ít thôi, ba con ngày xưa xa mẹ sớm cũng vì thuốc lá". Sinh thời, ba làm thơ. Người ta nói in thơ ế ẩm, khó bán không bằng xuất bản cờ "bầu - cua - tôm - cá" bốn màu, in ấn tuy lem nhem nhưng phát hành rất chạy cho mấy con bạc tứ chiếng giang hồ, mang ra đầu làng cuối chợ dụ dỗ, móc túi tiền lì xì của con nít vào dịp Tết. Xoay qua báo. Chờ năm ba tháng mới có bài thơ in báo với khoản thù lao chỉ mua được hộp xi đánh giày. Ba đi dép quanh năm nên không cần đánh bóng, đổi nhuận bút báo lấy thuốc vấn và rượu gạo. Rượu gạo chưa hẳn nguyên gạo ròng, đôi khi cồn bệnh viện ủ với xác hèm cho chóng lên men. Uống, hút, làm thơ. Cuối cùng vào bệnh viện, ba mất. Mẹ là người thứ hai trên trái đất này khuyến khích anh vẽ. Vì thế, tất cả số tiền thu được sau ba bốn mùa gà con mẹ trao hết cho anh với điều kiện chỉ dùng để mua sắm lại dụng cụ và màu sơn.

Hạn thuê đất hết cùng lúc trang trại gà tan tác theo sức khỏe của mẹ. Vào bệnh viện, người ta cũng đưa mẹ vào cùng khoa bệnh của ba ngày trước. Những ngày cuối cùng, mẹ chỉ muốn giữ kỹ chiếc áo tím và tấm ảnh thời trẻ của mẹ. Thời trái tim con gái xúi đẩy mẹ rời bỏ cuộc sống gia tộc, đài các tiểu thư xuống thuyền, bềnh bồng sông nước suốt đời với một thi sĩ mình trần, thân trụi. Còn một thứ nữa, mẹ mong mỏi anh tìm về. Vật cuối cùng ấy là xâu chuỗi cườm xanh ngọc bích yêu quý mẹ đã trao cho người khác thay lời giao ước cưới xin. Người đó không xa lạ gì, là bạn đường thơ ấu, là thông gia nay mai của mẹ. Có qua có lại, ông thông gia bỏ tiền giúp mẹ lập trại gà. Nghĩa cử này như chấp nhận lời cầu hôn nhưng thói quen nghề cho vay, cầm cố, ông ta không quên đặt điều kiện ràng buộc mẹ phải chi trả chút ít thù lao công đất gọi là.

Sau ngày mẹ theo về thế giới của ba, anh rời quê trở lại phố. Một hôm, gom tất cả số tiền thu được sau cuộc triển lãm tranh đầu tiên, anh tìm gặp ông thông gia tương lai của mẹ xin chuộc lại vật kỷ niệm. Đang chuẩn bị đưa gia đình ra nước ngoài sinh sống, gặp anh, ông ta trả lời cụt lủn: "Xâu chuỗi ngọc ấy đã bán cho một nhà buôn đồ cổ lâu rồi", và không hề nói thêm lời nào về con gái của mình, vợ chưa cưới của anh!...".

***

- Bẵng đi một thời gian sau, người học trò lên phố mang theo bức tranh này đến trao cho tôi. Sau tấm tranh, anh chỉ ghi vỏn vẹn lời chào thăm và tạm biệt. Chuyện về tác giả bức tranh bà muốn mua tôi chỉ biết có thể, thưa bà!

- Còn gia đình ông ấy?

- Anh ấy vẫn sống một mình, có lẽ bắt đầu từ lúc cuộc hứa hôn không thành. Bây giờ thú thật, tôi cũng không biết anh đang ở đâu. Gạn hỏi, người học trò mơ hồ rằng - anh phải sống tự cách ly một thời gian dài để vẽ và điều trị bệnh phổi.

Người đàn bà đứng dậy quàng vai ôm chị từ biệt. Trước khi đi, bà ta ta gửi địa chỉ nhờ trao lại tác giả. Đưa khách ra cửa, chị trở vào ngồi lại chỗ cũ, yên lặng ngước nhìn ngắm bức tranh. Chị mỉm cười xấu hổ, hễ có ai nhắc đến anh, chị nói hơi nhiều, lòng chị ấm lại, ký ức tê buốt dấu tích lần yêu đầu trong chị phủ ngập tràn nắng xế tháng giêng. Anh sẽ về. Không ai hứa hẹn với chị điều ấy ngoài xâu chuỗi hạt cườm xanh ngọc bích lấp lánh trên ngực áo thiếu phụ trong tranh.

Chị mở nhạc, bản hòa tấu lúc chiều bị gián đoạn vì người khách, nhẹ nhàng đưa chị bềnh bồng trở lại với hơi hướm thịt da của người đàn ông lầm lũi, cô độc bên sau những ngọn đồi phủ nắng hoàng hôn. Chợt lúc này như có điều gì xui chị nhớ lại cô gái trẻ, vẻ trưởng giả, thân mật đứng sát bên anh giữa cuộc triển lãm tranh ngày nào, cô gái hướng đôi mắt sắc sảo, kiêu hãnh, cứa nát ruột gan về phía chị. Chị bồi hồi nhớ lại.

- À, sao thế nhỉ - đôi mắt của người đàn bà vừa rồi cũng có cái nhìn y hệt?!

Truyện ngắn của TRỊNH HOÀNG
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.