Tại khu vực này có 4 người dân thuộc tỉnh Bình Định lên thuê đất sản xuất dưa hấu niên vụ năm 2023 bị cô lập, gồm: ông Trần Văn Phong (1981), ông Phan Đình Cường (1976), bà Trần Thị Diễm (1984; cùng thường trú tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) và anh Lê Minh Khiêm (1991; thường trú tại xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn).
Ủy ban nhân dân huyện đã khẩn trương thành lập đoàn công tác do Chủ tịch UBND huyện là trưởng đoàn cùng các lực lượng cứu hộ của huyện xuống trực tiếp hiện trường chỉ đạo, triển khai công tác cứu nạn. Đến 0 giờ 30 phút ngày 10-10, 4 người dân đã được cứu hộ và di chuyển đến nơi an toàn.
Hiện trường đoạn sạt lở từ làng Sâm đi suối Khôn, xã Ia Piơr. Ảnh: Khánh Linh |
Tuy không có thiệt hại về người nhưng nước lớn từ thượng nguồn đổ về kết hợp cây cối gây tắc cống qua đường tại vị trí ranh giới xã Ia Tôr-Ia Bang, nước tràn qua đường gây sạt lở bờ hạ lưu; chiều dài vị trí sạt lở khoảng 10 m, sâu khoảng 3 m. Tại đường dân cư nội làng Siu (xã Ia Me), nước cuốn trôi cống, làm sạt lở một số điểm đường giao thông. Tại xã Ia Ga, đập đất của thủy điện Ia Glai 2 bị vỡ, tuy nhiên không gây thiệt hại; cầu gỗ dân sinh tại thôn Đồng Tâm bị hư hỏng. Các ngầm tràn tại xã Ia Boòng, Ia Kly, Ia Piơr, Ia Pia bị ngập.
Sáng 10-10, đoàn công tác của UBND huyện do đồng chí Từ Ngọc Thông-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở trên địa bàn các xã, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đánh giá mức độ thiệt hại đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền vận động Nhân dân hết sức cẩn trong mùa mưa lũ.
Hiện nay, các địa phương đang huy động lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” để dọn dẹp rác tại các cống thoát nước, khơi thông dòng chảy, căng dây cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm để người dân phòng, tránh. Tổ chức đánh giá, thống kê diện tích, mức độ thiệt hại của cây trồng theo quy định báo cáo cơ quan cấp trên theo quy định.