Chư Sê đẩy mạnh tái canh cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có hơn 8.800 ha cà phê. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, huyện thực hiện tái canh khoảng 2.000 ha. Những năm qua, huyện quan tâm hỗ trợ nguồn cây giống cho nông dân tái canh cà phê. 
Để triển khai chương trình tái canh cà phê năm 2020, trên cơ sở nhu cầu đăng ký của người dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn thẩm định vườn cây và các điều kiện tái canh. Qua thẩm định có 266 ha của 474 hộ đủ điều kiện hỗ trợ tái canh gồm: Ia Tiêm 67,8 ha, Bờ Ngoong 42,7 ha, Bar Măih gần 23 ha, xã Dun 22,6 ha, Al Bá 5,5 ha, Chư Pơng 17,4 ha, Ia Blang 29 ha, Ia Hlốp gần 26 ha, Ia Pal hơn 7 ha, Kông Htok 1,8 ha, Ia Glai 2,7 ha và thị trấn Chư Sê 20,5 ha.
Trên cơ sở đó, UBND huyện giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới (Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) chuẩn bị giống để cung cấp cho người dân tái canh. Tổng kinh phí thực hiện chương trình tái canh cà phê năm 2020 là hơn 1,1 tỷ đồng (vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện hơn 820 triệu đồng, vốn Công ty TNHH Nestle Việt Nam hỗ trợ hơn 292 triệu đồng). Từ ngày 6 đến 12-7, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cấp 292.875 cây giống cà phê TRS1 (1.100 cây giống/ha) cho 474 hộ dân.
 Người dân xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) nhận giống cà phê để tái canh. Ảnh: L.N
Người dân xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) nhận giống cà phê để tái canh. Ảnh: L.N
Ia Tiêm là một trong những xã có diện tích cà phê nhiều nhất huyện Chư Sê với 1.427 ha. Tuy nhiên, phần lớn diện tích cà phê của người dân đã già cỗi nên năng suất thấp. Ông Nguyễn Văn Bính (thôn 19) cho biết: “Gia đình tôi trồng cà phê bằng giống tự ươm từ năm 1998 nên quả nhỏ, năng suất thấp. Đến nay, hơn 3 ha cà phê đã già cỗi, mỗi năm chỉ thu được khoảng 2 tấn nhân/ha. Do đó, tôi đăng ký với xã để tái canh 1,2 ha và được huyện hỗ trợ 1.320 cây cà phê giống TRS1. Sau khi diện tích tái canh này cho thu hoạch, tôi sẽ tiếp tục tái canh hết diện tích còn lại”.
Tương tự, anh Rơ Lan Yiu (làng Kluh) phấn khởi nói: “Gia đình tôi có hơn 1 ha cà phê già cỗi. Năm nay, tôi trồng tái canh trên diện tích 0,3 ha và được huyện hỗ trợ 330 cây giống. Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước nên có được cây giống đảm bảo chất lượng để trồng lại giảm chi phí đầu tư”.
Ông Phạm Xuân Vịnh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tiêm-thông tin: Phần lớn diện tích cà phê trên địa bàn xã được trồng vào những năm 1996-1997. Người dân trồng bằng giống tự ươm nên năng suất không cao. Thực hiện chủ trương tái canh, một số diện tích được hỗ trợ tái canh trước đó đã cho thu hoạch đạt năng suất 6-7 tấn nhân/ha (tăng 2-3 tấn nhân/ha) giúp người dân nâng cao thu nhập.
“Qua đánh giá, đây là chương trình rất hiệu quả, giúp giảm bớt chi phí đầu tư giống, có được nguồn giống tốt để sản xuất. Ngoài ra, trên địa bàn xã cũng có khoảng 400 hộ dân liên kết với Công ty TNHH Nestle Việt Nam sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C”-ông Vịnh cho hay.
Tương tự, tại xã Bờ Ngoong, vụ này cũng có 88 hộ dân đăng ký tái canh cà phê với diện tích 42,7 ha. Ông Đinh Thơm (làng Dnâu) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi đăng ký tái canh 1 ha cà phê, được huyện cấp hỗ trợ 1.100 cây cà phê giống. Tôi đã đào hố xong, bón lót phân theo đúng quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và tiến hành trồng”.  
Toàn huyện Chư Sê hiện có hơn 8.800 ha cà phê. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, huyện thực hiện tái canh khoảng 2.000 ha. Để chương trình tái canh được triển khai hiệu quả, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và thành lập Ban chỉ đạo trồng tái canh cà phê cấp huyện; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập tổ chỉ đạo tái canh cà phê cấp xã. Đến nay, bà con nông dân trong huyện đã tái canh được khoảng 2.100 ha (huyện hỗ trợ người dân theo chương trình tái canh được trên 1.600 ha và người dân tự tái canh 500 ha).  
Trao đổi với P.V, ông Lê Sỹ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: “Sau khi người dân đăng ký diện tích tái canh cà phê, chúng tôi phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc; đồng thời hỗ trợ giống đảm bảo chất lượng, giúp bà con giảm chi phí đầu tư. Đến nay, một phần diện tích tái canh đã cho năng suất đạt 5-7 tấn nhân/ha.     
“Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền về chính sách tái canh cà phê, vận động người dân tiếp tục triển khai thay thế những vườn cây già cỗi, năng suất thấp bằng những giống mới chất lượng, năng suất cao hơn, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Đồng thời, mở các lớp tập huấn cho người dân về quy trình trồng, chăm sóc cây cà phê hiệu quả”-ông Quý cho biết thêm.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

(GLO)- Huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có gần 7.000 hội viên người cao tuổi (NCT), trong đó, 659 hội viên được công nhận là NCT làm kinh tế giỏi. Họ là lực lượng đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.